In bài này
Tình báo điện tử Pháp: “Con giun dành cho chú chim non” (3)
Thứ Hai, 26/09/2016 - 9:15 AM
Đến tháng 5 năm 1915, thời kỳ vận động chiến kết thúc. Khối lượng điện tín vô tuyến điện quân sự của Đức giảm mạnh và trong thời gian còn lại của năm đó khối lượng này là rất nhỏ.
Thời kỳ nghỉ ngơi này đã tạo điều kiện cho các chuyên gia mã thám quân sự Pháp tiến hành giải quyết các nhiệm vụ khác, chẳng hạn như quay lại đọc các bức điện mã của Đức chặn thu được hồi đầu chiến tranh. Nếu đọc được nội dung của chúng thì có thể làm rõ được lối suy nghĩ của các chiến lược gia Đức.

Sự yên lặng của nửa cuối năm 1915 đã được thay thế bởi sự bùng nổ truyền tin vô tuyến điện vào đầu năm sau. Đó là năm người Đức liên tục lựa chọn các phương pháp mã hoá được biết đến để tìm ra loại mật mã lý tưởng. Nhưng người Pháp cũng không chịu thua kém và Bộ Tổng tham mưu của họ đôi khi nhận được 2-3 loại mã đã giải phá được trong vòng vài giờ.

Trong các hoạt động nghiên cứu mã thám này, người Pháp tinh tường phát hiện ra mọi điểm yếu trong các hệ thống liên lạc cơ yếu của đối phương. Đặc biệt có lợi là các bức điện có tính máy móc kiểu “Đêm trôi qua bình yên” hay “Không có gì để báo cáo”. Người Pháp cũng biết cách thu lợi kể cả từ các đặc điểm tính cách quen thuộc của người Đức - đó là tính phương pháp. Mỗi hệ mã mới người Đức đều thử nghiệm bằng cách mã hoá các câu châm ngôn thành các bức điện kiểm tra. Câu châm ngôn “Con giun dành cho chú chim non” đặc biệt hay được dùng cho mục đích này.

Biết được số thành ngữ tiêu chuẩn của người Đức và các thủ đoạn tiến hành liên lạc vô tuyến điện của họ cũng rất hữu dụng. Người Pháp đã có hình dung chi tiết về tất cả điều đó ngay trong những tháng đầu chiến tranh. Khi đó, các báo vụ viên Đức vốn đang say sưa với các chiến thắng chớp nhoáng, lúng túng bởi khối lượng điện tín liên lạc và do tức giận với công việc mã hoá nhàm chán nên đã quay sang gửi các bức điện bằng bản rõ.

Đôi khi, người Pháp tiến hành bắn phá chiến hào của quân Đức và giả như đang chuẩn bị tấn công chỉ để quân Đức đưa vào trong bản rõ các bức điện mã của mình một số từ rất cần thiết cho các chuyên gia mã thám Pháp.

Hệ mã đầu tiên trong các hệ mã mới của Đức đã xuất hiện năm 1916 đồng thời với các hoạt động liên lạc vô tuyến điện gia tăng đột ngột. Bộ Chỉ huy Tối cao Pháp cho rằng, đây là dấu hiệu quân Đức chuẩn bị tấn công. Bản rõ các bức điện mã của Đức chặn thu và giải mã được tại cơ quan mã thám của Bộ Chiến tranh Pháp chẳng qua chỉ là những bài học cơ yếu đơn giản, những mẩu bài báo và thậm chí các công thức lượng giác.

Như vậy, các chuyên gia mã thám quân sự đã giúp bộ chỉ huy Pháp không cần phải áp dụng các biện pháp khẩn cấp để chuẩn bị phản kích cuộc tấn công của Đức.

Chu Hà