In bài này
Tình báo điện tử Liên Xô/Nga: Tin giả như thật (10)
Thứ Bẩy, 12/12/2015 - 10:10 AM
Ngày 14 tháng 4 năm 1939, Dân uỷ ngoại giao Liên Xô M.M. Litvinov đã thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm biến hệ thống an ninh tập thể trên lục địa châu Âu thành hiện thực khi đề nghị bắt đầu thương lượng với Anh và Pháp để ký hiệp ước tương trợ chống xâm lược ở châu Âu.
Cũng trong ngày đó, đại sứ Liên Xô ở Berlin đã gọi đến Bộ Ngoại giao Đức đề nghị bắt tay đàm phán cải thiện quan hệ Xô-Đức. Đầu tháng 5, V.M. Molotov đã thay Litvinov trên cương vị Dân uỷ ngoại giao Liên Xô. Trong vòng mấy tháng sau đó, Molotov đã tiến hành đàm phán song song để ký hiệp ước một bên với Anh và Pháp và một bên với Đức.

Vào thời gian đó, NKVD đã vạch kế hoạch các chiến dịch bí mật tinh vi nhằm lôi kéo Đức ký hiệp ước. Mấy ngày sau khi đại sứ Liên Xô chuyển qua điện thoại đề nghị của phía Liên Xô cho ngoại trưởng Đức, sứ quán Đức ở London đã nhận và gửi đi Berlin nội dung của loạt bức điện của Anh với báo cáo về tiến trình đàm phán với Liên Xô.

Tuy nhiên, cũng có những đoạn trống và sai trong các bức điện này. Chẳng hạn, trong đó có nói rằng, tại các cuộc đàm phán với Liên Xô, các đại diện Anh và Pháp đã đề nghị các điều kiện có lợi hơn và đã đạt được những tiến bộ lớn hơn so với thực tế.

Tình báo Đức khó có thể là nguồn cung cấp thông tin đó nhất. Các cơ quan tình báo Đức không thể giải phá các mật mã ngoại giao của Anh và không có điệp viên có khả năng tiếp cận bản rõ các bức điện mật mã tại Foreign Office. Khả năng tiếp cận thư tín ngoại giao Anh bất thần xuất hiện vào tháng 4 năm 1939 và nguồn tin này cũng ngừng cung cấp thông tin bất ngờ như thế chỉ 1 tuần trước khi ký hiệp ước Xô-Đức, và những đoạn bỏ trống và sai sót trong các bức điện chặn thu trở nên hoàn toàn dễ hiểu nếu cho rằng NKVD đã tung các bức điện làm giả vào sứ quán Đức ở London nhằm đẩy nhanh tiến trình đàm phán về hiệp ước song phương. Các bức điện giả đó có thể được tung ra từ một hoặc lập tức từ hai nguồn.

Một nguồn có thể là đại uý King, hai là Phòng Đặc biệt của NKVD đang hoạt động mã thám hiệu quả với sự trợ giúp đắc lực của các điệp viên Liên Xô trong Foreign Office. Quả thực tin giả như thật này là thừa: những lợi ích của hiệp ước ký với Stalin lớn nên Hitler vẫn ký mà chẳng cần NKVD phải tác động, thúc đẩy.

Như vậy, thắng lợi lớn nhất trong hoạt động chống Anh của tình báo Liên Xô trong thập niên 1930 là việc tuyển mộ được hai nhân viên cơ yếu Anh - Oldham và King, cũng như hai nhà ngoại giao trẻ Maclean và Cairncross. Các tài liệu hiển nhiên là quan trọng mà họ cung cấp còn hỗ trợ các chuyên gia mã thám Xô-viết giải phá các mật mã của Anh.

Toàn bộ bốn điệp viên NKVD trong Foreign Office này đã thường xuyên gửi về Moskva nội dung các bức điện ngoại giao của Anh. Sau đó, NKVD có thể so sánh chúng với các bản điện mật mã và đây là sự trợ giúp quan trọng để giải phá mật mã. Cả bốn người còn đều có khả năng cung cấp cho NKVD tin tức tình báo liên quan đến các hệ mã của Bộ Ngoại giao Anh.

Chu Hà