In bài này
Bùng nổ trang bị trực thăng cho lục quân Trung Quốc
Thứ Hai, 07/12/2015 - 2:28 PM
Không quân lục quân Trung Quốc tăng cường tiềm lực chiến đấu và ráo riết hiện đại hóa.
Trực thăng tiến công tối tân WZ-10 của Trung Quốc

Không quân lục quân là một binh chủng của lục quân Trung Quốc, dùng cho các hành động trực tiếp phục vụ các đơn vị lục quân và bao gồm không quân của các quân khu và tập đoàn quân. Đơn vị biên chế tổ chức cơ bản là các lữ đoàn (trung đoàn) trực thăng hỗn hợp. Các đơn vị này được trang bị các loại trực thăng chiến đấu (chống tăng, chi viện hỏa lực), đa năng vận tải-chiến đấu, vận tải-đổ bộ và chuyên dụng (trinh sát, cứu hộ, quân y, chỉ huy, tác chiến điện tử).

Tính đến đầu năm 2015, không quân lục quân Trung Quốc có:
- 150 trực thăng chiến đấu, (trong đó có gần 90 chiếc Z-10, gần 60 chiếc Z-19);  
- hơn 350 trực thăng đa năng (đa nhiệm), trong đó có 68 Mi-17 thuộc các biến thể, 8 SA342L Gazell, 21 Z-9A, 31 Z-9W, 10 Z-9WA, 193 Z-9WZ.
- gần 340 trực thăng vận tải, trong đó có hơn 60 chiếc trực thăng vận tải hạng nặng, hơn 200 trực thăng vận tải hạng trung.

Gần đây, không quân lục quân Trung Quốc nhận vào trang bị một số lượng khá lớn máy bay không người lái (UAV), chủ yếu là UAV trinh sát, trong đó có các loại hạng nặng BZK-005, BZK-009 và WZ5, hạng trung ASN-105, ASN-206, BZK-006 và BZK-007, hạng nhẹ ASN-104 và W-50.

Trực thăng tiến công WZ-10

Sức mạnh đột kích của không quân lục quân

Các trực thăng chiến đấu là sức mạnh đột kích chủ yếu của không quân lục quân Trung Quốc. Chúng dùng để chi viện đường không trực tiếp cho bộ đội trong tác chiến, tiêu diệt mục tiêu mặt đất, kể cả xe tăng-thiết giáp, tiêu diệt sinh lực đối phương, hộ tống các trực thăng vận tải-chiến đấu và vận tải-đổ bộ.

Các trực thăng chiến đấu và một phần các trực thăng vận tải-chiến đấu được trang bị rocket (tên không không điều khiển) và tên lửa có điều khiển (trong đó có tên lửa chống tăng và pháo/súng máy. Trong không quân lục quân Trung Quốc cũng có một số trực thăng vận tải hạng trung và hạng nhẹ.

Trực thăng Z-10, còn gọi là WZ-10, có tên là Phích lịch hỏa (Fierce Thunderbolt) đặt theo biệt danh của nhân vật Tần Minh trong truyện Thủy Hử, được chế tạo bằng cách kết hợp các công nghệ hiện đại của phương Tây và Nga trên cơ sở bản vẽ thiết kế 041 do Viện thiết kế Kamov của Nga thực hiện và bắt đầu được cung cấp cho quân đội Trung Quốc vào khoảng năm 2010.

Trực thăng tiến công WZ-10

Công tác thiết kế-thử nghiệm của dự án thu hút nhiều chuyên gia của các công ty trực thăng châu Âu là Eurocopter và Agusta-Westland, cũng như công ty Nam Phi Denel. Do đó, về tính năng kỹ-chiến thuật và khả năng chiến đấu, Z-10 tương đương với các trực thăng của các hãng đó là Tiger, Mangusta và Rooivalk. Z-10 được thiết kế theo sơ đồ truyền thống với 4 lá cánh rotor chính và 4 lá cánh rotor đuôi hình chữ Х. Tổ lái gồm 2 người là phi công và người điều khiển vũ khí, ngồi theo kiểu trước-sau.

Hệ thống động lực gồm 2 động cơ turbine trục WZ-9 được chế tạo trên cơ sở sao chép trái phép động cơ của công ty Mỹ Pratt & Whitney. Công suất của mỗi động cơ là 1.340 mã lực. Người ta cũng trù tính khả năng lắp động cơ turbine trục TVZ-117 hay VK-2500, cũng như động cơ turbine trục cơ tương lai WZ-16 công suất 2.000 mã lực của Trung Quốc chế tạo với sự tham gia của các chuyên gia hãng Turbomeca của Pháp.

Trực thăng tiến công WZ-10

Hệ thống avionics của Z-10 được chế tạo theo nguyên lý “buồng lái kính”. Z-10 cũng là trực thăng chiến đấu đầu tiên do Trung Quốc sản xuất có các cơ cấu điều khiển được thiết kế theo khái niệm НОТАS, cho phép phi công sử dụng vũ khí trên khoang mà không phải rời tay khỏi các cơ cấu điều khiển trực thăng. Trên trực thăng này, cũng là lần đầu tiên các thiết bị dẫn đường và ngắm bắn được tích hợp thành một hệ thống ngắm bắn-dẫn đường thống nhất, có thể tiếp nhận dữ liệu từ các hệ thống định vị vệ tinh GPS, GLONASS, Galileo và Bắc Đẩu.

Z-10 có tốc độ tối đa trên 300 km/h, tốc độ hành trình hơn 270 km/h, được trang bị 1 pháo 23 mm, đến 8 tên lửa chống tăng HJ-10 (Hồng Tiễn 10), một số tên lửa không đối không có điều khiển TY-90, 4 cụm rocket cỡ 57 và 90 mm. Trực thăng được trang bị hệ thống phòng vệ thụ động vốn là trang bị tiêu chuẩn đối với các trực thăng chiến đấu hiện đại loại này. Tổng tải trọng chiến đấu của trực thăng là 1.500 kg.

Trực thăng tiến công WZ-10

Trực thăng trinh sát-tiến công hạng nhẹ Z-19, còn gọi là WZ-19, có tên là Hắc toàn phong (Black Whirlwind) đặt theo biệt danh của nhân vật Lý Quỳ trong truyện Thủy Hử, được chế tạo trên cơ sở các công nghệ của các công ty phương Tây và Mỹ là Agusta-Westland, Eurocopter và Bell. Z-19 dùng để không thám, tiêu diệt sinh lực và phương tiện của đối phương, tấn công mục tiêu mặt đất, chi viện và hộ tống đường không.

Z-19 có tổ lái gồm 2 người (phi công và nhân viên điều khiển vũ khí), tốc độ tối đa 280 km/h, tốc độ hành trình 245 km/h, tầm bay thực tế 700 km, trần bay thực tế 4.500 m. Trực thăng được trang bị 2 động cơ turbine trục WZ-8A (Turbomeca Arriel-1C1) công suất 848 mã lực. Cả 2 động cơ đều được lắp hệ thống giảm bộc lộ hồng ngoại. Hệ thống avionics áp dụng nguyên lý “buồng lái kính”. Thân trực thăng áp dụng công nghệ tàng hình. Dưới phần mũi lắp giá quay với hệ thống ngắm quang-điện tử. Các tên lửa có điều khiển không đối không và không đối diện, rocket và các thùng gắn súng/pháo có thể lắp trên 4 điểm treo.

Trực thăng tiến công WZ-10

Sắp tới, quân đội Trung Quốc dự kiến đưa vào trang bị trực thăng đa nhiệm mới Z-20 được chế tạo trên cơ sở sao chép các trực thăng dân sự mua của Mỹ là S-70C-2 của công ty Sikorsky. Xét về khả năng chiến đấu và các tính năng chiến-kỹ thuật, Z-20 gần như tương đương với trực thăng Mỹ nổi tiếng UH-60 Black Hawk vốn cũng được thiết kế trên cơ sở biến thể trực thăng dân sự nêu trên. Khác biệt duy nhất của Z-20 so với S-70C-2/UH-60 là việc nó được trang bị rotor chính 5 lá cánh và có khoang vận tải lớn hơn một chút. Tải trọng hữu ích của Z-20 dự đoán là đến 9.000 kg (khoảng 1.000 kg trong khoang vận tải, còn lại treo bên ngoài). Z-20 có thể chở đến 15 lính trang bị vũ khí.

Trực thăng trinh sát-tiến công WZ-19


Hướng đến máy bay cánh quạt lật trong tương lai

Cần lưu ý rằng, hiện nay, Trung Quốc đang rất quan tâm đến lĩnh vực trực thăng. Cùng với các chuyên gia Nga, họ dự định chế tạo một loại trực thăng hạng nặng. Các nhà thiết kế máy bay Trung Quốc cũng đang tự lực tiến hành các dự án rất tham vọng: công tác nghiên cứu chế tạo máy bay cánh quạt lật kiểu như V-22 Osprey của Mỹ với các rotor 4 lá cánh đường kính lớn cũng đang được tiến hành hết tốc lực.

Trực thăng trinh sát-tiến công WZ-19

Đồng thời, một loại trực thăng cao tốc có thiết kế giống với trực thăng S-97 Raider của công ty Mỹ Sikorsky, nhưng có kích thước lớn hơn, tương đương Mi-8 của Nga cũng đang được phát triển. Trực thăng này, xét theo các tin bài, hình ảnh trên các website Trung Quốc, sử dụng thiết kế đồng trục với 1 rotor 4 lá cánh và 2 rotor nhiếu lá cánh lắp ở đuôi. Dự đoán, trực thăng này sẽ có tốc độ hơn 400 km/h.

Trực thăng đa nhiệm Z-20

Bất kể những nỗ lực lớn của Trung Quốc trong nghiên cứu chế tạo máy bay, lục quân Trung Quốc vận tụt hậu xa so với các cường quốc công nghệ và quân sự hàng đầu trên thế giới cả về chất lượng, lẫn về số lượng phương tiện bay chi viện bộ đội. Vì thế, hiện tại, không quân lục quân Trung Quốc nói chung chưa có khả năng thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.

Trực thăng đa nhiệm Z-20
 

Nhân Vũ