In bài này
S-500 có thể bắn rớt thiên thạch?
Chủ Nhật, 15/11/2015 - 9:13 PM
5 dữ kiện về hệ thống phòng không-vũ trụ tối tân nhất của Nga.
>> Vươn tới đỉnh cao - 7 nấc thang tiến tới S-500 Prometei

S-500 Prometei là hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới nhất do Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei phát triẻn. Ở hệ thống này, nguyên tắc giải quyết riêng rẽ các nhiệm vụ tiêu diệt mục tiêu đường đạn và mục tiêu khí động tiếp tục có bước phát triển.

Theo nguyên tắc này, trong các ống phóng nhìn bề ngoài giống nhau bố trí các loại tên lửa khác nhau, qua đó cho phép một hệ thống duy nhất có thể tiêu diệt các mục tiêu bất kỳ, không chỉ máy bay và máy bay không người lái bay với tốc độ bất ỳ và ở độ cao bất kỳ, mà cả tên lửa tầm trung, tên lửa hành trình siêu vượt âm với tốc độ cao hơn 5 lần tốc độ âm thanh (>5M) và thậm chí cả các đầu đạn tên lửa đường đạn xuyên lục địa.

S-400 Triumf

Nguyên tắc tác chiến riêng rẽ với các loại mục tiêu khác nhau đã được áp dụng ở hệ thống tên lửa phòng không thế hệ trước S-400 Triumf. Nhưng khả năng S-500 sẽ còn lớn hơn nữa, mặc dù đương nhiên không phải là vô hạn.

1. S-500 sẽ có thể bắn hạ vệ tinh trên quỹ đạo thấp. Hơn nữa, đây không phải là mục tiêu khó nhất đối với S-500 bởi lẽ các vệ tinh bay với tốc độ đều và không thực hiện các thao tác cơ động tránh đạn tên lửa. Còn các đầu đạn cơ động của tên lửa chiến lược và các tên lửa hành trình siêu vượt âm tốc độ 5M trở lên thì lại là chuyện khác. S-500 được chế tạo chính để đối phó với các mục tiêu đó. Hệ thống này sẽ có khả năng tiêu diệt không chỉ tên lửa tầm trung, mà cả tên lửa đường đạn xuyên lục địa có tốc độ đến 7 km/s, qua đó biến S-500 thành một thành tố của hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược. Hơn nữa, một hệ thống lại có thể tiêu diệt đồng thời đến 10 mục tiêu như vậy. Tầm bắn của S-500 sẽ là 600 km.

S-500

2. Dự đoán S-500 sẽ duy trì cơ cấu mà S-400 đang có. Điều đó có nghĩa là, một tiểu đoàn S-500 sẽ được biên chế 1 đài điều khiển, 1 radar phát hiện tầm xa, 1 radar mọi độ cao, 1 radar điều khiển, 1 tháp anten cơ động và 8-12 bệ phóng. Tổng cộng là 12-17 xe.

3. Hệ thống đánh chặn độ cao lớn THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) của Mỹ được xem là địch thủ của S-500. Hệ thông của Mỹ có thể bắn hạ mục tiêu ở độ cao 200 km, nhưng về tốc độ, THAAD chỉ ứng phó được tên lửa có tầm bắn không quá 3.500 km.

Ưu thế của THAAD là áp dụng nguyên lý đánh chặn động năng. Tên lửa chống tên lửa của Mỹ va chạm chính xác vào mục tiêu, chứ không phát nổ gần đầu đạn để phá nổ nó, điều đó làm tăng đáng kể độ tin cậy đánh chặn nếu nói đến các đầu đạn. Các kỹ sư Nga mới chỉ đang nghiên cứu áp dụng nguyên lý này.

4. Chi phí để duy trì bầu trời bình an. Năm 2007, Rosoboronoexport đã ký với Iran hợp đồng bán 5 tiểu đoàn S-300PMU-1 trị giá gần 800 triệu USD (160 triệu USD/1 tiểu đoàn). Năm 2014, 4 tiểu đoàn S-400 Triumf làm Trung Quốc tốn lên đến 1,9 tỷ USD (475 triệu USD/1 tiểu đoàn). Venezuela năm 2013 nhận được 2 tiểu đoàn tên lửa chống tên lửa S-300V với giá 1 tỷ USD (500 triệu USD/1 tiểu đoàn). Trong khi đó, giá của một hệ thống THAAD của Mỹ là gần 2,3 tỷ USD.

S-500

Vậy S-500 sẽ có giá bao nhiêu? Hiện giờ chỉ có thể đoán. Vào năm 2020, Bộ Quốc phòng Nga dự định triển khai 56 trung đoàn S-400 (mỗi trung đoàn có 2-3 tiểu đoàn). Ngoài ra, còn dự định đưa vào trực chiến 10 hệ thống S-500.

5. Một số báo chí kiên trì khẳng định rằng, thiên thạch nổ tung trên bầu trời Chelyabinsk ngày 15/2/2013 chính là đã bị bộ đội phòng không Nga bắn rơi. Nhưng điều đó hiện là không thể. Vấn đề thậm chí không phải ở chỗ thiên thạch Chelyabinsk là tảng đá đường kính 20 m và nặng 13.000 tấn. Tên lửa phòng không không phải dùng để tiêu diệt các vật thể như thế. Hơn nữa, kể từ hệ thống phòng không đầu tiên của Moskva là S-25, các hệ thống tên lửa phòng không Liên Xô đã có thể mang đầu đạn hạt nhân. Với các đầu đạn đó thì hoàn toàn có khả năng tác động tới mục tiêu khổng lồ ngoài hành tinh kia. Nhưng hậu quả của một vụ nổ hạt nhân trên bầu trời Chelyabinsk sẽ kinh hoàng hơn bản thân thiên thạch.

Song điều chủ yếu nhất là vị khách từ vũ trụ bay với tốc độ 18 km/s. Đánh chặn một mục tiêu như thế thì ngay cả S-500 cũng không thể. Còn về vụ nổ thì đó chính là do thiên thạch tự gây ra. Do bị đốt nóng nhanh trong khí quyển, nó đã nổ tung và vỡ tan thành những mảnh nhỏ ở độ cao 30-50 km. Mảnh lớn nhất trong số các mảnh tìm thấy nặng 570 kg. 90% thiên thạch này đã hoàn toàn bốc hơi.

>> Vươn tới đỉnh cao - 7 nấc thang tiến tới S-500 Prometei
Bảo Chương