In bài này
Ủy ban An ninh Quốc gia KGB: Chỉ có sáu thành viên (6)
Thứ Hai, 11/04/2016 - 8:40 AM
Nhiệm vụ chuyên trách của Cục 16 - KGB được thành lập vào năm 1969 là thu thập thông tin từ các kênh liên lạc của nước ngoài, kể cả chặn thu điện mật mã từ các kênh liên lạc thuộc các mạng lưới liên lạc hợp pháp và tình báo, sau đó giải mã, cũng như xâm nhập bằng các thiết bị kỹ thuật vào các phương tiện xử lý thông tin bố trí trong các cơ quan đại diện nước ngoài.
Trong thập niên 1980, số lượng nhân viên của Cục 16, không tính số quân nhân làm việc tại các trạm chặn thu là hai ngàn người.

Ta phải nhớ là thời kỳ hình thành của Cục 16 là vào nửa đầu thập niên 1970. Trước đó, Chủ tịch KGB Andropov đã kịp biến một cơ quan bị bỏ rơi thời Khrushchev thành một tổ chức hùng mạnh. Các cơ quan an ninh quốc gia đã giữ vị trí đặc biệt trong nhà nước Xô-viết, được hưởng lương cao hơn và các ưu tiên. Các khía cạnh thầm kín trong hoạt động của KGB được che giấu kỹ càng, còn thanh niên thì bị quyến rũ bởi tính lãng mạn được tô vẽ khi phục vụ cho KGB. Bởi vậy, KGB không hề thiếu người sẵn sàng làm việc cho nó. Và làm việc ở đó không phải là những người kém cỏi nhất. Cũng tại Cục 16 có không ít người được giải thưởng Lenin và giải thưởng Nhà nước làm việc, chủ yếu là trong lĩnh vực toán học, KGB còn có hai viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.

Cục 16 có một trung tâm máy tính lớn tại Moskva và một mạng lưới các trạm tình báo vô tuyến điện tử rộng lớn bố trí tại các phái bộ ngoại giao và thương mại Xô-viết, cũng như tại các căn cứ quân sự Liên Xô ở ngoài biên giới Liên Xô. Cục 16 còn tích cực sử dụng cả các tàu của hạm đội tàu buôn Liên Xô để triển khai máy móc theo dõi vô tuyến điện tử. Tuy nhiên, bất kể được triển khai ở đâu, những cái “tai” điện tử thính nhạy của Cục 16 đều trước hết nhằm vào các tín hiệu phát đi các bức điện ngoại giao mật mã hoả tốc.

Các nguồn mà Cục 16 khai thác tin tức tình báo được coi là rất giá trị và đó là hoàn toàn dễ hiểu. Bởi lẽ khi đọc được điện tín mật mã liên lạc của một vị đại sứ của một nước bè bạn hoặc tốt hơn là của một nước thù địch với Liên Xô thì nó cũng giống như tuyển được ông đại sứ đó làm điệp viên cho mình.

Thông tin mà Cục 16 thu được được đưa đến bàn của một số nhà lãnh đạo nhà nước Xô-viết có lựa chọn. Trong thập niên 1950 và 1960, các tài liệu thu được bằng các phương tiện tình báo vô tuyến điện tử được viết trên những tờ giấy mỏng trong suốt, cặp trong các “cuốn sách đỏ” lớn. “Cuốn sách đỏ” được giao thông viên đem đến, sau đó anh ta đứng sau lưng người đọc trong khi nhân vật quyền thế kia xem đọc những trang mà ông ta được quyền xem. Người đó không được phép ghi lại.

Trong thập niên 1970, chỉ có sáu thành viên trong êkip lãnh đạo của Brezhnev được đọc các hồ sơ tin của Cục 16 - đó là bản thân Brezhnev, Andropov, Gromyko, Kirilyenko, Suslov và Ustinov. Các tin tức này có tính thời sự rất cao và rất được tin tưởng vì người ta cho rằng, tin giả không được chuyển theo các kênh này. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo Liên Xô đã không tính đến yếu tố chính KGB cũng có thể bóp méo thông tin hoặc ỉm đi. Chẳng hạn, các bức điện của sứ quán Thuỵ Điển ở Moskva khiến người ta rất chú ý.

Cuối tháng 8 năm 1984, đại sứ Thuỵ Điển ở Moskva đã gửi về Stockholm một bức điện có tiêu đề “Moskva vào đầu mùa chính trị mùa thu” trong đó đã xem xét triển vọng đấu tranh quyền lực trong giới lãnh đạo Liên Xô. KGB ngại báo cáo bức diện này lên cho ban lãnh đạo cấp cao Liên Xô bởi trong đó có những lời lẽ báng bổ cá nhân nên trong một thời gian dài đã không báo cáo nội dung bức điện lên trên.

Cuối cùng, họ cũng gửi đi nhưng đã ở dạng thay đổi chút ít. Bị loại bỏ là những lời lẽ quá trớn của các nhà ngoại giao nước ngoài như “Gorbachev giống hệt Andropov” hay “Raisa Maksimovna (vợ Gorbachev) là một cộng sự tin cậy của Gorbachev”. Theo thuật ngữ chuyên môn của lãnh đạo KGB thì đó được gọi là “làm mềm mỏng các nhận xét”.

Thêm một chuyện khá bê bối nữa đó là vấn đề con tin phương Tây xuất hiện năm 1979. Hồi đó, những phần tử Hồi giáo cuồng tín đã bắt giữ nhân viên sứ quán Mỹ ở Teheran. Người Mỹ đã cố đánh đổi con tin nhưng vì lúc đó họ đã không còn sứ quán ở Iran nên phải tiến hành đàm phán thông qua sứ quán Thuỵ Sĩ. Thông tin về việc này được chuyển qua các kênh ngoại giao của Thuỵ Sĩ.

Để ngăn cản Thuỵ Sĩ làm trung gian giữa Iran và Mỹ, KGB đã phân công trách nhiệm giữa Tổng cục I (PGU)-KGB và Cục 16 như sau: Cục 16 phụ trách đọc điện tín liên lạc giữa Moskva và Bern (thủ đô Thuỵ Sĩ), cũng như giữa Bern và Teheran (thủ đô Iran), còn PGU thì đảm nhiệm việc “gây sự” với các nhà ngoại giao Thuỵ Sĩ mà điện tín mật mã đọc được cho biết sẽ tiến hành đàm phán với Iran.

Chu Hà