In bài này
Cuộc cách mạng Nga: Thế hệ tăng-thiết giáp mới
Thứ Bẩy, 04/06/2016 - 4:55 PM
Lục quân Nga sẽ có một lực lượng xe thiết giáp bánh xích và bánh lốp mới.
Xe tăng chủ lực Т-14 Armata

Tạp chí IHS Jane’s International Defence Review số 2/2016 đăng bài báo “Cuộc cách mạng Nga: Thế hệ tăng-thiết giáp mới” của chuyên gia hàng đầu thế giới về tăng-giáp Chritopher Foss. Theo ông Foss, chương trình tái trang bị Lục quân Nga bằng các xe thiết giáp bánh xích và bánh lốp thế hệ mới là chương trình tham vọng nhất trong số các chương trình như vậy.

Sau hàng loạt nỗ lực bất thành, người ta trông đợi trong thời gian sắp tới, Lục quân Nga sẽ có một lực lượng xe thiết giáp bánh xích và bánh lốp mới dùng để thay thế các loại xe đã được thiết kế từ hơn 30 năm trước và việc tiếp tục nâng cấp chúng là không phù hợp.

Xét tới quy mô của chương trình tái trang bị tăng-giáp cho lục quân đầy tham vọng này, tình trạng kinh tế hiện nay của Nga, cũng như ảnh hưởng của các biện pháp trừng phạt của phương Tây, vẫn chưa rõ liệu có giữ được tiến độ của chương trình và có cung cấp đủ số lượng xe mới cần thiết trong 5 năm tới hay không.

Nhằm giảm chi phí vòng đời ở nơi có thể, trên các xe thiết giáp mới của Nga sử dụng những bộ phận, chi tiết và tổng thành chuẩn hóa. Ngoài ra, điều đó cũng đơn giản hóa công tác đào tạo, huấn luyện và bảo đảm vật chất-kỹ thuật.

Hiện nay, việc sản xuất xe tăng chủ lực của Nga tập trung ở thành phố Nizhny Tagil, còn sản xuất xe chiến đấu bộ binh bánh xích BMP-3, xe chiến đấu đổ bộ đường không BMD-4M và xe thiết giáp đổ bộ đa nhiệm được thực hiện ở Kurgan. Còn việc sản xuất họ xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp thì tập trung ở Nizhny Novgorod.
 
Christopher Foss, chuyên gia hàng đầu của hãng IHS Jane’s về kỹ thuật tăng-thiết giáp, tác giả của gần 60 cuốn sách và hàng trăm bài báo về chủ đề này
Mấy năm trước, một nhà máy ở St. Petersburg đã chấm dứt sản xuất tăng chủ lực, còn nhà máy ở Omsk thì ngừng sản xuất tăng T-80U và nay đang tập trung vào sản xuất xe thiết giáp bảo đảm.

Một nhà máy sản xuất tăng lớn khác của Liên Xô nằm ở Kharkov, nay thuộc Ukraine, nhưng ở đây cũng đã ngừng sản xuất. Hiện nay, Ukraine đang thực hiện các chương trình phát triển tăng chủ lực và xe bọc thép của riêng mình và cạnh tranh với Nga để giành giật các hợp đồng trên thị trường thế giới; họ đã giành được hàng loạt hợp đồng xuất khẩu lớn của quân đội Iraq, Pakistan và Thái Lan.

Chiến tranh lạnh kết thúc đã gây ảnh hưởng lớn không chỉ đối với các nhà sản xuất tăng-giáp lớn của Nga, mà cả đến các tổ chức nghiên cứu-phát triển, cũng như nhiều nhà thầu phụ mà không có họ thì các dây chuyền sản xuất của các nhà máy lắp ráp không thể hoạt động.

Do sự cắt giảm mạnh các đơn đặt hàng tăng-giáp mới cho quân đội Nga, các hợp đồng xuất khẩu ký với khách hàng lớn (Ấn Độ, Libya, Syria, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Venezuela) trở nên cực kỳ quan trọng đối với ngành công nghiệp Nga.

Nga cũng đã bắt đầu hàng loạt các chương trình hợp tác với các nhà thầu quốc phòng phương Tây, nhưng do lệnh trừng phạt mà các chương trình này đã bị đình chỉ.
Ví dụ như công ty Thales Group (Pháp) đã cung cấp số lượng lớn khí tài ảnh nhiệt cho xe tăng Т-90 của Nga, còn hãng Rheinmetall Defence (Đức) đã có các hợp đồng cung cấp thiết bị huấn luyện. Tương tự, công ty Renault Trucks Defense (Pháp) đã cùng với hãng Uralvagonzavod (Nga) đã hợp tác phát triển xe chiến đấu bộ binh 8 bánh lốp Atom, nhưng từ đó chương trình này cũng bị đình chỉ.

Xe tăng chủ lực Т-14 Armata

Xe tăng chủ lực Т-90 mà ban đầu có tên là T-72BU là xe tăng chủ lực mới nhất được trang bị cho Lục quân Nga.

Xe tăng T-90 chính thức được nhận vào trang bị vào cuối năm 1992, và đang được sản xuất tại nhà máy của tổng công ty Uralvagonzavod ở Nizhny Tagil, nhà máy sản xuất tăng duy nhất đang hoạt động ở Nga hiện nay.

Nga cũng có một số nỗ lực bất thành nhằm tái trang bị lực lượng xe tăng Nga bị sụt giảm mà nỗ lực cuối cùng trong số đó là xe tăng T-95 trang bị pháo 152 mm 2A83 với máy nạp đạn tự động.


Xe tăng chủ lực Т-14 Armata

Hiện nay, xét tổng thể, Т-14 Armata là loại xe tăng của tương lai. Nó được Uralvagonzavod phát triển với sự hỗ trợ của nhiều nhà thầu, trong đó có Nhà máy pháo binh số 9, đơn vị chịu trách nhiệm về hệ thống vũ khí và cũng nằm trong thành phần Uralvagonzavod.

Xe tăng Armata đã được giới thiệu ồn ào với công chúng tại cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ ở Moskva vào tháng 5/2015.

Ở tăng Armata, cũng như ở dự án tăng bị hủy bỏ T-95, trưởng xe, pháo thủ và lái xe ngồi trong buồng bọc giáp nằm ở phần trước thân xe. Pháo nòng trơn điều khiển từ xa 125 mm được lắp ở giữa xe, còn động cơ diesel nằm ở đuôi xe. Theo đánh giá của các chuyên gia, trọng lượng đầy đủ của T-14 là 57 tấn.

Pháo nòng trơn 125 mm 2А82-1М sẽ bảo đảm độ chính xác bắn cao hơn họ pháo tăng 125 mm 2А46М lắp trên tăng chủ lực Т-90. Pháo 2А82-1М được trang bị vỏ chống nhiệt và sensor độ cong của nòng pháo. Pháo được trang bị máy nạp đạn tự động và ngoài các loại đạn thông thường, còn có thể bắn tên lửa dẫn bằng laser có tầm 5.000 m (giống như ở các loại tăng trước đó T-90, T -72 và Т-80). Cơ số đạn của T-14 Armata là 45 phát bắn 125 mm (32 trong máy nạp đạn).

Hệ thống điều khiển hỏa lực tự động hóa cải tiến được trang bị các hệ thống ngắm kết hợp ngày/đêm, có ổn định dành cho trưởng xe và pháo thủ có tích hợp máy đo xa laser. Trưởng xe có máy ngắm toán cảnh lắp trên nóc xe, cho phép tiêu diệt mục tiêu ở chế độ “thợ săn-xạ thủ”, trong đó trưởng xe trước hết phát hiện mục tiêu và nếu xác nhận đó là địch thì chuyển giao nó cho pháo thủ để tiêu diệt.

Xe tăng Т-14 Armata còn được trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa gắn 1 súng máy 7,62 mm. Các mẫu tăng T-14 đầu tiên rõ ràng là không có súng máy 7,62 mm lắp đồng trục với pháo vốn thường có mặt trên các xe tăng Nga.

Người ta không tiết lộ chi tiết về kết cấu vỏ giáp, nhưng giáp chính và tháp xe được làm bằng thép hàn. Hệ thống giáp thụ động cải tiến bao gồm các khối giáp phản ứng nổ được lắp để bảo đảm khả năng phòng vệ tốt chống đạn xuyên giáp dưới cỡ và đạn xuyên lõm. Khu vực đuôi xe tăng được bảo vệ bằng các lưới chắn.

Ngoài giáp thụ động, khả năng sống còn của tăng Т-14 còn được bảo đảm nhờ hệ thống phòng vệ tích cực Afghanit và hệ thống đối phó quang-điện tử.

Tất cả các loại tăng Nga trước đó có thể tạo lập màn khói bằng cách phun dầu diesel vào ống xả và hoàn toàn có thể là Armata cũng có khả năng đó.

Trang thiết bị tiêu chuẩn của tăng Т-14 còn gồm cả hệ thống phòng chống NBC (phòng chống vũ khí hạt nhâ và hóa-sinh), hệ thống điều hòa không khí, hệ thống chỉ huy chiến đấu và các camera truyền hình nhìn vòng để quan sát tình hình xung quanh xe tăng.

Theo các thông tin hiện có, Nga đã sản xuất 20-24 mẫu thử nghiệm hay mẫu tiền sản xuất loạt tăng Т-14 Armata, nhưng đến nay tăng này vẫn chưa được chính thức nhận vào trang bị của quân đội Nga. Ngay từ đầu, Nga đã dự định sản xuất 2.300 xe tăng T-14 với nhịp độ sản xuất đến 500 xe/năm.

Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Т-15

Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Т-15 là loại xe thiết giáp mới dành cho quân đội Nga. Loại xe phương Tây có sự tương đồng nhiều nhất với T-15 là xe chiến đấu bộ binh Namer (Con cọp) vốn được chế tạo dựa trên các bộ phận và tổng thành của tăng chủ lực Merkava Mk-IV của quân đội Israel.
 
Xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Т-15 sử dụng khung gầm Armata

Ở xe chiến đấu bộ binh Т-15, động cơ diesel bố trí ở phần trước của xe, ngay sau đó là vị trí của trưởng xe và lái xe, chiếm phần còn lại là khoang chở quân đổ bộ. Lính đổ bộ lên và xuống xe qua cửa đuôi dốc rộng có bộ dẫn động.
 
Trên nóc xe T-15 lắp module chiến đấu điều khiển từ xa Epokha do hãng KBP ở Tula phát triển. Module được trang bị pháo tự động tiêu chuẩn của Nga 2А42, 1 súng máy đồng trục 7,62 mm PKTM và 2 cụm ống phóng kép tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM dẫn bằng laser. Các tên lửa chống tăng có điều khiển này có thể được trang bị phần chiến đấu xuyên lõm 2 lượng nổ hay phần chiến đấu nhiệt áp (phần chiến đấu nhiệt áp đặc biệt hiệu quả khi tác chiến trong các khu đô thị lớn). Hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM có tầm bắn tối đa 8.000-10.000 m tùy thuộc vào biến thể.

Pháo 30 mm có chế độ chọn đạn 2А42 có cơ số đạn 500 viên sẵn sàng bắn, trong đó có 160 viên đạn xuyên giáp và 340 viên đạn phá-mảnh. Cơ số đạn súng máy 7,62 mm PKTM là 2.000 viên.

Hệ thống điều khiển hỏa lực máy tính hóa được trang bị các hệ thống ngắm ổn định ngày/đêm lắp trên nóc và được tích hợp máy đo xa laser.

Giống như tăng Т-14, xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Т-15 có vỏ giáp cải tiến, bao gồm các khối giáp phản ứng nổ bảo vệ phần đầu xe và hai bên sườn xe. Để giảm chiều rộng tổng thể của xe khi vận chuyển, các khối giáp phản ứng nổ sườn xe có thể gấp. T-15 cũng được trang bị hệ thống phòng vệ tích cực Afghanit và hệ thống đối phó quang-điện tử.

Ngoài tăng chủ lực Т-14 Armata và xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Т-15, Nga đang phát triển nhiều xe chiến đấu hạng nặng khác trên cơ sở khung gầm Armata hay có sử dụng các bộ phận và tổng thành tương tự mặc dù chưa mẫu xe nào trong số này được giới thiệu trong cuộc duyệt binh trên Quảng trường Đỏ vào tháng 5/2015. Trong số các xe đó có xe cứu kéo bọc thép BREM-Т (Т-16), xe tăng bắc cầu MT-A, xe công binh đa nhiệm MIM, xe phun lửa BMO-2, xe chiến đấu yểm trợ tăng và hệ thống rải mìn USM-1.

Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25

Xe chiến đấu bộ binh sử dụng khung gầm Kurganets-25 là xe chiến đấu bộ binh bánh xích mới, có trọng lượng chiến đấu gần 25 tấn, do hãng Kurganmashzavod phát triển. Hiện nay, Kurganmashzavod đang sản xuất xe chiến đấu bộ binh BMP-3 cho xuất khẩu.

Lái xe ngồi ở bên trái đầu xe, động cơ diesel bố trí bên phải đầu xe, trưởng xe và pháo thủ ngồi vai sát vai ngay sau đó. Khoang chở quân có thể chứa 6 lính bộ binh, họ lên/xuống xe qua cửa dốc rộng có dẫn động.

Khác với các xe chiến đấu bộ binh sản xuất trước đó BMP-1, BMP-2 và BMP-3, xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 không có các khe bắn và các khí tài quan sát tương ứng.

Mẫu cơ sở của Kurganets-25 cũng được lắp module chiến đấu Epokha điều khiển từ xa giống như ở xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Т-15.

Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25

Trong số các biến thể khác của khung gầm Kurganets-25 có xe bọc thép chở quân trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa lắp 1 súng máy 12,7 mm, xe cứu kéo và trong tương lai có thể có cả xe chỉ huy.

Dự đoán, thân xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 được làm bằng thép hàn, còn qua các bức ảnh có thể thấy rằng, xe được lắp thêm giáp tăng cường để nâng cao khả năng sống còn trên chiến trường. Xe cũng được trang bị hai hệ thống phòng vệ tích cực và bảo vệ quang-điện tử.

Xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25 có khả năng bơi đầy đủ, di chuyển trên mặt nước nhờ 2 động cơ phụt nước lắp ở hai bên đuôi xe. Tốc độ bơi tối đa là 10 km/h.

Để đưa các động cơ phụt nước vào hoạt động, lái xe cần phải nâng tấm chắn rẽ nước được thu vào dưới phần trước thân xe, bật máy bơm thoát nước và nâng ống hút khí nằm ở bên trái thân xe, ngay trước tháp.

Xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp Bumerang

Quân đội Nga luôn nhận vào trang bị các xe bọc thép bánh xích của bộ binh cùng với các xe bọc thép chở quân bánh lốp. Xe bọc thép chở quân bánh lốp có khả năng cơ động chiến lược cao hơn vì không đòi hỏi các xe vận chuyển hạng nặng để đưa chúng vượt những quãng đường xa.

Các xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp bơi BTR-60/BTR-70/BTR-80 đã được sản xuất số lượng lớn cho quân đội Nga và xuất khẩu. Ngoài ra, còn có xe bọc thép chở quân lớn hơn là BTR-90, nhưng Nga chỉ sản xuất mấy chiếc và việc xúc tiến nó ra thị trường đã chấm dứt.

Xe bọc thép chở quân bánh lốp Bumerang

Công ty Công nghiệp quốc phòng (VPK) của Nga là nhà thầu chính sản xuất các xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp, bơi dòng BTR.

Sự phát triển tiếp theo của BTR-80/BTR-80А đã dẫn đến sự ra đời của BTR-82/BTR-82А. Trong đó, BTR-82A đã được sản xuất số lượng hạn chế cho quân đội Nga trong khi chờ đợi nhận vào trang bị xe bọc thép chở quân Bumerang.

Cấu trúc các xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp này (BTR-60/ BTR-70/BTR-80/BTR-82/BTR-90) gần như giống nhau: trưởng xe và lái xe ngồi ở phía trước, khoang chở quân/module chiến đấu ở giữa, còn động cơ ở phần đuôi xe.

Mẫu xe bọc thép chở quân tối tân nhất Bumerang có cấu trúc hoàn toàn mới, giống với các mẫu xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp mới nhất của phương Tây, trong đó lái xe ngồi ở bên trái, phía trước, động cơ ở bên phải, ở phần còn lại bố trí khoang chở quân.

Ngoài 3 thành viên kíp xe, xe còn chở được 9 lính bộ binh, lên/xuống xe qua cửa dốc ở đuôi có dẫn động. Khác với các dòng xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp những đời đầu, khoang chở quân của Bumerang không có các khe bắn. Biến thể xe chiến đấu bộ binh dùng khung gầm Bumerang cũng được trang bị module chiến đấu Epokha giống như xe chiến đấu bộ binh hạng nặng T-15 và xe chiến đấu bộ binh Kurganets-25.

Nga có cả loạt biến thể chuyên dụng dùng khung gầm Bumerang, trong đó có xe bọc thép chở quân trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa lắp 1 súng máy 12,7 mm. Sau này, có thể xuất hiện các biến thể chuyên dụng khác như xe chỉ huy, xe quân y/sơ tán.

Nhiều khả năng thân xe được làm bằng thép hàn và được trang bị giáp treo. So với các xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp dòng BTR, cấu trúc thân xe Bumerang đơn giản hơn nhiều và có dáng thuôn hơn, tạo điều kiện lắp thêm giáp tăng cường.

Nga luôn chú trọng đến khả năng bơi nước của các xe chiến đấu bộ binh và xe bọc thép chở quân của họ, nên khả năng này cùng được duy trì ở xe Bumerang với 2 động cơ phụt nước bảo đảm cho xe bơi.

Dự kiến, quân đội Nga sẽ được chuyển giao 2.000 xe bọc thép chở quân 8 bánh lốp Bumerang ở các cấu hình khác nhau.

Pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV

Pháo tự hành 152 mm được đưa vào trang bị của quân đội Nga là 2S19 Msta-S. Đến nay, Nga vẫn chào bán xuất khẩu một số biến thể của pháo này, kể cả biến thể cỡ nòng 155 mm bắn các loại đạn tiêu chuẩn NATO và sử dụng hệ thống liều phóng module.

Mẫu ban đầu của pháo tự hành 2S35 Koalitsiya-SV không được đưa vào sản xuất, được chế tạo dựa trên khung gầm xe tăng cải tiến và có tháp xe lắp 2 nòng pháo 152 mm xếp chồng lên nhau, mỗi nòng đều có bộ hãm nòng.

Ở mẫu mới nhất của Koalitsiya-SV có sử dụng khung gầm mới với các bộ phận, tổng thành của xe tăng Т-14 Armata* với kíp xe ngồi ở phần trước, module chiến đấu ở giữa và động cơ diesel ở phần đuôi xe. Phần đuôi của Koalitsiya-SV khác với xe tăng Armata, điều đó cho thấy pháo tự hành này sử dụng động cơ diesel khác.

Các bánh tỳ (chịu tải) của Koalitsiya-SV cũng khác với bánh tỳ sử dụng ở tăng Armata và giống hơn với bánh tỳ ở xe tăng Т-72 và Т-90.

Module chiến đấu điều khiển từ xa được lắp 1 nòng pháo 152 mm với bộ hút khói và bộ phanh hãm nòng. Khi hành quân, nòng pháo được giữ chặt bằng cơ cấu cố định nằm ở phần trước thân xe. Pháo được trang bị hệ thống tự động xếp dỡ đạn, cho phép nạp đạn 152 mm, sau đó là liều phóng.

Nhiều khả năng Nga đã phát triển một họ đạn 152 mm mới, trong đó có đạn tầm bắn tối đa 70 km nhờ sử dụng bộ phát khí đáy và động cơ tên lửa.

Giống như đa số các hệ thống khác, pháo tự hành Koalitsiya-SV của Nga bắn các loại đạn thông thường như phá-mảnh, khói, chiếu sáng, tăng tầm, đạn tấn công từ nóc và đạn dẫn bằng laser.

Ở pháo tự hành 152 mm Koalitsiya-SV, kíp xe ngồi ở phía trước thân xe, tháp điều khiển từ xa ở giữa, còn động cơ diesel ở đuôi xe

Pháo tự hành Koalitsiya-SV được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực máy tính hóa và hệ thống dẫn đường mặt đất, cho phép độc lập thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu - thông thường, nó sẽ tiến hành xạ kích thời gian ngắn có thay đổi trận địa bắn. Ngoài ra, nó cũng được trang bị thiết bị radar để đo sơ tốc đạn và truyền thông tin đến hệ thống điều khiển hỏa lực để nâng cao độ chính xác bắn.

Hiện chưa có thông tin chi tiết về vỏ giáp của Koalitsiya-SV, nhưng do hệ thống này có lẽ sẽ không được triển khai ngay sát chiến tuyến nên có thể nó có mức độ bảo vệ thấp hơn tăng Т-14 Armata và xe chiến đấu bộ binh hạng nặng Т-15.

Ở hai phía tháp xe có lắp mỗi bên 3 ống phóng lựu khói 81 mm dẫn động bằng điện, còn trên nóc tháp lắp module chiến đấu điều khiển từ xa gắn 1 súng máy 12,7 mm.

Ngoài pháo tự hành bánh xích Koalitsiya-SV, Nga đang phát triển cả biến thể bánh lốp sử dụng khung gầm 8 bánh lốp, có trọng lượng nhẹ và vì thế mà có sức cơ động chiến lược cao hơn.

Giống như Nga, Trung Quốc đã luôn sử dụng các hệ thống pháo kéo và pháo tự hành 152 mm, nhưng hiện nay Trung Quốc đang thay thế chúng bằng các hệ thống pháo 155 mm bắn các loại đạn của phương Tây và nhờ đó mà có tiềm năng xuất khẩu cao hơn.

Mở rộng vai trò

Người ta đã từng nghĩ rằng, Nga sẽ mua một số lượng lớn ô tô bọc thép đa nhiệm LMV của nhà sản xuất Iveco Defence Vehicles của Italia, nhưng sau khi bàn giao 368 xe cho quân đội Nga, chương trình này đã bị đình chỉ.

Trong khi đó, Công ty VPK đang tiếp tục sản xuất ô tô bọc thép 4 bánh lốp Tigr  vốn tương đồng về khái niệm và bề ngoài với xe LMV, và ngoài biến thể xe chỉ huy-tham mưu tiêu chuẩn, các xe này đang được sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ.

Xe ô tô bọc thép 4 bánh lốp Tigr với các tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM

Tigr có thể được trang bị module chiến đấu điều khiển từ xa gắn 1 súng máy 7,62 mm, cũng như có thể dùng làm phương tiện mang để lắp hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển Kornet-EM với 4 tên lửa sẵn sàng bắn. Các tên lửa được lắp trên 2 bệ phóng kép. Hệ thống tên lửa chống tăng này có thể tiêu diệt đồng thời 2 mục tiêu ở cự ly 8.000-10.000 m.

Các xe ô tô bọc thép bánh lốp khác sẽ được trang bị cho quân đội Nga gồm có xe bọc thép chở quân 6 bánh lốp Taifun-K (KAMAZ-63968) và xe bọc thép 6 bánh lốp có khả năng chống mìn tăng cường Taifun-U (Ural-63095).

Bình luận của IHS Jane’s International Defence Review

Trong khi quân đội Nga đang tiến hành thử nghiệm các xe thiết giáp bánh xích và bánh lốp mới, chúng sẽ không được chào bán xuất khẩu.

Đồng thời, công nghiệp quốc phòng Nga vẫn tiếp tục xúc tiến ra thị trường thế giới các loại xe tăng-giáp họ đang sản xuất hiện nay, chủ yếu là xe tăng Т-90 và xe chiến đấu bộ binh BMP-3, cũng như các biến thể chuyên dụng của chúng. Tăng Т-90 đã được xuất khẩu sang Azerbaijan, Algeria, Ấn Độ (kể cả để sản xuất tại chỗ), Libya (mặc dù tình trạng hiện nay chưa rõ ràng), Turkmenistan và Uganda.

Mẫu xuất khẩu của tăng này là Т-90S, còn biến thể mới nhất của nó là Т-90MS (đôi khi còn gọi là Т-90SM) có hàng loạt cải tiến và nhằm vào các khách hàng Cận Đông.

Xe tăng chủ lực Т-90MS

Hiện nay, Uralvagonzavod còn đang xúc tiến ra thị trường cả một họ xe thiết giáp bảo đảm chế tạo trên cơ sở tăng chủ lực Т-90, trong đó có xe cứu kéo-sửa chữa bọc thép, xe công binh chiến đấu, xe tăng bắc cầu và xe rà phá mìn.

Từ năm 1973-1990, nhà máy ở Nizhny Tagil đã xuất xưởng 20.574 xe tăng Т-72. Nhiều chiếc trong số đó vẫn còn trong trang bị. Hiện nay, Uralvagonzavod đang đề nghị hàng loạt chương trình nâng cấp các xe tăng này, có thể tích ứng với các yêu cầu khai thác cụ thể, một số trong đó sử dụng một số bộ phận của các xe tăng Т-90 đang sản xuất hiện nay.

Uralvagonzavod cũng đang đầu tư phát triển các xe thiết giáp dành riêng cho thị trường xuất khẩu mà ví dụ điển hình là BMPТ-72 Terminator-2 vốn được trưng bày vào năm 2013, nhưng đến nay vẫn chờ các đơn đặt hàng xuất khẩu.

Xe chiến đấu yểm trợ xe tăng Terminator-2 (BMPТ-72)

BMP-3 là một trong những loại xe chiến đấu thiết giáp bán chạy nhất của Nga. Nga đã xuất khẩu xe này sang Síp, Indonesia, Hàn Quốc, Kuwait, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất và Venezuela. BMP-3 vẫn được chào hàng xuất khẩu cùng với một số biến thể nâng cấp nhằm nâng cao khả năng chiến đấu và khả năng sống còn. Ví dụ như những đề xuất nâng cấp nhằm nâng cao sức mạnh hỏa lực bao gồm hệ thống điều khiển hỏa lực mới và các module chiến đấu khác nhau như AU-220M lắp pháo cải tiến 57 mm và 1 súng máy đồng trục 7,62 mm, cũng như các giải pháp mới nhằm tăng cường khả năng bảo vệ bao gồm giáp thụ động, giáp lưới chắn, giáp phản ứng nổ và hệ thống phòng vệ tích cực và phòng vệ quang-điện tử.
Nhân Vũ