In bài này
Nga coi chừng: Đức phát triển siêu tăng đè bẹp T-14 Armata
Thứ Bẩy, 20/02/2016 - 7:51 PM
Trước sức uy hiếp gia tăng của lực lượng xe tăng Nga, Đức đã bắt đầu phát triển xe tăng chủ lực thế hệ mới mà đôi khi được gọi là Leopard 3.
Xe tăng thế hệ mới của Đức sẽ đánh bại T-14 Armata của Nga?

Đây là bước đi khá muộn màng mà lẽ ra phải thực hiện từ lâu. Vấn đề là ở chỗ từ sau chiến tranh lạnh và thống nhất nước Đức, Berlin trong hai thập niên đã không quan tâm đến Bundeswehr (quân đội Đức).

Trong tương lai ngắn và trung hạn, Đức sẽ phải dựa vào việc nâng cấp các xe tăng vốn đã rất mạnh Leopard 2A7+ của mình để đối chọi với xe tăng chủ lực thế hệ mới T-14 Armata của Nga. Trong tương lai dài hạn hơn, Đức thừa nhận là họ sẽ phải thay thế Leopard 2 bằng mẫu xe tăng mới trong những năm 2030 và sau đó. Bởi vậy, Berlin hợp tác với Pháp đã bắt tay vào phát triển xe tăng mới có tên là “hệ thống chiến đấu mặt đất chủ lực thế hệ mới” (Main Ground Combat System - MGCS).

Theo tài liệu giới thiệu tháng 11/2015 của ông Armin Papperger, Giám đốc điều hành của Rheinmetall, công ty sản xuất các bộ phận then chốt cho Leopard 2 và M1A2 Abrams của Mỹ cho biết, con đường tiến đến MGCS sẽ là từng bước và theo kiểu tiến hóa. Bước đầu tiên sẽ là nâng cấp Leopard 2 bằng hệ thống kỹ thuật số mới cho tháp xe, hệ thống nắm bắt tình hình mới và hệ thống phòng vệ tích cực.

Xe tăng cũng cần loại pháo 120 mm mới áp lực cao và các loại đạn mới. Theo ông Papperger hy vọng, loại pháo và đạn mới sẽ có tính năng cao hơn 20% so với pháo L55 120 mm hiện nay. Nhưng chưa rõ có thể kéo dài nòng pháo đến đâu. Pháo nòng dài có nhiều nhược điểm lớn nên đây là một trong những nguyên nhân mà tăng M1 Abrams của Mỹ vẫn dùng pháo ngắn L44 120 mm. Có lẽ Rheinmetall đang sử dụng các vật liệu mới để tăng áp suất trong lòng nòng mà không phải kéo dài nòng pháo.

Theo ông Papperger, trong tương lai trung hạn, Đức sẽ phải lắp loại pháo mới 130 mm cho Leopard 2. Đây là mẫu pháo hoàn toàn mới vì trước đây trong các nghiên cứu của mình, NATO đã tính đến việc lắp cho Leopard 2 và M1 Abrams pháo lớn hơn, cỡ 140 mm để đối chọi với các xe tăng Liên Xô phát triển vào cuối chiến tranh lạnh. Pháo 130 mm có khả năng xuyên giáp cao hơn 50% so với pháo 120 mm. Rheinmetall sẽ bắt đầu chế tạo pháo này trong năm 2016 vì pháo 130 mm chính là một trong những điều kiện tiền đề để phát triển xe tăng thế hệ mới MGCS.

Việc phát triển khái niệm MGCS đã bắt đầu với sự tham gia của chính phủ và các công ty của Đức và Pháp. Pháp hiện là đối tác duy nhất, nhưng người Đức hy vọng trong quá trình thực hiện dự án thì các nước châu Âu khác cũng sẽ tham gia. Giai đoạn xây dựng khái niệm xe tăng mới sẽ hoàn tất vào năm 2017.

Nâng cao sức mạnh hỏa lực trở thành trọng tâm của MGCS chính là do tác động chương trình Armata của Nga mà theo nhiều nhà phân tích quân sự là có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng. Nói một cách đơn giản, dòng xe thiết giáp Armata, trong đó hệ thống phòng vệ tích cực rất được chú trọng, đang buộc các kỹ sư phương Tây tập trung nhiều hơn vào các vũ khí bắn thẳng.

Hệ thống phòng vệ tích cực Afghanit của T-14 Armata được cho là được tích hợp ít nhất một biện pháp sát thương cứng để đánh chặn đạn bay đến, báo cáo Military Balance 2016 (Cán cân quân sự 2016) của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS cho hay. Đánh giá của IISS cũng được các nguồn tin Nga xác nhận khi cho biết, Armata bắn ra các quả đạn đánh chặn có lõi xung kích có hiệu quả ngay cả khi chống đạn xuyên giáp động năng bay đến. Nhưng hệ thống phòng vệ tích cực luôn có hiệu quả nhất khi được dùng để đối phó với các đạn hóa năng như như đạn lựu phản lực và tên lửa.

“Bộ phận của tính cách mạng nhất của xe tăng chủ lực Т-14 dùng khung gầm Armata là tháp không người. Sự nhấn mạnh vào khả năng bảo vệ ở tất cả các xe, trong đó có các hệ thống phòng vệ tích cực phản ánh các bài học đã được rút ra và những hình dung về môi trường tác chiến tương lai”, Miltary Balance 2016 viết và cho biết thêm: “Khi được đưa vào trang bị, Armata sẽ là xe tăng đầu tiên được thiết kế với tháp không người và hệ thống phòng vệ tích cực. Việc đưa vào trang bị hệ thống phòng vệ tích cực sẽ làm giảm hiệu quả của các hệ thống tên lửa chống tăng có điều khiển và các loại vũ khí mang vác như súng chống tăng RPG. Điều đó sẽ làm thay đổi sự tiến triển của trận đánh khi nâng cao tầm quan trọng của pháo, pháo chống tăng và xe tăng”.

Đức là nước dẫn đầu truyền thống về tác chiến xe tăng, nhưng trong những năm gần đây, Berlin không chú ý đúng mức đến quân đội của mình. Thời gian sẽ cho thấy, Đức có thực hiện được các kế hoạch của mình hay không.
PM