In bài này
RS-26 - Trung kinh, Mỹ sợ
Thứ Hai, 07/03/2016 - 8:29 PM
Trung Quốc kinh ngạc, Mỹ khiếp sợ với tên lửa đường đạn tối tân RS-26 Rubezh vốn được mệnh danh là “sát thủ đối với lá chắn tên lửa” của Nga.
Các chuyên gia quân sự thế giới kinh ngạc với loại vũ khí mới của Nga là hệ thống tên lửa trang bị tên lửa đường đạn xuyên lục địa (ICBM) RS-26 Rubezh. Người ta thậm chí dựng hẳn các chương trình truyền hình phân tích về khả năng tiếp tục phát triển dự án ICBM Yars.

Đầu tháng 3/2016, trên một kênh truyền hình Trung Quốc, một chuyên gia quân sự nước này đã bàn luận về sự độc đáo của RS-26 và sự chán nản của quân đội các nước trước ICBM mới của Nga.

Dưới đây là vài ý chính của cuộc trao đổi trên truyền hình Trung Quốc:

- Tên lửa RS-26 của Nga bay theo quỹ đạo liên tục thay đổi. Không có quân đội nào khác trên thế giới có vũ khí như vậy, vị chuyên gia nói và với câu hỏi của nhà báo về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ, trả lời về phòng thủ tên lửa thì có thể quên đi. Trước RS-26 nó bất lực.

- Ta hãy nhớ lại sự ám chỉ gần nhất của người Nga là chớ có chọc giận chúng tôi. Và nay, họ đã chuyển từ lời nói sang việc làm. Đây thậm chí không phải là Topol-M nổi danh. Các đầu đạn của RS-26 bay ở tốc độ siêu vượt âm và liên tục cơ động. Một bộ phận các đầu đạn chắc chắn vượt qua được hệ thống phòng thủ tên lửa và bay đến mục tiêu.

- Kết quả là gì? Mỹ chán nản hay sẵn sàng đáp trả bằng cái gì đó? - người dẫn chương trình hỏi thêm.

- Không chỉ có Mỹ chán nản, mà cả Trung Quốc chúng ta cũng chẳng cười được đâu! Nay thì Nga đang nằm dưới sự bảo vệ tin cậy, điều bạn sẽ không thể nói về các nước khác - nhà phân tích quân sự Trung Quốc kết luận.

Vậy tại sao các tên lửa RS-26 lại làm cộng đồng chuyên gia thế giới sợ hãi đến thế? Nhờ sử dụng vật liệu polymer siêu vững chắc, sản phẩm của Nhà máy Votkinsk nhẹ hơn nhiều loại tên lửa trước đó. Ví dụ, tên lửa Yars có trọng lượng 120 tấn, trong khi trọng lượng của Rubezh chỉ có 80 tấn, nhưng tổng đương lượng nổ của 4 đầu đạn hạt nhân là 1,2 MT (4 х 300 kT).

Điều đáng lo nhất là tầm bắn của tên lửa có thể lên đến 11.000 km. Có nghĩa là các đầu đạn khi cần có thể tiêu diệt các mục tiêu trên lãnh thổ Mỹ. Tháng 12/2015, Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Rose Gottemoeller đã kêu gọi chính phủ Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế đối với Nga chính là với lý do Nga đã vi phạm Hiệp ước thủ tiêu tên lửa đường đạn tầm trung và tầm ngắn, mà thực tế là ICBM thì không bị chế tài hạn chế.

Phía Nga cho hay, RS-26 đã sẵn sàng cho sản xuất loạt và sẽ được trang bị cho quân đội Nga trong năm 2016.

Tháng 9/2015, tin cho hay, Sư đoàn Cận vệ 29 (ở Irkutsk) sẽ là binh đoàn đầu tiên của Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga (RVSN) được trang bị hệ thống tên lửa chiến lược tối tân Rubezh với ICBM RS-26.

Hệ thống tên lửa chiến lược Rubezh (còn có tên Avangard) do Viện Kỹ thuật nhiệt Moskva phát triển trên cơ sở hệ thống tên lửa hạt nhân Yars với phần chiến đấu kiểu tách mang nhiều đầu đạn. Tên lửa nhiên liệu rắn RS-26 cũng mang mấy đầu đạn, nhưng nhẹ hơn (80 tấn so với 120 tấn) nên có tầm bắn nhỏ hơn. Yars có 2 biến thể: cố định và lắp trên xe bệ phóng cơ động, còn RS-26 dự định chỉ phóng từ xe bệ phóng cơ động mặt đất chứ không có biến thể lắp trong giếng phóng.

Bộ Quốc phòng Nga không giải thích vì sao họ cần một hệ thống tên lửa thua kém các hệ thống hiện có Topol và Yars về tầm bắn, nhưng có thể phỏng đoán rằng, Rubezh là sự đáp trả đặc biệt của Nga đối với việc xây dựng các cơ sở phòng thủ tên lửa Mỹ ở Ba Lan, Rumani và các nước châu Âu khác. Gián tiếp xác nhận điều đó là đánh giá rất ngắn gọn và hùng hồn mà Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin đưa ra đối với Rubezh: ông gọi RS-26 là “sát thủ đối với lá chắn tên lửa”.

Đó là vì RS-26 có đặc điểm khởi động nhanh và ngắn - giai đoạn khởi tốc của tên lửa diễn ra trong chưa đầy 5 phút. Các phương tiện theo dõi mặt đất của NATO ở châu Âu sẽ không kịp ghi nhận việc phóng tên lửa. Với khoảng cách đến mục tiêu chẳng còn xa, thì cũng khó mà tiêu diệt tên lửa. Còn khả năng cơ động cảu Rubezh sẽ bảo đảm an toàn cho nó trước đòn đánh trả. Ngoài ra, RS-26 sẽ được lắp các đầu đạn cải tiến, có tính năng cơ động cao hơn. Trên suốt đường bay, tên lửa sẽ liên tục thay đổi độ cao và hướng bay. Còn sau khi tách khỏi tên lửa mang, các đầu đạn hạt nhân dẫn độc lập sẽ tiếp tục cơ động với nhịp độ đến mức trở nên tàng hình đối với radar. Tất cả những điều đó sẽ giúp Rubezh trở nên bất bại trước các hệ thống phòng thủ tên lửa.
Long Xuyên