In bài này
Xu hướng phân tích chiến dịch của Nga ở Syria
Chủ Nhật, 17/04/2016 - 4:29 PM
Nhóm quốc tế về ngăn ngừa khủng hoảng mới đây đã đưa ra báo cáo về việc Nga rút quân một phần khỏi Syria, nêu ngắn gọn những hậu quả của bước đi này đối với chế độ ngừng bắn, cũng như tầm quan trọng của nó trong bối cảnh chung chiến lược của Moskva trong cuộc xung đột Syria.


Phân tích những hành động gần đây của Nga ở Syria, trong đó có thỏa thuận ngừng bắn và rút quân một phần, đa số các chuyên gia và các thành viên của Nhóm Khủng hoảng đi đến kết luận rằng, Moskva đã quyết định xem xét số phận của Assad và Syria một cách tách rời nhau. Nhiều người nhất trí rằng, đồng thời với những hành động nhằm ổn định chế độ hiện nay, Nga đã tăng cường áp lực lên ông Bashar al-Assad khi ràng buộc sự hiện diện quân sự mặt đất của mình với sự sẵn sàng hợp tác của ông ta.

Việc cứu vãn chính phủ Syria do Tổng thống Assad đứng đầu là nhiệm vụ hàng đầu đối với Nga trong tương lai trung hạn, kể cả trong bối cảnh có một số bất đồng giữa các đồng minh về những vấn đề then chốt như chiến lược quân sự và thỏa thuận ngừng bắn. Nga hành động trước hết vì những lợi ích quốc gia của mình và tham vọng về vai trò đấu thủ chủ chốt tại khu vực Cận Đông bất kể những cam kết nào liên quan đến số phận chính trị của Assad.

Chiến lược của Putin ở Syria: tiêu diệt đối lập hay đấu tranh chống chỉ nghĩa cực đoan?

-
Phần lớn các phân tích chính trị-quân sự về chiến lược của Nga ở Syria đều xuất phát từ tưởng định sai lầm rằng, mục tiêu chủ yếu của Nga là giúp đỡ chính phủ Syria tiêu diệt tận gốc phong trào đối lập (cả phe vũ trang lẫn ôn hòa). Khi phân tích chiến dịch của Nga ở Syria, cần chia nó ra làm hai giai đoạn vốn theo đổi hai mục tiêu khác nhau: ổn định chính phủ và chiến đấu chống chủ nghĩa cực đoan.

Sẽ không thể củng cố vị thế của Damascus nếu không đưa các nhóm phiến quân vào tầm ngắm, trong đó có những nhóm được phương Tây ủng hộ, tức là những đơn vị hoạt động ở Tây Bắc Syria, nơi Bashar al-Assad đã liên tiếp hứng chịu hàng loạt thất bại. Hành động như thế, Nga đã cô lập đến mức độ nhất định lực lượng đối lập, buộc một số nhóm từ bỏ cuộc chơi chính trị và công khai chạy sang phía cực đoan.

Ngay khi hoàn thành nhiệm vụ ngăn chặn sự sụp đổ của quân đội Syria và nguy hiểm trực tiếp đối với sự cầm quyền của Assad, Moskva liền tập trung vào chống tổ chức “Nhà nước Hồi giáo” (IS) trong số các nhóm vũ trang khác. Chính tính hai mặt trong chiến lược của Nga cho phép khẳng định sự sai lầm của ý kiến, theo đó Nga sẽ coi sứ mệnh của mình là đã hoàn thành chỉ khi hoặc nếu như tất cả các nhóm đối lập (cả các nhóm “thánh chiến” và “không thánh chiến” như được gọi trong báo cáo của Nhóm khủng hoảng) bị đánh tan.

Cũng sẽ là sai khi cho rằng, ở Syria, Nga hành động chống phe đối lập thành chiến và phe đối lập không thành chiến bằng cùng những phương pháp như nhau. Ngay từ trước khi can thiệp vào cuộc xung đột Syria, Moskva nhiều lần có những nỗ lực mở đối thoại với các nhóm đối lập, kể cả các nhóm trung thành với Assad và các nhóm đặt mục tiêu lật đổ ông ta. Ủy ban điều phối quốc gia về thay đổi dân chủ (NCCDC), một trong những tổ chức chính đại diện cho phe đối lập trong nước, đã tham gia hai vòng đàm phán về Syria diễn ra trong năm 2015 ở Moskva. Sử dụng các kênh ngoại giao khác nhau, Kremlin cũng đã tìm cách thuyết phục Liên minh quốc gia Syria (SNC) cử đại diện của mình dự đàm phán, nhưng những nỗ lực này không thành công.

Nhưng sau khi bắt đầu không kích, các quan chức Nga đã khẳng định rằng, họ duy trì tiếp xúc với hàng loạt nhóm thuộc Quân đội Syria tự do (FSA). Tháng 12/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí còn tuyên bố rằng, các cuộc không kích của Nga đôi khi còn yểm trợ từ trên không một số đơn vị của FSA khi tiến hành các chiến dịch chung chống IS. Những nỗ lực liên tục của Nga nhằm thiết lập quan hệ với các nhóm đối lập bất kể mức độ trung thành của họ đối chính phủ Assad đã cho phép Nga duy trì được tiếp xúc với hàng chục đơn vị khác nhau và thuyết phục họ tham gia thỏa thuận ngừng bắn, khi mà lệnh ngừng bắn cuối cùng đã có hiệu lực vào tháng 2/2016.


Nói cách khác, có vẻ như việc đánh tan phe đối lập không thánh chiến không phải là mục tiêu chủ yếu của Moskva ở Syria. Khi tiến hành không kích, các lực lượng đối lập chủ lực trở thành mục tiêu đương nhiên bởi lẽ họ đe dọa Assad. Tuy nhiên, việc tiêu diệt hoàn toàn phe đối lập sẽ là nhiệm vụ quá sức đối với Nga mà họ chắc chắn sẽ không làm nổi. Dĩ nhiên là các cuộc không kích của Nga đã gây tác động choáng váng trên mặt trạn ngoại giao và đã đảo ngược tình thế có lợi cho Assad, tuy nhiên, sự thay đổi cán cân lực lượng trong giao chiến mặt đất là rất hạn chế. Sau nữa năm oanh kích dữ dội, phiến quân thực tế vẫn duy trì được quyền kiểm soát đối với vùng lãnh thổ Tây Bắc Syria và chỉ chịu mất Aleppo vào tay đối phương. Ở một số khu vực, nhất là ở miền Nam Syria, phe đối lập vũ trang thậm chí còn chiếm thêm được các vùng lãnh thổ mới bất chấp các cuộc không kích của Nga.

Có ý kiến (được lưu ý đến trong báo cáo của Nhóm khủng hoảng) rằng, các cuộc tập kích của không quân Nga là một thứ trừng phạt tập thể đối với người Syria. Tuy vậy, đến nay vẫn chưa hoàn toàn rõ ràng là những vụ oanh tạc vào dân thường ở các vùng do phiến quân kiểm soát có phải là một phần của chiến lược quân sự có suy tính và các cuộc tập kích đó nói chung có phải là do chính không quân Nga tiến hành hay không. Nguồn cung cấp phần lớn các bằng chứng là những người chứng kiến và dân chúng địa phương vốn không phải lúc nào cũng phân biệt được các máy bay ném bom Nga với các máy bay của Không quân Syria.

Trong chiến dịch quân sự của mình, Moskva luôn xuất phát từ tin tức tình báo do Damascus cung cấp. Chính các thông tin này kết hợp với các tài liệu tình báo và chụp ảnh trinh sát (cả từ mặt đất và trên không) do quân đội Nga tiến hành là cơ sở để xác định các mục tiêu ném bom. Ở giai đoạn 1 chiến dịch của Nga ở Syria đã bắt đầu có tin cho biết, sau những cuộc oanh kích đầu tiên mà xem ra đã gây thiệt hại cho các cơ sở hạ tầng dân sự ở Tây Bắc Syria, Moskva đã bắt đầu chút ít không tin tưởng đối với các tin tức tình báo do Damascus cung cấp.

Oanh tạc là công cụ rất hiệu quả để đạt được các mục tiêu đặt ra, khi nói đến một chiến dịch quân sự thời gian ngắn, nhưng trong tương lai dài hạn, hiệu quả của phương tiện này khá thấp bởi lẽ với thời gian, đối phương điều chỉnh chiến lược của mình một cách tương ứng (đây chính là điều Mỹ đã vấp phải trong các chiến dịch quân sự ở Iraq và Afghanistan). Và mặc dù theo đánh giá của Nhóm khủng hoảng, Nga “đã hoàn toàn có thể trong những tháng qua đánh tan phe đối lập không thánh chiến”, trên thực tế, Moskva sẽ mất nhiều năm cho việc này, đồng thời với thời gian, hiệu quả của chiến dịch quân sự sẽ tất yếu bị giảm đi. Cân nhắc tất cả các yếu tố ưu và nhược, Nga chắc chắn đã chọn giải pháp giảm quy mô hiện diện quân sự ở Syria trước khi điểm yếu trong vị thế của họ bị tất cả thấy rõ.

Liên minh bấp bênh Nga-Iran

Việc Nga rút bớt đội quân dư thừa được cả Damascus và Tehran chào mừng khi tuyên bố rằng, họ biết trước quyết định này. Tuy nhiên cả Syria và Iran không lâu trước đó còn tỏ ra bất mãn với các hành động của Nga ở Syria. Do đó, một số chuyên gia phỏng đoán rằng, việc rút quân đã làm thất vọng cả Damascus và Tehran vốn cơ bản vẫn muốn tiếp tục các chiến dịch tiến công.

Như đã nêu trong báo cáo của Nhóm khủng hoảng, nếu như Nga sẽ cắt giảm mạnh sự hiện diện của mình ở Syria thì gánh nặng viện trợ quân sự cho Damascus sẽ đặt lên vai Iran và mạng lưới rộng lớn do họ kiểm soát cấu thành nòng cốt quân đội của Assad. Tuy nhiên, sự ra đi của Nga không nhất thiết có nghĩa là đẩy mạnh vai trò của Iran trong cuộc xung đột: nói cho cùng thì các nhiệm vụ của hai nước này ở Syria rất khác nhau.

Iran ủng hộ Assad ngay từ khởi đầu xung đột khi cung cấp cho ông ta cả vũ khí và cả lực lượng chiến đấu mặt đất. Lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRGC) và Hezbollah và Các lực lượng phòng thủ quốc gia (NDF) do họ ủng hộ (đông hơn quân số quân đội Syria) đã cử đến khu vực hàng chục ngàn quân để trực tiếp chiến đấu chống các lực lượng của IS, Mặt trận Al-Nusra (Jabhat al-Nusra) và phe đối lập không thánh chiến trên toàn lãnh thổ Syria. Kết quả là những tổn thất to lớn của lực lượng quân sự Iran và nước ngoài. Theo thông tin không được kiểm chứng, từ tháng 10/2015, hàng trăm lính IRGC, trong đó có không dưới 4 chỉ huy cao cấp, đã thiệt mạng ở Syria.

Nguyên nhân để Moskva can thiệp và đã thay đổi triệt để cán cân sức mạnh trong cuộc xung đột mặt đất là ở chỗ đối phương chẳng có gì để chống lại các cuộc tấn công của máy bay Nga. Các cuộc không kích của Nga đã gây thiệt hại nặng nề cho các kẻ thù của Assad về hạ tầng và sinh lực, dọn đường cho quân đội Assad tiến công. Ngoài ra, nhờ sự tham gia của Không quân Nga trong cuộc xung đột mà tổn thất của quân đội Syria sau tháng 10/2015 đã giảm mạnh.

Nói cách khác, việc rút bớt máy bay Nga khỏi Syria sẽ chưa chắc dẫn đến sự mở rộng hiện diện của Iran trên chiến trường trên bộ ít ra là vì IRGC, Hezbollah và các tay súng Shi’ite không có khả năng bảo đảm cho mình sự yểm trợ không quân. Mà ngay cả chiến dịch quân sự của Nga cũng hoàn toàn không được tính toán để mở rộng trợ giúp cho lực lượng vũ trang mặt đất thân Assad. Trên thực tế, cả hai thành phần của chiến dịch chống khủng bố đều là những dự án được tính toán kỹ, nên việc rút nguồn lực không quân dư thừa hoàn toàn có thể đi cùng với việc rút bớt một phần lực lượng vũ trang mặt đất.

Trong báo cáo của Nhóm khủng hoảng có nêu lên những vấn đề rất quan trọng liên quan đến sự không nhất quán của chiến lược của Nga ở Syria. Một trong các vấn đề đó liên quan đến thủ tục chính trị chuyển giao quyền lực từ Assad sang một nhà lãnh đạo mới nếu như cần có việc đó. Lập trường chính thức của Kremlin là quyền định đoạt số phận của Assad chỉ thuộc về nhân dân Syria, vì thế mọi đồn đoán về thời gian và điều kiện, bối cảnh của sự ra đi sắp tới của Tổng thống Syria chẳng có ý nghĩa gì cho đến khi cuộc bầu cử tổng thống sẽ được tiến hành.

Tuy nhiên, Moskva hiêu rất rõ rằng, tiến trình chính trị đi trước bầu cử tổng thống chỉ có thể khi tuân thủ hàng loạt các điều kiện. Và mặc dù các nhóm đối lập Syria có cách tiếp cận rất khác nhau với câu trả lời cho câu hỏi về việc cụ thể lúc nào Bashar al-Assad cần phải rời chức vụ của mình, tất cả họ đều nhất trí ở chỗ: thời điểm Assad ra đi phải được xác định trong một tiến trình chính trị phù hợp. Sự nhất trí của phe đối lập trong vấn đề về khả năng ứng cử của Assad cho nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo còn quan trọng hơn: nếu như các tuyên bố của ông về sự cần thiết cải cách chính trị là thật tâm thì ông không có quyền tái cử. Nói cách khác, nếu phe đối lập không nhận được sự bảo đảm là Assad sẽ ra đi thì không thể nói gì đến bầu cử tổng thống và quá trình giải quyết hòa bình xung đột sẽ bị phá vỡ. Còn chừng nào những thắng lợi của quân chính phủ còn tiếp sức cho Assad, Moskva ngày càng khó khăn trong việc cân bằng giữa các đồng minh và phe đối lập.

Lập trường chính thức của Kremlin đòi phải bầu cử và tuân thủ tất cả các thủ tục hình thức hoàn toàn không có nghĩa là Moskva không tìm kiếm người kế thừa tiềm năng. Nhiệm vụ này hiển nhiên là rất khó khăn, nhất là khi tính đến yếu tố cộng đồng Alawite ở Syria có thái độ rất cương quyết, còn cộng đồng Sunnite đa số của Syria, cũng giống như những nhà bảo trợ phương Tây của họ, chưa chắc chịu chấp nhận sự thống trị chính trị của người Alawite.
Nhân Vũ