In bài này
Tình báo điện tử Canada: Theo yêu cầu của các nước đồng minh (3)
Thứ Tư, 17/08/2016 - 8:16 AM
Năm 1977, đến lượt CSE bị áp lực mạnh từ NSA như CBNRC phải chịu sáu năm trước. Người Mỹ lại cho rằng, các đồng nghiệp Canada quá thờ ơ đối với việc thu tin tình báo vô tuyến điện tử ở nước ngoài, trong khi NSA và GCHQ đang phải rất mạo hiểm thu thập thông tin giá trị cho cả mình lẫn các đồng minh.
Nhượng bộ trước sức ép mạnh mẽ của Giám đốc NSA, vào cuối thập niên 1970, CSE đã kiểm tra một số sứ quán Canada xem có phù hợp để lắp đặt máy móc chặn thu hay không. Danh sách sứ quán đã được thoả thuận trước với NSA. Năm 1981, CSE đã lập một sào huyệt do thám vô tuyến điện tử của mình ở Caracas. Sau thủ đô Venezuela là đến lượt Abijan, Bucharest, Kingston, New Delhi, Mexico, Bắc Kinh và Rabbat.

Kết quả là đến cuối thập niên 1980, vai trò và uy tín của CSE trong cộng đồng tình báo phương Tây đã tăng lên đến mức đã làm thay đổi tận gốc quan hệ của nó với NSA và GCHQ. Từ một anh đầy tớ nhẫn nhục của người Mỹ và người Anh, CSE đã dần trở thành một cơ quan hoàn toàn độc lập, không phải liên tục liếc nhìn sang Mỹ và Anh nữa.

Trong thập niên 1970-1980, Mỹ và Anh đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo CSE giúp đỡ tiến hành các chiến dịch do thám mà NSA và GCHQ không thể tự tiến hành do các hạn chế mà luật pháp hai nước này quy định đối với những hoạt động như thế. Thế là vào năm 1975, CSE đã hỗ trợ NSA định vị một máy phát sóng ngắn đã lên sóng ở ngoại ô Washington. Còn 8 năm sau, theo đề nghị của Thủ tướng Anh Thatcher, CSE đã tổ chức theo dõi tình báo vô tuyến điện tử đối với một số thành viên chính phủ Anh nhằm kiểm tra lòng trung thành của họ đối với bà ta.

Đầu năm 1987, người Mỹ và người Anh lại gõ cửa CSE để thỉnh cầu giúp đỡ. Lần này chuyện là làm sao cứu NSA và GCHQ khỏi tình thế khó khăn mà họ lâm vào ở Moskva. Một năm trước các nhân viên sứ quán Anh và Mỹ đã phát hiện ra một xe thùng khả nghi xuất hiện ở các phố Moskva lân cận. Sau một thời gian, họ bắt đầu thấy các tần số làm việc của máy móc chặn thu đặt trong hai sứ quán thường xuyên bị nhiễu ồn. Rõ ràng là chiếc xe thùng kia trang bị đặc biệt đã ghi nhận được bức xạ từ máy móc chặn thu của Anh và Mỹ nên KGB đã áp dụng các biện pháp đối phó hiệu quả.

Biện pháp đột ngột bật và tắt máy móc tình báo vô tuyến điện tử cũng không giúp tránh khỏi nhiễu bởi vì các máy gây "nhiễu ồn" của Liên Xô cũng bật và tắt gần như đồng thời. Do không thể tìm ra được giải pháp nào khác cho vấn đề bất ngờ phát sinh, Mỹ và Anh đã phải yêu cầu Canada nhận lấy trách nhiệm chặn thu ở Moskva.

Chiến dịch có mật danh là Sphinx. CSE đã phải mất gần bốn tháng để tiến hành chiến dịch. Trong thời gian này, CSE đã cử năm nhân viên của mình dưới vỏ bọc nhân viên bảo dưỡng tổng đài thông tin của sứ quán Canada đến Moskva. Việc sứ quán chuyển sang một toà nhà khác, thích hợp và rộng hơn đã cho phép lắp đặt máy móc chặn thu được đưa đến Moskva với cớ thay thế thiết bị truyền thông cũ bằng thiết bị mới.

Ngay mùa hè năm 1987, người Canada đã có thể bắt tay vào chặn thu suốt ngày đêm mà không bị gây nhiễu gì từ phía Liên Xô.

Chu Hà