In bài này
KGB: Các sứ quán - Điều đó được thực hiện như thế nào (3)
Thứ Năm, 05/05/2016 - 9:33 AM
Nhân viên KGB Vadim Nikolayevich Udilov vào giữa thập niên 1960 đã tham gia một chiến dịch bí mật đột nhập toà nhà sứ quán của nước mà ban lãnh đạo Liên Xô thời đó coi là kẻ thù chính là Mỹ.
30 năm sau, ông đã kể lại chi tiết chiến dịch này trong cuốn hồi ký của mình. Tóm tắt chiến dịch như sau.

“Sứ quán Mỹ nằm trong một toà nhà ba tầng và ở sát với các ngôi nhà ba tầng gần đó. Có thể đột nhập vào sứ quán qua tầng áp mái hoặc các cửa sổ tầng ba. Và tất nhiên là khi cần có thể thoát khỏi truy đuổi theo đường mái. Các căn hộ của vị đại sứ và các phòng làm việc của ông ta ở trên tầng ba. Nghĩa là có thể đột nhập toà nhà khi đại sứ và gia đình ông ta đi vắng.

Các nhân viên của trung tâm tình báo Mỹ với bình phong ngoại giao và phòng cơ yếu được bố trí ở tầng hai. Để lọt vào đó cần phải mở cửa đi vào hành lang hẹp ở phòng nghỉ. Khoá của chiếc cửa này rất đặc biệt vì nếu xoay chìa khoá thì tiếng chuông vang lên. Mà phải xoay chìa khoá những 6 lần. Cuối hành lang cũng có một cánh cửa lắp khoá “âm nhạc” như thế. Và chỉ sau đó mới có thể lọt vào một tiền sảnh nhỏ có bốn cửa. Hai cửa dẫn vào các phòng làm việc của nhân viên. Cửa thứ ba cài then dẫn đến cầu thang cứu hoả nhỏ chạy từ tầng hai lên phòng khách của đại sứ ở tầng ba. Điều đó làm cho công việc trở nên đơn giản hơn vì khi cần có thể nhanh chóng đi lên trên, sau đó theo mái nhà rời khỏi toà đại sứ. Cửa thứ tư, to và có nhiều ổ khoá dẫn đến phòng cơ yếu. Một số khoá thuộc loại khoá số (muốn mở, phải quay đúng tổ hợp số), các khoá khác thuộc loại “trôi” (nếu không giữ khoá lại thì nó lập tức quay về vị trí ban đầu).

Các tài liệu mật mã được cất trong két được khoá bằng các ổ khoá hiện đại nhất. Cần phải mất thời gian để mở cả các ổ khoá và phát hiện, vô hiệu hoá các thiết bị báo động, lấy ra và chụp lại các mật mã, sau đó khôi phục tất cả như cũ rồi lặng lẽ rút đi. Cần phải tính toán cực kỳ chính xác thời gian cho một chiến dịch như vậy.

Trước khi bắt đầu chiến dịch, tình báo Liên Xô phải nắm chắc hoạt động của nhân viên bảo vệ vào thời gian mà họ quan tâm. Trong suốt một tháng ròng, họ tiến hành theo dõi và ghi chép tỉ mỉ các hoạt động của anh ta. Khi nào anh ta ngồi, nằm nghỉ một lát, khi nào đi tuần quanh khu nhà, anh ta mở và kiểm tra những cửa nào. Anh ta làm gì sau khi đi tuần, phản ứng thế nào với các tiếng động xung quanh. Các thông tin thu được được soát lại và đối chiếu về thời gian, địa điểm và cuối cùng họ đã tìm ra quy luật hoạt động của nhân viên bảo vệ.

Nhân viên bảo vệ thường có mặt khi các nhân viên sứ quán ra về. Với sự chứng kiến của anh ta, người ta đóng cửa các phòng làm việc và phòng cơ yếu. Bản thân anh ta là người ra khỏi tiền sảnh cuối cùng và khoá các cửa ở hành lang bằng các ổ khoá “âm nhạc”. Sau khi tiễn các nhân viên ra về và đóng cổng lớn, anh ta dạo qua tất cả các tầng, kiểm tra xem các cửa sổ đã đóng chưa và các cửa ra vào có bị quên khoá không. Sau khi tin mọi việc đều ổn, anh ta quay về phòng mình ở tầng một. Anh ta đọc một chút, viết hay xem tivi. Vào lúc 21 giờ, anh ta cắm ấm điện và khoảng 22 giờ thì ăn tối. Để không chỉ có thể đoán mà còn nghe thấy, trước đó, chúng tôi đã cài thiết bị kiểm soát tiếng động vào phòng nhân viên bảo vệ. Chúng tôi đã kiểm tra xem cách anh ta phản ứng với tiếng động, khi nào thì ngủ.

Chúng tôi phát hiện ra thời điểm sơ hở là khi anh ta ngủ vào lúc hai giờ hồ sau bữa tối trước phiên tuần đêm toà nhà. Trong lúc anh ta ngủ, chúng tôi đã tạo tiếng động nhân tạo giống như tiếng cửa mở, kể cả như cửa lắp khoá “âm nhạc”. Nhân viên bảo vệ chả phản ứng gì. Nhưng dù sao để đề phòng mọi bất trắc nhỡ anh ta nghi ngờ gì đó và chạy lên trên nhà thì ở phía dưới, đã có một “bưu tá” của chúng tôi đứng đợi sẵn bên cổng chính. Theo lệnh, anh ta phải bấm chuông cửa đột ngột, dồn dập để đánh lạc hướng chú ý của nhân viên bảo vệ và kéo dài thời gian để nhóm đột nhập của chúng tôi rút lui. Để kiểm soát mọi hành động, chúng tôi đã lập một bàn điều khiển các thiết bị kiểm soát tiếng động, liên lạc vô tuyến điện với tất cả những người tham gia chiến dịch và thậm chí cả một cầu dao điện để cắt điện đột ngột khi cần.

Trình tự hành động như sau. Lúc nhân viên bảo vệ ăn bữa tối, chúng tôi đã đột nhập vào phòng tắm của đại sứ và đi lên tầng ba. Khi nhân viên bảo vệ nằm nghỉ thì đến lượt nhóm chủ công vào việc. Theo lệnh qua vô tuyến điện, họ mở các ổ khoá “âm nhạc”. Sau khi bắt đầu có tiếng ngáy, mệnh lệnh “Bắt đầu” được phát ra. Sau đó là việc theo dõi sát tiếng động các hành động của nhân viên bảo vệ. Nếu như tiếng ngáy tiếp tục thì quy trình được lặp lại. Tiếp đó, khi đi qua hành lang hẹp và tiền sảnh trước phòng cơ yếu, công việc của chúng tôi trở nên dễ dàng hơn một chút. Sau khi mở cửa lắp khoá “âm nhạc”, chúng tôi chắc chắn là đứng bên trong có thể đóng cửa mà không tiếng động và tiếng chuông bằng tay nắm chặn bên trong. Khi cửa đầu tiên dẫn vào hành lang hẹp được đóng lại thì không thể nghe được tiếng động khi mở cửa thứ hai và cửa phòng cơ yếu.

Khoảng 1 giờ 30 đêm, chiếc đồng hồ báo thức trong phòng nhân viên bảo vệ bắt đầu đổ chuông. Tín hiệu bắt đầu phiên tuần đêm xuất hiện đúng lúc. Trước đó, người của chúng tôi đã phải có mặt trong tiền sảnh và tìm cách lọt vào phòng cơ yếu. Dĩ nhiên là cầu thang trực đã sẵn sàng để đi lên tầng ba nếu như nhân viên bảo vệ đột nhiên lại muốn mở các cửa “âm nhạc”. Thường thì anh ta không làm việc đó. Tất cả yên lặng trong thời gian nhân viên bảo vệ đi tuần 15-20 phút. Khi đèn điện được bật sáng thì có thể quan sát rõ anh ta đi tuần ở đâu và như thế nào. Nhưng tổng thời gian giải lao bắt buộc của chúng tôi đã phải kéo dài đến tận 2 giờ sáng. Lúc đó, tiếng ngáy lại vang lên và việc đột nhập lại tiếp tục. Chúng tôi chỉ vào được phòng cơ yếu vào đêm thứ hai.

Đúng như phỏng đoán của chúng tôi, các mật mã mà chúng tôi quan tâm nằm trong chiếc két sắt cổ lớn có khoá số. Sau khi quay đúng tổ hợp số, cánh cửa chắn đã mở ra, đằng sau đó là lỗ chìa khoá. 40 phút sau, chúng tôi đã mở được chiếc két. Lúc đó đã là đêm khuya. Trước mặt chúng tôi là 22 quyển mã và hàng trăm tờ điện tín mật do các giao thông viên đưa đến sứ quán.

Nhưng đúng là gặp hạn to. Các quyển mã có bộ phận bảo hiểm đặc biệt: mỗi góc được bọc bằng vải thêu kiểu Ucraina. Hoa văn được thêu bằng chỉ tết năm màu. Nếu rách nó thì sau đó không thể khâu lại được nữa. Chúng tôi không có trong tay các loại chỉ như thế và cũng như không biết làm cách nào để có thể thêu giống hệt như thế mà vẫn giữ được thứ tự các chỉ màu. Làm gì bây giờ? Quyết định được đưa ra rất nhanh là chỉ cần chụp lại các tài liệu mật do giao thông viên đưa đến. Chúng tôi không có đủ thời gian để làm việc đó.

Trong số các quyển mã còn có hai cuốn bọc trong một gói có dòng chữ “Dùng trong trường hợp chiến tranh”. Rõ ràng là nếu không đặc biệt cần thì các nhân viên trung tâm tình báo này sẽ không mở niêm phong nó ra. Có nghĩa là nếu lấy đi một quyển mã khỏi gói đó thì chúng tôi có thể tin là người ta sẽ không thể phát hiện ngay ra mất mát. Chúng tôi sẽ có 1-2 ngày để tìm ra cách hiệu quả để phục hồi vải thêu ở dạng ban đầu.

Trong thời gian này, may ra chúng tôi có thể tìm được đủ số chỉ theo đúng màu sắc, chất lượng. Chúng tôi hiểu là sẽ không còn cơ hội nào khác để trả quyển mã mà chúng tôi lấy về chiếc két cũ và khi đó đối phương sẽ phát hiện ra là mất nó. Nhưng khả năng bại lộ kể cả trong trường hợp này cũng chưa chắc. Nhiều người đã nghĩ đến cái cách ngớ ngần là gửi trả túi chứa các quyển mã bởi vì tất cả vẫn nguyên xi.

Chúng tôi làm như đã quyết. Chúng tôi buộc phải tìm hiểu các bí mật của kỹ thuật thêu máy bằng các loại chỉ màu sắc khác nhau. Cho đến cuối ngày, các chuyên gia của chúng tôi đã có được ba máy thêu và đã sử dụng để tái tạo các hoa văn giống như hoa văn của quyển mã mà chúng tôi đã bí mật lấy đi. Các loại chỉ đã được đưa về từ nước ngoài chỉ trong một ngày.

Tổng cộng, chiến dịch kéo dài trong tám ngày đêm. Trong một đêm, chúng tôi chỉ kịp bóc và khôi phục bốn quyển mã. Lại còn có thêm một cản trở nữa. Ngày thứ ba, nhân viên bảo vệ bất ngờ cáu giận dữ dội. Không thể hiểu nguyên nhân là cái gì. Chúng tôi buộc phải hoãn các hành động tích cực lại một ngày đêm. Và chỉ khi chúng tôi hiểu lý do là vì người ta không cho phép các con của anh ta đến thăm thì chúng tôi mới tiếp tục lấy trộm các quyển mã”.
Chu Hà