In bài này
Tình báo điện tử Đức: Làn sóng điện sẽ ủng hộ chúng ta, kẻ thù sẽ bị đánh bại! (3)
Thứ Bẩy, 27/08/2016 - 10:36 AM
Hoạt động tình báo vô tuyến điện tử của Đức chống Liên Xô trong thời Thế chiến II xét về phương diện chiến lược là kém hiệu quả và không gặt hái được thắng lợi lớn nào.
Chắc chắn các chuyên gia mã thám Liên Xô đã thay đổi các phương pháp mã hoá điện tín quân sự của mình nên quân Đứcs đã không thể gặt hái được những thành quả ở mặt trận phía Đông như trong Thế chiến I. Giữa năm 1940, khi Hitler quyết định tấn công Liên Xô, quân Đức không hề có các phương tiện kỹ thuật để tiến hành tình báo vô tuyến điện tử ở phía Đông. Một năm sau khi Hitler khai chiến với Liên Xô, cơ quan chặn thu được lập nên từ con số không của Đức đã bắt tay vào thu thập thông tin về quân đội Liên Xô. Kết quả là các tài liệu tình báo vô tuyến điện tử cùng với các bản cung của tù binh đã chiếm đa phần trong toàn bộ lượng tin tức tình báo (90%) về diễn biến chiến sự ở mặt trận phía Đông.

Với tính phương pháp đặc trưng của mình, người Đức đã chia chiến tuyến thành các đoạn dài từ 100-150 km, mỗi đoạn được bảo đảm bởi 1-2 đại đội tình báo vô tuyến điện tử trực thuộc bộ tham mưu tập đoàn quân tương ứng. Ngoài ra, trong thành phần các đại đội vô tuyến điện của các tiểu đoàn thông tin của mỗi sư bộ binh còn được biên chế các trung đội tình báo vô tuyến điện tử, còn tại các khu vực chiến trường đặc biệt nguy hiểm thì bố trí thêm các trạm tình báo vô tuyến điện tử tĩnh tại.

Tất cả các đơn vị này tiến hành tăng cường theo dõi đối với các máy phát vô tuyến điện của đối phương để thông qua các thông tin chặn thu phát hiện ra vị trí triển khai các đơn vị đối phương, vị trí các bộ tham mưu, tính chất hoạt động của quân địch. Các đơn vị  này còn chủ ý phát cho các đài vô tuyến điện đối phương những bức điện vô tuyến nhằm đánh lạc hướng thường được làm giả như sau. Trong các bức điện vô tuyến chặn thu được ban đầu, người Đức sắp xếp lại một số nhóm số cụ thể, sau đó các bức điện giả này được nhập thành một để phát lên sóng điện ở các tần số cần thiết. Kết quả là các đài vô tuyến điện đối phương phải tiến hành thu các bức điện vô dụng khiến họ xao lãng sự chú ý đối với công việc bình thường với các mạng liên lạc quân sự.

Một số chỉ huy Hồng Quân thậm chí còn có cái gọi là bệnh sợ vô tuyến điện. Vì sợ địch nghe được, họ đã thực thi các biện pháp cực đoan vô lối, thậm chí cấm hoàn toàn liên lạc vô tuyến điện hoặc đưa đài vô tuyến điện ra xa sở chỉ huy khiến cho việc sử dụng đài trở nên rất khó khăn. Công tác phân tích mã thám các bức điện mã chặn thu được do các đại đội tình báo vô tuyến điện tử tiến hành. Tuy quân Đức không xem  nhẹ việc chặn thu các bức điện mật mã dễ giải phá này, nhưng do thiếu người có trình độ nên chúng chủ yếu chỉ theo dõi các thông tin vô tuyến điện phát không mã hoá. Việc chuyển các bức điện mã do trung đội tình báo vô tuyến điện tử chặn thu được cho các đại đội tình báo vô tuyến điện tử bị xem là thừa vì mất nhiều thời gian để chuyển và giải mã chúng và do đó giá trị thông tin trở nên không đáng kể. Quân Đức rất thận trọng trong đánh giá các cuộc điện đàm phát rõ nghe lén được của đối phương vì sợ tin giả. Khi trình báo cáo tổng hợp viết dựa trên các cuộc điện đàm như thế, người làm báo cáo nhất định phải nêu ra khả năng tin giả.

Tuy vậy, quân Đức đã kịp thời nhận thấy là đã quá muộn để tạo ra một hệ thống chặn thu và mã thám điện mã quan trọng của đối phương ở mặt trận phía Đông vận hành trơn tru và hiệu quả. Tướng Jodl, tham mưu trưởng tác chiến của Tổng hành dinh Tổng tư lệnh tối cao Đức, nói rằng, "chúng tôi không bao giờ chặn thu và đọc được các bức điện mã vô tuyến của Tổng hành dinh, các bộ tham mưu của các phương tiện quân và tập đoàn quân (Liên Xô)". Chẳng hạn, cụm tập đoàn quân "Phương Bắc" của Đức hoàn toàn không đọc được các bức điện mã của Liên Xô chứa tin tức chiến lược và chỉ đọc được 1/3 tổng số các bức điện mã chặn thu được chứa tin tức hạng trung bình (cấp lữ đoàn) và cấp thấp. Trừ một vài ngoại lệ hiếm hoi, các tin tức tình báo thu được đều không được xử lý kịp thời nên thông tin thu được trên thực tế hầu như là vô dụng.

Những tin tức có tính chiến thuật mà quân Đức thu được nhờ tình báo vô tuyến điện tử may lắm cũng chỉ có thể tạo điều kiện cho những thắng lợi cục bộ. Cũng theo lời Jodl, "ngành tình báo vô tuyến điện tử (của Đức), cũng như tất cả các dạng tình báo khác chỉ hạn chế ở khu vực chiến thuật". Các chuyên gia mã thám Đức rõ ràng đã bất lực không thể giải phá các hệ mã quân sự chiến lược của Liên Xô nên sau này họ đã buộc phải thú nhận rằng, tuy nước Nga đã thua trên làn sóng điện trong Thế chiến I, nhưng đã thắng trong Thế chiến II, mà thắng không chỉ trên làn sóng điện.

Nói chung, các thành tựu của Đức trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử trong Thế chiến II thua xa thành công của Anh. Một trong những nguyên nhân chính của điều đó là sự phân tán lực lượng mã thám Đức. Các chuyên gia mã thám Đức rải ra hoạt động cả ở Bộ Ngoại giao, cả ở tất cả các quân binh chủng, cả trong cảnh sát chính trị và thậm chí cả ở bộ tuyên truyền. Một nguyên nhân khác khiến Đức thua kém trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử là chất lượng kém trong huấn luyện chuyên môn cho các chuyên gia.

Người Đức thua kém người Anh cả về máy móc kỹ thuật giải mã. Các thiết bị cơ điện của Đức hoạt động chậm hơn các thiết bị tương tự của Anh vì chúng không có các bộ phận điện tử hoạt động nhanh. Cuối cùng, khác với Đức, các kẻ thù của Đức trong Thế chiến II sử dụng không phải một, hay hai mà nhiều hơn nhiều các hệ mã vững chắc. Hơn nữa, chúng còn được sử dụng điêu luyện hơn, với ít sai sót và sơ suất có thể khiến chúng bị giải phá hơn.

Trong khi đó, công bằng phải thừa nhận thắng lợi của tình báo vô tuyến điện tử Đức trong trận đấu với lưới tình báo Liên Xô đã đi vào lịch sử với tên gọi "Dàn nhạc đỏ" (Trong các sách báo khác, lưới tình báo Liên Xô ở Đức và Bỉ năm 1941-1942 này được gọi là "Dàn hợp xướng đỏ" theo tên gọi tiếng Đức "Rote Kapelle" mà phản gián Đức đặt cho lưới này - ND.).

Chu Hà