In bài này
Tình báo điện tử Áo: Không phải lúc nào cũng thua cuộc (2)
Thứ Tư, 03/08/2016 - 8:37 PM
Nhưng người Áo không phải lúc nào cũng thua cuộc khi tìm cách xâm nhập vào bí mật mật mã của nước ngoài. Bằng cách phân tích mã thám, họ đã dò được ý nghĩa của gần 150 từ mã của mật mã Italia dùng để trao đổi điện tín mật mã giữa Roma và Constantinople (Thổ Nhĩ Kỳ).
Nhưng tiếp đó công việc phải dừng lại. Để tăng dự trữ từ vựng của mình, họ đã đăng trên một tờ báo tiếng Italia một tin gây tò mò với các tin tức mang tính quân sự. Vị tuỳ viên quân sự Italia đã chép lại từng từ của tin này và gửi nó về Roma dưới dạng mã hoá. Sau khi lặp lại cũng mẹo này trong ba tháng sau đó, bộ phận mã thám Áo đã có trong tay một loại mật mã với hai ngàn từ hoàn toàn thích hợp cho công việc giải mã.

Vào đầu Thế chiến I, cơ quan mã thám quân đội Áo-Hung đã khéo léo giải phá được các hệ mã của Nga, chủ yếu là do vô số những hiểu nhầm liên quan đến việc động viên chiến tranh ở Nga. Tổng cộng trong một năm trước khi Áo-Hung khai chiến vào năm 1915 chống Italia, cơ quan này đã có được kinh nghiệm hoạt động vô giá trong điều kiện thời chiến.

Nhờ công tác chuẩn bị trước chiến tranh (trước khi chiến tranh nổ ra, Ronge đã thu được một loại mật mã tham mưu và một số mật mã chiến trường của Italia) và kinh nghiệm tích luỹ được trong năm chiến tranh đầu tiên, việc giải mã đã trở thành một trong những nguồn tin tình báo chủ yếu. Đến tháng 4 năm 1917, đơn vị mã thám trực thuộc Bộ Tổng tham mưu Áo cung cấp thông tin này đã trở thành một bộ máy phức tạp rộng khắp.

Khác với người Nga, người Italia ít tin tưởng phó thác các bí mật quân sự của mình cho liên lạc vô tuyến điện hơn nhiều và họ chủ yếu chỉ sử dụng vô tuyến điện cho mục đích hành chính. Hơn nữa, nhờ đọc được các bức điện vô tuyến mã hoá của Italia, người Áo đã nắm được sức mạnh của các binh đoàn Italia, tình hình triển khai bố trí, cũng như có thể phán đoán về ý đồ tác chiến của bộ chỉ huy các binh đoàn này. Chẳng hạn như những di chuyển của các sư đoàn kỵ ninh Italia đã chỉ ra chính xác thời gian tiến hành các hoạt động chiến sự lớn và tạo điều kiện đoán ra hướng tấn công sắp tới.

Trong nhiều trường hợp, người Áo cố ý trang bị cho các đài vô tuyến điện riêng biệt ở gần mặt trận các mật mã kém tin cậy để đối phương giải phá. Các bức điện vô tuyến điện được bảo mật bằng các mật mã này đã khiến kẻ địch bị đánh lừa về việc tập trung quân Áo ở các khu vực nào đó trên mặt trận.

Tuy vậy vào nửa sau cuộc chiến, thành công của các chuyên gia mã thám Áo đã giảm mạnh. Tháng 6 năm 1917, người Italia đã thay thế mật mã chiến trường bằng loại mã lặp. Cũng vào khoảng thời gian này, trưởng phòng mã thám thuộc Bộ Chiến tranh Pháp đã có chuyến công du Italia để thăm các trạm chặn thu và chỉ huy cơ quan mã thám Italia.

Trong thành phần phái đoàn quân sự của đồng minh Anh và Pháp đến Roma vào cuối năm 1917 để hỗ trợ Italia có các chuyên gia mã thám. Tất cả các yếu tố này đã củng cố đáng kể cơ quan cơ yếu Italia và làm người Áo mất đi một nguồn thông tin quý giá.

Sau Thế chiến II, Áo trở thành nước trung lập. Tuy vậy, tình trạng không tự nhiên của một quốc gia giàu truyền thống gián điệp không thể kéo dài mãi mãi. Sau chiến tranh, nước này đã vi phạm quy chế trung lập của mình ít ra là hai lần. Người Áo đã đẩy mạnh hoạt động do thám ráo riết của mình trong thời kỳ xảy ra các sự kiện ở Hungary năm 1956 và Tiệp Khắc năm 1968.

Hồi đó, các đơn vị tình báo vô tuyến điện tử của Áo đã chuyển sang làm việc suốt ngày đêm. Chúng tích cực tiến hành định vị và chặn thu các chương trình phát vô tuyến điện để xác định hướng di chuyển quân và tình hình bố trí quân đội ở Hungary và Tiệp Khắc. Tại các vùng biên giới của Áo, các đơn vị theo dõi vô tuyến điện cơ động đã triển khai hoạt động, còn ở gần Salzburg thì bố trí một trạm chặn thu mạnh.

Chu Hà