In bài này
Tình báo điện tử Đức: Schulze-Boysen (5)
Thứ Ba, 13/09/2016 - 10:16 AM
Ngày 14 tháng 7, các cơ quan an ninh Đức lao ngay theo dấu vết do Kludow chỉ ra. Chúng đã xác định được ai là người chỉ huy lưới tình báo ở Berlin.
Một trong những người chỉ huy lưới là Harro Schulze-Boysen, một sĩ quan cao cấp của Luftwaffe (không quân phát xít Đức), người xuất thân từ một gia đình quý tộc, trung thành với các quan điểm bảo hoàng truyền thống. Năm 17 tuổi, Harro gia nhập tổ chức thanh niên bảo thủ, dân tộc chủ nghĩa có định hướng hoạt động rất phù hợp với quan điểm của gia đình anh. Nhưng trong thời gian học đại học, anh đã cắt đứt quan hệ với tổ chức này và tìm kiếm con đường cải cách toàn bộ cấu trúc xã hội đương thời mà anh cho là đã lỗi thời. Những tìm kiếm này đã dẫn Schulze-Boysen đến với nhận thức là cần đấu tranh với chế độ chuyên chế hiện tại bằng mọi phương tiện có trong tay.

Rất nhanh chóng, nhờ khả năng ngôn ngữ và được sự ủng hộ của tư lệnh không quân Đức (Năm 1936, khi Schulze-Boysen quyết định lấy vợ thì chính Thống chế Goering là người làm chứng cho đám cưới của họ), Schulze-Boysen đã vào làm công tác tình báo vô tuyến điện tử tại Phòng nghiên cứu không quân. Schulze-Boysen bắt đầu hợp tác với tình báo Liên Xô chính vào thời gian này. Năm 1940, anh đã chuyển sang đơn vị khác của không quân Đức, nhưng vẫn còn quyền ra vào Phòng nghiên cứu không quân. Schulze-Boysen và vợ anh giao thiệp rộng rãi trong xã hội thượng lưu Berlin, cuộc sống cao sang đã đẩy họ gặp gỡ những nhà hoạt động nổi danh của nước Đức Hitler.

Schulze-Boysen là người có khả năng cài cắm điệp viên của mình thậm chí vào nơi cẩn mật nhất của Abwehr là cơ quan mã thám. Điệp viên đó là anh chàng Horst Helman trẻ tuổi, người đã có nhiều kinh nghiệm đấu tranh chính trị, đoàn viên của tổ chức đoàn thanh niên cộng sản và đảng viên Đảng Cộng sản Đức. Sau đó, Helman đã giả đò chạy sang phía chế độ Hitler và tỏ ra trung thành cuồng tín đối với những kẻ đồng chí hướng mới của mình. Bởi thế mà Helman ban đầu được điều đến làm việc ở đài vô tuyến điện trung ương của Abwehr, còn sau đó là ở cơ quan mã thám tuyệt mật của nó.

Sự quen biết Schulze-Boysen đã đánh dấu một bước ngoặt mới trong cuộc đời Helman. Bước ngoặt này là cuối cùng: Helman trung thành với Schulze-Boysen cho đến hơi thở cuối cùng. Helman còn tuyển cho Schulze-Boysen một điệp viên nữa tại cơ quan mã thám của Abwehr là Alfred Traxle, người đã cung cấp những tin tức quý giá trong một năm ròng. Ngoài ra, Schulze-Boysen còn có một điệp viên khác là Heinrich Koummerow, một trong những kỹ sư tài năng nhất của hãng Lewe-Opta-Radio của Đức chuyên cung cấp cho Funkabwehr các thiết bị định vị vô tuyến điện và bị Koumerrow khéo léo làm hỏng theo chỉ thị của Schulze-Boysen.

Nhưng chẳng lẽ Horst Helman không báo cáo gì cho Schulze-Boysen về hoạt động của nhóm Kludow? Đây là vấn đề gây tranh cãi. Được biết tối thứ bảy, ngày 29 tháng 8 năm 1942, một bầu không khí chạy ngược chạy xuôi đáng sợ ngự trị trong các khu làm việc của Funkabwehr. Kludow và các thuộc cấp đã chuyển sang các phòng rộng hơn. Họ chuyển nhà rất vui vẻ và hăng hái, nhưng sau khi mọi người thu xếp đâu vào đó xong, Kludow lại trở về là một người chỉ huy nghiêm khắc. Ông tuyên bố rằng, hôm sau, chủ nhật, mọi người phải đi làm bù thời gian đã mất hôm thứ bảy. Tất cả đều buồn bã, ngoại trừ Horst Helman, nhân viên chăm chỉ và có kỷ luật nhất. Nhưng anh lại đã hẹn với bạn bè đi chơi bằng thuyền buồm vào ngày chủ nhật nên anh phải báo cho bạn là không thể đi chơi vì cản trở phát sinh đột ngột. Helman đã sử dụng máy điện thoại chỉ có trong phòng Kludow để gọi về Berlin. Nhưng do các bạn của anh không có ở nhà nên Horst đã nhờ bà phục vụ đã trả lời điện thoại nhắn các bạn gọi lại cho anh càng sớm càng tốt. Anh đã để lại số điện thoại của Kludow vì máy điện thoại riêng của anh ở phòng làm việc mới còn chưa được đấu dây.

Hôm sau, gần 9 giờ sáng, tiếng chuông điện thoại đã dứt Klodow khỏi công việc. Ông ta nhấc ống nghe và nghe thấy những lời sau: “Schulze-Boysen đây. Anh muốn nói chuyện với tôi à?” Kludow vốn đã được lãnh đạo Abwehr bí mật thông báo tên thật của những người mà ông đã giúp khám phá, lúc này rất sững sờ: “Alô? Xin lỗi, tôi... tôi không nghe rõ...” - “ Schulze-Boysen đây. Anh yêu cầu tôi gọi gấp cho anh. Có việc gì thế?” - “Xin lỗi... nói chung... anh hiểu cho... anh có thể nói cho tôi biết tên anh viết thế nào không, chữ “u” hay “iu”?” - “Chữ “u”, tất nhiên rồi. Mà hình như tôi nhầm số. Không phải anh gọi cho tôi đúng không?” - Khô-ông... tôi không nhớ ra...” - “Bà người hầu của tôi có lẽ đã nhầm. Ghi không đúng số. Xin lỗi ông”. - “Không có gì”.

Khi Kludow báo cáo ngay cho cấp trên về câu chuyện vừa diễn ra trên điện thoại với Schulze-Boysen thì họ lại nghĩ công việc căng thẳng đã dồn ép vị giáo sư quá nên ông ta đã bắt đầu nghe lẫn. Người ta bàn với Kludow về chuyện nghỉ ngơi, nhưng ông ta bướng bỉnh phủ nhận mình bị ảo thính. Và cuối cùng, ông ta đã xoá tan sự hoài nghi của các chỉ huy của mình khi nhắc đến chuyện viết tên. Kể từ khi Kludow biết về Schulze-Boysen thì vấn đề chữ “u” hay chữ “iu” đã trở thành đối với ông một sự quyến rũ thật sự ma quái. Trong tình trạng bối rối mà cuộc gọi điện thoại gây ra cho ông thì câu hỏi đã tình cờ bật ra.

Điều đó thật thuyết phục và có nghĩa là sự đổ vỡ bắt đầu. Schulze-Boysen rõ ràng là lo lắng vì bị theo dõi nên đã muốn thăm dò bằng cách gọi điện đến Funkabwehr. Và câu hỏi của Kludow đối với Schulze-Boysen là một bằng chứng nữa khẳng định việc phản gián Đức khám phá ra anh là đúng.

Harro Schulze-Boysen đã bị bắt ngay trong ngày đó, sau buổi trưa. Helman đã không thể báo động cho anh về nguy cơ đang đe doạ. Nội dung bức điện mã ngày 10 tháng 10 năm 1941 vẫn còn là một bí mật lớn, ngoại trừ với một nhóm nhỏ bọn cầm đầu Abwehr.
Chu Hà