In bài này
Tình báo điện tử Đức: Cục 9 săn tìm “những con át” (7)
Thứ Bẩy, 17/09/2016 - 9:26 AM
Lịch sử các cơ quan tình báo Cộng hoà Dân chủ Đức bắt đầu vào năm 1951, còn gốc rễ của chúng bắt nguồn từ Viện Nghiên cứu Khoa học Kinh tế tầm thường với định hướng hoạt động chính là thu thập mọi loại thông tin.
Thời gian trôi đi và viện nghiên cứu nhỏ đó đã lớn mạnh thành Tổng cục Tình báo Đối ngoại HVA (Hauptverwaltung Aufklọrung) lừng danh, một bộ phận của Bộ An ninh Quốc gia Cộng hoà Dân chủ Đức (Ministerium für Staats-Sicherheit - MfS).

Sự tồn tại của các cơ quan tình báo Cộng hoà Dân chủ Đức dĩ nhiên bất quá chỉ là một bộ phận nhỏ trong cuộc đối đầu tầm cỡ như thế giữa các siêu cường. Nhưng vấn đề mang tính nguyên tắc là chiến tranh lạnh đang tung hoành quay cuồng trên lãnh thổ cả hai nước Đức. Liên Xô và Mỹ đều đặt ra nhiệm vụ đánh bật nhau khỏi đầu cầu quan trọng là Trung Âu và việc thực hiện nhiệm vụ đó không thể không trở thành nhiệm vụ của các cơ quan tình báo các nước đồng minh của họ.

Cục 14 của HVA phụ trách hoạt động tình báo vô tuyến điện tử. Người ta không hề biết gì về các thành tích của cơ quan này. Được quảng cáo nhiều hơn trên các phương tiện thông tin đại chúng là hoạt động của Cục 9, đơn vị chuyên trách đối phó, ngăn chặn các chiến dịch gián điệp của nước ngoài và tiến hành hoạt động bằng cách cài cắm người và tuyển điệp viên trong các cơ quan tình báo đối phương. Từ khi Cục 9 ra đời cho đến khi Cộng hoà Dân chủ Đức sụp đổ năm 1989, cục này do Harri Schutt lãnh đạo, người mà các cơ quan tình báo Mỹ và phương Tây cho là đã đạt được những thành tựu kinh ngạc và đã gây tổn thất lớn lao cho Mỹ và các đồng minh, kể cả trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử.

Từ những bước đi đầu tiên, Schutt và các đồng nghiệp của ông đã tạo được dấu ấn riêng trong lĩnh vực nghệ thuật tình báo. “Không nhiều, nhưng phải tốt” - đó là phương châm của chúng tôi, - Schutt giải thích.- Những cơ quan tình báo đặt ra mục đích tuyển càng nhiều nguồn tin càng tốt hoàn toàn không nhất định sẽ nhận được cái cần thiết. ít nhưng chất lượng và thiện nghệ - chỉ có thể làm việc một cách thật sự với những tiêu chí đó”. Một số lượng người cung cấp tin không nhiều làm việc cho “văn phòng” của Schutt không phải là những ông bự trên chính trường. Họ chỉ gần gũi với những con át chính trị vào lúc cần thiết.

Lý luận của Schutt sinh ra trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Đến đầu thập niên 1970, đa số các nước trên thế giới không công nhận Đông Đức là một nhà nước có chủ quyền. Khác với Mỹ và Liên Xô, Cộng hoà Dân chủ Đức chỉ có một số lượng ít ỏi các sứ quán để làm đầu cầu tiến hành các hoạt động tình báo. Bởi vậy, Schutt và các đồng nghiệp đã chọn một con đường khác. Những người di tản và đào tẩu đã vào cuộc. Người của Schutt dưới vỏ bọc doanh nhân hay nhà khoa học đảm nhiệm vai trò người cung cấp tin, giao thông viên và báo vụ viên. Dưới đây chỉ là hai ví dụ cho hoạt động thành công của Cục 9.

Trong số các thành tích của Schutt có đòn đánh đau đớn mà ông giáng cho nước Mỹ mặc dù Mỹ vẫn muốn im lặng về điều đó. Từ năm 1982 đến 1984, trung sĩ Không quân Mỹ Jeffrey Carney làm việc cho Cục 9-HVA khi đang là chuyên gia về truyền thông và phiên dịch viên tại sân bay Tempelhof ở Tây Berlin. Sân bay này nằm trong số các cứ điểm quan trọng nhất của tình báo vô tuyến điện tử Mỹ.

Tháng 4 năm 1984, Carney đã bị điều về căn cứ không quân ở Texas. Trong hai năm rưỡi, Carney đã chuyển, ban đầu từ Tempelhof, sau đó từ Texas, bản sao các tài liệu mật về cho Cục 9. Chạy sang Đông Đức năm 1985 và ở đây, Carney vẫn tiếp tục tiến hành do thám những người đồng hương và đồng minh của họ ở châu Âu.

Anh thực hiện việc chặn thu và giải mã các cuộc điện đàm bảo mật giữa các quan chức quân sự và tình báo cao cấp ở Tây Berlin. Cuối cùng, người Mỹ cũng tóm được Carney vào năm 1991 sau khi nước Đức thống nhất. Carney đã bị kết án 38 năm tù. Một trong những nhân vật lão thành của phản gián Mỹ đã nói về Carney: “Một vụ kinh điển của Cục 9 và họ đã tận dụng nó một cách tuyệt vời”.

Thêm một vụ tuyển mộ nữa của Schutt đối với nhân viên cơ quan tình báo vô tuyến điện tử Mỹ là James William III Hall. Đó cũng chính là người thú nhận đã làm việc cho KGB 7 năm, còn năm thứ tám thì “nằm im”. Theo phát biểu của nhiều quan chức Mỹ và Tây Âu, toàn bộ thời gian này Hall đã đánh cắp không chỉ những thông tin bí mật quan trọng liên quan đến chương trình Chiến tranh giữa các vì sao (Sáng kiến Phòng thủ Chiến lược SDI), mà còn hỗ trợ cho Schutt làm hỏng, gây nhiễu và vô hiệu hoá hệ thống theo dõi vô tuyến điện tử của Mỹ đối với Đông Âu.

Chu Hà