In bài này
Tình báo điện tử Pháp: Những người tiên phong (1)
Thứ Năm, 22/09/2016 - 11:09 AM
Vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, theo mức độ gia tăng căng thẳng và thế giới chuẩn bị cho một cuộc chiến đẫm máu, mối quan tâm đối với mã thám cũng đã tăng mạnh.
Tình yêu trong những cái đầu rỗng
tuếch nhất nhiều khi vẫn sản sinh ra
những mưu kế cực kỳ sắc sảo


K. Prutkov. “Những trước tác”


Những người tiên phong    

Vào thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XX, theo mức độ gia tăng căng thẳng và thế giới chuẩn bị cho một cuộc chiến đẫm máu, mối quan tâm đối với mã thám cũng đã tăng mạnh.

Mối quan tâm này ở các nước là không giống nhau vì nó phụ thuộc vào truyền thống của họ trong lĩnh vực này. Pháp là nước có truyền thống lâu đời nhất. Các sách báo chuyên môn được đăng tải cho đến lúc đó đã thể hiện sự quan tâm nghiêm túc về vấn đề này. Việc áp dụng mã thám trong thực tiễn ngay trước chiến tranh đã mang lại thành quả là giải phá được các mật mã ngoại giao của Đức và Italia.

Hoạt động mã thám liên lạc mật mã của Pháp cũng đã ở trình độ rất cao. Uỷ ban về mật mã quân sự gồm 10 sĩ quan được chọn từ tất cả các quân binh chủng có chức năng lựa chọn các hệ mã để sử dụng trong quân đội và nghiên cứu mật mã nước ngoài.

Năm 1900, Francois Cartier đã được cử làm sĩ quan phụ tá của chủ tịch uỷ ban. Trong Thế chiến I, ông đã trở thành chỉ huy cơ quan cơ yếu quân sự Pháp.

Ngay trước chiến tranh, Cartier đã có nhiều kinh nghiệm thực tế nhờ đọc được các bức điện mã của quân đội Đức mà các trạm vô tuyến điện Pháp chặn thu được trong khi quân đội Đức tiến hành các cuộc tập trận. Uỷ ban cũng thường xuyên nhận được các tin tức có lợi từ các gián điệp, kẻ đào ngũ và những người được tuyển vào lực lượng lê dương nước ngoài của Pháp.

Tất cả những điều đó đã giúp Pháp có được ưu thế vượt trội trong hoạt động tình báo vô tuyến điện tử đối với Đức trước khi chiến tranh nổ ra.

Cần phải lưu ý rằng, ở mặt trận phía Tây chỉ có nước Pháp sẵn sàng nhất cho cuộc chiến trên làn sóng điện. Công lao trong việc này thuộc về các cơ quan mã thám được thành lập từ trước chiến tranh với khả năng mạnh hơn và được tổ chức tốt hơn các nước khác.

Các trạm đã tiến hành chặn thu các bức điện vô tuyến của Đức trong thời bình thì nay chỉ tiếp tục làm việc đó trong thời chiến. Cơ quan cơ yếu do Cartier thành lập trong Bộ Chiến tranh đã nhanh chóng được tăng cường bởi lực lượng động viên.

Trong những ngày đầu chiến tranh, công việc không nhiều nhưng khi quân Đức vượt qua biên giới Pháp vào đầu tháng 8 năm 1914 và như vậy đã tiến xa khỏi các đường dây điện báo của chúng thì các bức điện của quân Đức đã đầy ắp làn sóng điện.
Chu Hà