In bài này
Giãy dụa thoát lệ thuộc Nga: J-10B cất cánh với động cơ nội
Chủ Nhật, 27/09/2015 - 11:25 AM
Ngày 22/9/2015, tại sân bay nhà máy của công ty chế tạo máy bay Thành Đô (Chengdu Aircraft Industrial Group), tiêm kích J-10B loạt mới trang bị động cơ Taihang (WS10A) do Trung Quốc sản xuất đã thực hiện chuyến bay đầu tiên, một blog quân sự Trung Quốc cho hay.
Tiêm kích J-10B với động cơ Trung Quốc WS-10A Taihang (sina.com.cn)
Họ tiêm kích một chỗ ngồi J-10 vẫn là loại máy bay chiến đấu mới nhất của không quân chiến thuật Trung Quốc, nhưng việc sản xuất J-10 lại phụ thuộc vào nguồn cung động cơ từ Nga.

Có tin việc sản xuất các tiêm kích hạng nặng hai động cơ phái sinh từ Su-27 (như J-11B/BS, J-16) hiện nay đã chuyển sang dùng động cơ nội địa WS10A Taihang (ngoại trừ tiêm kích trên hạm J-15). Trong khi đó, độ tin cậy kém của các động cơ Trung Quốc cản trở việc sử dụng chúng cho các tiêm kích một chỗ ngồi.

Các tiêm kích J-10A cũng như các tiêm kích J-10B sản xuất loạt đầu tiên đưa vào trang bị vào năm 2014 đã được sản xuất với động cơ Nga AL-31FN. Hiện giờ, khó nói quá trình thay thế động cơ Nga bằng động cơ Trung Quốc trong hoạt động sản xuất các máy bay này sẽ diễn ra nhanh đến đâu, nhưng nhìn chung, có thể thấy rằng, Trung Quốc cơ bản đã giải quyết được vấn đề bảo đảm động cơ nội địa cho các tiêm kích thế hệ 4 của họ.

Điều này có ý nghĩa chính trị quan trọng về mặt củng cố vị thế của Trung Quốc như một đại cường quân sự độc lập, có khả năng phát triển không quân dựa trên nội lực của mình.

Động cơ WS10A Taihang do Viện thiết kế và nghiên cứu động cơ Thẩm Dương (SAERI, còn gọi là Viện 606) ở thành phố Thẩm Dương phát triển và được tập đoàn Shenyang Liming Aero-Engine Group Corporation (LMAEG, tức nhà máy 410) nằm trong Tổng công ty chế tạo máy bay quốc doanh AVIC sản xuất cũng ở Thẩm Dương.

J-10B với động cơ AL-31FN (sina.com.cn)
Trong khi đó, sự phụ thuộc của Trung Quốc vào Nga về động cơ vẫn tồn tại trong lĩnh vực sản xuất máy bay ném bom chiến lược H-6K và máy bay vận tải chiến lược tương lai Y-20.

Ngoài ra, gần như toàn bộ máy bay quân sự và dân sự của Trung Quốc xuất khẩu (có lẽ chỉ ngoại trừ J-7G và các biến thể) đều lắp động cơ do Nga, Ukraine và phương Tây sản xuất, bởi lẽ tính năng khai thác kém của động cơ Trung Quốc khiến chúng không có sức cạnh tranh trên thị trường nước ngoài.

Cần lưu ý là sau khi khó khăn giải quyết được nhu cầu động cơ cho các tiêm kích thế hệ 4, sắp tới, Trung Quốc sẽ phải giải quyết vấn đề bảo đảm động cơ cho các biến thể cải tiến của chúng, cũng như các tiêm kích thế hệ 5 như J-20 và J-31 đang được phát triển vớ các yêu cầu kỹ-chiến thuật cao hơn nhiều. Bởi vậy, triển vọng tiếp tục hợp tác Nga-Trung trong lĩnh vực chế tạo động cơ máy bay vẫn còn.
PM