In bài này
Buk thế hệ 3
Thứ Bẩy, 02/07/2016 - 9:15 AM
Lục quân Nga sẽ trang bị Buk-M3 trong năm 2016.
Hệ thống tên lửa phòng không lục quân tầm trung Buk-M3
Tại trường thử Kapustin Yar, tỉnh Astrakhan, đã kết thúc tốt đẹp việc bắn thử hệ thống tên lửa phòng không cơ động Buk-M3.

Một bia bay tốc độ cao Pesne có quỹ đạo bay đường đạn đã bị phát hiện từ xa bởi các phương tiện theo dõi vùng trời và bị tiêu diệt ngay bằng quả tên lửa đầu tiên. Khi đó, radar theo dõi không chỉ đường bay của mục tiêu mà cả các mảnh của nó sau khi bị phá hủy cho đến khi chúng rơi xuống mặt đất. Đó là thông tin do Tổng giám đốc tập đoàn Almaz-Antei, ông Yan Novikov tiết lộ.

Hệ thống tên lửa phòng không Buk xuất hiện trong quân đội Liên Xô vào năm 1979 và có cả loạt biến thể.

M3 chính là biến thể gần đây nhất, mới nhất trong số đó và có những tính năng ấn tượng nhất, nhưng hiện chưa được nhận vào trang bị. Nhưng tất cả sẽ diễn ra không bao lâu nữa - chính là trong năm nay. Hệ thống mới sẽ được biên chế cho các đơn vị phòng không của Lục quân Nga trước đầu năm 2017.

Buk là hệ thống tên lửa phòng không tầm trung. Đặc điểm thế mạnh của nó là khả năng tác chiến chống mục tiêu khí động và đường đạn trong điều kiện có đối kháng vô tuyến điện tử cường độ cao.

Hệ thống tên lửa phòng không lục quân tầm trung Buk-M2 (Tass)
Khả năng này có được nhờ kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực radar mà Viện NIIP Tikhomirov thuộc tập đoàn Almaz-Antei và tham gia phát triển hệ thống này ngay từ biến thể đầu tiên tích lũy được. Tên lửa do Viện thiết kế Vympel chế tạo.

Trong 35 năm tồn tại của hệ thống Buk, khả năng của nó đã tăng lên rất cao. Nếu như biến thể đầu khi đối phó với máy bay chỉ có tầm tối đa và độ cao bắn tối đa tương ứng là 30 km và 25 km, thì ở Buk-M2 nhận vào trang bị vào năm 2008, các chỉ số này là 45 km và 25 km. Còn số lượng mục tiêu có thể bắn đồng thời đã tăng từ 18 lên đến 24. Độ chính xác bắn cũng tăng lên, nghĩa là xác suất diệt mục tiêu khí động bằng một quả tên lửa đã tăng lên đến 0,9.

Nga đã đạt được bước nhảy vọt lớn hơn nữa khi thiết kế biến thể cuối cùng - một số tham số của nó đã tăng 1,5-2 lần so với hệ thống Buk-M2, còn tốc độ mục tiêu bị diệt tăng gần 3 lần - 3.000 m/s so với 1.100 m/s. Tức là hệ thống có được khả năng tác chiến chống mục tiêu siêu vượt âm có tốc độ 10M.

Buk-M3 có khả năng tiêu diệt các mục tiêu cơ động cao trong điều kiện có đối kháng vô tuyến điện tử mạnh, tất cả các mục tiêu khí động, tên lửa chiến dịch-chiến thuật hiện có, cũng như các mục tiêu mặt đất và mặt nước. Ở hệ thống này, gần như tất cả các hệ thống, bộ phận đã được đổi mới. Người ta đã phát triển riêng một loại tên lửa mới 9R317M với phần chiến đấu phá-mảnh. Nó tốc độ cao hơn và có khả năng chịu được quá tải lớn hơn nhiều. Tên lửa được dẫn đến mục tiêu nhờ hệ dẫn quán tính với đầu tự dẫn radar chủ động.
 
Hệ thống tên lửa phòng không tối tân Buk-M3 (almaz-antey.ru)
Vấn đề phát hiện mục tiêu được giải quyết rất thú vị. Nhiệm vụ này được thực hiwwnj nhờ cả radar phát hiện, cả hệ thống truyền hình ảnh nhiệt cho phép hệ thống hoạt động ở chế độ thụ động, nghĩa là không tạo cơ hội cho kẻ địch phát hiện ra nó. Radar chiếu xạ mục tiêu tham gia vào việc dẫn tên lửa đến mục tiêu.

Hệ thống Buk-M3 bao gồm các xe sau đây:

- xe hỏa lực bánh xích mang 6 tên lửa;

- xe chở đạn kiêm bệ phóng mang 12 tên lửa;

- xe chở-nạp đạn.

Sở chỉ huy làm việc với 36 kênh mục tiêu, tức là một tiểu đoàn Buk-M3 có thể bắn đồng thời 36 mục tiêu.

Một trong những điểm mới so với các biến thể là khác là các tên lửa được để trong các ống phóng kín chứ không phải trên các thanh dẫn hướng. Điều đó bảo đảm thuận lợi trong sản xuất, bảo quản, sửa chữa, sự nhanh chóng và an toàn hoạt động của hệ thống. Cách bố trí tên lửa như vậy bảo đảm hệ thống có khả năng tác chiến mọi góc độ - tên lửa được phóng ra từ ống phóng, khi bay lên thì xoay về hướng cần thiết.

Nhờ có khả năng cơ động cao của tên lửa và độ chính xác dẫn tên lửa vào mục tiêu, xá suất tiêu diệt mục tiêu bằng một quả đạn đối với máy bay là 0,999, tên lửa hành trình là 0,85, tên lửa chiến dịch-chiến thuật là 0,8.

Cuối cùng là nói về các đặc tính quan trọng là tầm bắn và độc cao diệt mục tiêu. Tầm bắn của Buk-M3 so với biến thể trước đã tăng đáng kể và đạt 70 km. Dải độ cao đánh chặn mục tiêu nằm trong khoảng từ 10 - 35.000 m, tức là trần đánh chặn của tên lửa đã tăng thêm 10.000 m.

Hệ thống tên lửa phòng không lục quân tầm trung Buk-M3
Các nhà thiết kế khẳng định rằng, xét về khả năng, hệ thống Buk-M3 vượt trội tất cả các hệ thống hiện có cùng nhóm. Tuy nhiên, một là không có thông số rõ ràng đặt ra giới hạn cho hệ thống tên lửa phòng không tầm trung. Đây là vấn đề rất mờ nhạt. Hai là trước các hệ thống thường được đặt ra những nhiệm vụ khác nhau, đúng hơn là xác định những ưu tiên khác nhau. Ví dụ, hệ thống S-300 dùng để trang bị cho bộ đội phòng không (phòng không quốc gia).

Đối với nhóm hệ thống tầm trung này thì tầm tiêu diệt mục tiêu tối đa nằm trong khoảng 50-200 km. Còn đối với các phương tiện phòng không tầm trung biên chế cho lục quân thì dải tầm này là từ 30-100 km. Tức là Buk-M3 không thể cạnh tranh với S-300. Nhưng nó có độ cao bắn lớn hơn 8 km so với tất cả các biến thể của S-300: 35 km so với 27 km; song thua kém về tầm bắn: S-300PMU1 có tầm bắn 150 km, S-300PMU2 - 200 km.

Còn khi đối phó với mục tiêu đường đạn thì hai hệ thống ngang bằng nhau - cả hai đều tiêu diệt các mục tiêu này ở cự ly đến 40 km. Buk-M3 tiêu diệt được mục tiêu bay nhanh hơn - 3.000 m/s, còn S-300PMU2 - 2.800 m/s. Xác suất diệt máy bay của tên lửa Buk cũng cao hơn.

Các đối thủ

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung mới nhất của Mỹ là SLAMRAAM. Đúng ra, đây là sản phẩm hợp tác Nauy-Mỹ, hoàn thành vào giữa thập niên 1990 và được nhận vào trang bị của quân đội Nauy với tên NASAMS. Hệ thống này sử dụng tên lửa không đối không AIM-120 của Mỹ. NASAMS có tính năng vượt trội hệ thống Avenger của Mỹ.

Mỹ quyết định cũng làm một hệ thống như vậy, tức là trên cơ sở NASAMS và tên lửa không đối không sử dụng cho nó, nhưng có sự nâng cấp đối với cả tên lửa và hệ thống. Hệ thống tên lửa phòng không cơ động dùng khung gầm bánh lốp mới có tên SLAMRAAM (Surface Launched Advanced Medium Range Air-to-Air Missile) và được nhận vào trang bị vào năm 2013.

Hệ thống này áp dụng ý tưởng cũ với 6 tên lửa đặt trên các thanh dẫn hướng. Và trước khi phóng cần xoay hướng chúng về mục. Nếu cần bắn một mục tiêu thì chẳng có vấn đề gì lớn, nhưng nếu như cùng lúc có mấy mục tiêu bay nhanh tấn công từ nhiều hướng vào khu vực trách nhiệm của hệ thống tên lửa phòng không thì kíp chiến đấu có thể mất đi quãng thời gian quý báu cho việc xoay bệ mang các thanh dẫn hướng.

Nguyên lý dẫn tên lửa vào mục tiêu cũng như ở Buk-M3 - ở giai đoạn cuối, đầu tự dẫn radar được bật lên. Nhưng xác suất diệt mục tiêu thì thấp hơn - tùy thuộc chủng loại mục tiêu, nó nằm trong khoảng 0,6-0,8. Để tìm kiếm mục tiêu cũng sử dụng radar và hệ thống quang-hồng ngoại. Số lượng mục tiêu bắn được đồng thời ít hơn - chỉ là 3.

Một nhược điểm lớn bắt nguồn từ chủng loại tên lửa. AIM-120 là tên lửa không đối không nên không thể tác chiến chống mục tiêu mặt đất và mặt nước.

Tầm bắn và độ cao tác chiến của tên lửa thì quá kém, tương ứng chỉ có 25 km và 16 km. Nhưng hệ thống này cũng có những ưu điểm. Ví dụ, sở chỉ huy có thể bố trí cách các bệ phóng đến 25 km, nên tăng được khả năng sống còn của hệ thống.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung phổ dụng nhất là Improved Hawk, cũng sử dụng tên lửa không đối không, được nhận vào trang bị vào đầu thập niên 1970 và hiện nay đang được sử dụng trong quân đội gần 30 nước, trong đó có tất cả các nước NATO. Hệ thống này có tầm bắn và độ cao tác chiến tối đa tốt hơn một chút, tương ứng là 40 km và 18 km. Nhưng độ cao bắn tối thiểu 30 m hiện nay là thông số kém.

ặc dù có một số lần hiện đại hóa, các kỹ sư đã không thể giải quyết được một trong những vấn đề cơ bản nhất: radar phát hiện mục tiêu có tầm 100 km vẫn hoạt động “theo kiểu cũ”, tức là không có ngụy trang nên là mồi ngon cho các tên lửa chống radar của đối phương.

Cần phải nói rằng, cả hai hệ thống của Mỹ đều không thể đối phó với nhiều mục tiêu như có phạm vi Buk-M3.
Nam Xương