In bài này
Tình báo điện tử Đức: Chúng tôi viết ra để người ta đọc trộm (2)
Thứ Năm, 25/08/2016 - 9:37 AM
Mặc dù vào đầu chiến tranh, nước Nga rất khó khăn trong việc bảo đảm mọi thứ cần thiết, trong đó có phương tiện thông tin liên lạc cho quân đội của mình thì vào nửa đầu tháng 9 năm 1914, Nga đã cung cấp được đầy đủ phương tiện cơ yếu cho quân đội.
Ngày 14 tháng 9, Tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Tối cao Nga đã ra chỉ thị phải mã hoá tất cả các mệnh lệnh quân sự. Hệ mật mã được áp dụng dựa trên mật mã nhiều bảng chữ cái thay số trong đó cho phép mã hoá một số chữ cái liền nhau theo một bảng chữ cái. Mật mã này là một bảng mà phần trên của nó gồm các chữ cái Nga viết thành dòng. Bản thân bảng này gồm có 8 dòng gồm các nhóm hai chữ số viết ngẫu nhiên.

Các dòng khác nhau ở trật tự xếp các nhóm đó trong dòng. Từ bên trái, chúng được đánh số một cách không có hệ thống. Khi mã hoá, các dòng này được sử dụng lần lượt: ban đầu từ số 1, cho đến số 2 và cứ thế tiếp tục. Mỗi dòng được dùng để mã một số ký tự của bản rõ. Số lượng ký tự cần mã bằng dòng đó do chính nhân viên cơ yếu quyết định. Để người nhận có thể giải mã bức điện nhận được, ở đầu bức điện có đặt năm lần con số tương ứng với số lượng ký tự đã được mã bằng mỗi dòng.

Trong quá trình mã, nếu nhân viên cơ yếu muốn thay đổi con số này thì anh ta đưa vào bản văn bức điện mã một nhóm 5 chữ số mà các thành phần của nó cũng vẫn là một con số tương ứng với số lượng mới các ký tự được mã cũng vẫn bằng dòng đó. Như vậy, các bức điện mã của quân đội Nga gồm các nhóm chữ cái được mã bằng cùng một bảng chữ cái. Độ dài của mỗi nhóm chữ cái được quy định nhất loạt là nhóm 5 con số của cùng một con số.

Đến ngày 19 tháng 9, đại uý Herman Pokorny, vị trưởng ban Nga trẻ, tài giỏi của cơ quan mã thám Áo-Hung đã giải phá hệ mã này và phục hồi được tất cả các dòng. Vấn đề là ở chỗ các hệ mã đó không phải là những chướng ngại không thể vượt qua đối với các chuyên gia mã thám bởi lẽ trong bản mã thường giữ lại cấu trúc những từ hay gặp nhất trong bản rõ như "tấn công", "sư đoàn" là những từ được mã toàn bộ bằng một dòng trong bảng. Hơn nữa, ban đầu, nhiều khi các lính thông tin Nga còn đưa cả bản văn rõ vào bản mã. Không lâu sau, người ta đã cấm sử dụng đồng thời văn bản rõ và bản mã trong các bức điện nhưng đã quá muộn và nó đã có tác động tiêu cực.

Pokorny đọc được bức điện mã quan trọng đầu tiên vào ngày 25 tháng 9. Đó là một báo cáo dài của tướng Novikov về kết quả trinh sát và có ghi chú ở cuối: "Tôi quyết định không vượt sông Vistula". Bức điện mã được gửi lúc 8 giờ 40 phút sáng, còn vào lúc 16 giờ 00, viên sĩ quan liên lạc của quân Áo đã gửi nội dung của nó đến bộ tham mưu Đức. Việc biết được quyết định của tướng Novikov đã bảo đảm chiến thắng cho các hoạt động tác chiến của quân Đức-Áo trong giai đoạn đầu trận đánh trên sông Vistula.

Việc đọc được một bức điện mã khác cũng đã ảnh hưởng lớn đến diễn biến chiến sự. Từ bức điện của đại tá sư đoàn kỵ binh Nga, công tước Ingalishchev, quân Đức đã biết được cuộc tấn công đang được chuẩn bị vào pháo đài Peremyschl'. Chỉ huy pháo đài đã được cảnh báo kịp thời và đã chống trả thành công cuộc tấn công cho đến khi cuộc tấn công của quân Áo buộc bên tấn công phải rút bỏ vòng vây quanh pháo đài vào giữa tháng 10. Trong cuộc tấn công này, nhóm của Pokorny đã đọc được mỗi ngày tới 30 bức điện mật mã của địch.

Cũng trong quãng thời gian này, quân Nga đã lần đầu tiên thay đổi mật mã. Bản thân các dòng vẫn giữ nguyên không thay đổi, chỉ trật tự chọn các dòng để mã là thay đổi. Loại mật mã mới đã bị Pokorny giải phá trong vài phút. Mọi khó khăn biến mất sau khi một đài vô tuyến điện của Nga gửi một bức điện mã bằng mật mã mới nhưng đã được gửi đi từ trước khi thay đổi mật mã.

Trong khi đó, người Đức cũng tiếp tục phát triển cơ quan mã thám của mình. Giáo sư triết học Đại học Tổng hợp Koenigsberg Ludwig Deubner được nhận vào dân quân Đức với tư cách phiên dịch viên tiếng Nga. Ông bắt đầu phục vụ trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử bằng việc dịch các bức điện chặn thu được gửi bằng bản rõ. Khi gặp  cả các từ mã trong các tài liệu này thì ông cũng cố đọc cho được chúng. Nhờ dần dần tích lũy được kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực này nên vị giáo sư đã có thể đọc được toàn bộ các văn bản mã của địch.

Giữa tháng 9 năm 1914, Deubner được triệu đến bộ tham mưu và bổ nhiệm làm lãnh đạo các phiên dịch viên được tuyển chọn để huấn luyện mã thám. Sau khoá huấn luyện, họ đã lập thành nhóm mã thám thuộc bộ thammưu. Trước 11 giờ mỗi tối, nhóm này gửi cho Ludendorff các bức điện mật mã đọc được. Ông này rất nôn nóng chờ đợi các bức điện đó và thường hỏi các thuộc cấp là có các bức điện mật mã của địch giải mã được hay không. Các mệnh lệnh mà Ludendorff ban ra hôm sau một phần lớn là dựa vào thông tin thu được từ các chuyên gia giải mã. Nếu các bức điện mật mã giải mã được không được chuyển đến kịp thời thì ông tự đến nhóm mã thám để tìm hiểu nguyên nhân chậm trễ. Còn nếu trong các bức điện vô tuyến của địch chặn thu và đã xử lý không có các thông tin giá trị thì Ludendorff liền tỏ ý không hài lòng về việc nhóm mã thám làm việc không tập trung. Tuy nhiên, điều đó hiếm khi xảy ra.

Không lâu sau, người ta đã đặt đường dây điện thoại trực tiếp giữa các nhóm của Pokorny và Deubner. Họ đã phối hợp cùng nhau đọc được hầu như tất cả các bức điện mật mã của Nga thu được ở các trạm chặn thu. Qua điện tín vô tuyến tuyến điện, họ đã biết trước cuộc tấn công mà Nga dự định vào Silezia, một trung tâm công nghiệp của Trung Âu. Đến cuối tháng 9, Hindenburg và Ludendorff đã có thông tin về cơ cấu, bố trí, quân số và các kế hoạch của quân Nga, những thông tin đó không khác gì với kế hoạch do Tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Tối cao Nga soạn thảo. Phía Đức chỉ không biết ngày phát động tấn công, nhưng quân Đức đã quyết định giành quyền chủ động và tấn công phủ đầu.

Ngày 11 tháng 10, tập đoàn quân số 9 do August von Mackensen (1849-1945) chỉ huy đã thọc sâu vào đội hình phòng ngự của Nga. Vào lúc 14 giờ 10 phút hôm sau, tham mưu trưởng một tập đoàn quân Nga bị tấn công đã gửi qua vô tuyến điện một bức điện mật mã dài. Ngoài ngày tháng của cuộc tấn công dự định, trong bức điện này còn nêu khu vực hiểm yếu nhất trong đội hình chiến đấu của tập đoàn quân này - đó là nơi tiếp giáp giữa tập đoàn quân này với một tập đoàn quân bạn. Hôm sau, bản giải mã và dịch của bức điện này đã nằm tại bộ tham mưu Đức ở mặt trận phía Đông, còn nội dung của nó lập tức được chuyển cho Mackensen. Vào lúc 19 giờ 30 phút, với bản đồ bố trí quân Nga trước mặt, ông ta hạ lệnh cho quân lính dưới quyền chuyển sang tấn công trên toàn mặt trận hướng đòn đánh chính nhằm vào điểm tiếp giáp giữa hai tập đoàn quân Nga.

Trước đó, quân Nga đã thay đổi hàng ngày chế độ sử dụng các mật mã bảng chữ cái, nhưng vẫn giữ nguyên các bảng mã chữ cái như cũ. Vì thế các chuyên gia mã thám của đối phương vẫn liên tục đọc được các bức điện mật mã của Nga. Luồng thông tin thu được nhờ tình báo vô tuyến điện tử không hề giảm sút. Quân Đức đã quen với nó đến mức ngày 19 tháng 10 Mackensen đã trì hoãn hạ lệnh cho đến khi nhận được tin tức từ các chuyên gia mã thám.

Hôm sau đã trở thành ngày đen tối đối với nhóm mã thám Đức. Trong bức điện mật mã chặn thu được của tập đoàn quân số 4 của Nga trong đó cảnh báo rằng quân Đức đang có các khoá mã cho một loại mật mã của Nga. Người Nga đã lấy được khoá mã của một mật mã Đức nên họ phỏng đoán đối phương cũng đã có thể làm được điều tương tự. Loại mật mã mới đã được đưa vào sử dụng, nhưng lần này quân Nga còn thay đổi toàn bộ các thành phần của hệ mã. Một tấm màn im lặng buông xuống mặt trận phía Đông. Mất hết tai mắt, quân của Mackensen cho đến ngày 21 tháng 10 đã bị rơi vào "bị". Quân Nga đã đắc chí nghĩ đến chiến thắng và đã xin tàu hoả để chở tù binh. Nhưng hôm sau nhóm mã thám của Pokorny đã giải phá được mật mã mới và dòng thông tin quý giá lại chảy đến bộ tham mưu Đức. Nhờ đó, quân Đức đã biết được điểm yếu trong vòng vây của quân Nga. Đến ngày 25 tháng 10, quân Đức đã đột phá vòng vây thành công.

Đến mùa xuân năm 1915, quân đội Nga hoàn toàn từ bỏ hệ thống các mật mã cũ và bắt đầu sử dụng mật mã Ceasar đơn giản. Số lượng lớn các bảng được sử dụng trong điều kiện chiến đấu gấp rút và việc thay đổi hàng ngày các khoá mã là một nhiệm vụ quá sức đối với các báo vụ viên. Trong điều kiện đó, việc giải phá mật mã tiếp theo của Nga gần như chẳng có gì khó khăn đối với Áo-Hung và Đức.

Nhờ đọc được các bức điện mật mã của Nga, các nước phe Đức đôi khi đã áp dụng được các biện pháp vốn là giải pháp chiến thuật duy nhất đúng trong tình huống đó. Bộ Tổng tham mưu Nga đã tỏ ra lúng túng trước sự sáng suốt của kẻ địch. Một lần, hai ngày trước cuộc tấn công lớn của quân Nga, quân Đức đã bỏ lại các vị trí chiếm lĩnh của mình. Một trong những cách giải thích vì sao quyết định của bộ chỉ huy Đức lại phù hợp với tình hình lúc đó như thế theo người Nga đó là do quân Đức đã sử dụng các bức không ảnh.

Nhưng dần dần, người ta ngày càng tin rằng, kẻ địch đang đọc được điện tín mật mã của Nga. Khi cuộc tấn công mùa xuân của Đức trong năm chiến tranh thứ hai đã lêm đến đỉnh điểm thì quân Nga lại thay đổi mật mã. Nhưng sự thay đổi này lại làm cho chính họ rất khốn khổ vì người nhận không thể đọc được hầu như tất cả các bức điện mã truyền theo vô tuyến điện trong hai ngày đầu sau khi thay đổi mật mã do có quá nhiều lỗi.

Tháng 6 năm 1916, phương pháp mã hoá lại bị thay đổi - người Nga đi nước cờ đầu tiên của mình. Có thể họ phải làm điều đó là do áp lực của Pháp vì nước này qua các bức điện mật mã giải được của Đức đã biết quân Đức đang đọc được các bức điện mã của Nga; hoặc là do tác động của cơ quan chặn thu bắt đầu hoạt động vào năm 1916 của chính nước Nga.

Tình hình rối loạn gia tăng của quân đội Nga đã tác động tiêu cực đến cơ quan thông tin liên lạc của họ. Tính ba hoa của các báo vụ viên đã tăng tỷ lệ thuận với kỷ luật quân đội sa sút. Đầu năm 1917, chỉ trong một ngày, cơ quan mã thám Áo đã đọc được hơn 300 bức điện mã của Nga và qua đó biết rằng cơ quan bảo đảm an ninh thông tin liên lạc của Nga đang tan rã mau lẹ.

Cần phải nói rằng, cho đến đầu Thế chiến II, cơ quan cơ yếu Nga đã nhớ đến kinh nghiệm xương máu của những người đi trước và rút ra được các bài học. Lập tức sau khi Đức tấn công Liên Xô, một trong các tiền đồn của Hồng Quân đã phát qua vô tuyến điện bằng bản rõ: "Chúng tôi đang bị bắn. Chúng tôi phải làm gì đây?" Câu trả lời sau đó là" "Các anh điên rồi! Tại sao điện của các anh không được mã?!"
Chu Hà