In bài này
Tình báo điện tử Pháp: Phân biệt bộ binh với kỵ binh bằng cách nào (2)
Thứ Bẩy, 24/09/2016 - 8:12 AM
Ban đầu, các trạm thu vô tuyến điện của Pháp chỉ được bố trí trong các pháo đài lớn và tại ba trạm chặn thu đặc biệt. Sau đó, trong quá trình chiến tranh, Pháp đã thiết lập một hệ thống chặn thu phức tạp và rộng khắp.
Sáu trạm định vị vô tuyến điện nằm dọc chiến tuyến. Sau này bổ sung cho chúng có thêm hai trạm chặn thu ở thủ đô Pháp - một ở tháp Eiffel, trạm kia ở trong toa nhà ga điện ngầm Paris Trocadéro. Tất cả các trạm chặn thu đều được nối bằng liên lạc hữu tuyến với Bộ Chiến tranh. Như vậy, người Pháp đã nhận các bức điện vô tuyến của Đức nhanh cũng như những người nhận hợp pháp của chúng. Trong chiến tranh, theo đánh giá của Cartier, các thuộc cấp của ông đã chặn thu được trên 100 triệu từ, đủ để lập một thư viện gồm một ngàn tập sách dày cỡ trung bình.

Công tác tổ chức chặn thu thuở ban đầu không đủ hoàn thiện. Người Pháp không đủ các máy định vị vô tuyến điện nên buộc phải xác định khoảng cách đến đài phát theo âm lượng tín hiệu chặn thu được. Các nhân viên vận hành nhận xét các tín hiệu của Đức nghe được là “rất to”, “to”, hay “nhỏ”. Bằng cách ghi lên bản đồ một số lượng lớn các dữ liệu gần đúng đó và vẽ các vòng tròn có bán kính bằng khoảng cách phỏng đoán, chỉ hai tuần sau khi chiến sự bùng nổ, người Pháp đã xác định được khá chính xác vị trí các đài vô tuyến điện của Đức.

Bằng cách ghi nhận các tín hiệu gọi, khối lượng điện tín và người nhận của tất cả các đài vô tuyến điện, người Pháp đã lọc ra được bốn lưới liên lạc chính mà theo phỏng đoán của các chuyên gia mã thám quân sự Pháp, mỗi mạng đó đều thuộc về một cụm quân chiến đấu Đức riêng biệt. Những đặc điểm đặc trưng của các tín hiệu chặn thu được đã cho phép nhận dạng các đài vô tuyến điện của các bộ tham mưu địch, còn qua lưu lượng liên lạc có thể phân biệt nhanh chóng các đài vô tuyến điện đang di chuyển của các đơn vị kỵ binh so với các đơn vị bộ binh.

Đó là việc phân tích sơ bộ thông tin chặn thu. Nó giúp người Pháp đánh giá các đội hình chiến đấu của địch, cảnh báo về các hành động quân sự quan trọng mà dấu hiệu báo trước của chúng là lưu lượng điện tín liên lạc gia tăng. Công việc phân tích sơ bộ bao gồm cả việc phân loại các bức điện mã chăn thu được để mã thám. Các tập đoàn quân Đức sử dụng các loại mật mã khác nhau với ký hiệu mã giống nhau hay các khoá khác nhau cho cùng một hệ mã. Chỉ có định vị được đặc biệt chính xác toạ độ của máy phát bằng máy định vị vô tuyến điện và xác định được tín hiệu gọi của nó thì mới có thể phân biệt các bức điện mã trên các ngôn ngữ “mật mã” khác nhau.

Nhưng không lâu sau thì năm chuyên gia mã thám trình độ cao ở Bộ Chiến tranh thuộc quyền Cartier đã tỏ ra không đủ. Hơn nữa, họ còn phải hỗ trợ cho Bộ Ngoại giao đọc điện tín mật mã ngoại giao trên kênh Berlin-Madrid. Các nhân viên thuộc cấp của Cartier còn phải đọc cả điện tín mật mã hải quân Đức vì Bộ Thương thuyền Pháp không có các chuyên gia mã thám trong biên chế của mình.

Phòng Cơ yếu của Bộ Chiến tranh đã giải phá được một loại mật mã của tàu ngầm Đức. Điều đó diễn ra thật đúng lúc khi sau đó một thời gian Pháp phát hiện ra là cứ nửa đêm, một đài vô tuyến điện bí mật ở thành phố Naune lại gửi điện báo cho các tàu ngầm Đức ở Địa Trung Hải biết thời gian ra khơi và tuyến hành trình của các tàu biển Pháp từ cảng Marseille.

Thông tin đó là các gián điệp Đức hoạt động ở dải bờ biển chuyển cho bọn Đức. Các trạm chặn thu Pháp chặn thu các bức điện mật mã của bọn gián điệp và gửi về cơ quan mã thám qua đường điện báo. Các chuyên gia mã thám cần không quá một giờ để giải mã chúng. Trước 4 giờ sáng, người chỉ huy cảng ở Marseile đã biết được nội dung các bức điện mã đọc được - thời gian này cũng vừa đủ để thay đổi lịch trình các chuyến đi và đánh lừa các tàu ngầm Đức. Các tàu đã ra khơi thì nhận được lệnh thay đổi hướng đi qua vô tuyến điện.

Người Pháp đã gửi cho người Anh nhiều loại mật mã Đức mà họ giải phá được vì bản thân sự sống còn của nước Anh phụ thuộc vào khả năng chiến đấu của các hạm tàu Anh. Tuy vậy, cứ thêm một người được biết về việc giải mã các bức điện mã của Đức thì khả năng rò rỉ tin tức giá trị cũng tăng lên một ít và nguy cơ nước Anh mất đi khả năng khống chế trên các vùng biển cũng gia tăng. Do đó, cố gắng bảo mật các bí mật mã thám của Anh nhiều khi đã vượt quá mọi ranh giới có thể tưởng tượng.

Một lần trong chuyến thăm Hall, người nắm giữ “Phòng 40”, Cartier đã than phiền về những khó khăn trong việc mã thám các mật mã hải quân Đức. Hall đề nghị chuyển các điện tín mật mã của Đức mà Pháp chặn thu được cho nhân viên thuộc cấp của ông ta vì họ đã có trong tay một bản mật mã đang lưu hành của Đức. Và tất cả những gì có thể có ý nghĩa với Pháp trong các bức điện mã giải được sẽ được chuyển cho Pháp.

Đáp lại, Cartier kể lại chuyện một bức điện mà ông giải mã được một phần đã giúp cứu thoát một chiếc tuần dương hạm của Pháp khỏi bị tấn công bằng ngư lôi. Ông tỏ ra khó hiểu vì sao các chuyên gia mã thám Anh vốn đã biết rõ nguy cơ chết người đối với chiếc tuần dương hạm Pháp ở chính trong bức điện đó, nhưng lại “quên” cảnh báo điều đó cho Pháp.

Đáp lại, Hall lạnh lùng nhận xét: “Thà mất một chiếc tàu còn hơn mạo hiểm để bọn Đức biết được sự tồn tại của cơ quan mã thám chúng tôi”. Từ câu trả lời của Hall là câu hỏi hóc búa của Cartier: “Liệu ông có nói thế không nếu như con tàu đó là của Anh?” - Hall né tránh trả lời.

Một trong những bức điện mã của Đức giải mã được đã tạo điều kiện cho người Pháp tổ chức oanh tạc thành phố Tilt ở nước Bỉ đang bị Đức chiếm đóng đúng vào lúc Hoàng đế Đức Wilhelm đến đó thị sát. Sự kiện này thật thú vị để mà không chia xẻ tin tức về nó với người khác. Và quả thực, tờ báo Pháp Maten đã đăng tin về việc ném bom thành phố Tilt  và nêu rõ nguồn tin cho phép người Pháp lựa chọn chính xác thời điểm để oanh tạc. Người Đức lập tức áp dụng hệ mã mới mà phải một tháng sau người Pháp mới giải phá được và cũng là do sai sót của các nhân viên cơ yếu.

Đến năm 1915, cơ quan mã thám thuộc Bộ Chiến tranh Pháp đã trở thành một cơ quan tình báo vô tuyến điện tử của nhà nước đúng nghĩa đầu tiên trên thế giới. Cơ quan này có biên chế mấy chục người, trong đó có 9 chuyên gia mã thám. Cơ quan này đảm trách các vấn đề quan trọng nhất của mật mã học - bảo mật thông tin trong các kênh liên lạc giữa các đồng minh, đọc điện mật mã ngoại giao và hải quân của địch và bảo đảm độ tin cậy của các hệ mã quân sự của mình. Chỉ huy cơ quan này, Cartier, cũng là người lãnh đạo cơ quan chặn thu. Trực thuộc cơ quan mã thám này còn có Phòng Cơ yếu của Bộ Tổng tham mưu. 15 sĩ quan của phòng này đảm nhiệm tiến hành tổ chức liên lạc cơ yếu của các bộ tham mưu Pháp và giải mã các bức điện mã quan trọng nhất của quân đội Đức bằng các phương pháp và khoá mã mà cơ quan mã thám cung cấp.

Cấp thấp hơn tiếp theo trong hệ thống cơ yếu của bộ máy chiến tranh Pháp là các phòng cơ yếu thuộc bộ tham mưu các tập đoàn quân và binh đoàn giống như các bộ phận thông tin liên lạc trực thuộc các bộ tham mưu này. Sự hiện diện của các chuyên gia mã thám ở gần chiến tuyến đã tạo điều kiện tìm ra các chi tiết có lợi cho công tác mã thám. Chẳng hạn nếu như một đơn vị pháo binh Đức nhận được một bức điện mật mã và hai giờ sau, chúng tiến hành pháo kích vào khu vực đã định thì trong tay các chuyên gia mã thám “tiền phương” Pháp sẽ có được những từ gần như chắc chắn sẽ xuất hiện trong bản rõ  bức điện mã của Đức mới được chuyển đi vài giờ trước và có thể giúp cho việc giải mã bức điện.

Chu Hà