In bài này
Vũ khí Israel và sức mạnh quân sự Ấn Độ
Thứ Bẩy, 04/06/2016 - 9:23 PM
Hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Israel và Ấn Độ được thiết lập bởi bối cảnh hai nước đều nằm ngay sát các nước láng giềng Hồi giáo và điều kiện chủ yếu để bảo đảm an ninh quốc gia là một quân đội được trang bị tốt.
Hai quốc gia đã đẩy mạnh hợp tác về kỹ thuật quân sự từ đầu những năm 2000 và hiện nay công nghiệp quốc phòng Israel là nhà cung vũ khí lớn thứ 4 của Ấn Độ. Cần lưu ý rằng, mức độ tin tưởng giữa hai nước cao đến mức Israel tín nhiệm giao phó cho lực lượng tên lửa Ấn Độ phóng các vệ tinh do thám của họ lên quỹ đạo.

Không quân

Năm 2015, quân đội Ấn Độ đã nhận vào biên chế một số (nhiều khả năng 4) máy bay chỉ huy/báo động sớm G550 do Công ty ELTA nằm trong Tập đoàn IAI của Israel chế tạo trên cơ sở máy bay dân dụng Embraer 145. Các máy bay này cho phép quan sát tình hình trên không trong 9 giờ liên tục không cần tiếp dầu, nhưng điểm yếu chủ yếu của nó là không thể hoạt động xa sân bay trú đóng vì hệ thống radar trên máy bay không cho phép theo dõi vùng rẻ quạt không gian lớn.

Để tăng cường khả năng của Không quân Ấn Độ (IAF) trong phát hiện mục tiêu bay và điều phối hoạt động của máy bay, New Delhi năm 2016 đã chi hơn 3 tỷ USD cho các hợp đồng mới với các công ty Israel. Trong khuôn khổ thỏa thuận đã ký gộp làm một 5 hợp đồng, dự kiến cung cấp cho IAF 3 hệ thống radar phát hiện tầm xa và chỉ huy Phalcon trị giá ước 370 triệu USD. Hệ thống này sẽ được lắp lên các máy bay vận tải quân sự Il-76 của Nga. Các chuyên gia Israel đã tích lũy được kinh nghiệm lắp đặt và nâng cấp các trang thiết bị tinh vi này trong thập niên 1990 ở Trung Quốc khi họ tiến hành nâng cấp các máy bay chỉ huy/báo động sớm А-50 của Nga. Các radar và thiết bị của Israel cho phép phát hiện, nhận dạng và bám chắc chắn đồng thời hơn 200 mục tiêu ở cự ly 800 km trở lên.

Mặt hàng được quân đội Ấn Độ tiêu thụ mạnh nhất là máy bay không người lái (UAV) do Israel sản xuất. Năm 2013, Tập đoàn IAI đã nhận được đơn đặt hàng 15 UAV trinh sát Heron tổng trị giá 250 triệu USD với điều khoản phụ mua thêm 20 chiếc, còn năm 2015, quân đội Ấn Độ đã điều chỉnh kế hoạch và đặt mua thêm 10 UAV Heron ТР  (tức Eitan, trang bị 1 động cơ diesel, thời gian bay đến 37 giờ). Có khả năng IAF cũng đã mua 8 UAV Searcher Mk.2.

IAI cũng hợp tác với Công ty Alpha của Ấn Độ để cung cấp các lớp UAV mini (cỡ nhỏ) (Bird Eye-650, trọng lượng 30 kg) và micro (siêu nhỏ) (Bird Eye 400, trọng lượng 1,2 kg). Ngoài ra, Công ty Innocon của Israel đang cung cấp cho Hải quân Ấn Độ và IAF các UAV siêu nhỏ sau: Spider (trọng lượng 2,5 kg) và Bluebird (trọng lượng 1 kg). Tổng trị giá các hợp đồng mua bán các UAV này là 1,25 tỷ USD.

Dĩ nhiên là các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Israel cũng giúp các công trình sư Ấn Độ nghiên cứu chế tạo các mẫu vũ khí trang bị của mình. Ví dụ, các chuyên gia Israel của Tập đoàn Rafael đã tham gia mạnh mẽ nhất vào việc phát triển tên lửa Derby (tên lửa không đối không, tầm trung, sử dụng hệ dẫn radar chủ động và tự dẫn hồng ngoại). IAI đã cung cấp radar anten mạng pha chủ động EL/M-2052 (thể hiện tốt trên các tiêm kích F-16). IAI cũng đã hỗ trợ các công trình sư Ấn Độ khi phát triển trực thăng hạng nhẹ Dhruv khi cung cấp các hệ thống điện, các thiết bị, máy ngắm và các hệ thống vũ khí.

Để trang bị cho các đơn vị máy bay ném bom và tiêm kích, từ năm 2013, IAF mua bom chính xác cao Spice 250 của Công ty Rafael (Israel). Loại bom này có trọng lượng 250 kg, trang bị 4 hệ dẫn (vệ tinh, quán tính, laser và truyền hình) nên cho phép tiêu diệt chắc chắn các mục tiêu hạ tầng của khủng bố kể cả trong môi trường nhà cửa đô thị dày đặc. Trọng lượng nhỏ và độ chính xác cao của bom cho phép trang bị 16 quả bom này cho các máy bay MiG-29 và ném bom ở cự ly cách mục tiêu khá xa (đến 100 km). Nhược điểm duy nhất của loại bom này là giá đắt so với bom không điều khiển và các bom có điều khiển khác.

IAF cũng đã mua 164 thùng treo gắn thiết bị dẫn laser và quang học Lightning 4 để tăng cường tác chiến chống mục tiêu mặt đất cho các tiêm kích Su-30MKI, MiG-29 và các loại máy bay khác.

Phòng không và phòng thủ tên lửa

Hải quân Ấn Độ thường xuyên mua các hệ thống tên lửa phòng không Barak 8 (còn có tên là Barak NG) của các nhà sản xuất Israel để trang bị cho các đơn vị phòng không của IAF và cho hệ thống phòng không hạm tàu của Hải quân Ấn Độ. Các hệ thống này cho phép tiêu diệt hiệu quả các mục tiêu khí động ở cự ly 70 km. Ngoài ra, các công ty IAI và Rafael của Israel hợp tác với các hãng Ấn Độ Bharat Dynamics, Tata Power SE, Larse&Toubro sản xuất các biến thể cơ động của hệ thống tên lửa phòng không Barak 8 cho các đơn vị Lục quân Ấn Độ, cũng như tiến hành công tác nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm nhằm phát triển các hệ thống tên lửa phòng không tầm trung và tầm xa. Các hợp đồng này trị giá 1,5 tỷ USD.

Để theo dõi tình hình trên không, phát hiện các vụ phóng tên lửa đường đạn và bảo đảm dẫn cho các tên lửa đánh chặn, các đơn vị phòng thủ tên lửa của quân đội Ấn Độ đang sử dụng radar Green Pine do Israel sản xuất. Chính các trạm radar này đã cho phép thực hiện các cuộc thử nghiệm thành công hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia của Ấn Độ.

Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ tên lửa ở Pakistan và Trung Quốc, giới lãnh đạo chính trị-quân sự Ấn Độ đang rất chú trọng xây dựng lực lượng bộ đội tên lửa và các đơn vị phòng thủ tên lửa.

Hải quân

Công ty Elbit của Israel và hãng Windward của Ấn Độ đang phát triển hệ thống quan sát và trinh sát cho Hải quân Ấn Độ. Nền tảng của hệ thống này là các UAV Hermes 900 và Hermes 1500 của Israel. Các UAV này cho phép tuần tra thời gian dài đường biên giới biển, nhận dạng và phân loại các tàu thuyền. Các UAV này sẽ giúp quân đội Ấn Độ đối phó với lực lượng tình báo, trinh sát của hải quân Trung Quốc.

Trong lĩnh vực phòng không hạm tàu, Hải quân Ấn Độ đang lắp các hệ thống tên lửa phòng không Barak 8 cho các tàu hộ vệ, tàu khu trục hiện đại, cũng như tàu sân bay nội địa của mình. Ngoài ra, công nghiệp quốc phòng Israel đã nhận được hợp đồng 163 triệu USD để cung cấp 262 tên lửa chống hạm Barak 1.

Lục quân

Các nhà sản xuất vũ khí Israel đang cung cấp các hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Spike cho các đơn vị Lục quân Ấn Độ. Được biết, một hợp đồng cung cấp 321 bệ phóng và 8.356 tên lửa đi kèm đã được ký kết.

Các công ty Israel cũng đang tham gia phát triển các loại đạn pháo 155 mm cho pháo tự hành, cũng như tên lửa phóng từ pháo tăng Ấn Độ Arjun Mk.1.

Hợp tác tình báo

Theo thông tin của tình báo quân sự Trung Quốc, Ấn Độ và Israel đang tích cực hợp tác về các vấn đề chống khủng bố. Các cơ quan tình báo Israel là Mossad, SHABAK và AMAN đã tiến hành huấn luyện, đào tạo các chuyên gia chống khủng bố của Ấn Độ. Ngoài ra, 3.000 lính Ấn Độ đã qua huấn luyện trong các đơn vị đặc nhiệm của quân đội Israel. Quan chức chỉ đạo hoạt động hợp tác chính trị-quân sự của Israel với Ấn Độ là Cố vấn An ninh quốc gia của Thủ tướng Israel, người đứng đầu Hội đồng An ninh quốc gia, Chuẩn tướng dự bị Avriel Bar-Yosef.

Như vậy, có thể khẳng định rằng, công nghiệp quốc phòng Israel đang đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức mạnh quốc phòng và  an ninh của Ấn Độ. Một trong những dự án chung gần đây của các công trình sư Ấn Độ và Israel là dự án “Bức tường laser”, trong khuôn khổ dự án sẽ xây dựng hệ thống hiện đại để quan sát biên giới với Pakistan. Vũ khí trang bị của Israel có vai trò quan trọng vì chúng giúp duy trì sự cân bằng chính trị-quân sự trong khu vực, nơi mà Trung Quốc đang mưu toan áp đặt luật chơi của mình.
Nhân Vũ