In bài này
Ủy ban An ninh Quốc gia KGB: “Cục đừng ba hoa” (2)
Chủ Nhật, 03/04/2016 - 8:15 AM
Tháng 12 năm 1958, A.N. Shelepin đã được bổ nhiệm làm Chủ tịch KGB và ông đã lập tức thay đổi phong cách lãnh đạo cơ quan này.
Một sĩ quan tình báo một nước Scanđinavơ khi đó chịu trách nhiệm chặn thu các cuộc đàm thoại bằng điện thoại vô tuyến của KGB đã nhận xét rằng, hầu như trong cả năm 1958 trong các mệnh lệnh của Chủ tịch KGB mà anh ta nghe được luôn có động từ “tôi yêu cầu”.

Trong tháng cuối năm, cái từ “tôi yêu cầu” đáng sợ bỗng được thay bằng “tôi đề nghị” rất lịch sự. Anh ta nhanh chóng biết được việc bổ nhiệm Shelepin.

Khi lần đầu tiên tìm hiểu các chiến dịch của KGB được tiến hành mùa đông năm 1958-1959, Shelepin ngạc nhiên hơn hết với những thành tích của tình báo vô tuyến điện tử hoạt động do Tổng cục 8 tiến hành. Họ đạt được những thành tích ấy là nhờ xâm nhập được vào các sứ quán nước ngoài ở các nước xã hội chủ nghĩa và tuyển mộ được các nhân viên cơ yếu và nhà ngoại giao ở Moskva và ở nước ngoài.

Tuy nhiên, theo ý kiến của chủ tịch KGB thì các chiến dịch của KGB nhằm yểm trợ cho Tổng cục 8 không được phối hợp tốt. Trong cơ cấu của Tổng cục I, Shelepin đã thành lập một phòng mới - Phòng 16 trực thuộc trực tiếp Tổng cục trưởng Tổng cục I và có chức năng điều phối các chiến dịch yểm trợ tình báo vô tuyến điện tử, cũng như phụ trách quan hệ giữa Tổng cục I với Tổng cục 8.

Đối tượng chính của Phòng 16 ban đầu là Mỹ. Trưởng phòng Mỹ của Tổng cục 8 là A.N. Seleznyov đã đấu tranh để Phòng 16 của Tổng cục I-KGB ngay sau khi được thành lập được bắt tay ngay vào thu thập tin tức về các hệ thống mã mà các các chuyên gia mã thám dưới quyền ông đặc biệt quan tâm giải phá.

Dự án tầm cỡ nhất của Phòng 16 là kế hoạch cài cắm vào NSA mà những người thích đùa ở Tổng cục I-KGB gọi là “Cục không ba hoa” (Cách chơi chữ tiếng Nga: NSA viết tắt bằng tiếng Nga là ANB (Agenstvo Natsionalnoi Bezopasnosti) được ghép thành: “Agenstvo Ne Boltai”, tạm dịch là “Cục đừng ba hoa”).

Năm 1960, đã có ít nhất một điệp viên Liên Xô (trung sĩ Jack Dunlap) tại Fort Meade, nhưng đó không phải là kết quả của kế hoạch cài cắm vào NSA vì trung sĩ Mỹ Dunlap tự đến xin cộng tác với tình báo Liên Xô. Và trong khi anh ta vẫn bí mật cung cấp tài liệu từ Fort Meade về Moskva, KGB còn giành được một thắng lợi lớn trong việc khám phá bí mật của các mật mã Mỹ.

Chu Hà