In bài này
Đức triển lãm “súng máy Gatling laser”
Chủ Nhật, 04/10/2015 - 10:55 AM
Tại triển lãm vũ khí DSEI (Defence and Security Equipment Industry) ở London, công ty vũ khí Đức Rheinmetall Defence Electronics (RDE) đã giới thiệu hệ thống vũ khí laser chống máy bay không người lái có cấu tạo như một súng máy nhiều nòng quay Gatling.
Trên một giá súng có lắp 4 thiết bị laser công suất lớn (20 kW/laser). “Súng máy Gatling laser” như khách tham quan đặt tên cho nó, được trang bị hệ thống điều khiển chập tia laser cho phép kết hợp các phát bắn từ cả 4 “nòng” thành một tia có tổng công suất 80 kW.

Hệ thống điều khiển chập tia rất đa năng, có thể chập làm một số lượng phát bắn laser tùy ý và bằng cách đó tăng được “sức công phá” của tia laser tổng hợp lên bao nhiều lần tùy ý tùy theo số lượng thiết bị phát bức xạ laser lắp trên giá súng.

Thấu kính của mỗi laser đều được bảo vệ bằng lớp phủ đặc biệt, ngăn chặn tia laser tán xạ do sương mù, mưa hay các giọt nước.

Vũ khí laser này được thiết kế để trang bị trên tàu chiến. Trong các lần thử trình diễn, súng máy laser đã bắn hạ 1 UAV ở cự ly 500 m.

Theo các nhà thiết kế, vũ khí chùm tia này còn có khả năng kích nổ bom đạn, làm nổ tung đạn pháo cối đang bay, làm mù các sensor và thậm chí đốt cháy xuyên thủng vỏ tàu nhỏ.

CLWS tập trung bắn vào đuôi để tiêu diệt UAV
Cuối tháng 8/2015, hãng Boeing của Mỹ đã công bố video clip quay cảnh vũ khí laser CLWS (Compact Laser Weapons System) phá hủy một UAV. Trong thử nghiệm, pháo laser tập trung tấn công vào đuôi của UAV bằng cách duy trì tia laser trên mục tiêu trong thời gian đủ dài để đốt cháy vị trí hiểm yếu của mục tiêu. CLWS đã mất 15 giây để tiêu diệt UAV.

Trước đó, Boeing đã thử nghiệm một biến thể vũ khí laser lắp trên xe tải. Các vũ khí này có thể bảo vệ lực lượng trên mặt đất của Lục quân và Thủy quân lục chiến Mỹ chống các cuộc tấn công của UAV cỡ nhỏ.

Hải quân Mỹ đang theo đuổi dự án vũ khí laser phòng không GBAD nhằm chế tạo hệ thống vũ khí laser lắp trên xe quân sự Humvee hoặc xe hạng nhẹ khác cùng với các sensor lắp trên vài chiếc Humvee khác. Hệ thống này có thể dùng để bảo vệ Thủy quân lục chiến Mỹ trước UAV và robot chiến đấu.

Hải quân Mỹ cũng đã thử nghiệm thành công vũ khí laser LaWS công suất 30 kW lắp trên tàu chống mục tiêu tàu nhỏ và UAV. Dự kiến, vũ khí laser lắp trên tàu chiến Mỹ sẽ được nâng lê 100-150 kW.

Liên Xô/Nga cũng tích cực phát triển vũ khí laser từ năm 1964, tập trung vào vũ khí laser lắp trên máy bay. Có triển vọng hơn cả là vũ khí laser A-60 lắp trên máy bay vận tải quân sự Il-76MD.

Trong thử nghiệm, tia laser do А-60 phát ra đã tiêu diệt mục tiêu tưởng định bay ở độ cao 1.500 km so với mặt đất. Ngoài các mục tiêu vũ trụ, A-60 còn có thể tiêu diệt mục tiêu bay thấp như tên lửa và tên lửa đường đạn.

Ngoài ra, trong thập kỷ 1980, Nga cũng đã chế tạo pháo laser lắp trên khung gầm xe tăng Т-80. Chúng có khả năng trong vài phần giây đốt chát tất cả các khí tài quang học của địch trong khu vực tầm nhìn thẳng. Có nghĩa là khi chạm trán tăng-thiết giáp địch, xe tăng laser Liên Xô sẽ chỉ cần làm mù đối phương, làm cho địch không thể ngắm bắn được.

Ngày nay, không thể hình dung các xe chiến đấu bánh lốp, bánh xích lại không có các hệ thống điều khiển hỏa lực quang-điện tử, do đó, một xe tăng laser có thể ngăn chặn cả một đoàn xe tăng địch. Nga đang tiếp tục ráo riết đầu tư nghiên cứu trên hướng này.

Tóm lại, phát triển vũ khí laser đã trở thành một xu hướng lớn với sự tham gia của các cường quốc quân sự hàng đầu như Mỹ (Hải quân, Thủy quân lục chiến, Lục quân, Không quân Mỹ), Nga, Trung Quốc, Đức, hải quân Nhật Bản, Anh, Ấn Độ. Dự đoán, trong vòng 5-10 năm tới, các vũ khí laser đầu tiên có thể được triển khai trên mặt đất, tàu chiến, máy bay làm các nhiệm vụ chiến thuật như phòng không, chống sinh lực, chống khí tài quang-điện tử...
Nam Xương