In bài này
Tình báo điện tử Pháp: Lúc này hoặc không bao giờ (5)
Thứ Sáu, 30/09/2016 - 1:20 PM
Đầu năm 1918, nước Đức bắt đầu hiểu ra là nếu họ muốn giành chiến thắng trong Thế chiến I thì họ phải làm bằng được điều đó trong mùa xuân sắp đến, ngoài ra không còn cơ hội nào nữa.
Và các nước đồng minh chống Đức cũng hiểu nước Đức đang mưu tính một cuộc tấn công quyết định vào mùa xuân năm 1918. Điều đó được xác nhận thêm với việc Đức đưa vào sử dụng loại mật mã mới vào tháng 3. Việc thay thế loại mật mã cũ là một bộ phận cấu thành của kế hoạch giữ bí mật hoàn toàn cho cuộc tấn công đang được chuẩn bị cùng các cuộc tấn công nghi binh trên toàn mật trận và việc tập kết binh lực bí mật trên hướng tấn công chính.

Người Anh và người Pháp đã dùng mọi nỗ lực để xác định thời gian và địa điểm quân Đức tấn công. Nhưng khi quân Đức sử dụng hệ mã mới thì một trong những nguồn tin đáng tin cậy nhất là nguồn mã thám cũng đã biến mất. Còn các kênh còn lại thì chẳng đem lại gì đáng kể.

Ngày 21 tháng 5, vào lúc 4 giờ 30 phút, hơn sáu ngàn khẩu pháo đã khai hoả bắn vào các trận địa của Anh-Pháp trên sông Somme. Năm giờ sau, 60 sư đoàn Đức đã tấn công vào khu vực mặt trận dài 80 km. Quân Pháp và Anh bắt đầu vội vã tháo lui hỗn loạn. Trong chưa đến một tuần, quân Đức đã chọc thủng một khoảng lớn trong phòng tuyến của đối phương. Và chỉ khi quân Anh và Pháp rút lui đến Amen thì họ khó khăn lắm mới tập trung được lực lượng và chặn đứng được đường tiến của quân Đức.

Đến lúc người Pháp lại phá giải được hệ mã của Đức thì cuộc tấn công của Đức ở mặt trận phía Tây đã bị cầm chân và khối lượng điện tín liên lạc đã giảm đi. Tất cả đã thay đổi vào ngày 26 tháng 5 khi quân Đức lại một lần nữa mở cuộc tấn công bất ngờ và các bức điện tín của chúng lại tràn đầy làn sóng điện tạo ra nguồn thực phẩm dồi dào cho cơ quan tình báo vô tuyến điện tử Pháp. Vào lúc 5 giờ ngày 1 tháng 6, các chuyên gia mã thám quân sự Pháp đã đọc được các điện mã ngày 30 tháng 5 của Đức mà họ chặn thu được trong ngày đêm trước đó.

Đến lúc này, các nước đồng minh đã mấp mé trên bờ vực thất bại. Quân Đức bắn phá Paris bằng pháo tầm xa. Một lần nữa một câu hỏi hóc búa lại đặt ra là Ludendorff sẽ lại mở cuộc tấn công mới ở đâu. Giá như ông ta lại đạt được sự bất ngờ như của hai cuộc tấn công trước thì số phận của Paris và của cả cuộc chiến nói chung có lẽ đã được định đoạt. Một cuộc tấn công mới của quân Đức đã chỉ có thể chặn đứng nhờ cánh quân bảo vệ bên sườn của quân dự bị. Nhưng muốn làm điều đó thì phải biết tung lực lượng đó đến đâu.

Trong khi đó, Ludendorff cũng có thừa việc để làm. Học thuyết quân sự Đức đòi hỏi phải tiến hành pháo kích ồ ạt bất ngờ nhằm làm tê liệt phòng ngự của kẻ địch trước khi bộ binh tấn công. Việc chế áp địch bằng hoả lực được bảo đảm bằng cách tập trung nhiều ngàn khẩu pháo và hàng ngàn tấn đạn dược cho chúng trên giới tuyến mặt trận. Việc điều động pháo và đạn chỉ được tiến hành ban đêm để giữ được yếu tố bất ngờ. Kết quả là Ludendorff đã làm cho những tin tức gián tiếp về ý đồ của quân Đức mà Bộ Tổng tham mưu Pháp thu được trở nên kém quan trọng và trái ngược nhau. Dựa trên những tin tức này không thể đưa ra các kết luận cụ thể.

Sáng ngày 3 tháng 6, một trong các chuyên gia mã thám của Bộ Tổng tham mưu Pháp đã sử dụng các khoá mã do cơ quan mã thám của Bộ Chiến tranh gửi đến để đọc được một bức điện mã của Đức chặn thu được ba giờ trước đó: “Khẩn cấp điều đạn dược đến. Ban ngày cũng được miễn là có thể giữ được bí mật”. Chức vụ của người nhận điện mách bảo cho người ta cần phải tìm các dấu hiệu của cuộc tấn công đang chuẩn bị ở đâu.

Việc kiểm tra từ trên không đã xác nhận việc đạn dược được vận chuyển ban ngày, còn những kẻ đào tẩu thì khai báo ngày tháng tấn công là ngày 7 tháng 6. Lực lượng dự bị đã được điều đến nơi cần thiết và quân Pháp đã vững tâm chờ đợi cuộc tấn công của Đức. Cuộc tấn công đã bị đánh bại. Không lâu sau, quyền chủ động đã chuyển sang tay các nước đồng minh chống Đức và họ đã giữ được quyền chủ động đó cho đến tận khi cuộc chiến kết thúc.
Chu Hà