In bài này
Nghệ thuật bắn siêu xa: 5 phát bắn thần sầu
Thứ Bẩy, 02/07/2016 - 3:42 PM
5 phát bắn xa nhất của các thiện xạ quân đội.
Súng trường bắn tỉa bán tự động, cỡ nòng lớn М99 bắn đạn 12,7х99 của Công ty Barrett Firearms Manufacturing (militaryparitet.com)

Trong quá khứ, phát bắn chính xác ở cự ly siêu xa là kết quả của khả năng tuyệt đỉnh đến trình độ hiện tượng của xạ thủ và nhiều khi là sự ngẫu nhiên. Ngày nay, đó là sự kết hợp của công nghệ cao và các phương pháp đào tạo, huấn luyện hoàn hảo. Dưới đây là xếp hạng 5 phát bắn tỉa tầm siêu xa nhất mọi thời đại. Được chọn vào bảng xếp hạng chỉ có các phát bắn xa do các xạ thủ quân đội thực hiện trong các cuộc xung đột vũ trang. Phát bắn kỷ lục phải là độc nhất vô nhị cho thời đại mình và làm nổi danh xạ thủ. Kỷ lục lập được phải được duy trì trong thời gian khá dài, hoặc là phát bắn đó phải phá vỡ kỷ lục không bị vượt qua trong vòng mấy chục năm.

5. Phát bắn của Thomas Plunket

Chuẩn tướng Pháp, nam tước Auguste de Colbert (1777-1809)
Tên tuổi những xạ thủ đầu tiên nổi danh với những phát bắn xa nhất đi vào lịch sử hoàn toàn là nhờ các nạn nhân của họ - đó là các tướng lĩnh cao cấp. Phát bắn siêu xa đầu tiên được chứng nhận xảy ra thời các cuộc chiến tranh của Napoléon - nạn nhân của nó là Chuẩn tướng Pháp, nam tước Auguste de Colbert (1777-1809). Năm 1809, ông đã bị bắn hạ bởi xạ thủ của trung đoàn xạ thủ súng trường 95 của Anh, một người tên Thomas Plunket nào đó.

Người ta cho rằng, Plunket đã bắn chết Colbert từ cự ly khó tin vào thời đó là 600 m. Còn để chứng minh rằng, phát đạn trúng đích đó không phải là ngẫu nhiên, anh ta bằng một phát đạn nữa còn bắn hạ sĩ quan tùy tùng Latour-Maubourg của viên tướng, nhưng có lẽ đây chỉ là truyền thuyết. Không có thông tin chính xác về việc xạ thủ Anh đã sử dụng loại súng nào.

Một số nguồn tin nói rằng, Plunket bắn từ khẩu súng trường Baker. Nhưng nhiều khả năng, phát bắn đã được thực hiện từ một khẩu súng hỏa mai hồi đó đã xuất hiện trong quân đội Anh. Các tay súng bắn tỉa Anh thế kỷ XIX - những người lính, thợ săn, vận động viên thể thao - nhiều khi sử dụng kỹ thuật xạ kích rất khác thường - họ bắn ở tư thế nằm ngửa, nòng súng tỳ lên ống chân gấp lại. Plunket được cho là đã bắn hạ de Colbert chính là từ tư thế này. Phát bắn của Plunket được xếp thứ 5.

Những người lính khinh kỵ Pháp khóc than mai táng de Colbert ở lề đường, cách đường vài bước chân. Trong hai năm trời, cả trung đoàn khinh kỵ số 3 thuộc lữ đoàn của ông vẫn mang băng tang đen trên mũ để tưởng nhớ vị chỉ huy dũng cảm của họ.

Thomas Plunket bắn hạ Tướng de Colbert từ tư thế nằm ngửa

Colbert là viên tướng tiên phong anh dũng, một trong những tướng kỵ binh giỏi nhất thời Napoléon Bonaparte. Ở ông có sự kết hợp của một vị chỉ huy tài năng tuyệt vời, sự tinh tế trong cư xử, học thức và vẻ đẹp hiếm có, binh lính yêu kính ông như cha, còn kẻ thù thì kính ngưỡng. Đại tá sử gia Anh William Napier, tác giả cuốn sách kinh điển “Chiến tranh trên bán đảo Pyrene” đã viết: “... vị tướng trẻ Auguste Colbert, một trong những sĩ quan kỵ binh xuất sắc nhất trên toàn châu Âu thời đó, đã ngã xuống. Thân hình chiến binh tuấn tú của ông, giọng nói của ông, cử chỉ của ông, mà chủ yếu là sự can đảm vô bờ khiến tất cả những người Anh kính phục, và cảm xúc buồn bã xâm chiếm toàn bộ quân đội của chúng tôi khi người lính kiêu dũng này ngã xuống”.

Từ thời Louis XIV, Auguste Colbert là người thứ 27 của gia tộc mình chọn con đường binh nghiệp và người thứ 14 bỏ mình chốn sa trường. Những lời trăn trối cuối cùng của ông là: “Tôi vẫn còn quá trẻ để chết, nhưng cái chết của tôi là cái chết của một người lính của một Quân đội vĩ đại vì khi tôi chết tôi vẫn thấy bọn cặn bã tháo chạy và kẻ thù của Tổ quốc tôi đau đớn!”

4. “Ở cự ly đó, ngay cả voi cũng chẳng thể bắn trúng”

“Ở cự ly đó, ngay cả voi họ cũng chẳng thể bắn trúng”, - đó là những lời nói cuối cùng của viên tướng Mỹ John Sedgwick (13.9.1813-9.5.1864), một giây sau đó, ông ngã xuống bởi viên đạn của tay thiện xạ. Chuyện xảy ra thời nội chiến Mỹ năm 1861-1865.

Tướng Mỹ John Sedgwick (13.9.1813-9.5.1864)
Trong trận đánh ở Spotsylvania, Sedgwick chiến đấu bên phe liên bang đã chỉ huy hỏa lực pháo binh. Các tay súng của phe ly khai miền Nam, khi phát hiện thấy vị chỉ huy quân địch, liền mở cuộc săn lùng ông, các sĩ quan tham mưu dưới quyền Sedgwick nằm mọp dưới đất và đề nghị vị chỉ huy của họ vào nơi trú ẩn. Trận địa hai bên cách nhau chừng 1.000 thước Anh (900 m). Nghĩ rằng, khoảng cách đó là an toàn, Sedgwick cảm thấy xấu hổ vì sự nhút nhát của thuộc cấp, nhưng ông chưa kịp nói hết câu thì viên đạn của viên trung sĩ vô danh tiểu tốt Grace đã bắn trúng vào dưới mắt trái ông.

Đây có lẽ là phát bắn tầm xa nhất thế kỷ XIX mặc dù cũng không thể nói nó có phải là ngẫu nhiên hay không. Những mô tả các phát bắn xa - ở cự ly từ 0,5 km - cũng đã gặp trong biên niên sử chiến tranh giành độc lập và nội chiến Mỹ. Trong số dân quân Bắc Mỹ có không ít thợ săn cừ khôi, họ thường dùng súng săn nòng dài, cỡ nòng lớn và súng hỏa mai. Sedgwick là viên tướng cao cấp nhất của phe Liên bang tử trận trong nội chiến Mỹ.

Sedgwick cũng là vị tướng được binh sĩ yêu kính và trìu mến gọi là “Bác John”. Cái chết của ông khiến mọi người rất đau buồn, thậm chí tướng Robert E. Lee, Tổng tư lệnh quân đội phe miền Nam cũng bày tỏ đau buồn về cái chết của người bạn cũ. Danh tướng Mỹ George G. Meade đã khóc khi nghe tin. Khi nghe tin ông chết, Trung tướng Ulysses S. Grant, Tổng tư lệnh quân đội liên bang đã hỏi đi hỏi lại: “Ông ấy chết thật ư?”. Tướng Ulysses S. Grant còn nói với bộ chỉ huy của ông rằng, mất mát này đối với ông còn tồi tệ hơn là mất cả một sư đoàn.

"Tử thần trắng". Nửa đầu thế kỷ ХХ không mang đến những kỷ lục chết chóc mới, ít nhất là những kỷ lục đi vào lịch sử và làm nổi danh xạ thủ. Trong Thế chiến I và II, tài nghệ của xạ thủ bắn tỉa được xác định không bởi tài bắn siêu xa mà là số lượng kẻ địch tiêu diệt được. Ta biết rằng, một trong những tay súng thiện xạ có thành tích cao nhất mọi thời đại là Simo Häyhä (17.12.1905-1.4.2002) người Phần Lan, biệt danh “Tử thần trắng” - tay súng này đã bắn chết 505-542 lính Hồng quân Liên Xô (chưa tính gần 200 người bị tay súng này bắn hạ bằng súng tự động) trong chiến tranh Liên Xô-Phần Lan (1939-1940) lại thích bắn ở tầm không quá 400 m.

3. "Chiếc lông trắng"

Để lập những kỷ lục mới về tầm bắn giờ đã cần phải có súng có tính năng vượt trội các súng trường bắn tỉa tiêu chuẩn. Súng đó chính là Browning M2 cỡ 12,7×99 mm (50 BMG) được phát triển vào đầu thập kỷ 1930. Thời chiến tranh Triều Tiên, lính Mỹ đã bắt đầu sử dụng nó làm súng trường bắn tỉa - khẩu súng máy này được lắp kính ngắm quang học và có thể bắn phát một.

Carlos Norman Hathcock II đã lập kỷ lục tầm bắn xa 2.286 m tồn tại 35 năm.
Bằng loại súng này, tên trung sĩ Mỹ Carlos Norman Hathcock II đã lập kỷ lục tầm bắn xa tồn tại 35 năm.

Tháng 2/1967, xạ thủ này đã bắn hạ đối phương từ cự ly 2.286 m. Đây là phát bắn xếp thứ 3. Bằng khẩu súng bắn tỉa М2, Hathcock bằng từng phát đạn đã có thể tiêu diệt chắc chắn bia đứng từ cự ly 2.000 thước Anh (hơn 1.800 m một chút), tức là khoảng gấp đôi so với súng trường bắn tỉa tiêu chuẩn có độ chính xác cao của quân đội Mỹ М24 cỡ đạn 308 Win (7,62×51 mm) và 300 Win Mag (7,62×67 mm).

Người Việt Nam đặt cho Hathcock biệt danh là “Chiếc lông trắng” vì tên này thường bất chấp các yêu cầu ngụy trang để cắm một chiếc lông lên chiếc mũ rộng vành. Một số nguồn tin Mỹ khẳng định, phía quân đội Bắc Việt đã treo giải 30.000 USD cho đầu tên thiện xạ nguy hiểm này. Tuy nhiên, Hathcock nhận được phần thưởng cao nhất là huân chương Ngôi sao bạc không phải nhờ phát đạn bắn tỉa mà vì cứu đồng đội khỏi chiếc xe bọc thép bị cháy.

Được khích lệ bởi các thành tích của Hathcock, Bộ Quốc phòng Mỹ đã lập hẳn một ủy ban chuyên trách nghiên cứu khả năng chế tạo súng trường bắn tỉa hạng nặng trên cơ sở khẩu Browning.

2. Khẩu súng trường từ ga-ra
.

Cuối cùng, người Mỹ cũng không thể làm nổi khẩu súng trường bắn tỉa từ một khẩu súng máy. Nhưng vào năm 1982, cựu sĩ quan cảnh sát Ronnie G. Barrett) trong một cái xưởng đặt trong ga-ra đã thiết kế ra súng trường bắn tỉa lừng danh 12,7 được đặt tên là Barrett M82.

Nhà phát minh đã mời chào sản phẩm của mình với những người khổng lồ trên thị trường vũ khí như Winchester và FN, nhưng sau khi bị họ từ chối, ông đã đăng ký mở công ty Barrett Firearms và tự triển khai sản xuất loạt nhỏ súng này.

Những khách hàng đầu tiên của Barrett là các thợ săn và những xạ thủ dân sự ham kỹ thuật bắn chính xác, sau đó vào sát cuối thập kỷ 1980, quân đội Thụy Điển đã mua một lô 100 khẩu М82А1, còn tiếp sau Thụy Điển đến lượt quân đội Mỹ quan tâm đến súng này. Ngày nay, từ “Barrett” trên thực tế cũng đồng nghĩa với súng trường bắn tỉa cỡ nòng lớn, độ chính xác cao.

Ronnie G. Barrett (americanrifleman.org)

Một khẩu súng trường chính xác cao cỡ 12,7х99 mm bắt đầu được McMillan Bros, một công ty Mỹ nhỏ bắt đầu sản xuất vào giữa thập niên 1980. Súng này có tên McMillan TAC-50 và hiện được trang bị cho các đơn vị đặc nhiệm Mỹ và Canada.

Súng McMillan TAC-50(militaryfactory)

Các phẩm chất của súng bắn tỉa cỡ nòng lớn, chính xác cao được bộc lộ đầy đủ ở Iraq và Afghanistan. Kể từ khi bùng nổ chiến sự ở Cận Đông, các tay súng bắn tỉa của liên minh phương Tây bắt đầu lập mới kỷ lục gần như hàng năm. Năm 2002, ở Afghanistan, xạ thủ Canada Arron Perry từ khẩu McMillan TAC-50 đã tiêu diệt một phiến quân Afghanistan ở khoảng cách 2.526 thước Anh (hơn 2.300 m một chút) và phá vỡ kỷ lục nhiều năm của Hathcock.

Cùng năm, tay súng đồng hương của anh ta là Rob Furlong đã có phát bắn hiệu quả ở cự ly 2.657 thước Anh (hơn 2.400 m một chút). Hai phát bắn này được xếp thứ 2.

Thiện xạ Mỹ Brian Kremer vào tháng 3/2004 ở Iraq đã tiến sát thành tích của các tay súng Canada khi bắn hạ mục tiêu bằng khẩu Barrett М82А1 từ cự ly 2.300 m. Người ta cho rằng, trong hai năm chiến đấu ở Iraq, Kremer đã có 2 phát bắn thành công ở cự ly hơn 2.100 m.

Craig Harrison nắm giữ kỷ lục 2.470 m

1. Kỷ lục 2.470 m

Đứng thứ nhất là kỷ lục đến nay vẫn chưa thể vượt qua của xạ thủ Anh Craig Harrison. Trong chiến dịch ở Afghanistan, vào tháng 11/2009, ở cự ly 2.470 m, anh ta đã tiêu diệt 2 xạ thủ súng máy Taliban và khẩu súng máy của chúng. Theo chính Craig thừa nhận thì trước 3 phát bắn hiệu quả, anh ta đã phải thực hiện 9 phát bắn chỉnh.
Nhân Vũ