In bài này
Vũ khí và chiến thuật không kích của Nga ở Syria
Chủ Nhật, 04/10/2015 - 9:19 AM
Tại Syria đã thành lập một lực lượng không quân của Lực lượng Không quân-vũ trụ Nga (VKS) với hơn 50 máy bay và trực thăng, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov thông báo.
Máy bay ném bom chiến thuật Su-34 (số hiệu 22 đỏ) của VKS trở về sân bay Bassel al-Assad (Hmeimim), Syria sau phi vụ chiến đấu. Máy bay này thuộc biên chế Trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập số 47 của Sư đoán không quân hỗn hợp số 105, Tập đoàn quân phòng không-không quân Cờ Đỏ, Leningrad số 6, quân khu miền Tây từ sân bay Buturlinovka. Trên máy bay có treo một quả bom có điều khiển KAB-500S dẫn bằng vệ tinh. Ngày 1.10.2015 (RT)
Ông Konashenkov nói: “Lực lượng không quân này đã được triển khai trong thời gian cực ngắn. Chúng tôi đã làm được điều đó nhờ các nguồn dự trữ vật tư và đạn dược chính đã có sẵn ở trạm bảo đảm kỹ thuật-vật tư ở Tartus. Chỉ còn có việc chuyển máy bay tới và đưa đến một số thiết bị”.

Trước đó, báo chí đưa tin, lực lượng không quân Nga triển khai ở Syria gồm các trực thăng tiến công Mi-8AMTSh, 12 Mi-24, 12 máy bay ném bom Su-24М và 6 máy bay ném bom Su-34, 4 tiêm kích Su-30SM và 12 cường kích Su-25SM, ngoài ra còn trực thăng vận tải Mi-17, máy bay không người lái Dozor và Orlan, máy bay tiếp dầu Il-78, máy bay trinh sát điện tử Il-20.

Không quân Nga ở Syria đã bắt đầu không kích lực lượng khủng bố tại nước này vào ngày 30/9/2015, ngay sau khi Thượng viện Nga phê chuẩn đề nghị của Tổng thống Putin  sử dụng quân đội Nga ở nước ngoài theo thỉnh cầu của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Báo chí Nga ngày 4/10 cho hay, trong 3 ngày đêm oanh kích, lực lượng Nga đã tiến hành khoảng hơn 60 phi vụ oanh tạc, tiêu diệt hơn 50 mục tiêu kho tàng, đầu mối thông tin, sở chỉ huy... của lực lượng khủng bố, phá hoại cơ sở vật chất-kỹ thuật và làm giảm đáng kể tiềm lực chiến đấu của bọn khủng bố, trong hàng ngũ khủng bố đã xuất hiện tình trạng hoảng loạn và đào ngũ.

Một số thông tin ban đầu cho thấy, Không quân Nga áp dụng một số chiến-kỹ thuật mới:
  1. Huy động các máy bay ném bom, cường kích, tiêm kích chủ lực và tối tân nhất, lần đầu tham chiến chính thức như Su-34, Su-25SM, Su-30SM.

  2. Sử dụng vũ khí mới nhất như bom dẫn bằng tín hiệu định vị vệ tinh GLONASS.

  3. Số phi vụ đánh đêm chiếm tới 50% tổng số phi vụ.

  4. Sử dụng kết hợp nhiều phương tiện trinh sát, nguồn tình báo: máy bay trinh sát chuyên dụng Il-20, trinh sát vũ trụ, trinh sát trên tàu hải quân và đặc biệt là Nga kiểm nghiệm trên thực tế máy bay không người lái làm nhiệm vụ trinh sát, chỉ thị mục tiêu cho máy bay tấn công và đánh giá hiệu quả oanh kích; cũng như hợp tác chia xẻ tình báo với Iran, Iraq, Syria.

  5. Tỷ trọng vũ khí có điều khiển được sử dụng khá cao.

  6. Máy bay ném bom và cường kích Nga có tin vẫn thận trọng không kích từ độ cao ngoài tầm với của pháo phòng không của IS (chủ yếu là pháo 23 mm của ZSU-23-4, ZU-23, súng máy 12,7 mm). Các trực thăng Mi-8, Mi-24 dễ tổn thương trước pháo phòng không cỡ nhỏ vẫn chưa được huy động tham chiến.
Những đặc điểm trên cho thấy, chủ trương lớn của Nga là hạn chế tối đa thương vong cho không quân của mình và dân thường, đồng thời tăng cường hiệu quả, chất lượng không kích vì Nga gặp nhiều khó khăn về thời gian, số lượng máy bay và khả năng tiếp vận hậu cần-kỹ thuật.

Đồng thời, đây cũng là một ví dụ cho thấy một cách tư duy mới của giới quân sự Nga - sẵn sàng sử dụng ngay vũ khí hiện đại nhất để kiểm nghiệm thực tế, quảng bá cho năng lực phát triển vũ khí chính xác và quảng cáo xuất khẩu các loại vũ khí hiện đại trong thời gian tới.

Nga không chỉ mở chiến dịch không kích thực tế ở Syria mà còn phải "giao chiến" bằng "mồm" trên mặt trận chiến tranh thông tin chống lại Mỹ, phương Tây, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Arab.

Các cơ quan quyền lực và truyền thông Nga như: Văn phòng Tổng thống, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và báo chí, truyền thông phối hợp khá ăn ý. Tận dụng tốt cách đưa tin chiến sự hiện đại kiểu Mỹ và phương Tây, công khai các chi tiết về các đợt oanh kích (mục tiêu, số lượng, chủng loại máy bay tham gia, kết quả...), các bản tin tổng hợp hoạt động tác chiến trong ngày của VKS, kèm theo các clip quay cảnh oanh kích thực tế.

Có ý kiến đánh giá, về mặt thông tin-tuyên truyền, Bộ Ngoại giao Nga và truyền thông Nga hoàn thành tốt nhiệm vụ, Bộ Quốc phòng Nga hơi yếu một chút.

Chuẩn bị xuất kích chiến đấu cho máy bay ném bom chiến thuật Su-34 (số hiệu 25 đỏ) của VKS ở sân bay Bassel al-Assad (Hmeimim), gần Latakia. Máy bay này thuộc biên chế Trung đoàn không quân hỗn hợp độc lập số 47 của Sư đoán không quân hỗn hợp số 105, Tập đoàn quân phòng không-không quân Cờ Đỏ, Leningrad số 6, quân khu miền Tây từ sân bay Buturlinovka. Trên máy bay treo 02 quả bom có điều khiển KAB-500S dẫn bằng vệ tinh. Ngày 3.10.2015 (BQP Nga)
Một số loại bom đạn sử dụng

1 - Bom có điều khiển bằng vệ tinh định vị GLONASS KAB-250 và KAB-500S


Ngày 4/10, đại diện VKS chính thức thông báo, tại Syria, máy bay chiến đấu Nga đang sử dụng loại bom chính xác cao tối tân nhất điều khiển nhờ hệ thống vệ tinh định vị GLONASS trong các cuộc không kích chống IS.

“Khi đối phó với hạ tầng của phiến quân, máy bay Nga sử dụng vũ khí chính xác cao tối tân, cụ thể là bom có điều khiển. Bom này tiến hành hiệu chỉnh đường bay sau khi rời khỏi cánh máy bay theo (tín hiệu) vệ tinh GLONASS. Bom cũng nhận thông tin tọa độ từ máy bay. Do đó, độ chính xác bom rơi là ±2 m bất kể điều kiện thời tiết và mùa trong năm. Điều đó cho phép tiêu diệt chính xác các mục tiêu của phiến quân và loại trừ thương vong cho dân thường”, đại diện VKS nói và cho biết thêm, bom KAB-250 được thả từ máy bay ném bom Su-34 từ độ cao 5 km.

KAB-250 là vũ khí hàng không chính xác cao mới của Nga, được trưng bày lần đầu tại triển lãm MAKS-2011 ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva. Bom được phát triển ít nhất từ giữa những năm 2000. Hãng phát triển là GNPP Region thuộc Tổng công ty Vũ khí tên lửa chiến thuật (KTRV).

Bom được thiết kế riêng để trang bị cho tiêm kích thế hệ 5 (PAK FA Т-50) và lắp trong khoang trong thân máy bay. Chính vì thế mà bom có dáng thuôn dài. Bom cũng có thể sử dụng cho các máy bay khác và lắp trên giá treo bên ngoài.

KAB-250 có trọng lượng 250 kg, chiều dài 3,2 m, đường kính 285 mm, sải cánh 55 cm, phần chiến đấu phá-mảnh nặng 127 kg.

Trước đó, đại diện Bộ Quốc phòng Nga cho hay, sai số vòng tròn xác suất của bom có điều khiển KAB-500 cũng được sử dụng ở Syria là không quá 5 m. Có thể thấy Su-34 mang bom KAB-500 trên video clip quay từ Latakia.

KAB-500S dẫn bằng tín hiệu vệ tinh GLONASS, được giới thiệu lần đầu tại triển lãm MAKS-2003. KAB-500 còn có các biến thể khác dẫn bằng laser hay quang-điện (truyền hình). Theo thông tin của nhà sản xuất, KAB-500S có độ chính xác 7-12 m; biến thể dẫn bằng laser và truyền hình có độ chính xác 4-7 m.

The KAB-500S cũng do Region (thuộc KTRV) phát triển trong những năm 2000. KTRV còn chào bán các biến thể phổ biến hơn là KAB-500Kr, KAB-500-OD, KAB-500L và KAB-1500Kr. Ngoài biến thể KAB-500S dành cho quân đội Nga, KTRV còn chào bán biến thể xuất khẩu KAB-500S-E.

Bom KAB-500S-E có trọng lượng 560 kg, trọng lượng thuốc nổ 195 kg, chiều dài 3,0 m, đường kính 400 mm, sải cánh 750 mm, độ cao thả 500-5.000 m, tốc độ thả 550-1100 km/h, độ chính xác 7-12 m.

Sự xuất hiện và sử dụng KAB-500S ở Syria là một bất ngờ đối với các chuyên gia Nga và phương Tây vì trước đó có tin Bộ Quốc phòng Nga từ chối mua KAB-500S vì giá đắt và đòi hỏi phải trang bị hệ thống ngắm bắn cải tiến.

2 - Bom phá mảnh OFAB-250-270, bom phá FAB-250

Trên video clip từ Syria, phát hiện các quả bom phá-mảnh OFAB-250 trên máy bay ném bom Su-24.

Bom phá-mảnh OFAB 250-270 dùng để phá hủy các mục tiêu công nghiệp quốc phòng, đầu mối xe lửa, sinh lực ngoài công sự, xe bọc thép nhẹ, xe ô tô đang hành quân...

OFAB-250-270 là dòng bom cỡ 250 kg, có chiều dài 1,456 m, đường kính thân 325 mm, sải cánh 410 mm, trọng lượng thuốc nổ 92 kg, tổng trọng lượng bom 268 kg.

3 - Tên lửa có điều khiển Kh-29L

Phát ngôn viên VKS, Đại tá Igor Klimov cho biết, lực lượng máy bay tiến công của Nga ở Syria đang sử dụng tên lửa chính xác cao Kh-29L.

“Tên lửa Kh-29L lớp không đối diện có đầu tự dẫn laser. Khi phóng, phi công chiếu xạ mục tiêu bằng máy ngắm laser, trong khi máy bay vẫn tiếp tục cơ động”, ông Klimov nói và cho biết thêm: “Trọng lượng phần chiến đấu của tên lửa là 500 kg. Nó có khả năng tiêu diệt các mục tiêu với độ chính xác cao và có các yếu tố sát thương về công phá và tạo mảnh cao hơn”.

Các tên lửa này được lắp cho các máy bay ném bom Su-24 và Su-34.

Kh-29 (Mỹ và NATO gọi là AS-14 Kedge) là tên lửa không đối diện tầm ngắn chính xác cao của Liên Xô/Nga. Dùng để tiêu diệt các mục tiêu kiên cố như công trình bê tông cốt thép, cầu cống, đường băng sân bay.

Tham gia phát triển bom này là các viện thiết kế NPO Molnyia và NPO Vympel. Được nhận vào trang bị vào năm 1980 và đang được KTRV sản xuất, hiện đại hóa. Kh-29 là tê lửa không đối diện phổ dụng nhất trên các máy bay do Liên Xô và Nga sản xuất.

Nhân Vũ