In bài này
S-400 chuẩn bị phân thân
Chủ Nhật, 03/07/2016 - 9:43 AM
Tối đa hóa lợi ích, Nga sẽ phát triển một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và một hệ thống tầm xa trên cơ sở S-400
Các công trình sư của Liên hiệp NPO Almaz thuộc tập đoàn Almaz-Antei đang nghiên cứu chế tạo hai hệ thống tên lửa phòng không, một hệ thống tầm trung và một hệ thống tầm xa, trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không  S-400 Triumf.

Thoạt nhìn, ý tưởng có vẻ lạ lùng vì về mặt kỹ thuật, S-400 là hệ thống tuyệt vời, có tính năng và tính vạn năng cực cao. Nó có khả năng giải quyết không chỉ các nhiệm vụ phòng không, mà cả phòng thủ tên lửa khi có thể tiêu diệt mục tiêu khí động trong bán kính 400 km, mục tiêu đường đạn có tốc độ 4,8 km/s ở cự ly đến 60 km, tầm bắn tối thiểu là không quá 2 km.

S-400 được trang bị 6 loại tên lửa khác nhau. Hệ thống sử dụng các kênh khác nhau khi đối phó với mục tiêu khí động và mục tiêu đường đạn, mỗi kênh sử dụng thiết bị của riêng mình.

S-400 cũng là hệ thống rất đắt tiền. Mặc dù, giá của nó không được công khai, nhưng có những thông tin gián tiếp về vấn đề này. Nếu các thông tin này là tin cậy thì một hệ thống (tiểu đoàn với 7-8 bệ phóng) khách hàng nước ngoài phải trả 200 triệu USD. Đó là vì các hợp đồng bán S-400 hiện mới chỉ ký với Trung Quốc và Ấn Độ. Mặc dù việc xúc tiến bán vũ khí uy lực này dĩ nhiên còn bị ảnh hưởng bởi việc bắt đầu đàm phán với các khách hàng tiềm năng chắc chắn bị tấn công ngoại giao từ phía các nước có quan hệ căng thẳng với các nước đặt hàng.

Bởi vậy, từ giác độ tiếp thị thì “chia đôi” sẽ logic hơn và đó chính là điều mà Almaz định làm - chế tạo một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và một hệ thống tên lửa phòng không tầm xa. Hiển nhiên là các khách hàng nước ngoài sẽ bỏ phiếu cho quyết định đó bằng túi tiền của mình.

Song cũng có một vấn đề là tập đoàn Almaz-Antei đang sản xuất cả một họ hệ thống tên lửa phòng không S-300, trong đó có những biến thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của hệ thống tầm trung. Và chúng cũng hoàn toàn hiện đại ít ra là với thị trường nước ngoài. Dẫu sao thì cũng hiện đại hơn nhiều so với Patriot của Mỹ được sản xuất từ rất lâu và đã cho thấy sự bất lực trong đánh chặn các tên lửa Scud cũng rất cổ lỗ trong chiến tranh Vùng Vịnh.

Năm 1991, các tên lửa Scud phóng từ Iraq đã phá hủy một doanh trại Mỹ ở Saudi Arabia, 28 lính Mỹ chết, hơn 200 bị thương. Hơn một nửa các tên lửa cổ lỗ do Liên Xô không đánh chặn được bất chấp những nỗ lực tuyệt vọng của hệ thống Patriot.

Quy luật thị trường đòi hỏi phải liên tục đổi mới dòng sản phẩm. S-300 đã trở nên quen thuộc. Một hệ thống tên lửa phòng không mới sẽ thu hút sự chú ý lớn. Và điều đó là hoàn toàn tự nhiên bởi lẽ, một là thương hiệu Almaz-Antei trên thị trường vũ khí có uy tín không kém các thương hiệu như Su hay Lockheed Martin.

Hai là hệ thống được chế tạo sau hệ thống từ lâu đã khẳng định được mình sẽ có thêm các khả năng, có phẩm chất chiến đấu cao hơn. Đó là tăng tầm phát hiện mục tiêu, bám và bắn được nhiều mục tiêu hơn, xác suất tiêu diệt mục tiêu bằng một tên lửa cao hơn, cũng như tối ưu hóa bảo dưỡng các hệ thống và giảm chi phí khai thác chúng.

Tức là khách hàng cần một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới cho dù tính năng của nó không tăng quá nhiều. Ngoài ra, cả sự hao mòn các chi tiết cơ khí của hệ thống cũ cũng có vai trò không kém phần quan trọng.

Hơn nữa, các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa mới của Almaz có thể có một phẩm chất mới là khả năng tàng hình. Thực ra nói về điều đó không phải là các đại diện của Almaz mà là một nguồn tin của tờ Izvestia trong Bộ Quốc phòng Nga. Trong năm nay, dự kiến bắt đầu sử dụng các thiết bị giúp giảm xác suất phát hiện bằng các phương tiện trinh sát của địch như máy bay do thám, máy bay không người lái, các hệ thống vệ tinh cho các hệ thống S-400 và S-500.

Nguồn tin gọi thiết bị đó là “các contenơ tàng hình” vì chúng ngăn chặn việc tán xạ ra môi trường xung quanh bức xạ vô tuyến nền từ thiết bị điện tử đang hoạt động.



(còn tiếp)
 

PM