In bài này
Tình báo điện tử Italia (1)
Thứ Bẩy, 06/08/2016 - 6:02 PM
Trước Thế chiến I, Italia hoàn toàn chẳng quan tâm đến mã thám, nhưng họ không bỏ qua cơ hội để lấy được mật mã của cường quốc khác. Họ muốn có nhất các hệ mật mã sử dụng trước chiến tranh của Áo-Hung, nước nằm ở ngã tư châu Âu và là một hang ổ gián điệp đích thực.
Một nhà thông thái đi qua cuộc đời như
đi qua một vườn rau mà biết trước là ở đâu đó
sẽ có một cây cải củ tự bật ra cho ông ta,
còn ở đâu đó sẽ có cả một cây cải củ cay.


K. Prutkov. "Những trước tác"



Nữ bá tước kết bạn với viên trung uý của Bộ Tổng tham mưu...


Trước Thế chiến I, Italia hoàn toàn chẳng quan tâm đến mã thám, nhưng họ không bỏ qua cơ hội để lấy được mật mã của cường quốc khác. Họ muốn có nhất các hệ mật mã sử dụng trước chiến tranh của Áo-Hung, nước nằm ở ngã tư châu Âu và là một hang ổ gián điệp đích thực.

Theo một câu chuyện, một nữ bá tước Italia trẻ đẹp, quyến rũ, sau khi kết bạn với một trung uý của Bộ Tổng tham mưu Áo-Hung, đã lấy trộm từ chiếc két không khoá một quyển mã và đặt thay vào đó một cuốn sách trắng, trông rất giống quyển mã. Một thời gian sau, nhân viên cơ yếu đã phát hiện ra đồ giả mạo. Người ta bắt đầu ráo riết truy tìm thủ phạm.

Người Áo đã không thể lần ra đúng dấu vết cho đến khi tuỳ viên quân sự Nga kể cho một sĩ quan Bộ Tổng tham mưu Áo-Hung về việc ông được chào bán mật mã của Áo với giá 400 ngàn, nhưng vì giá đó quá cao nên ông đã từ chối. Dấu vết này đã dẫn đến nữ bá tước và chàng trung uý trẻ tuổi của bà ta.


Sacco

Trước Thế chiến I, ở Italia đã xuất hiện một số chuyên gia mã thám rất lỗi lạc. Giỏi nhất trong số họ là Luigi Sacco, viên trung uý công binh 32 tuổi, từng phục vụ tại đài vô tuyến điện của bộ chỉ huy tối cao. Ông lần đầu tiên quan tâm đến ngành cơ yếu vào năm 1911 trong thời gian cuộc xung đột Italia-Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi bước vào Thế chiến I, nước Pháp đồng minh đã từ chối cung cấp tin tức về các mật mã của các nước khối Đức mà Pháp có trong tay cho Italia, còn sau đó thì ngừng gửi cho Italia bản rõ các bức điện mật mã của Đức mà Italia chặn thu và chuyển cho người Pháp giải mã.

Sacco, người đứng đầu cơ quan chặn thu của Italia, đã bắt đầu tự mình nghiên cứu giải phá các điện mật mã này. Các đoạn bản rõ do ông phục hồi cực kỳ giá trị nên Sacco đã được bổ nhiệm làm trưởng phòng mã thám trực thuộc bộ chỉ huy tối cao. Phòng này đã được đặt tên là đơn vị cơ yếu và ban đầu chỉ gồm vẻn vẹn 3 người. Đến cuối chiến tranh, trong phòng này đã có mấy chục nhân viên.

Các chuyên gia mã thám Italia đã đọc được toàn bộ các điện mật mã của Áo-Hung trong thời gian trận đánh ở Gorizia vào tháng 8 năm 1917. Giới quân sự Áo tỏ ra không tài giỏi lắm trong lĩnh vực mật mã. Trong số các hệ mã mà họ phó thác mạng sống của mình cho loại mật mã Vigenere thông thường. Kinh nghiệm ngày một nhiều của các chuyên gia mã thám Italia đã giúp họ giải quyết được các nhiệm vụ ngày một khó hơn, chẳng hạn như giải phá mật mã ngoại giao của Áo. Khi giải phá chúng, nhóm của Sacco đã sử dụng các bức điện mà người Áo đã phát bản rõ để hỗ trợ.
Chu Hà