In bài này
Ủy ban An ninh Quốc gia KGB: Jonnie Walker (7)
Thứ Tư, 13/04/2016 - 8:43 AM
Ngay sau khi thành lập, Cục 16 bắt đầu phối hợp chặt chẽ với Phòng 16 của PGU. Phòng 16 có đặc quyền kiểm soát toàn bộ các chiến dịch của PGU về thu thập mật mã của nước ngoài và cài cắm điệp viên vào các cơ quan tình báo vô tuyến điện tử phương Tây.
Mỗi nhân viên của phòng này thực hiện một công việc duy nhất, tuyệt đối độc lập với những người khác. Còn một quy tắc bất di bất dịch nữa là cấm tuyệt việc gặp gỡ điệp viên ở nước họ hoạt động. Các địa điểm ưa thích cho các cuộc gặp đó là Viên, Helsinki và Delhi- 3 thủ đô lớn nằm ngoài các nước đồng minh của Liên Xô mà KGB có thể hoạt động thoải mái nhất.

John Anthony Jr. Walker, sĩ quan trực ban thông tin tại bộ tham mưu của tư lệnh hạm đội tàu ngầm Mỹ ở Đại Tây Dương, sau khi đề nghị cộng tác với tình báo Liên Xô, cũng thuộc quyền kiểm soát của Phòng 16 PGU. Cũng trong những ngày mà Prime chuyển mảnh giấy nêu đề nghị hợp tác với tình báo Liên Xô tại một điểm kiểm soát ở khu vực Đông Berlin thì Walker đang đi từ căn cứ của mình ở Norfolk, bang Virginia, để lại xe ôtô ở trung tâm thành phố, rẽ vào một bốt điện thoại và tìm trong danh bạ địa chỉ của sứ quán Liên Xô.

Xuống taxi cách toà nhà sứ quán Liên Xô một dãy phố, anh ta đi tới cổng sứ quán và yêu cầu nhắn rằng anh ta muốn nói chuyện với ai đó thuộc cơ quan an ninh. Anh ta có mang theo các sơ đồ đặt khoá mã tháng cho máy mã KL-47. Nhưng Walker đã rất ngạc nhiên khi nhân viên KGB mà Walker đưa cho bản danh sách khoá mã máy mã KL-47 chất vấn Walker là tại sao ở mặt kia của tờ danh sách không có con dấu đặc biệt xác nhận các khoá mã được đưa vào sử dụng. Vì sửng sốt nên Walker không lập tức nhớ ra là NSA mới bỏ cách làm đó.

Tuy vậy, yếu tố quan trọng nhất trong vụ Walker không phải là những câu hỏi bất ngờ mà là thông tin mà Walker nắm được, nhưng người ta không hề tranh thủ để hỏi anh ta về thông tin đó. “Tôi chỉ có thể kết luận là họ còn nhận được tin tức ở đâu đó nữa”, - Walker đã đi đến kết luận đó. Sau này, anh ta nhớ lại rằng, các nhân viên NSA đã cực kỳ chán nản khi biết Walker không bị hỏi câu nào về các máy mã hiện đại nhất thời đó, được sử dụng trong Hải quân, Không quân, Lục quân Mỹ và lực lượng vũ trang thuộc NATO.

Walker bước vào con đường phạm tội khá sớm. Năm 18 tuổi, sau khi bỏ học ở trường công giáo, anh ta vào phục vụ trong hạm đội để tránh đi tù vì tội ăn cắp tại một cây xăng và một cửa hàng quần áo nam. Khi đã lập gia đình, sau một loạt vụ làm ăn đổ vỡ, Walker đã ngập sâu trong nợ nần và để cải thiện tình hình tài chính, anh ta đã toan bắt vợ mình làm điếm. Khác với anh chàng Prime ẩn dật, Walker luôn vui nhộn. Trong các quán bar ở các cảng trên khắp thế giới, anh ta thích hét lên: “Này nhân viên! Cho tôi một ly Whisky được đặt theo tên tôi - Johnnie Walker!

Vợ Walker là Barbara biết chồng mình là điệp viên tình báo nước ngoài vào năm 1968, khi John đưa cô ta theo một chuyến đi để chuyển giao thông tin thu được và nhận tiền thanh toán cho việc đó. Từ trước khi ly dị Walker năm 1976, Barbara đã hai lần gọi điện thoại đến số máy của FBI, nhưng lần nào cô ta cũng không đủ dũng cảm để thực hiện đến cùng. Barbara đã treo ống nghe và không nói gì về chồng mình. Cô ta tìm sự an ủi trong rượu. Trong số các đồng loã của Walker nhanh chóng có mặt em của anh ta Arthur, con trai Michael và bạn thân nhất có tên Jerry Alfred Whitworth.

Walker đã dễ dàng đánh lừa được những người xung quanh. Trong bản nhận xét anh ta do chỉ huy của anh ta viết năm 1972 có nói: “John Walker cực kỳ trung thành, tự hào về mình và về việc được phục vụ hạm đội, tuân thủ nghiêm chỉnh các nguyên tắc và truyền thống của Hải quân. Nổi bật ở ý thức trách nhiệm và rất đàng hoàng cùng với nhiều tính hài hước. Tốt bụng, thông minh, hoà nhập tốt với người khác”.

Tính đến khi bài ca đó được viết ra thì Walker đã làm cho KGB được bốn năm. Khi đến sứ quán Liên Xô ở Washington lần đầu, Walker nói rằng mình có quyền tiếp cận không hạn chế với máy mã, khoá mã và yêu cầu trả công một ngàn đô la một tuần.

Các nhân viên KGB đã trả trước cho anh ta hai ngàn đô la và thống nhất gặp gỡ lần tới sau vài tuần tại một cửa hàng tổng hợp. Sau đó, Walker được khoác một chiếc áo bành tô lớn, chụp một chiếc mũ và chở ra khỏi sứ quán trên ghế sau ôtô. Anh ta ngồi, đầu cúi thấp, còn bên phải và trái là hai nhân viên lực lưỡng của sứ quán. Các nhân viên trực tại trạm quan sát của FBI đối diện với sứ quán Liên Xô theo dõi suốt ngày đêm mọi người ra vào sứ quán đã không nghi ngờ gì. Các nhân viên FBI phải mất 17 năm để có những nghi ngờ đó và thêm ba tháng nữa để tin chắc nghi ngờ đó là có cơ sở.

Trong cuộc gặp tiếp theo ở cửa hàng tổng hợp, Walker đã cung cấp một số thẻ khoá mật mã và nhận được năm ngàn đô la - một khoản tiền lớn khi đó. Ngoài ra, người ta cũng nói rõ rằng, công việc của Walker được đánh giá đặc biệt cao. Người ta nói với Walker rằng để bảo đảm an toàn cho anh ta, các cuộc gặp trực tiếp chỉ được tiến hành khi cực kỳ cần thiết, còn thì liên lạc sẽ được duy trì qua các hộp thư chết.

Walker đã nhận được các hướng dẫn chi tiết, bản đồ, ảnh địa điểm hộp thư và một máy ảnh cỡ nhỏ. Walker cho biết việc chụp lại tài liệu mật mã và tài liệu mật tại trung tâm thông tin liên lạc của tư lệnh hạm đội tàu ngầm Mỹ ở khu vực Đại Tây Dương bằng máy ảnh là rất dễ dàng. Sau này, anh ta nói một cách khinh thường: “Bộ phận an ninh ở các siêu thị còn tốt hơn trong hạm đội Mỹ”. Anh ta còn thích nhắc đi nhắc lại rằng, tình hình thị trường buôn bán bí mật quốc gia của Mỹ cực kỳ thuận lợi cho người mua chứ không phải cho người bán.

Ngày 17 tháng 11 năm 1984, nhân viên trực ban của FBI đã trả lời cuộc gọi của một phụ nữ tự xưng là Barbara Walker. Bà ta cáo giác chồng cũ của bà ta đã cung cấp cho Liên Xô các tài liệu mật từ năm 1968. Nhân viên trực ban đã chuyển thông tin này cho nhân viên FBI thuộc khu vực cư trú của bà Walker, sau đó nhân viên này đã viết báo cáo ngắn về kết quả gặp gỡ bà ta tại nhà.

Theo anh ta thì câu chuyện do một phụ nữ nửa say nửa tỉnh kể về người chồng đã không sống chung hơn 10 năm và bị bà ta căm thù điên cuồng. Hơn nữa, nhân viên FBI đã gặp Barbara cũng không hề có lý do gì để nghĩ rằng bà ta và một “người có thiện chí” nặc danh năm 1984 đã viết thư đến FBI thông báo một chiến dịch tình báo lớn của một cường quốc nước ngoài trên lãnh thổ Mỹ và ý định của mình tiết lộ chi tiết về chiến dịch đó lại là một người. Bởi vậy, bản báo cáo của nhân viên này kết thúc với kết luận không nên tiếp tục điều tra về cuộc gọi của vợ cũ Walker.

Ba tháng sau, theo lệnh của cấp trên, báo cáo về cuộc gặp tháng 11 với Barbara Walker đã được gửi cho một nhân viên FBI khác để xác minh thêm. Vì Walker từng phục vụ quân đội một thời gian, nên nhân viên FBI này cho là cần thông báo về Walker cho các đồng nghiệp của mình ở đại bản doanh FBI làm nhiệm vụ phát hiện các điệp viên GRU ở Mỹ. Cuộc thẩm vấn lại Barbara và thông tin bổ sung thu được từ cuộc nói chuyện với một con gái của Walker vào tháng 3 năm 1985 đã bộc lộ những chi tiết không thể bịa ra hay lấy ra từ các cuốn tiểu thuyết phiêu lưu về các chiến dịch tình báo của Walker. Walker liền bị theo dõi.

Sau sáu tuần theo dõi, các nhân viên FBI biết được đối tượng đang chuẩn bị có chuyến đi bằng ôtô mà hành trình và điểm đến của nó Walker đã thông báo trái ngược nhau cho các người quen của mình. Điều đó có thể có nghĩa là Walker đang chuẩn bị tiến hành vụ “đổi hàng lấy tiền” mới với tình báo Liên Xô. Nhờ các biện pháp do FBI áp dụng, vụ đổi chác này đã bị chặn đứng, còn nghi can thì bị bắt quả tang.

Thực ra, các nhân viên FBI tham gia chiến dịch này đã mắc một sai lầm. Do mải thu thập chứng cứ chống Walker nên họ đã nhặt cả một lon sắt tây rỗng do ông ta để lại mà nó lại là tín hiệu sẵn sàng tiến hành vụ trao đổi. Do đó, liên lạc viên của Walker, bí thư thứ ba của sứ quán Liên Xô ở Mỹ, nhân viên KGB A.G. Tkachenko đã thoát được vòng vây của FBI.

Trong lúc tiến hành bắt giữ, đã bất ngờ xảy ra một tình huống gay cấn khi Walker, vốn là người đứng đầu một hãng thám tử tư nhân sau khi ra quân nên được phép có vũ khí cá nhân, rút khẩu súng ngắn ổ quay chĩa vào các nhân viên FBI. Chỉ cần chậm trễ thực hiện mệnh lệnh hạ vũ khí đáng sợ của họ chứ chưa nói đến mưu toan kháng cự bằng vũ khí thì Walker cũng đã có thể trả giá bằng mạng sống của mình. Sau một giây lưỡng lự, ông ta đã quy thuận.

Chỉ sau khi bắt giữ Walker, FBI mới hoàn toàn tin Walker làm việc cho KGB, chứ không phải cho GRU bởi tình báo quân sự Liên Xô không bao giờ trang bị cho các điệp viên của mình ảnh chụp các địa điểm dự kiến tiến hành chiến dịch trao đổi tài liệu lấy tiền. Trên các tài liệu mà Walker chuẩn bị để chuyển cho KGB đã phát hiện các dấu vân tay của con trai ông ta. John Walker và Arthur Walker đã bị kết án chung thân, còn Michael bị kết án 25 năm tù.

Sự nghiệp của John Walker, người đã làm việc cho KGB 17 năm trời cho đến khi vợ ông ta có đủ dũng cảm tố giác ông ta, đã bị chấm dứt như vậy. Toàn bộ thời gian này, ông ta đã cung cấp hàng bao tài liệu mật chứa các báo cáo tin của NSA và tin tức về các hệ mật mã được sử dụng không chỉ trong Hải quân mà cả các quân chủng khác của quân đội Mỹ, trong Bộ Ngoại giao, CIA và FBI. Phòng 16 cũng yêu cầu ông ta thường xuyên cung cấp các khoá mã ngày.

Walker đã trả cho Withworth mỗi tháng khoản thù lao 10 ngàn đô la cho việc cung cấp thường xuyên khoá mã. Nhưng vấn đề thù lao chỉ xuất hiện khi Walker (cũng có nghĩa là cả KGB) đã tích được đủ các khoá mã do Withworth cung cấp trong vòng mấy năm gần đây. Và đó là trong điều kiện người Mỹ thay đổi khoá mã cho các máy mã sau mỗi ngày đêm. Có thể chính sự bất bình với khoản thù lao bèo bọt đã khiến Withworth vào tháng 5 năm 1984 đã viết thư nặc danh cáo giác Walker với FBI. Các nhân viên FBI đã cố liên hệ với kẻ nặc danh qua các tin nhắn trên báo kêu gọi anh ta để lộ mình, nhưng trước đó Withworth đã bỏ ý định cáo giác Walker.

Để hiểu rõ hơn tổn thất mà Walker gây ra cho hệ thống bảo đảm an ninh các kênh liên lạc của Mỹ, cần nhắc lại rằng, từ lâu trong NSA đã có ý kiến cho rằng,  tuy các máy mã của Mỹ và các tài liệu hướng dẫn sử dụng máy cũng đòi hỏi bảo vệ chặt chẽ, nhưng nếu không có khoá mã đi kèm thì đối phương sẽ không quan tâm lắm. Hãy nhường lời cho Withworth, điệp viên nhỏ của Walker. “Xét từ góc độ thông tin về các kênh liên lạc thì các khoá là quan trọng nhất. Điều duy nhất có thể tốt hơn là các khoá mã cùng với hướng dẫn kỹ thuật và bản thân máy mã. Trong trường hợp này, người ta có đủ mọi thứ cần thiết” (để đọc điện tín mật mã liên lạc của Mỹ - TG).

ý kiến của Withworth đã được những lời khai làm chứng của Earl David Clark, cựu trưởng phòng “an ninh thông tin liên lạc” NSA khẳng định, tại phiên toà xử Withworth năm 1986: “Chúng tôi đã thiết kế các hệ thống của mình với niềm tin rằng, nếu không có khoá mã thì không ai có thể đọc được các bức điện”. “Các vị chỉ có thể sử dụng những bức điện mà các vị đã có sơ đồ logic (của máy mã từ tài liệu mô tả kỹ thuật máy mã - TG), và các khoá được sử dụng để mã hoá bản rõ các bức điện này. Các vị sẽ không thể đọc được điện tín mật mã liên lạc ngày hôm qua nếu không có các khoá mã của ngày hôm qua”.

Dĩ nhiên, Walker không thể đánh cắp máy mã, nhưng ông ta lại có khả năng lấy được bản mô tả kỹ thuật máy mã chi tiết, mà nhờ nó có thể tái tạo chính máy mã. Mà chỉ cần có nó, theo các quan chức Hải quân Mỹ, đã giúp tình báo Liên Xô đọc được điện tín mật mã liên lạc, thậm chí không cần có các khoá mã. Một trong các máy mã bị khám phá như vậy là máy mã KW-7 vốn một thời là máy mã chính để bảo mật các kênh liên lạc của chính phủ Mỹ.

Theo kết quả điều tra vụ Walker, KW-7 đã khẩn cấp bị thay thế bằng máy mã khác. Số phận tương tự cũng đến với một máy mã khác nữa là KWR-37 vốn được sử dụng để bảo mật các kênh liên lạc một chiều từ bờ-ra tàu mà Bộ chỉ huy Hải quân Mỹ dùng để chỉ huy tác chiến các binh đoàn tàu. Các sơ đồ, khoá mã và bản rõ các bức điện mã hoá bằng máy KW-7 và KWR-37 thu được từ Walker đã cho phép các chuyên gia mã thám Liên Xô thực hiện được điều mà NSA cho là không thể - đó là đọc điện tín mật mã liên lạc trên các kênh liên lạc bảo mật bằng các máy mã này mà không cần biết các khoá mã thay đổi hàng ngày của chúng.

Các máy mã KW-7 và KWR-37 đã lọt vào tay các chuyên gia mã thám Liên Xô từ năm 1968 khi Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bắt giữ được chiếc tàu do thám Pueblo của Mỹ xâm nhập hải phận nước này. Khi đó, theo lời Clark, NSA đã trấn an cả bản thân mình lẫn quân đội Mỹ và các nhà hoạt động nhà nước Mỹ bằng những tuyên bố rằng, Liên Xô “sẽ không thể giải phá chúng nếu như không có khoá mã đúng”.

NSA đã áp dụng những thay đổi cần thiết vào sơ đồ các máy mã này để làm cho Liên Xô không còn khả năng giải mã các bức điện thu từ các kênh liên lạc mà KW-7 và KWR-37 được sử dụng, kể cả khi tình báo vô tuyến điện tử Liên Xô lấy được “khoá mã đúng”. NSA còn chưa biết họ đã lầm to như thế nào: nhờ Walker, Cục 16 KGB đã kịp thời nhận được các khoá mã cho các máy mã KW-7 và KWR-37, còn Withworth lại cho các chuyên gia mã thám biết kịp thời những thay đổi trong sơ đồ logic của các máy mã này.

Các nhân viên Cục 16 - PGU khi tiếp xúc Walker không bao giờ cho ông ta biết các chuyên gia mã thám đồng nghiệp đã thành công thế nào trong việc đọc điện tín mật mã liên lạc của Mỹ, trừ một trường hợp duy nhất. Đầu năm 1980, họ phàn nàn rằng, bản sao máy mã KWR-37 của họ không thể giải mã các bức điện mật mã của Mỹ bằng các khoá mã do Walker cung cấp nữa. Vấn đề là ở chỗ người Mỹ bắt đầu sử dụng một thiết bị đặc biệt để đọc dò lại và xử lý sơ bộ thông tin khoá mã trước khi đưa thông tin vào máy mã. Withworth đã đích thân phác hoạ sơ đồ đọc dò và chuyển nó cho Walker, còn Walker thì chuyển tiếp đến địa chỉ. Sau đó, không còn thấy KGB kêu ca gì nữa.

Hoạt động của Walker đã đóng vai trò vô giá trong thất bại của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Theodor Shackley, trưởng trung tâm CIA ở Sài Gòn từ năm 1968 đến năm 1973, đã nhớ lại rằng, trong giai đoạn cuối cuộc chiến Việt Nam, đối phương đã biết trước các cuộc tập kích của máy bay B-52. Thậm chí khi mà do thời tiết xấu, các máy bay chuyển sang tấn công các mục tiêu dự phòng thì người Việt Nam cũng đã biết chúng sẽ tấn công những mục tiêu nào. Dĩ nhiên điều đó đã giảm hiệu quả các đòn không kích của Mỹ. Shackley băn khoăn phiền muộn vì việc này, nhưng cũng không thể hiểu tại sao.

Đánh giá của Shackley cho phép ta hiểu được tác động tâm lý khi biết kẻ địch đã biết được các kế hoạch tác chiến do rò rỉ thông tin là lớn đến mức nào. Hải quân Mỹ trong những năm đó cũng thường nhận thấy khi tiến hành các cuộc hành quân bí mật thì luôn có tàu Liên Xô lởn vởn ở gần. “Cứ như họ đã có bản sao các kế hoạch tác chiến của chúng tôi ấy”, - một đô đốc Mỹ kêu ca.

Cho đến đầu năm 1984, danh sách các vấn đề tin tức mà KGB muốn có từ Walker đã giảm mạnh. Tại cuộc gặp diễn ra ở Viên, họ yêu cầu ông ta cung cấp tin tức về những cải tiến trong sơ đồ logic máy mã KW-7, cũng như bản sao tài liệu có tên MNC. Theo lời Walker thì chữ viết tắt này có nghĩa là Memorandum of National Command và có liên quan đến công tác bảo mật thông tin bằng mật mã.

Trước đó, năng lực thu tin tình báo giá trị của Walker cũng giảm mạnh. Theo thú nhận của ông ta, các biện pháp an ninh tăng cường của NSA đã gây trở ngại rất lớn cho ông ta - NSA đã cho áp dụng các cặp đặc biệt để cất các khoá mã, các bản hướng dẫn sử dụng máy mã không có kèm sơ đồ các bộ phận chính của nó, các bảng mã không thể chụp ảnh.

Việc khai thác được Walker, điệp viên quan trọng nhất của KGB ở Mỹ trong thập niên 1970-1980 đã trở thành thắng lợi tầm cỡ nhất của tình báo Liên Xô. Các thủ đoạn kỹ thuật mà các nhân viên Cheka sử dụng để giữ bí mật liên lạc với Walker đã được FBI đánh giá rất cao khi biết các hướng dẫn của KGB do Walker giao nộp sau khi ông ta bị bắt.
Chu Hà