In bài này
Chuẩn bị cho Lục quân Mỹ tác chiến trong không gian mạng
Chủ Nhật, 17/01/2016 - 3:21 PM
Trong thế giới hiện đại, không gian mạng là một trong các môi trường tác chiến cùng với mặt đất, biển, không trung và vũ trụ.
Biểu tượng của Bộ Chỉ huy Tác chiến không gian mạng Lục quân Mỹ
Trong văn kiện mới được thông qua “Chiến lược hành động của Bộ Quốc phòng Mỹ trong không gian mạng” của Lầu Năm góc có nêu lên sự gia tăng phụ thuộc của hiệu quả các chiến dịch do lực lượng vũ trang tiến hành cả trong thời bình lẫn trong thời chiến vào khả năng bảo vệ của các hệ thống thông tin. Đồng thời, các mối đe dọa xuất phát từ không gian mạng đã bắt đầu được xem là nghiêm trọng hơn và có tầm quan trọng lớn hơn chủ nghĩa khủng bố quốc tế và việc phổ biến vũ khí hủy diệt lớn.

Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về các vấn đề chiến lược Eric Rosenbach, người phụ trách chính sách không gian mạng, khi bình luận về sự sơ hở trước các cuộc tấn công mạng, đã ví nước Mỹ với “ngôi nhà kính” mỏng manh.

Tư lệnh Bộ Chỉ huy Tác chiến không gian mạng (U.S. CYBERCOM thuộc Bộ Chỉ huy Chiến lược Mỹ (STRATCOM)), đồng thời là Giám đốc Cục An ninh quốc gia Mỹ NSA, Đô đốc Michael Rogers nhiều lần tuyên bố rằng, các địch thủ của nước Mỹ, cả các quốc gia lẫn các nhóm phi quốc gia, thường xuyên tiến hành trinh sát trong các mạng thông tin, tìm cách bẻ khóa và đột nhập vào chúng, tiến hành đánh cắp dữ liệu và phá hoại tính toàn vẹn của chúng nhằm đạt được ưu thế chiến lược trước nước Mỹ.

Hiện nay, để tiến hành tác chiến thắng lợi trong không gian mạng và đối phó với các mối đe dọa xuất hiện từ không gian mạng, CYBERCOM đang ráo riết xây dựng các lực lượng tác chiến không gian mạng, cơ sở pháp lý cho việc sử dụng các lực lượng này, hoàn thiện cơ sở hạ tầng.

Theo kế hoạch của Lầu Năm góc, vào năm 2018, họ sẽ hoàn thành xây dựng 3 đơn vị đặc trách không gian mạng (Cyber Mission Force - CMF): Đơn vị hoạt động chiến lược trong không gian mạng (Lực lượng Phòng thủ mạng quốc gia - National Mission Forces), Đơn vị hoạt động chiến dịch-chiến lược trong không gian mạng (Lực lượng Chiến đấu không gian mạng - Combat Mission Forces) và Đơn vị bảo vệ không gian mạng (Lực lượng Bảo vệ không gian mạng - Cyber Protection Forces). Trong biên chế của các đơn vị này sẽ có 133 đội với tổng quân số 6.200 người.
Biểu tượng của Trung tâm An ninh quốc gia/Cơ quan An ninh trung ương NSA/CSS ở Georgia (Fort Gordon)

Các bộ chỉ huy tác chiến không gian mạng quân chủng của Lục quân, Hải quân, Không quân và Thủy quân lục chiến cung cấp lực lượng và phương tiện trực thuộc ngành dọc cho CYBERCOM.

Bộ Chỉ huy Tác chiến không gian mạng Lục quân Mỹ (U.S. Army Cyber Command - ARCYBER) chịu trách nhiệm thành lập trong tương lai 41 đội hoạt động, trong đó có các đội hoạt động chiến lược, chiến dịch-chiến lược, bảo đảm, bảo vệ không gian mạng và các đội khác.

Các đội hoạt động chiến lược sẽ hành động theo kế hoạch của ban lãnh đạo chính trị-quân sự Mỹ và CYBERCOM, còn các đội hoạt động chiến dịch-chiến lược hành động theo kế hoạch của tư lệnh các bộ chỉ huy liên hợp khu vực và các bộ chỉ huy chức năng. Đến nay, trong biên chế của ARCYBER đã thành lập 25 đội hoạt động mạng đã đạt khả năng sẵn sàng hoạt động ban đầu.

Bộ chỉ huy Lực lượng dự bị Lục quân Mỹ (trong đó có Lực lượng dự bị lục quân của Vệ binh Quốc gia) đang xây dựng thêm 21 đội bảo vệ mạng mà khi đạt khả năng sẵn sàng hoạt động ban đầu sẽ lập tức được chuyển thuộc cho các tư lệnh bộ chỉ huy khu vực/bộ chỉ huy chức năng.

Gần đây, ARCYBER đã áp dụng hàng loạt biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chỉ huy các lực lượng tác chiến không gian mạng. Tháng 12/2013, đã thông qua quyết định di chuyển sở chỉ huy của ARCYBER từ Fort Belvoir, bang Virginia đến Fort Gordo, bang Georgia. Dự kiến, sở chỉ huy ARCYBER sẽ đạt trạng thái sẵn sàng hoạt động đầy đủ vào năm 2019, còn quân số sẽ đạt 600 người (quân nhân và nhân viên dân sự).

Cũng từ năm 2013, ARCYBER đã bắt tay vào thành lập tại Fort Gordon một Trung tâm Chỉ huy các lực lượng tác chiến không gian mạng toàn quân Georgia. Đây sẽ là một trong 3 trung tâm sẽ thuộc biên chế Đơn vị hoạt động chiến dịch-chiến lược, sẽ thực thi việc chỉ đạo các lực không gian mạng và phương tiện được giao và hành động theo kế hoạch của các tư lệnh của Bộ Chỉ huy Trung tâm (CENTCOM), Bộ chỉ huy Châu Phi (AFRICOM) và Bộ chỉ huy quân đội Mỹ ở khu vực Bắc Mỹ (USNORTHCOM). 

Trong Lực lượng dự bị Lục quân Mỹ cũng có những thay đổi. Ví dụ, Bộ chỉ huy Chiến tranh thông tin thuộc Lực lượng dự bị Lục quân Mỹ đã được cải tổ thành nhóm tác chiến không gian mạng của Lực lượng dự bị Lục quân Mỹ nhằm tập trung các nỗ lực vào giải quyết các nhiệm vụ trong không gian mạng. Để xây dựng không gian thông tin thống nhất của Lầu Năm góc, ARCYBER đang tiến hành các nội dụng nhằm tiêu chuẩn hóa các mạng thông tin của mình và bảo đảm an ninh mạng cho chúng. Cụ thể, đã tiến hành sáp nhập các trung tâm hoạt động mạng máy tính và bảo đảm an ninh mạng vùng đã có của Lục quân với các nhóm ứng cứu sự cố khẩn cấp mạng máy tính khu vực. Tại căn cứ này đã thành lập các trung tâm tác chiến không gian mạng ở các vùng đảm nhiệm các nhiệm vụ sau đây: Đưa tất cả các loại mạng máy tính về một chuẩn thống nhất; Tiến hành trinh sát trong các mạng của đối phương; bảo vệ các trung tâm khu vực của hạ tầng công nghệ thông tin-viễn thông tích hợp Lục quân Mỹ LandWarNet; bảo đảm nắm bắt tình hình trên các mạng. Các trung tâm như vậy được thành lập ở Cận Đông (Kuwait), châu Âu (Đức), quần đảo Hawaii, Hàn Quốc và trên lãnh thổ lục địa Mỹ.

ARCYBER cũng đã tiến hành nhiều biện pháp nhằm hoàn thiện hệ thống đào tạo cán bộ. Tháng 4/2014, tại căn cứ của Trung tâm của lực lượng thông tin liên lạc Lục quân (Fort Gordon) thuộc Bộ chỉ huy Huấn luyện và học thuyết lục quân (Training and Doctrine Command - TRADOC, Fort Eustis, bang Virginia) đã thành lập trung tâm huấn luyện tác chiến không gian mạng. Trung tâm này gồm 2 ban: Ban đào tạo chuyên gia thông tin liên lạc và Ban đào tạo chuyên gia tác chiến không gian mạng.

Trung tâm được giao các nhiệm vụ sau đây: Xây dựng chiến lược hành động của Lục quân Mỹ trong không gian mạng; Soạn thảo Hướng dẫn tác chiến không gian mạng; Xây dựng các đề xuất hoàn thiện tổ chức-biên chế các lực lượng không gian mạng; Đào tạo và huấn luyện; Thống nhất và liên kết các chương trình huấn luyện đào tạo chuyên gia không gian mạng khác nhau (trong đó có thống nhất với các chương trình huấn luyện hiện có trong Không quân, Hải quân và NSA); Bảo đảm vật chất-kỹ thuật cho các lực lượng không gian mạng. Dự kiến, việc thành lập trung tâm sẽ hoàn thành vào năm 2019.

Một cơ sở đào tạo khác đã bắt đầu tiến hành đào tạo chuyên gia không gian mạng là Học viện Lục quân Mỹ (West Point, bang New York). Trong Học viện, đã thành lập Viện không gian mạng Lục quân (Army Cyber Institute). Các môn học chính được dạy tại các cơ sở đào tạo này là: an ninh mạng, an toàn máy tính và an toàn mạng máy tính; các nền tảng phần cứng-phần mềm; các chiến dịch thông tin; mật mã học; tình báo.

ARCYBER thường xuyên cập nhật các yêu cầu chính đặt ra cho các chuyên gia về tác chiến không gian mạng và xác định danh mục các chuyên môn quân sự tương ứng. Ví dụ, họ đã bổ sung các chuyên môn quân sự mới: 25D “chuyên gia về bảo vệ không gian mạng”, 17А “chuyên gia về tác chiến không gian mạng” (sĩ quan) và 17С “chuyên gia về tác chiến không gian mạng” (binh sĩ).

Hiện nay, CYBERCOM (thuộc STRATCOM) và các bộ chỉ huy tác chiến không gian mạng quân chủng đang rất thiếu về số lượng nguồn tuyển có các kiến thức phù hợp. Đó là do có sự cạnh tranh gay gắt từ phía các cơ quan nhà nước và tổ chức tư nhân vốn có điều kiện đưa ra các hợp đồng hấp dẫn hơn. ARCYBER dự định đến năm 2020 tuyển mộ được 3.800 chuyên gia để làm việc trong lĩnh vực này.

Để thu hút và giữ chân nhân viên (cả quân nhân lẫn chuyên gia dân sự), họ dự kiến sử dụng các công cụ tài chính khác nhau như bổ sung khoản tiền trợ cấp riêng cho các chuyên gia của các đơn vị này. Ví dụ, ARCYBER quy định cho binh lính và hạ sĩ quan các khoản tiền thưởng, tiền trợ cấp riêng khi hoàn thành các nhiệm vụ đặc biệt, cũng như các khoản tiền thưởng cho những người phục vụ tại các vị trí tác chiến. Dự kiến cả việc khuyến khích bằng tiền cho các chuyên gia đang phục vụ trong Lực lượng dự bị lục quân và thực hiện các nhiệm vụ không gian mạng đặc biệt.

Tiền phụ cấp trung bình một năm được ấn định là gần 50.000 USD đối với hạ sĩ quan (hạ sĩ quan và chuẩn úy) và hơn 100.000 USD đối với sĩ quan và chuyên gia dân sự giữ các chức vụ cao.

Theo Tư lệnh ARCYBER, Trung tướng Edward C. Cardon, trong điều kiện ngân sách có thể bị cắt giảm, kinh phí chi cho lĩnh vực không gian mạng cần liên tục. Theo dự toán ngân sách năm 2016 của Lầu Năm góc, dự chi 1,2 tỷ USD cho nhu cầu của ARCYBER, trong đó 90 triệu USD chi cho Trung tâm Huấn luyện tác chiến không gian mạng.

Một cách thức thu hút chuyên gia chuyên ngành hẹp được đề xuất là chi trả chi phí học tập cho sinh viên các trường đại học dân sự với cam kết sau đó phân bổ họ làm việc tại các cương vị trong lĩnh vực không gian mạng trong Bộ Quốc phòng Mỹ.

Tư lệnh U.S. CYBERCOM, Đô đốc Michael Rogers, khi phát biểu tại Đại học Tổng hợp Georgia Regents vào tháng 10/2014 đã nói đến sự cần thiết xây dựng thêm các chương trình đào tạo chuyên gia không gian mạng dân sự cho quân đội Mỹ. Ông đã nêu ví dụ là các chương trình hiện có tại Học viện Công nghệ bang Georgia và các trường đại học tổng hợp (Mississipi và Texas). Đồng thời, ARCYBER cũng đặc biệt chú ý đến việc đưa các chương trình đào tạo về một chuẩn thống nhất, cho phép đào tạo các chuyên gia không gian mạng không chỉ cho Lục quân Mỹ mà cho cả lực lượng toàn quân.

Theo Tư lệnh ARCYBER, một trong các biện pháp thu hút và giữ chân chuyên gia trong lĩnh vực này là thường xuyên tổ chức thực hiện các bài tập và diễn tập cá nhân và tập thể tiến hành kể cả bằng cách mô hình hóa các điều kiện chiến đấu được tạo lập riêng cho mục đích này tại các thao trường tác chiến không gian mạng. Tại đó đang tiến hành các cuộc diễn tập và bài tập như Cyber Flag, Cyber Guard, Cyber Shield, Cyber Defense Exercise…, nơi tập luyện các nội dung sử dụng các lực lượng tác chiến không gian mạng. ARCYBER đang cố gắng thu hút càng nhiều càng tốt các chuyên gia hàng đầu của các công ty IT của Mỹ ở các cấp độ khác nhau, của các hãng tư nhân, ngành công nghiệp, các đại diện của các bộ ngành nhà nước, trong đó có FBI, CIA và Bộ An ninh nội địa Mỹ, tham gia các hoạt động này.
Tóm lại, xu hướng tăng cường tiềm lực của ARCYBER cho thấy sự ưu tiên dành cho hướng hoạt động này. Xác định các mối đe dọa xuất phát từ không gian mạng là một trong những mối đe dọa lớn nhất có khả năng gây tổn thất lớn cho các lợi ích và an ninh quốc gia,  giới lãnh đạo quân đội Mỹ tiếp tục tăng cường tiềm lực chiến đấu của các lực lượng (phương tiện) tiến hành tác chiến trong không gian mạng để đối phó với các mối đe dọa này và giành ưu thế chiến lược trước đối phương.

(*) Theo kế hoạch của U.S. CYBERCOM, trong cơ cấu Đơn vị hoạt động chiến dịch-chiến lược trong không gian mạng sẽ thành lập 3 trung tâm chỉ huy các lực lượng tác chiến không gian mạng liên quân: Georgia (Fort Gordon), Washington (Fort Meade) và Texas (căn cứ không quân Lackland) để chỉ huy hoạt động của các nhóm tác chiến không gian mạng theo các kế hoạch của các tư lệnh các bộ chỉ huy liên quân. Ngoài ra, trong cơ cấu Đơnvị hoạt động chiến dịch-chiến lược trong không gian mạng  (Fort Meade) để chỉ huy các nhóm bảo vệ không gian mạng.
BA