In bài này
Ủy ban An ninh Quốc gia KGB: Tổng cục 8 và các đơn vị khác (1)
Thứ Bẩy, 02/04/2016 - 10:05 AM
Sau chiến tranh, trong KGB có đơn vị mà nhân viên của chúng giành toàn bộ thời gian làm việc cho các phương tiện liên lạc. Trong số đó, Tổng cục 8 là một trong các tổng cục trọng yếu nhất trong KGB.
Tổng cục này có nhiệm vụ hỗ trợ cho tất cả các cơ quan, đơn vị của KGB bởi vì Tổng cục 8 chịu trách nhiệm bảo vệ cho các phương tiện kỹ thuật liên lạc nói chung và thiết kế các mật mã cho chúng nói riêng. Theo một số tin tức, tất cả các cơ quan cơ yếu, kể cả của Bộ Ngoại giao, Chính phủ và Tổng thống Liên Xô, đều do Tổng cục 8 quản lý.

Tuy vậy, theo lời Tổng cục trưởng Tổng cục 8, Trung tướng N.N. Andreyev, “các máy móc bảo mật hay nói đơn giản là các máy mã chỉ là cái vảy móng tay so với các hệ thống điện tử phức tạp với các siêu máy tính được sử dụng để nghiên cứu chúng”.

Từ góc độ lý thuyết, về nguyên tắc, có thể giải mã một điện tín mã hoá. “Chẳng hạn, nếu như các anh có một kỹ thuật giống hệt thì bằng cách lựa chọn mọi phương án, các anh sẽ tìm được khoá mã cho mật mã đó. Thực ra, số lượng các phương án này được xác định bằng con số 1050 đến 10100. Để so sánh, ta phải biết là số lượng phân tử trên trái đấy cũng ít hơn nhiều các con số này. Và thậm chí có dùng các siêu máy tính thì để chọn tất cả các phương án này cũng mất hàng trăm năm. Tất cả phụ thuộc vào, như chúng ta nói, độ vững chắc của máy mã. Trong khi đó, ngành mật mã cùng với mức độ trừu tượng cao của toán học hàm chứa trong mình cả các yếu tố nghệ thuật, có lẽ là một trong những nghệ thuật hấp dẫn nhất. Bởi vậy, kiến thức và tài năng đôi khi có thể tìm ra những phương pháp khác để giải phá mật mã”.

Và các nhân viên Tổng cục 8 đã không bỏ qua cơ hội chứng minh tài nghệ của mình trong lĩnh vực mã thám. Người ta biết đến một thí nghiệm mà lãnh đạo Tổng cục 8 tiến hành vào năm 1973 bằng cách lợi dụng việc sơ tán sứ quán Liên Xô ở Chile do xảy ra cuộc đảo chính đẫm máu ở nước này. Trong quá trình chuẩn bị sơ tán, toàn bộ các máy mã của sứ quán đã được tháo rời từng bộ phận, sau đó cẩn thận đập nát bằng búa tạ để loại trừ mọi khả năng tái tạo một bản sao máy mã có thể hoạt động nếu chúng lọt vào tay đối phương. Các bộ phận máy mã biến dạng hoàn toàn được nhét vào bao chở về Moskva và chuyển cho một nhóm nhân viên Tổng cục 8 để họ xác định xem đống sắt vụn rơi vào tay họ là cái gì. Và mặc dù không ai trong số họ trước đó từng nhìn thấy các máy mã đặt trong cơ quan đại diện ngoại giao Liên Xô ở Chile nhưng chỉ sau một thời gian ngắn các thành viên của nhóm đã tái tạo được máy mã.

Cục Thông tin liên lạc chính phủ (UPS) bảo đảm hoạt động cho toàn bộ hệ thống liên lạc đặc biệt (hệ cao tần, hệ Kremlievka...).

Ta sẽ đề cập riêng đến Cục 16 với nhân viên ban đầu làm việc ở trong Tổng cục 8 cho đến khi Cục 16 được thành lập vào năm 1973. Bây giờ, chúng ta nói đến các đơn vị khác của KGB cũng hoạt động trong lĩnh vực tình báo vô tuyến điện tử.

Các phòng đặc biệt của Cục 3 làm công tác phản gián trong các lực lượng vũ trang Xô-viết đôi khi được huy động tham gia các chiến dịch phản gián vô tuyến điện tử. Dưới đây là một ví dụ điển hình. Giữa mùa hè năm 1962, các nhân viên Cục 3 thuộc cơ quan phản gián của cụm quân Liên Xô đang giúp nhân dân Cuba chống cuộc xâm lược của Mỹ đã đến Cuba. Ngay từ những ngày đầu ở Cuba, các nhân viên phản gián Liên Xô đã quan hệ mật thiết với các cơ quan an ninh quốc gia Cuba. Hoạt động phối hợp đã nhanh chóng mang lại những thành quả đầu tiên. Khi đó, Cuba còn chưa có cơ quan tình báo vô tuyến điện tử và khả năng của Liên Xô trong lĩnh vực này là rất đúng lúc. Họ đã ghi nhận được lần lên sóng của một máy phát điệp báo ở chế độ đặc biệt với phiên liên lạc kéo dài chỉ trong tích tắc và các số liệu được phát đi trong một chập duy nhất. Các nhân viên phản gián vô tuyến điện tử đã định vị được máy phát, còn các đồng nghiệp Cuba thì bắt sống quả tang tổ trưởng tình báo CIA Clement Inclan. Người ta tịch thu được của hắn một máy phát vô tuyến điện cực nhanh, máy mã kiểu mới nhất và bảng câu hỏi thu tin, trong đó có yêu cầu tìm hiểu “những ô vuông lớn nhỏ trên áo sơ mi của các cố vấn quân sự Liên Xô” có nghĩa là gì và “có đúng là các sĩ quan mặc áo sơ mi thể thao có ô vuông nhỏ hơn binh lính hay không”.

Cục Kỹ thuật điệp báo (OTU) triển khai các nhân viên và máy móc đặc biệt của mình trong các phòng gọi là phòng “Zenit” trong các toà nhà cơ quan đại diện  ngoại giao Liên Xô trên lãnh thổ nước ngoài. Các phòng này và thiết bị trong đó được các nhân viên của OTU sử dụng để tổ chức chống nghe lén từ phía các cơ quan tình báo đối phương và theo dõi làn sóng điện ở các bước sóng giành riêng cho cảnh sát-an ninh sở tại. Mỗi lần một sĩ quan của trung tâm KGB ở nước địa bàn được cử đi thực hiện cuộc gặp đầy mạo hiểm với điệp viên, kỹ thuật viên trực ban ở trong phòng Zenit bắt đầu cẩn thận nghe ngóng. Khi phát hiện các cuộc đàm thoại vô tuyến có sự gia tăng đột biến về cường độ hay bắt được dấu hiệu đáng ngờ nào khác, anh ta sẽ phát tín hiệu báo động đặc biệt lên làn sóng. Máy thu nhỏ xíu trong túi của sĩ quan tình báo Liên Xô bắt đầu kêu để báo hiệu cần phải ngừng và huỷ cuộc gặp nếu nó đã diễn ra. Người ta đã biết đến ít nhất ba trường hợp các phòng Zenit trong các sứ quán Liên Xô mang lại các kết quả tích cực đầy ấn tượng.

Năm 1958, tại sứ quán Liên Xô ở Oslo, người ta đã chỉnh được vào sóng đàm thoại của cơ quan phản gián Nauy và biết tỏng mật mã mà các nhân viên cơ quan này sử dụng khi theo dõi các nhân viên sứ quán Liên Xô. Con số đầu tiên của mã thông báo ai đi ra khỏi toà nhà sứ quán, chẳng hạn số 1 nghĩa là trưởng trung tâm tình báo Liên Xô; số 2 là phó trưởng trung tâm. Tiếp đó là con số đầu tiên của số ôtô đăng ký, còn con số cuối cùng là số quy định cho quận của Oslo mà dự kiến cán bộ tình báo Liên Xô sẽ đến đó. Việc biết được mật mã này đã giúp các cán bộ của trung tâm KGB ở Nauy bảo đảm an toàn cho các chuyến đi quan trọng nhất.

Trong thập niên 1970, việc phân tích cường độ các cuộc đàm thoại vô tuyến do các nhân viên phòng Zenit thực hiện tại sứ quán Liên Xô ở Tokyo và được củng cố bằng các thông tin quan sát của các nhân viên trung tâm tình báo Liên Xô ở Tokyo đã cho phép kết luận rằng, cường độ hoạt động của các tốp theo dõi ngoài của Nhật gồm các nhân viên phản gián và cảnh sát chính trị thường giảm mạnh vào những ngày nghỉ và ngày lễ, còn từ 11 giờ đêm đến 7 giờ sáng thì họ hoàn toàn không ra đường vì cấp trên của họ không muốn trả tiền làm ngoài giờ. Nhờ biết được chế độ hoạt động của lực lượng theo dõi ngoài của phản gián Nhật, trung tâm tình báo Liên Xô ở Tokyo đã nâng cao được đáng kể hiệu quả các chiến dịch của mình.
Sự tồn tại của phòng Zenit tại sứ quán Liên Xô ở Washington đã cản trở FBI nhận dạng Ronald Pelton, người đã gọi điện thoại đến sứ quán Liên Xô ngày 14 tháng 1 năm 1980 để móc nối với trung tâm tình báo Liên Xô ở Washington. Các nhân viên FBI đã ghi được cuộc gọi điện thoại của anh ta và hôm sau khi mà theo thoả thuận, Pelton sẽ đích thân đến toà nhà sứ quán Liên Xô, họ đã phong toả mọi con đường ra khỏi sứ quán để xác định nhân thân và bắt giữ Pelton khi anh rời sứ quán. Tuy nhiên, kỹ thuật viên trực ban trong phòng Zenit ở sứ quán Liên Xô tại Washington đã nhận thấy các cuộc đàm thoại bằng các máy bộ đàm cầm tay và gắn trên ôtô gia tăng đột ngột sau khi Pelton có mặt trong toà nhà sứ quán. Thế là Pelton được thay đổi trang phục đóng vai một công nhân bảo dưỡng và đi lẫn trong đám đông nhân viên sứ quán được bí mật đưa ra qua cửa hông.

Trong biên chế của Tổng cục Bộ đội Biên phòng có các đơn vị tình báo vô tuyến điện tử đặc biệt chuyên trách chặn thu tín hiệu thông tin liên lạc để thu thập thông tin về các vùng ven biên của nước ngoài tiếp giáp với biên giới Liên Xô.

Phòng 16 của Tổng cục I-KGB đã tiến hành các chiến dịch chống các nhân viên vận hành các phương tiện liên lạc của phương Tây, đặc biệt là chống các nhân viên cơ yếu nước ngoài.

Trường Cao đẳng KGB làm nhiệm vụ đào tạo chuyên môn các chuyên gia tình báo vô tuyến điện tử.

Chu Hà