In bài này
Hải quân Ấn Độ sẽ trang bị Kalibr tấn công mặt đất
Chủ Nhật, 04/09/2016 - 4:07 PM
Ấn Độ có ý định mua các tên lửa hành trình Kalibr với hệ dẫn siêu chính xác tối tân và khả năng tấn công mục tiêu mặt đất của Nga, một nguồn tin ngoại giao tiết lộ hôm 1/9/2016.
Ấn Độ dự định đề nghị Nga bán tên lửa hành trình Kalibr trang bị hệ dẫn siêu chính xác và có khả năng tấn công mặt đất cho họ. Vấn đề mua bán tên lửa này sẽ được thảo luận trong chuyến thăm Ấn Độ sắp tới của Tổng thống Nga Putin.

Delhi hiện cũng đã có tên lửa Kalibr, nhưng là biến thể tên lửa chống hạm, và nay họ muốn mua biến thể tên lửa mà Nga đã sử dụng thành công chống lực lượng khủng bố ở Syria.

Nguồn tin cho hay, các tên lửa Kalibr mà Ấn Độ quan tâm về thực chất chính là các tên lửa đó, tức là với hệ dẫn siêu chính xác, nhưng tầm bắn ở biến thể xuất khẩu theo quy định quốc tế bị giảm xuống còn 300 km.

Các chuyên gia không loại trừ khả năng, Ấn Độ trong tương lai sẽ có thể tự tăng tầm bắn cho tên lửa Kalibr. Việc nắm giữ mẫu tối tân nhất của các tên lửa này sẽ tăng thêm xung lực cho công nghiệp quốc phòng Ấn Độ.

Nguồn tin cho hay, phía Ấn Độ đã xây dựng các đề xuất của mình và sẽ chính thức chuyển cho phía Nga trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 10/2016 của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Ngày 15-16/10/2016, tại bang Goa, sẽ diễn ra Hội nghị thượng đỉnh BRICS dưới sự chủ trì của Ấn Độ và cuối năm 2016 sẽ tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh song phương Nga-Ấn.

Nhà bình luận Nga Piotr Topychkanov cho hay, Ấn Độ hiện cũng đang tự phát triển tên lửa hành trình tầm trung Nirbhay và đã thực hiện thành công vụ phóng thử đầu tiên, nhưng còn lâu mới có thể đưa vào trang bị tên lửa này. Sở hữu Kalibr sẽ là sự hỗ trợ lớn từ góc độ làm chủ công nghệ, hiểu vai trò của các hệ thống đó trong quân đội, xây dựng các kế hoạch tác chiến. Với Kalibr, Ấn Độ sẽ chuẩn bị cho việc đưa vào trang bị hệ thống của mình.

Chuyên gia quân sự độc lập Anton Lavrov nói rằng, hiện chỉ có một số ít quốc gia sở hữu tên lửa hành trình chính xác cao, nên sự xuất hiện của các tên lửa Kalibr mới là một giai đoạn nổi bật trong sự phát triển của quân đội Ấn Độ. Theo ông Lavrov, các mặt mạnh của Kalibr là độ chính xác cao và khả năng tiêu diệt mục tiêu kiên cố, trong đó có các trung tâm chỉ huy và cơ sở phòng không. Điều chủ yếu là hiệu ứng bất ngờ. Khi không quân tiến hành tập kích thì đối phương kịp phản ứng, còn các tên lửa hành trình thì tấn công bất ngờ. Kalibr có thể cơ động và vào tấn công mục tiêu từ các hướng bất ngờ.

Ông Lavrov còn lưu ý đến một khía cạnh quan trọng khác của việc xuất khẩu tên lửa hành trình mới. Kalibr có đặc điểm là sử dụng hệ dẫn vệ tinh chính xác cao, có nghĩa là việc sử dụng tên lửa quy định sự hợp tác rất chặt chẽ theo kênh quân sự với Nga bởi vì phía Nga sẽ phải cho phép Ấn Độ tiếp cận các mô hình trái đất, bản đồ địa hình 3 chiều và tần số quân sự của hệ thống vệ tinh định vị GLONASS. Nga không cung cấp tùy tiện những khả năng đó mà chỉ cho các đồng minh thân cận nhất.

Ngày 16/8/2016, được biết, Moskva và New Delhi đã đạt được tiến bộ lớn trong đàm phán về chương trình hiện đại hóa tiêm kích siêu cơ động Su-30MKI của Không quân Ấn Độ trị giá 7-8 tỷ USD. Máy bay cải tiến sẽ có hệ thống avionics, radar mới, vũ khí hiện đại, độ bộc lộ radar nhỏ hơn. Công việc nâng cấp máy bay sẽ do Công ty HAL của Ấn Độ thực hiện.

Tiêm kích đa năng hạng nặng Su-30MKI được phát triển riêng cho Ấn Độ trên cơ sở Su-30MK và được sản xuất tại Nhà máy hàng không Irkutsk.

Đầu tháng 8/2016 có tin, Nga và Ấn Độ đã đạt thỏa thuận bán lại cho Ấn Độ 3 tàu hộ vệ tên lửa lớp Projekt 11356 (lớp Đô đốc Grigorovich) đang đóng dở cho Hạm đội Biển Đen của Nga.

Tình năng kỹ-chiến thuật của tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14E Kalibr: Chiều dài 6,2m, đường kính 533mm, mang 1 phần chiến đấu phá-mảnh hoặc chùm; tốc độ bay 0,8M, trọng lượng phóng 1.770 kg, tầm bắn 300 km; đường bay trên mặt biển 20 m, trên mặt đất 50-150 m; có thể phóng đơn lẻ hay phóng loạt.

Ngày 19/8/2016, các tàu chiến Serpukhov và Zelenyi dol của Hạm đội Biển Đen đã phóng 3 tên lửa Kalibr từ các trận địa bắn ở Đông Địa Trung Hải vào các mục tiêu của nhóm khủng bố Jebhat Al-Nusra ở Syria. Các tên lửa này đã tiêu diệt một sở chỉ huy và một căn cứ của khủng bố ở gần khu dân cư Dar Taaza, một nhà máy sản xuất đạn cối và một kho vũ khí lớn ở tỉnh Aleppo.

Tên lửa hành trình 3М-14 của hệ thống Kalibr đã lần đầu tiên được sử dụng trong thực chiến vào ngày 7/10/2015 ở Syria. Tên lửa có tầm bắn hơn 2600 km và có khả năng bay bám địa hình ở độ cao nhỏ.

Ấn Độ hiện đã có trong tay họ tên lửa hành trình siêu âm PJ-10 BrahMos với các biến thể chống hạm, tấn công mặt đất trang bị cho tàu chiến mặt nước, bệ phóng cơ động mặt đất. Các biến thể phóng từ tàu ngầm và máy bay đang được phát triển.

Tên lửa siêu vượt âm BrahMos II cũng đang được Nga và Ấn Độ hợp tác phát triển.

Lục quân Ấn Độ đã đưa vào biên chế 3 trung đoàn BrahMos từ năm 2007, trang bị tên lửa BrahMos Block III tầm bắn 290 km. Mới đây, Ấn Độ thông báo sẽ triển khai một trung đoàn BrahMos với khoảng 100 tên lửa hành trình tấn công mặt đất bổ nhào đến biên giới với Trung Quốc.

Hiện nay, ở Đông Nam Á, Việt Nam là quốc gia duy nhất sở hữu tên lửa hành trình tấn công mặt đất 3M-14E Kalibr phóng từ các tàu ngầm diesel Kilo.



VNH