In bài này
KGB: Các sứ quán - ở khu vực tiền duyên (1)
Chủ Nhật, 01/05/2016 - 7:28 AM
Khi tiến hành tình báo vô tuyến điện tử chống nước ngoài, KGB có điều kiện thuận lợi để hoạt động ngay từ lãnh thổ các nước đó bằng cách sử dụng “cấm địa” của các khu vực ngoại giao đặt trụ sở các cơ quan đại diện toàn quyền ngoại giao của Liên Xô.
Điểm xa nhất trên trái đất so với cái gì đó vẫn là gần,
còn điểm gần nhất so với cái gì đó lại là xa nhất.


K. Prutkov. “Những trước tác”



Khi tiến hành tình báo vô tuyến điện tử chống nước ngoài, KGB có điều kiện thuận lợi để hoạt động ngay từ lãnh thổ các nước đó bằng cách sử dụng “cấm địa” của các khu vực ngoại giao đặt trụ sở các cơ quan đại diện toàn quyền ngoại giao của Liên Xô. Tại Mỹ, KGB có ba khu “cấm địa” như vậy: phái bộ tại Liên Hiệp Quốc ở New York, sứ quán ở Washington cách Nhà Trắng năm dãy phố và lãnh sự quán ở San Francisco. Tầng trên các toà nhà tương ứng ở ba thành phố Mỹ này chứa đầy thiết bị điện tử, còn trên mái, các anten mọc như rừng.

Một trạm  chặn thu điển hình ở một sứ quán Liên Xô là một căn phòng chồng chất máy móc gồm các máy thu vi ba, máy ghi âm, điện báo đánh chữ và các thiết bị điện tử khác. Nhờ các máy móc này, người ta tiến hành chặn thu các thông tin xuất phát từ các vệ tinh do thám và các hệ thống dùng cho ngoại giao, quân sự và thương mại khác của Mỹ, ghi lại các cuộc điện thoại ở Mỹ mà hơn một nửa trong số đó ngay từ thập niên 1970 đã được thực hiện qua các kênh vô tuyến điện. Đáng quan tâm nhất là kênh liên lạc điện thoại của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ và các hãng thực hiện những hợp đồng quân sự. Quá trình chặn thu được tự động hoá đến mức thường chỉ cần một kỹ thuật viên điều khiển và thêm các bà vợ các sĩ quan thuộc trung tâm tình báo KGB ở sứ quán giúp đỡ. Thông tin thu được được tổng hợp và gửi về Moskva để phân tích.

Chúng ta cũng đã biết đến cái gọi là “vụ ăn cướp lúa mì vĩ đại”. Nạn nhân của nó là Mỹ, còn kẻ đột vòm thành công là Liên Xô khi chặn thu được các cuộc nói chuyện bằng điện thoại vô tuyến giữa Bộ Nông nghiệp Mỹ ở Washington và các bộ ngành khác của Mỹ vào năm 1972. Nhờ thông tin thu được, phía Liên Xô tại các cuộc đàm phán mua ngũ cốc ở Mỹ đã mặc cả được giá mua hời không chỉ có lợi cho Liên Xô mà sau đó còn gây ra thiếu ngũ cốc cho người mua và làm tăng giá ngũ cốc gần 1,5 lần ở trong nước Mỹ.

Là tiền đồn của tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô, mọi sứ quán Xô-viết đều đặc biệt sơ hở chính vì nó nằm trên lãnh thổ nước ngoài. Và nếu như người ta có thể bảo vệ chống các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử nước ngoài bằng các cửa sổ, các bức tường, sàn nhà và trần nhà hai lớp được “gây ồn” giữa hai lớp bằng âm nhạc, xung điện tử thì việc áp dụng các phương tiện kỹ thuật như thế để bảo vệ các nhân viên sứ quán khỏi các cơ quan đặc vụ nước ngoài là không thể thực hiện được. Người ta đặc biệt lo ngại về các nhân viên cơ yếu vì họ là những người biết nhiều bí mật hơn bất kỳ ai khác. Nỗi sợ muôn thuở của các nhà lãnh đạo là ai đó trong số họ có thể trở thành con mồi lớn đến mức các nhân viên cơ yếu không được phép ra khỏi khuôn viên sứ quán mà không có người đi kèm.

Tuy nhiên, chính những nước khác có sứ quán trên lãnh thổ Liên Xô cũng tạo thêm cơ hội cho tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô, chẳng hạn như việc xâm nhập trực tiếp vào các khu sứ quán. Theo truyền thống có từ thời Stalin thì để tiến hành mỗi lần “viếng thăm” như vậy vào cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960 cần phải có sự cho phép riêng của nguyên thủ quốc gia. Người ta biết một trường hợp Khrushchev cho phép đột nhập vào sứ quán Nhật Bản sau khi nhân viên cơ yếu ở đây đã bị mua chuộc và thông báo trước mã số của các ổ khoá két.

Năm 1967, người Canada đã tìm ta một anten trong phòng cơ yếu của sứ quán nước mình ở Moskva. Nó được những bàn tay khéo léo của các chuyên gia KGB đưa vào đây từ ống thông gió từ tầng áp mái của ngôi nhà bên. Bên nào - các nhà ngoại giao Canada hay các nhân viên Cheka Xô-viết - đã giành phần thắng trong trận đấu quốc tế ứng biến nhằm giành giật chiếc anten thì không ai biết. KGB cũng đã tìm cách tiếp cận được các két sắt và mật mã của sứ quán Thuỵ Điển. Nhân viên trực đêm sứ quán đã bị một nữ nhân viên KGB đánh lạc hướng, còn những người đồng hành của cô ta thì quẳng cho con chó canh gác miếng thịt bò tẩm thuốc ngủ. Chuyện tương tự với Thuỵ Điển đã xảy ra với Ai Cập, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
 
Một phương pháp khác để xâm nhập phòng cơ yếu của các cơ quan đại diện nước ngoài là cài các thiết bị cảm biến siêu nhỏ (“rệp”) vào thiết bị của các phái bộ ngoại giao. Một trong các chiến dịch thành công kiểu này là cài “rệp” vào máy mã mà người Nhật bố trí ở sứ quán của mình ở Moskva thay cho máy mã đã cũ. Cho đến giờ chót, KGB vẫn chưa biết người Nhật chọn đường nào để đưa máy mã đến Moskva. Khi chiếc xe tải chở một contenơ niêm phong kín chứa các máy mã mới của Nhật có giao thông viên áp tải vượt biên giới Liên Xô-Phần Lan và chạy qua thành phố Vyborg về Moskva, chiếc xe còn phải vượt gần 900 km để đến đích. Trong thời gian này, các nhân viên KGB đã kịp leo lên chiếc xe tải và dọc đường đã gắn vào hàng hoá bí mật của nó các “con rệp” có thể hoạt động trơn tru không dưới 10 năm.

Cho đến đầu thập niên 1980, việc chiếu xạ sóng cao tần vào các toà nhà sứ quán nhằm gây bức xạ phản hồi từ các mạch điện ở bên trong các phòng của các toà nhà đó đã trở thành chuyện cơm bữa cả ở nước ngoài lẫn ở Liên Xô. Bức xạ phản hồi có thể mang trong mình những thông tin bổ ích về nội dung các cuộc nói chuyện của nhân viên các cơ quan đại diện ngoại giao, cũng như các số liệu hoạt động của các máy in và máy mã trong đó. Còn tổn hại mà thủ đoạn tình báo vô tuyến điện tử này gây ra cho sức khoẻ nhân viên sứ quán thì chả mấy ai chú ý bởi vì chiến tranh lạnh đang ở hồi cao trào mà chiến tranh nào lại không có nạn nhân.

Đến đầu thập niên 1990, ở Moskva, trên thực tế không còn sứ quán nào chưa từng bị cháy. Tất nhiên không ai bảo đảm cho các cơ quan đại diện ngoại giao khỏi bị hoả hoạn tự nhiên. Tuy vậy, với cả các vụ hoả hoạn không cố ý, KGB cũng cố tận dụng tối đa cho mục đích của mình. Bởi lẽ, mọi vụ hoả hoạn đều là cơ hội hiếm có để xâm nhập khu vực cấm địa của sứ quán mà lại rất thuận lợi khi thực tế không có sự kiểm soát từ phía số nhân viên sứ quán đang hỗn loạn. Theo một trong những giả thiết của nước ngoài thì trong KGB có một phòng thí nghiệm đặc biệt. Các chuyên gia của phòng thí nghiệm này có thể gây cháy ở bất cứ lúc nào ở địa điểm cần thiết ở diện tích đã định, dự tính được mức độ bốc khói mạnh và kiểm soát được thời gian dập cháy. Theo tín hiệu báo cháy, đến sứ quán cùng các đội cứu hoả thông thường còn có các đội đặc nhiệm KGB với các chuyên gia được huấn luyện đặc biệt có thể trong thời gian ngắn nhất mở mọi kho tài liệu và nhét các giấy tờ lấy được ở đó vào các contenơ chống cháy.

Các nhà nghiên cứu hoạt động của KGB của phương Tây đã coi trường hợp sau đây là một thắng lợi lớn của KGB khi họ gây ra được vụ hoả hoạn trong toà sứ quán Mỹ ở Moskva và ở chính tầng nhà đặt trung tâm CIA. Nghe nói chiếc máy điện báo đánh chữ ở đó bị cháy là do nguồn điện dư được đưa từ bên ngoài theo đường cáp mà người Mỹ đã đấu vào mà xin phép chính quyền.

Chu Hà