In bài này
Nga, Ukraine bất hòa, tàu chiến Việt Nam gặp khó
Thứ Bẩy, 28/11/2015 - 6:57 PM
Nhà máy Zelenodolsk sẽ hoàn tất đóng 2 frigate tên lửa Gepard cho Hải quân Việt Nam dù gặp khó khăn vì Ukraine không cung cấp trực tiếp động cơ turbine khí, Tổng giám đốc nhà máy Renat Mistakhov cho biết.
“Các động cơ turbine khí chúng tôi đã mua, hiện giờ đang tiến hành lắp đặt chúng”, ông Mistakhov nói.

Theo lời ông, khách hàng mua tàu đã hỗ trợ nhà máy mua động cơ. “Chúng tôi đã mua các sản phẩm này qua Việt Nam”, ông Mistakhov giải thích.

Tàu hộ vệ HQ-012 Lý Thái Tổ lớp Projekt 11661E
Ông Mistakhov cũng cho biết, hiện chưa có hợp đồng của Hải quân Việt Nam đóng thêm frigate mặc dù Việt Nam rất muốn mua các chiến hạm mới.

“Họ đã có khả năng tự đóng các tàu có lượng giãn nước đến 500 tấn, nhưng muốn có các tàu có lượng giãn nước lớn hơn mà các xưởng đóng tàu trong nước chưa sản xuất được. Việt Nam có nhu cầu bảo vệ lợi ích của mình ở Biển Đông”, ông Mistakhov giải thích.

Năm 2011, Nga đã chuyển giao cho Việt Nam 2 frigate Gepard. Hai chiếc nữa đang ở giai đoạn đóng và dự kiến chuyển giao cho Hải quân Việt Nam vào năm 2017 và 2018.

Tháng 5/2015, Phó Thủ tướng Nga Dmitri Rogozin cho biết, do Ukraine ngừng cung cấp động cơ, Nga đã buộc phải tạm dừng đóng nhiều tàu chiến. Ông cũng khẳng định, Nga dự định hoàn thành việc thay thế động cơ nhập đến năm 2018.

Tháng 7/2015, ông Rogozin giao nhiệm vụ cho các hãng đóng tàu Nga chỉ sử dụng linh kiện nội địa trong hoạt động đóng tàu.
Ngày 12/8/2015, ông Rogozin cho biết, việc sản xuất động cơ turbine khí cho tàu hải quân sẽ được triển khai tại nhà máy của Liên hiệp khoa học sản xuất Saturn ở Rybinsk.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Projekt 11661 Gepard được đóng ở Nhà máy Zelenodolsk mang tên Gorky từ năm 1990. Tàu dùng để săn tìm và tiêu diệt tàu ngầm, tàu nổi và mục tiêu bay, cảnh giới, hộ tống và bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế. Gepard-3.9 có lượng giãn nước 1.500 tấn, được trang bị pháo, tên lửa chống hạm, vũ khí phòng không và vũ khí chống ngầm.