In bài này
Tình báo điện tử Pháp: Gần như không biết gì (6)
Thứ Bẩy, 01/10/2016 - 2:23 PM
Người ta biết rất ít về những thành công của các chuyên gia mã thám Pháp thời kỳ sau Thế chiến I. Họ đã được điệp viên Schmidt của mình, một nhân viên của cơ quan cơ yếu Đức, báo cáo rõ về máy mã Enigma.
Schmidt sống phóng tùng nên hiển nhiên không thể đủ tiền cho nó. Người Pháp đã sẵn lòng mở tài khoản không hạn chế cho Schmidt. Kết quả là từ năm 1931 đến năm 1939, trong 9 cuộc gặp, anh ta đã chuyển cho người Pháp tổng cộng hơn 300 tài liệu - đó là các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy mã Enigma và hệ khoá mã của nó.

Nhưng các tài liệu thu được không giúp người Pháp tiến gần tới việc giải phá Enigma mà chỉ làm họ thêm tin rằng không thể làm được việc đó. Mùa thu năm 1939, một lực lượng viện binh gồm các chuyên gia mã thám Ba Lan đã đến Pháp. Họ nhanh chóng giúp cho các đồng nghiệp Pháp giải phá một trong các khoá mã của máy Enigma, điều này đã chứng minh quan điểm coi Enigma là bất khả giải phá là sai lầm.

Cùng với người Anh và người Ba Lan, người Pháp đã lao vào nghiên cứu giải phá Enigma cho đến khi Pháp bị quân Đức chiếm đóng. Sau đó, tại nước Pháp của Vichy có một nhóm 50 chuyên gia mã thám và nhân viên bảo đảm hoạt động tại một vi la cách không xa Lyon. Các thành tích của nó rất hạn chế. Nỗ lực giải phá hệ mã của cựu ngoại trưởng Pháp George Mandel, người sau đó phải ngồi tù vì mưu toan thành lập một chính phủ kháng chiến Pháp ở Bắc Phi, cũng thất bại.

Hoạt động của nhóm mã thám của chính phủ Vichy thường nhằm chống lực lượng kháng chiến bí mật Pháp, nhưng các tin tức mà nhóm này thu được không bao giờ được chuyển cho quân Đức. Một thành viên của nhóm này là Charles Eireau, sau này trở thành tác giả một cuốn sách giáo khoa nổi tiếng về mã thám, đã đốt cháy các tài liệu của nhóm khi có nguy cơ quân chiếm đóng Đức đoạt được chúng.

Trong thập niên 1990, cơ quan tình báo chủ yếu của Pháp là Tổng cục An ninh Đối ngoại DGSE (Direction Générale de la Sécurité Extérieure). Về mặt hành chính, nó nằm trong Bộ Quốc phòng, nhưng trên thực tế nó thuộc quyền tổng thống Pháp và nhận chỉ thị trực tiếp từ tổng thống. Trong số các bộ phận của DGSE có một nhóm kiểm soát vô tuyến điện tử, chịu trách nhiệm tiến hành tình báo vô tuyến điện tử. Nhóm kiểm soát vô tuyến điện tử có trong tay hơn 100 trạm chặn thu.
Chu Hà