In bài này
Vươn tới đỉnh cao - 7 nấc thang tiến tới S-500 Prometei
Chủ Nhật, 11/10/2015 - 6:01 PM
S-500 Prometei là hệ thống tên lửa phòng không thế hệ mới của Nga. Với sự xuất hiện của S-500, phòng không Nga sẽ biến thành phòng không-vũ trụ.
>> S-500 có thể bắn rớt thiên thạch?

Hiện nay, hệ thống này vẫn đang được Tập đoàn Phòng không Almaz-Antei В phát triển. Để hiểu được S-500 tiên tiến đến mức nào, cần nhắc đến các hệ thống tiền bối nổi tiếng của nó.
S-400 tập đánh đêm

1. S-25 Berkut. Vành đai phòng thủ đắt như vàng

Các cuộc tập kích đường không ồ ạt của không quân Anh-Mỹ vào các thành phố Đức trong những năm 1944-1945 và vụ ném bom nguyên tử Hiroshima và Nagasaki đã gây ấn tượng mạnh mẽ đối với ban lãnh đạo Liên Xô. Họ đã cố gắng tìm cách bảo vệ ít ra là cho Moskva khỏi số phận như thế và vào năm 1955, Liên Xô đã triển khai xung quanh Moskva 56 hệ thống S-25.

S-25 tiên phong mở đường. Trong ảnh, S-25 tham gia duyệt binh năm 1967 ở Moskva
Đây là các hệ thống tên lửa phòng không tĩnh tại, rất đắt tiền (vì thế Liên Xô đã không đủ kinh phí để triển khai hệ thống phòng không tương tự để bảo vệ Leningrad) và chiếm dụng những vùng đất rộng lớn. Đường vành đai bê tông ngoại ô Moskva (đường А108) được xây dựng chính là để phục vụ duy trì các trận địa S-25.

Vành đai phòng không xây dựng nên đúng là bằng vàng, nhưng đây là hệ thống phòng không đa kênh đầu tiên trên thế giới và mỗi hệ thống tên lửa thành viên đều có thể bám mấy mục tiêu động thời, nên cho phép chặn đứng cuộc tấn công của 1.200 máy bay ném bom bay ở độ cao đến 20 km với tốc độ đến 1.500 km/h. Công trình sư trưởng của hệ thống chính là con của nhà lãnh đạo tình báo và công nghiệp quốc phòng Liên Xô Lavrenty Beria.

2. S-75 Dvina. Ác mộng của McCain  

Hệ thống S-75 Dvina (Mỹ/NATO gọi là Sa-2 Guideline) được nhận vào trang bị vào năm 1957, đã là hệ thống cơ động và rẻ hơn. Bởi vậy, không có gì ngạc nhiên khi đã có gần 800 tiểu đoàn S-75 được cung cấp cho nhiều nước trên thế giới.

Các tên lửa của hệ thống S-75 chặn đánh mục tiêu bay với tốc độ đến 2.300 km/h ở độ cao đến 27 km. Ngày 7/10/1959, ở gần Bắc Kinh, bộ đội phòng không Trung Quốc đã bắn hạ 1 máy bay do thám Đài Loan ở độ cao 20.600 m. Đây là máy bay đầu tiên bị bắn rơi bằng một tên lửa phòng không trong lịch sử. Nhưng trận đánh thắng lợi nổi tiếng nhất của S-75 xảy ra ngày 1/5/1960, khi chuyến bay của chiếc máy bay do thám U-2 của Mỹ bị chặn đứng ở gần thành phố Sverdlovsk, Liên Xô. Tuy nhiên, ít người biết rằng, các hệ thống S-75 của Trung Quốc đã bắn rơi những 5 chiếc U-2.
S-75 giàu chiến tích nhất. Các hệ thống S-75 của Trung Quốc đã bắn rơi 5 máy bay trinh sát chiến lược U-2 của Mỹ. Còn S-75 của Việt Nam đã tàn sát tất cả các loại máy bay Mỹ, ngoại trừ SR-71
Cuộc chiến tranh ở Việt Nam chống đế quốc Mỹ mới đem lại vinh quang bất hủ cho S-75. Theo số liệu của Liên Xô, 60 tiểu đoàn S-75 của bộ đội tên lửa Việt Nam đã bắn rơi 1.293 máy bay, trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược В-52 của Mỹ. Chính người Mỹ chỉ thừa nhận tổn thất 200 máy bay.

Điều thú vị là một trong các phi công Mỹ bị bắn rơi là Thượng nghị sĩ tương lai John McCain, đối thủ của Barack Obama trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và một nhân vật chống Nga khét tiếng. Không biết sự thù ghét này có liên quan gì đến S-75 hay không.

3. S-125 Neva. Hạ gục tàng hình

Với tất cả những ưu điểm của mình, S-25 Neva (tên xuất khẩu là Pechora; Mỹ/NATO gọi là SA-3 Goa) và S-75 có một điểm yếu chung - đó là độ cao sát thương tối thiểu của chúng là 3-5 km. Trong khi đó, máy bay đã bay được ở chế độ bám địa hình, khiến chúng không còn phải sợ hãi tên lửa phòng không Liên Xô. Để đối phó với các mục tiêu bay thấp, năm 1961, Liên Xô đã chế tạo hệ thống tên lửa phòng không S-125 có thể tiêu diệt máy bay thậm chí ở độ cao 20 m.
S-125 vào trận
Nổi bật nhất trong bảng thành tích của S-125 có lẽ là những phát đạn lẫy lừng trong lịch sử phòng không vào ngày 27/3/1999 khi bộ đội phòng không Serbia đã bắn hạ một máy bay tàng hình F-117A Nighthawk của Mỹ ở cách thủ đô Belgrade 32 km bằng 2 quả tên lửa.

Quả tên lửa đầu tiên nổ xé đứt một cánh của chiếc tàng hình, còn quả thứ hai bắn trúng vào máy bay. Đó là những quả tên lửa được sản xuất ở Nhà máy mang tên Đại hội Đảng lần thứ 20 ở Vyatka vào năm 1975.
Mảnh xác máy bay tàng hình F-117A bị S-125 bắn rơi ở ngoại ô Belgrade năm 1999

4. S-200 Angara. Vua một thời về tầm bắn

Nhưng dẫu sao vẫn còn những mục tiêu nằm ngoài tầm với của phòng không Liên Xô. Trước hết, đó là máy bay trinh sát chiến lược tầm cao SR-71 Blackbird  của Mỹ có tốc độ kinh hoàng lên tới 3.500 km/h (3,3M).

Thời chiến tranh lạnh, phòng không Liên Xô chưa lần nào tóm được máy bay này. SR-71 cũng là máy bay duy nhất tham gia chiến tranh Việt Nam mà không bị bộ đội phòng không Việt Nam bắn hạ.

Tầm bắn của hệ thống S-200 vốn được phát triển vào năm 1964 là 250 km. Tên lửa có trọng lượng 7,1 tấn, phần chiến đấu chứa 37.000 phần tử sát thương, khi phát nổ có thể tiêu diệt mọi mục tiêu trong bán kính hàng trăm mét. Tên lửa có tốc độ 1,2 km/s, tức là 3,5M.
S-200 - nhà vô địch một thời
Với sự xuất hiện của S-200 (Mỹ/NATO gọi là SA-5 Gammon), SR-71 đối mặt với nguy cơ bị bắn hạ và đã buộc phải ngừng bay trên lãnh thổ Liên Xô.

Tầm bắn xa của S-200 vô tình còn trở thành nguyên nhân gây ra thảm kịch ngày 4/10/2001 trong cuộc tập trận của phòng không Ukraine ở Crimea. Sau khi bắn trượt mục tiêu bắn tập, quả tên lửa đã bắn trúng chiếc máy bay chở khách Tu-154 của hãng hàng không Siberia của Nga đang bay trên Biển Đen, sau khi bắt kịp chiếc Tu-154 trên quãng đường gần 300 km. Đó là cao hơn khả năng của S-200 theo tính năng trong hồ sơ kỹ thuật, nhưng tầm bay kỹ thuật của tên lửa S-200 chính là 300 km.

5. S-300 Favorit. Một mình thay thế tất cả

Bước vào trực chiến bảo vệ không phận Liên Xô vào năm 1979, tầm quan trọng của S-300 Favorit (Mỹ/NATO gọi là SA-10 Grumble) có thể mô tả bằng một câu: hệ thống này đã không chỉ đơn thuần thay thế tất cả các hệ thống kể trên mà còn vượt trội chúng về hàng loạt tính năng. Tầm bắn của S-300PMU-1 (biến thể năm 1993) [Mỹ/NATO gọi là SA-20 Gargoyle] là 200 km, độ cao mục tiêu từ 10 m đến 40 km, tốc độ mục tiêu đến 2,8 km/s. Hệ thống có tính vạn năng nhờ sử dụng nhiều loại tên lửa phóng từ các ống phóng tiêu chuẩn (mỗi bệ mang 4 ống phóng). S-300 là hệ thống đa kênh: biến thể hiện nay của nó có thể đồng thời dẫn 72 quả tên lửa vào 36 mục tiêu.

Ngoài ra, S-300 có sức cơ động cao. Thời gian quy định thu hồi hệ thống S-125 để tránh khỏi bị đối phương tấn công là 1 giờ 20 phút. S-300 có thể chuyển từ trạng thái hành quân sang trạng thái chiến đấu và ngược lại trong vòng 5 phút.
S-300 Favorit khai hỏa. Tên lửa được phóng thẳng đứng và xoay về hướng mục tiêu ngay ở trên không
Tên lửa được phóng thẳng đứng và lập tức xoay về hướng mục tiêu. Trong khi đó, hệ thống đối thủ là Patriot của Mỹ thì để chặn đánh cuộc tấn công bất ngờ từ phía sau buộc phải quay 180 độ các bệ phóng của mình.

Xét cả về các tham số khác thì đối thủ Mỹ vẫn thua kém Favorit: độ cao mục tiêu từ 60 m đến 24 km, tầm bắn 160 km, tốc độ mục tiêu không quá 2,2 km/s, còn thời gian đưa Patriot vào sẵn sàng chiến đấu là 30 phút.

Hiện nay, hệ thống tên lửa phòng không tầm trung S-350 Vityaz đang chuẩn bị thay thế S-300. Mỗi bệ phóng của S-350 mang 12 tên lửa chứ không phải 4 tên lửa như S-300.
Patriot phóng tên lửa từ bệ phóng nghiêng. Khi chuyển ngắm sang sector khác, cần phải quay cả bệ phóng
6. S-300V Antei. Bức màn sắt

Dù sao thì S-300 Favorit vẫn chưa phải là phương tiện phòng không vạn năng cho đến tận cùng. S-300 Favorit trước hết dùng để bảo vệ các khu vực chiến lược và công nghiệp. Nhưng quân đội Liên Xô còn cần một hệ thống để bảo vệ các cụm quân. Hệ thống phòng không dành cho lục quân S-300V Antei (Mỹ/NATO gọi là SA-12 Gladiator/Giant) chỉ có khác biệt một chữ cái, nhưng trên thực tế đây là hệ thống tên lửa phòng không hoàn toàn khác.

S-300V Antei
Trước hết, các thành phần của hệ thống được lắp trên khung gầm bánh xích chứ không phải bánh lốp, điều đó cho phép bộ đội tên lửa phòng không không bị tụt lại so với bộ đội xe tăng không. Hai là trong chiến đấu thực tế thì kẻ thù sẽ không cho ngay cả đến 5 phút để chuẩn bị đánh trả cuộc tấn công đường không. Vì thế, S-300V có khả năng bắn gần như trong hành tiến: nó chỉ cần có 5 s để chuẩn bị phóng đạn!

Nhưng điều chủ yếu nhất là ngoài máy bay và tên lửa hành trình, các tên lửa chiến dịch-chiến thuật của đối phương cũng là mối đe dọa lớn đối với các cụm quân. Bởi vậy, S-300V được nghiên cứu chế tạo trước hết là để tác chiến chống cả tên lửa đường đạn, chứ không chỉ các mục tiêu khí động. Khác biệt chủ yếu giữa máy bay và tên lửa là tốc độ. S-300V có thể đánh chặn mục tiêu có tốc độ đến 4,5 km/s. Còn tên lửa S-300V4 (biến thể mới nhất có tốc độ 7,5M, tầm bắn 400 km và độ cao diệt mục tiêu 37 km.
Bệ phóng của S-300V lắp trên khung gầm bánh xích

7. S-400 Triumf. Công nghệ đỉnh cao

Được đưa vào trang bị vào năm 2007, hệ thống tên lửa phòng không S-400 Triumf (Mỹ/NATO gọi là SA-21 Growler) đã kết hợp được trong mình những tính năng ưu tú của cả S-300 Favorit và S-300V Antei: nó có thể tác chiến hiệu quả như nhau chống các mục tiêu khí động và đường đạn bay với tốc độ đến 4,8 km/s. Điều đó cho phép S-400 chặn đánh không chỉ các tên lửa chiến dịch-chiến thuật mà cả tên lửa tầm trung. Bán kính tiêu diệt mục tiêu đến 400 km khi sử dụng tên lửa tầm xa được nhận vào trang bị vào năm 2015 và cũng sẽ trang bị cho cả S-500. Độ cao diệt mục tiêu là từ 5 m (!) đến 185 km (!).
S-400 dàn trận
Mô hình S-400 bơm hơi nghi trang lừa địch
S-400 phóng tên lửa
 
8. S-500 Prometei. Vươn tới vũ trụ!

Không chỉ tính năng, mà ngay cả hình dáng bên ngoài của hệ thống S-500 Prometei (còn có tên là Triumfator-M) vẫn là một bí mật. Nhưng dẫu sao vẫn có một số chi tiết đã bị tiết lộ với công chúng.

Hình ảnh được cho là của bệ phóng cơ động tầm xa P222 (Izdelyie 14Ts033) của hệ thống phòng thủ tên lửa tương lai Nudol (có nguồn nói là S-500) của Tập đoàn Almaz-Antei đăng trong cuốn lịch năm 2015 (Almaz-Antei / militaryrussia.ru)

>> S-500 có thể bắn rớt thiên thạch?
 

Bảo Chương