In bài này
Thú vị, hóm hỉnh - Putin trả lời phỏng vấn CBS và PBS
Thứ Hai, 28/09/2015 - 9:46 PM
Trong cuộc phỏng vấn với báo chí Mỹ, ông Putin nói gì về Syria, Ukraine và quá khứ của mình?
Vladimir Putin (Tass)
Nga không dự định tham gia các chiến dịch quân sự trên lãnh thổ Syria hay các nước khác, nhưng ủng hộ chính phủ hợp pháp của Tổng thống Bashar al-Assad, bởi lẽ các lực lượng chính phủ đang đối kháng với các tổ chức khủng bố hoạt động trong khu vực, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố trong cuộc phỏng vấn truyền thống ngay trước các chuyến công du nước ngoài quan trọng.

Lần đầu tiên sau một thời gian nghỉ dài, ông Putin sẽ phát biểu tại phiên họp lần thứ 70 Đại hội đồng LHQ ở New York.

Trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Charlie Rose dành cho các kênh truyền hình CBS và PBS, nhà lãnh đạo Nga trao đổi về vai trò của LHQ trong thế giới hiện đại, vai trò của người Mỹ trong cuộc đảo chính ở Ukraine và sự không thích hợp của biệt danh Sa hoàng dành cho ông.

“Assad đang đấu tranh chống các tổ chức khủng bố”

Cuộc trả lời phỏng vấn của Putin với các kênh truyền hình Mỹ, khác với truyền thống đã có lâu này, được chia ngay thành ba phần - hai phần đầu được công bố vào chủ nhật và thứ hai (27-28/9/2015), còn phần ba sẽ công bố vào thứ ba (29/9) sau chuyến thăm Mỹ của ông Putin.

Tại New York, nhà lãnh đạo Nga sẽ không chỉ phát biểu từ diễn đàn LHQ mà còn tiến hành các cuộc hội đàm song phương, kể cả với Tổng thống Mỹ Barack Obama, về các vấn đề quan trọng nhất của nghị trình chính trị thế giới. Vì lẽ đó, cuộc phỏng vấn Putin của báo chí Mỹ có ý nghĩa đặc biệt.

Điều không gì ngạc nhiên là Tổng thống Putin trước hết đã đề cập đến vấn đề Nga ủng hộ chính phủ Syria. “Liên quan đến cái mà ông nói là sự hiện diện của chúng tôi ở Syria, thì nó đến hôm nay được thể hiện ở các hoạt động cung cấp vũ khí cho chính phủ Syria, đào tạo nhân lực, viện trợ nhân đạo cho nhân dân Syria”, ông Putin nói. Và ông nói rõ rằng, Nga đang giúp đỡ theo yêu cầu “của chính phủ Syria về viện trợ kỹ thuật-quân sự cho họ... trong khuôn khổ các hợp đồng quốc tế hoàn toàn hợp pháp”. Ông Putin đặc biệt nhấn mạnh rằng, ở Syria “chỉ có một quân đội thông thường, hợp pháp. Đó là quân đội của Tổng thống Syria Assad. Và chống lại ông, theo cách diễn dịch của một số đối tác quốc tế của chúng tôi, là phe đối lập”. Putin cho rằng, “trong đời sống thực tế, quân đội Assad đang thực sự đấu tranh chống các tổ chức khủng bố”.

Tổng thống Nga bình luận về các nỗ lực của Nga thành lập cơ cấu điều phối tại khu vực này. Moskva đang đề nghị sự hợp tác, và Putin “đã đích thân thông tin về vấn đề này cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Vua Jordanie, Saudi Arabia. Chúng tôi đã thông tin về việc này cho cả Mỹ, và ngài Kerry mà ông đã nhắc đến đã có cuộc trao đổi cặn kẽ về việc này với ngoại trưởng của chúng tôi, ngài Lavrov, và giới quân sự hai bên chúng tôi cũng liên hệ trao đổi với nhau về chủ đề này”. “Chúng tôi sẽ vui mừng nếu chúng ta sẽ tìm được nền tảng chung cho các hành động chung chống khủng bố”, ông Putin nói thêm.

Charlie Rose và Vladimir Putin (Tass)
 Nhưng điều chủ yếu nhất là Putin đã giải thích động cơ hành động của Nga. Tổng thống Nga bày tỏ tin tưởng rằng, khi hành động “theo hướng phá hủy các cấu trúc quyền lực hợp pháp, chúng ta có thể tạo ra tình huống mà chúng ta đang thấy hôm nay ở các nước khác nhau của khu vực hay ở các khu vực khác của thế giới, ví dụ như ở Libya, nơi mà tất cả các thiết chế nhà nước bị tan rã hoàn toàn. Chúng ta đang thấy tình huống giống như vậy cả ở Iraq”.

Theo ông Putin, “không có cách giải quyết nào khác cho vấn đề Syria ngoài việc củng cố các cấu trúc nhà nước hợp pháp hiện hành, hỗ trợ họ trong đấu tranh chống khủng bố, tất nhiên đồng thời hối thúc họ đối thoại xây dựng với bộ phận lành mạnh của phe đối lập và tiến hành những cải cách chính trị”. “Hơn 2.000 tay súng xuất thân từ Liên Xô trước đây đang có mặt trên lãnh thổ Syria. Có nguy cơ chúng sẽ quay về chỗ chúng tôi. Thay vì chờ chúng quay lại với chúng tôi thì tốt hơn là giúp Assad chiến đấu với chúng ở đó, trên lãnh thổ Syria. Đó chính là động cơ thúc đẩy chủ yếu nhất khiến chúng tôi hậu thuẫn cho Assad”, ông Putin nói.

“Chúng tôi biết hết”

Nói về cuộc xung đột Ukraine, nhấn mạnh việc không thể chấp nhận giải quyết các vấn đề tranh chấp ở các nước cộng hòa thuộc Liên Xô trước đây bằng cái gọi là các cuộc cách mạng màu, Vladimir Putin nói rằng, ông có thông tin chính xác về sự tham gia của Mỹ vào cuộc đảo chính mà ở Ukraine người ta gọi là “cuộc cách mạng phẩm giá”.

Đáp lại câu hỏi của người phỏng vấn là nhà lãnh đạo Nga biết được điều đó từ đâu, ông Putin trả lời rằng, Nga với người dân Ukraine “có hàng ngàn tiếp xúc chung đủ loại và hàng ngàn liên hệ. Nên chúng tôi biết ai, ở đâu và khi nào đã gặp gỡ, làm việc với những người đã lật đổ Yanukovich, họ đã được ủng hộ ra sao, được trả bao nhiêu tiền, được huấn luyện thế nào, ở các khu vực lãnh thổ nào, ở những nước nào và ai đã là những huấn luyện viên đó”.

“Chúng tôi biết hết”, ông Putin nói thêm.

Charlie Rose lập tức đặt câu hỏi về công việc của Putin ở KGB trước đây và nói rằng, theo giới nhà báo thì chẳng có chuyện nhân viên tình báo về hưu. “Ông biết đấy, không một giai đoạn nào trong cuộc đời chúng ta trôi qua mà không để lại dấu vết cả, - ông Putin cảm thán. - Dù chúng ta đã có làm công việc gì, dù chúng ta đã có làm gì, thì những kiến thức ấy, kinh nghiệm ấy, chúng mãi mãi ở lại với chúng ta, và chúng ta tiếp tục mang chúng đi với mình, sử dụng chúng theo cách nào đó. Ở góc độ này thì rõ ràng là họ nói đúng”.

Khi nhà báo Mỹ nói đến chuyện khôi phục vùng ảnh hưởng thời Xô-viết, ông Putin chỉ mỉm cười, rồi nói: “Chúng tôi luôn bị nghi ngờ về những tham vọng nào đó và người ta luôn tìm cách bóp méo cái gì đó. Tôi thực sự đã nói rằng, sự sụp đổ của Liên Xô là thảm họa lớn của thế kỷ XX. Ông biết vì sao không? Trước hết là vì chỉ trong phút chốc, 25 người Nga ở lại bên ngoài biên giới Liên bang Nga. Họ đã sống trong một đất nước thống nhất, rồi đột nhiên thành ra ở nước ngoài. Ông có hình dung ra bao nhiêu vấn đề đã nảy sinh không?”

Ông Putin cũng nói về chuyện ông thích đến Mỹ và thu hút ông là “cách tiếp cận sáng tạo đối với việc giải quyết các vấn đề đặt ra trước nước Mỹ, sự cởi mở và linh hoạt - điều đó tạo cơ hội phát lộ tiềm năng bên trong của con người ”. “Tôi nghĩ rằng, một phần đáng kể là nhờ đó, nước Mỹ đã đạt được những thành tựu ấn tượng trong sự phát triển của mình”, ông Putin kết luận.

Cuối phần đầu cuộc phỏng vấn, đáp lại câu nói của nhà báo Rose rằng, ở Nga, theo ông biết, Tổng thống Nga Putin có biệt danh là Sa hoàng.

“Thì sao nào? - ông Putin nhún vai. - Ông biết là tôi bị người ta gọi theo nhiều cách khác nhau”.

“Danh xưng này có phù hợp với ông không?”, - Rose tiếp lời.

“Không. Việc người có thiện ý bên ngoài, bạn bè hay các đối thủ chính trị gọi bạn là gì không quan trọng. Quan trọng là bản thân bạn nghĩ rằng, bạn có nghĩa vụ phải làm gì phụng sự cho lợi ích của đất nước đã tin tưởng giao cho bạn một vị trí, một cương vị như nguyên thủ của Nhà nước Nga”.
В.Путин: Нет. Важно не то, как тебя называют со стороны доброжелатели, друзья или твои политические противники. Важно то, что ты сам думаешь о том, что ты обязан делать в интересах страны, которая тебе доверила такое место, такой пост, как глава Российского государства.

Источник: http://politikus.ru/v-rossii/58934-intervyu-amerikanskomu-zhurnalistu-charli-rouzu-dlya-telekanalov-cbs-i-pbs.html
Politikus.ru

Phần hai của cuộc phỏng vấn Vladimir Putin với nhà báo Mỹ Charlie Rose sẽ được đăng tải sáng ngày 29/9/2015.
Nhân Vũ