In bài này
UAV Nga có thể bay thành bầy
Chủ Nhật, 18/09/2016 - 5:42 PM
Quân đội Nga đã tiến hành thử nghiệm phần mềm mới dành cho máy bay không người lái (UAV) cho phép các UAV riêng lẻ hợp thành bầy và tiến hành quan sát chung.
Còn với các UAV chiến đấu thì trù tính khả năng độc lập quan sát và tiêu diệt mục tiêu mặt đất và trên không của đối phương.

Khả năng tập hợp các UAV phân tán thành tốp được quân đội các nước nghiên cứu trong mấy năm gần đây. Khó khăn chủ yếu ở đây là điều khiển bầy UAV - một hay hai nhân viên điều khiển phải điều khiển chúng khi đồng thời phải nhận thông tin từ tất cả các UAV trong bầy.

Phần mềm mới của Nga cho phép tập hợp đến 6 UAV thành bầy. Tầm hoạt động của cả bầy bị hạn chế bởi tầm hoạt động tối thiểu của một trong các UAV. Để các UAV có khả năng hoạt động cùng nhau, trên các UAV phải cài cặt không chỉ phần mềm mới, mà cả một khối tính toán nhỏ.

Tất cả các UAV được điều khiển từ một trạm điều khiển mặt đất bằng cách gửi các lệnh điều khiển chung, dạng như vòng trái hay lên cao. Các lệnh này được xử lý bởi phần mềm của trạm điều khiển và được truyền dưới dạng bộ thuật toán đến các UAV. Chúng cũng tự động phân phối với nhau các lệnh nhận được.

Phần mềm do Trung tâm nghiên cứu, thử nghiệm kỹ thuật robot của Bộ Quốc phòng Nga và công ty khoa học-sản xuất “Setersentricheskye platformy” hợp tác phát triển. Việc thử nghiệm quy mô lớn phần mềm này đã được thực hiện trong môi trường ảo, nơi mà các nhiện vụ và điều kiện sử dụng khác nhau được mô hình hóa.

Theo Tổng giám đốc công ty “Setersentricheskye platformy”, ông Aleksandr Mochalkin, năm 2015 đã tiến hành thử nghiệm phần mềm trên các UAV thực. Hồi đó, các chuyên gia thử nghiệm đã hợp thành bầy 3 UAV kiểu 4 cánh quạt làm nhiệm vụ vẽ bản đồ địa hình ở tỉnh Rostov. Các bản đồ 3 chiều thu được chính xác hơn khi các UAV vẽ bản đồ một cách riêng lẻ.

Mùa thu năm 2015, quân đội Nga đã tiến hành thử nghiệm bộ phần mềm Unikum. Nó cho phép hợp thành bầy đến 10 robot trên biển, mặt đất và trên khôg. Sau khi tập hợp, các robot có thể tự phân công lẫn nhau vai trò, lựa chọn robot “dẫn đầu”, thay thế các robot bị tiêu diệt, tìm kiếm mục tiêu, xin phép tiêu diệt mục tiêu và thực hành khai hỏa vào chúng.

Tháng 9/2015, phòng thí nghiệm ARSENL của Trường nâng cao trình độ sĩ quan Hải quân Mỹ đã thử nghiệm một phần mềm của mình, cho phép nhiều UAV bay thành bầy. Trong thử nghiệm, có hơn 50 UAV được hợp thành bầy, sau đó bay thành 2 bầy nhỏ, mỗi bầy 25 chiếc.

Khi bay, các UAV thực hành bay tốp ở chế độ bay bám theo UAV “lãnh đạo”, cũng như trao đổi dữ liệu trong khi bay, hơn nữa việc trao đổi thông tin diễn ra giữa các UAV ở trong một bầy nhỏ, cũng như giữa hai bầy nhỏ. Việc điều khiển tất cả các UAV do một người thực hiện.

Bản thân việc tập hợp các hệ thống vũ khí thành các tốp độc lập không phải là mới. Vào nửa đầu thập niên 1970, Liên hiệp NPO Mashinostroenia ở Reutov, Liên Xô đã phát triển hệ thống tên lửa chống hạm Granit. Hệ thống được nhận vào trang bị của Hải quân Liên Xô vào năm 1983, được hiện đại hóa vào năm 2003 bằng nền tảng linh kiện điện tử mới.

Khi bắn loạt, các tên lửa của Granit hợp thành bầy, lựa chọn ra tên lửa dẫn đầu và hợp thành một không gian thông tin thống nhất, thường xuyên trao đổi với nhau dữ liệu về mục tiêu và tham số bay. Khi bắn vào tốp tàu địch, các tên lửa trong bầy có thể độc lập xác định chủng loại mục tiêu và phân công lẫn nhau mục tiêu để tiêu diệt.

Tên lửa của hệ thống Granit có trọng lượng gần 7 tấn, chiều dài 10 m, đường kính 0,9 m và sải cánh 2,6 m. Tên lửa có thể mang các loại phần chiến đầu khác nhau có trọng lượng đến 750 kg, trong đó có các loại nổ phá và hạt nhân. Tên lửa có thể tiêu diệt mục tiêu ở tầm đến 700 km và bay với tốc độ đến 2,5M (gần 3.000 km/h).
Nam Xương