In bài này
Tình báo điện tử Canada: Cuộc săn tìm vệ tinh (2)
Thứ Hai, 15/08/2016 - 8:07 AM
Sau khi sự tồn tại và chức năng thực sự của CBNRC bị lộ ra trong một chương trình truyền hình Canada vào năm 1975 thì theo quyết định của chính phủ, CBNRC được chuyển sang Bộ Quốc phòng Canada và đổi tên thành Cục An ninh Thông tin liên lạc CSE (Communications Security Establishment).
Kết quả là sau khi thay đổi môn bài, cơ quan tình báo vô tuyến điện tử Canada được che chắn còn tốt hơn trước khỏi những con mắt tò mò. Bây giờ thì chính phủ Canada luôn có thể trả lời bằng cách từ chối mọi đòi hỏi của công luật đòi báo cáo về hoạt động của mình trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử với những lý do bảo đảm an ninh quốc gia.

Ngoài tiến hành tình báo vô tuyến điện tử, lĩnh vực quan tâm của CSE còn mở rộng sang nhiệm vụ bảo vệ thông tin truyền theo các kênh liên lạc kỹ thuật của mọi cơ quan chính phủ Canada. Chẳng hạn, trong phạm vi nhiệm vụ của các nhân viên CSE có nhiệm vụ lắp đặt và khai thác thiết bị gây nhiễu tín hiệu điện tử phát ra từ máy móc thiết bị đặt trong các nơi hội họp của nội các.

Họ cũng được giao nhiệm vụ cảnh báo các nhà hoạt động nhà nước không thực hiện các cuộc gọi bí mật trên máy điện thoại di động. Tuy nhiên thực tế thì thỉnh thoảng CSE cũng cử các nhân viên "theo dõi" một vị bộ trưởng nào đó, có nghĩa là không phải lúc nào họ cũng thực hiện nghiêm chỉnh trách nhiệm bảo vệ thông tin của mình. Ai đã giao cho CSE nhiệm vụ như thế? Không ai có thể biết được vì cơ quan này chỉ phải báo cáo với thủ tướng Canada và luôn giỏi tuỳ ý cắt nghĩa các chức trách được giao.

CSE được cấp toà nhà rất xập xệ trên đường Heron Road thừa kế từ CBNRC để làm trụ sở. Toà nhà cũ bằng gạch không thích hợp để bố trí máy móc tình báo vô tuyến điện tử nên đã nhanh chóng bị rệu rã. Thậm chí vào giữa thập niên 1970 đã có những viên gạch ở tường nhà rơi xuống đầu khách đi ngang. Tuy nhiên, CSE không muốn rời khỏi chỗ đó vì đây là địa điểm duy nhất có thể nghe lén không gian làn sóng điện trên thủ đô Canada ở mọi tần số mà không bị nhiễu.

Họ buộc phải sơ tán một phần nhân viên khỏi toà nhà và khẩn cấp bắt tay vào sửa chữa. Trong quá trình sửa chữa, tầng trên cùng đã được làm nền bêtông. Lãnh đạo CSE muốn chắc chắn là chiếc máy tính Cray nặng 7 tấn lắp đặt ở đó để giải các bài toán mã thám sẽ không rơi xuống đầu nhân viên vào lúc cao trào của ngày làm việc. Phía sau, người ta xây kế toà nhà chính trụ sở CSE một boongke bêtông không có cửa sổ và các bức tường ngăn bức xạ điện tử. Trong đó, CSE bố trí thiết bị giải mã, trung tâm điều khiển vệ tinh do thám, phòng thiết kế kỹ thuật chặn thu và bộ phận an ninh.

Ngoài số máy móc chặn thu đặt trong trụ sở trên đường Heron Road, CSE còn có hai xe thùng lắp máy móc điện tử. Tuy về mặt chính thức, hai xe thùng này dùng để bảo vệ các kênh liên lạc chính phủ chống các cơ quan tình báo nước ngoài nghe lén, nhưng thực ra chúng có thể dễ dàng cải tạo thành các trạm chặn thu di động. Các xe thùng được trang bị đủ loại thiết bị thu và ghi, máy điều hoà nhiệt độ và các máy phát điện độc lập. Trên các xe có sẵn vị trí cho hai đến bốn nhân viên vận hành tuỳ thuộc vào tính phức tạp của chiến dịch được tiến hành.

Từ giữa thập niên 1970, CSE tập trung chú ý thu tin về tình báo Liên Xô vì họ coi thủ đô Canada là đầu cầu thuận lợi để tiến hành các chiến dịch tình báo chống các nước phương Tây. Chính vào thời gian đó, theo thoả thuận với NSA, CSE bắt đầu nhận được nhiều thông tin chặn thu từ các vệ tinh do thám của Mỹ để xử lý và phân tích. Mỹ và Anh cần đến sự giúp đỡ của CSE vì vào năm 1975, họ đã kết luận rằng, Liên Xô sử dụng hai hệ thống vệ tinh siêu cao tần mà Mỹ gọi là Armhurst và Yanina-Uran để liên lạc với các điệp viên của mình ở phương Tây. Tuy nhiên trên thực tế họ chả biết gì về các hệ thống này và NSA, GCHQ và CSE đã phải mất hơn một năm phối hợp nỗ lực để làm rõ chúng hoạt độngnhư thế nào.

Hệ thống Armhurst thuộc KGB. Nó gồm 8 vệ tinh và quỹ đạo của chúng được chọn sao cho trong vòng một ngày một điệp viên KGB bất kỳ ở nước ngoài đều nằm trong bán kính hoạt động của một trong các vệ tinh đó ít nhất một lần. Khi bay trên lãnh thổ Liên Xô, vệ tinh "xếp" thông tin lên để "dỡ hàng" xuống tại khu vực định trước. Khi một điệp viên được ấn định sử dụng vệ tinh đó bắt được vệ tinh bằng máy thu của mình thì anh ta phải gửi về Moskva một tín hiệu ngắn xác nhận đã thu được bức điện. Nếu không băng từ ghi bức điện này lại quay về đầu và lại được phát lên làn sóng. Trong trường hợp điệp viên phải báo cáo việc gì đó về Moskva, anh ta dùng máy phát siêu cao tần liên lạc với vệ tinh, vệ tinh đó ghi bức điện vào băng từ và sau đó "quay băng" để phát nó xuống khi bay trên lãnh thổ Liên Xô.

Người ta không thể định vị một điệp viên của Liên Xô. Trong trường hợp đầu là do phiên liên lạc quá ngắn; trường hợp thứ hai là do định hướng hẹp của tín hiệu máy phát. Khâu yếu trong hệ thống Armhurst là các vệ tinh. Vấn đề là ở chỗ trong thời gian "dỡ hàng", chúng ngừng phát xuống trái đất một tín hiệu đặc biệt thông báo về tình trạng hoạt động tốt của chúng.

Như vậy, khi biết được thời gian bắt đầu và kết thúc của việc "dỡ hàng", cũng như tần số mà thông tin được "tải xuống" từ vệ tinh thì có thể xác định được "dấu vết" của anh ta - đó là vùng phủ sóng của máy phát vệ tinh. Thông thường thì "dấu vết" này là quá lớn để qua đó có thể xác định chính xác vị trí của điệp viên KGB. Tuy nhiên, sau khi phát hiện nhiều "dấu vết" đó (đôi khi cần phải thực hiện hàng trăm, thậm chí hàng nghìn phép đo) và các giao điểm của chúng thì khu vực tìm kiếm điệp viên thu hẹp đáng kể - ban đầu là tới phạm vi thành phố, sau đó đến phạm vi một toà nhà cụ thể.

Sự việc khó khăn hơn với hệ thống Yanin-Uran của GRU. Bốn vệ tinh của hệ thống này có tốc độ bay lớn và quay quanh trái đất theo quỹ đạo hình elip. Khi đến điểm gần trái đất trong một thời gian ngắn để "xếp hàng" hay "dỡ hàng", chúng sẽ bay nhanh vào không gian bao la. Hơn nữa, Yanina-Uran lại là hệ thống "thụ động". Điều đó có nghĩa là việc "dỡ hàng" của vệ tinh được kích hoạt bằng một tín hiệu do điệp viên GRU phát đi. Anh ta chọn thời gian thích hợp để liên lạc theo thời gian biểu thể hiện thời gian vệ tinh bay ở cự ly đủ gần để thiết lập liên lạc với vệ tinh bằng máy phát vô tuyến. Công việc của CSE chỉ nhúc nhích khỏi điểm chết sau khi họ tính được các tham số quỹ đạo của các vệ tinh thuộc hệ thống Yanina-Uran.

Thành công đã lập tức mang lại hiệu quả. Từ năm 1976 đến năm 1978, với nỗ lực chung của CSE và Cục An ninh Tình báo Canada CSIS (Canadian Security Intelligence Service) thuộc cảnh sát Canada, người ta đã phát giác được 20 điệp viên Liên Xô. Trong năm 1978-1979, Canada đã trục xuất 16 nhà ngoại giao Liên Xô bị cáo buộc tiến hành công việc không phù hợp với quy chế ngoại giao của họ. Phần lớn chứng cứ được viện ra làm lý do để trục xuất họ là do CSE thu thập.

Ngoài việc thực hiện các trách vụ trực tiếp của mình, mỗi nhân viên CSE còn được giao nhiệm vụ báo cáo về những di chuyển của người nước ngoài từ Đông Âu mà anh ta phát hiện được. Do đó, tất cả các nhân viên CSE đều có trong tay các thẻ đặc biệt. Trên đó có ghi các số đăng ký ôtô mà khi nhìn thấy nhân viên CSE phải báo ngay qua số điện thoại đã định về mác và màu xe, số hành khách và họ đang làm gì. Họ phải mang thẻ này theo mình mọi lúc, mọi nơi.

Giữa thập niên 1970, CSE đã phát động hai chiến dịch tình báo vô tuyến điện tử chống Liên Xô. Trong một trong hai chiến dịch đó có tên Capricornus (chòm sao Ma kết), người ta tiến hành chặn thu toàn bộ điện tín liên lạc ngoại giao giữa Moskva và sứ quán Liên Xô ở Ottawa. Chiến dịch kia có mật danh Kilderkin có mục đích chặn thu bức xạ điện tử từ các thiết bị đặt trong khu nhà sứ quán Liên Xô. Đã có lúc người ta nghĩ là chiến dịch Kilderkin đang mang lại thành công lớn.

Các nhân viên CSE đã chặn thu được một tín hiệu video xuất phát từ toà nhà sứ quán Liên Xô. Sau mấy tháng làm việc kiên trì và cật lực, tín hiệu này đã được chuyển thành hình ảnh trên màn hình. Té ra nó thuộc về chiếc camera video đặt ở cửa vào sứ quán và được các nhân viên bảo vệ sử dụng để quan sát một đường phố gần đó.

Chu Hà