In bài này
Kỷ lục của các vị quân chủ
Chủ Nhật, 13/09/2015 - 9:19 PM
Ngày 9/9/2015, nữ hoàng Anh Elizabeth II đã phá kỷ lục của bà cố mình Victoria để trở thành nữ hoàng trị vì lâu nhất trong suốt lịch sử Anh quốc.
Đến nay, bà giữ ngôi đã hơn 63 năm, nhưng còn lâu bà mới có thể sánh với người giữ kỷ lục trong số các vị quân chủng đang sống là vua Thái Lan Rama IX. Và cả hai vị quân chủ này cũng vẫn thua xe nhà vô địch tuyệt đối Sobhuza II của Swaziland, người đã không chỉ ngự trên ngai vàng hơn 82 năm mà còn là cha của một đàn con đông đảo.
Elizabeth II (Suzanne Plunkett / AP)
Nữ hoàng Elizabeth II đăng cơ vào năm 1952. Bà trị vì đất nước lâu hơn tất cả các vị vua và nữ hoàng rong lịch sử Anh quốc và bất kỳ vị quân chủ châu Âu trong số những người còn sống nào.

Sobhuza II của Swaziland (Chính phủ Vương quốc Swaziland)
Sobhuza II, vua của nước của Swaziland ở miền Nam châu Phi, là người giữ kỷ lục tuyệt đối về thời gian trị vì: ông lãnh đạo dân tộc mình từ năm 1899-1982, sau khi lên ngôi khi mới 4 tháng tuổi. Dưới thời Sobhuza II, đất nước đã giành được độc lập hoàn toàn và phồn vinh về kinh tế. Vị vua này cũng nổi tiếng về tính ưa hưởng lạc: ông có 70 bà vợ, 210 đứa con và tại thời điểm qua đời, có hơn 1.000 đứa cháu.

Bernard VII, Lãnh chúa của Lippe  (Wikipedia.org)
Bernard VII - Lãnh chúa của nhà nước tí hon Lippe nằm trong Đế quốc La Mã thần thánh, là vị quân vương châu Âu trị vì lâu nhất. Ông trở thành chúa tể Lippe ngay sau khi tròn 1 tuổi, và cai trị từ năm 1429-1511 - tức là 81 năm và 234 ngày. Hơn nữa, ông đã không ngồi không trong lâu đài mà tích cực tham gia vào các tranh chấp và cãi vã với các lân bang vì thế mà ông có biệt danh rất xứng đáng là “hiếu chiến”. Vị vua hiện tại của Hà Lan Willem-Alexander là một hậu duệ của Bernard vinh quang.

Bhagvat Singh (Victoria and Albert Museum)
Maharaja Bhagvat Singh cai trị tiểu quốc Gondal (Ấn Độ) từ năm 1869-1944 - tổng cộng 74 năm và 87 ngày. Về hình thức, lãnh địa của ông là độc lập, nhưng trên thực tế nằm dưới sự kiểm soát của Anh. Bhagvat Singh là một vị quân chủ khai sáng điển hình: ông nhận bằng y khoa tại Đại học Edinburgh, tiến hành cải cách hệ thống hành chính của tiểu quốc, xây dựng các trường học, các trường kỹ thuật và bệnh viện, thực hiện giáo dục miễn phí, thành lập trường đại học để cả nam giới và nữ giới nhập học. Tại Gondal đã xây dựng được hệ thống thủy lợi hiện đại, đường sắt, điện tín và điện lực. Ngoài ra, Bhagvat Singh còn xuất bản từ điển tiếng Gujarati. Năm 1887, ông được phong tước Hiệp sĩ.

Vua Rama IX của Thái Lan (ANN / Global Look)
Rama Đại đế, tức Bhumibol Adulyadej, là vị quân chủ trị vì lâu nhất trong các vị còn sống. Ông lên ngôi vào năm 1946 và đến nay đã trị vì được hơn 69 năm. Bhumibol sinh ra ở bang Massachusetts, Mỹ từ cuộc hôn nhân của Hoàng tử Mahidol với một phụ nữ thường dân. Ông là vị duy nhất trong tất cả cá vị quân chủ trên thế giới có quyền nhận quốc tịch Mỹ vì sinh ra ở nước này. Nhà vua ở Thái Lan chủ yếu giữ vai trò nghi lễ nên khó nói Rama IX có ảnh hưởng đến mức nào tới các quá trình đang xảy ra trong nước. Bhumibol Adulyadej sở hữu bằng sáng chế về việc tạo ra các đám mây nhân tạo, chơi kèn saxophone và mê chụp ảnh. Mới đây, cơ quan báo chí hoàng gia loan báo về bệnh tật của quốc vương - ông được chẩn đoán bị phù não.

Johann II, Hoàng thân của Liechtenstein (The Princely House of Liechtenstein)
Johann II cầm quyền từ năm 1858-1929, tức là 70 năm và 91 ngày. Dưới thời ông, Liechtenstein đã trở thành nhà nước độc lập và trung lập. Hoàng thân Johann đã giải tán quân đội (tại thời điểm đó có 80 quân), lập ra nghị viện, hiến pháp và chính phủ. Nhưng trong ký ức của con cháu, ông cơ bản là nhà hảo tâm, từ thiện, đã làm nhiều việc để phát triển khoa học ở Áo-Hung. Johann không lập gia đình mà truyền ngôi cho em trai mình.

Louis XIV, vua Pháp (World History Archive / Global Look)
Louis XIV Bourbon, còn có mỹ danh là “nhà vua - mặt trời”, là một trong những vị minh quân lỗi lạc nhất trong lịch sử nước Pháp. Ông trị vì từ năm 1643-1715 - 72 năm và 110 ngày. Dưới triều đại của ông, Pháp đã trở thành cường quốc hùng mạnh nhất ở châu Âu. Ông đã tập quyền hóa quyền lực nhà nước, xây dựng quân đội và hải quân hùng mạnh, tiến hành vô số cuộc chiến tranh và thôn tính được những vùng lãnh thổ rộng lớn. Mặc dù, quân Pháp cơ bản là giành thắng lợi, nhưng những cuộc hành binh liên miên cuối cùng đã làm khánh kiệt vương quốc.

Hoàng đế Áo-Hung Franz Joseph I (Scherl / Global Look)
Franz Joseph I nắm giữ ngai vàng nhà Habsburg vào năm 1848, khi cha ông thoái vị. Ông tự gọi mình là “vị quân chủ kiểu cũ cuối cùng”. Dưới sự trị vì của Franz Joseph, vương quốc của nhà Habsburg đã trở thành nền quân chủ hai trong một và ông đồng thời là Hoàng đế Áo, Vua Czech và Vua Hungary. Vị hoàng đế bảo trợ cho các nghiên cứu địa lý, dưới thời ông, khoa học và văn hóa phát triển mạnh mẽ. Franz Joseph I băng hà vào năm 1916, không chứng kiến sự sụp đổ của “đế quốc chắp vá” (biệt danh đặt cho đế quốc Áo-Hung do bao gồm từ rất nhiều dân tộc nhỏ) của mình và sau khi giữ ngôi 67 năm và 355 ngày. Tên ông được đặt cho một quần đào ở Bắc Băng Dương là Franz Joseph Land, nay thuộc Liên bang Nga.

Thiên Hoàng Nhật Bản Chiêu Hòa - Hirohito (AP)
Hirohito đăng quang vào năm 1926, trở thành Hoàng đế thứ 124 của Nhật Bản - Thiên Hoàng Chiêu Hòa. Ông đã lựa chọn niên hiệu cho triều đại của mình là Shōwa  (Chiêu Hòa). Nhưng chính dưới thời Hirohito, Nhật Bản đã tham gia Thế chiến II và thảm bại. Phe thắng trận đã buộc Thiên Hoàng công khai từ bỏ bản chất thần thánh của mình mặc dù không tước bỏ quyền lực của ông. Sau chiến tranh, Hirohito đã làm được nhiều việc để khôi phục uy tín của Nhật Bản và củng cố các mối quan hệ ngoại giao. Thiên Hoàng Chiêu Hòa tạ thế vào năm 1989 sau 62 năm và 13 ngày trên ngôi.

Basil II Boulgaroktonos (chilonas.com)
Basil II là Hoàng đế đế quốc Byzantine từ năm 960-1025. Ông ta đã mở nhiều cuộc chiến tranh để bảo vệ biên giới quốc gia, tiến hành nhiều cuộc hành binh chinh phạt và sáp nhập vào Byzantine những vùng đất mới. Vì những cuộc hành binh chống người Bulgaria, ông ta bị đặt biệt danh Boulgaroktonos (Kẻ tàn sát người Bulgaria): sau trận đánh trên bờ sống Struma, Basil II đã hạ lệnh chọc mù mắt 15 ngàn tù binh Bulgaria. Basil II sống cuộc đời khổ hạnh và không cưới vợ. Chính dưới thời Basil II đã xảy ra sự kiện rửa tội nước Nga cổ, em gái ông là Anna đã trở thành vợ của Công tước Vladimir I Svyatoslavovich. Basil II chết vào năm 1025, sau 65 năm và 237 ngày trị vì.

Nữ hoàng Victoria (Scherl / Global Look)
Cho đến ngày 9/9/2015, Victoria là vị quân chủ Anh giữ ngôi lâu nhất: bà đăng quang vào năm 1837, qua đời năm 1901, trị vì 63 năm và 216 ngày. Dưới thời Victoria, đế quốc Anh đạt đỉnh cao sức mạnh, trở thành cường quốc hùng mạnh nhất thế giới. Binh lính đế quốc anh gần như không ngừng nghỉ tiến hành các cuộc chiến tranh thực dân, liên tục mở rộng biên giới các lãnh địa của Victoria và đến thời điểm qua đời, bà đã cai trị 1/4 diện tích đất liền của thế giới. Nữ hoàng và phu quân là Hoàng thân Albert có 9 người con, họ kết hôn với những người từ các hoàng gia khác ở châu Âu, vì thế mà Victoria có được biệt danh “bà của cả châu Âu”. Một trong những cháu gái của Victoria là Aleksandra Fedorovna, Hoàng hậu của Sa hoàng Nga Nikolai II.

Khang Hy, Hoàng đế Trung Quốc (World History Archive / Global Look)
Hoàng đế Huyền Diệp nhà Thanh lên ngôi năm 1661 khi mới có 8 tuổi, lấy niên hiệu là Khang Hy. Ông ở ngôi 61 năm và 316 ngày - kỷ lục trong lịch sử Trung Quốc. Thời gian trị vì của ông được coi là thịnh thế của đế quốc Trung Hoa: Khang Hy đã củng cố quyền lực của Hoàng đế, xâm chiếm được những vùng đất mới, bảo trợ cho khoa học và nghệ thuật. Dưới triều đại của ông, Khổng giáo thịnh hành, nhiều sách được xuất bản.
Pedro II của Brazil (Wikipedia.org)
Pedro trở thành hoàng đế Brazil vào năm 1831 khi mới 5 tuổi và ngồi trên ngai vàng đến năm 1889. Ông đã trị vì 58 năm và 222 ngày, và nổi tiếng là người bảo trợ cho khoa học và nghệ thuật. Dưới thời của ông, Brazil đã tiến hành ba cuộc chiến tranh thắng lợi với các nước láng giềng. Dù được dân chúng yêu mến, Pedro là người mềm yếu và không cương quyết: ví dụ, bản thân ông là người phản đối chế độ nô lệ, nhưng ông đã không dám xóa bỏ nó. Điều đó chỉ được thực hiện vào năm 1888, khi Hoàng đế Brazil đã đi tàu sang châu Âu chữa bệnh, và công chúa-nhiếp chính - con gái của ông đã ký chiếu thư đó. Cuối cùng, Pedro đã bị các sĩ quan theo phái Cộng hòa được các điền chủ giàu có ủng hộ lật đổ. Ông phải thoái vị và sống lưu vong suốt quãng đời còn lại.
George III, Vua Anh (Scherl / Global Look)
George III, vị vua đầu tiên của Nhà Hanover sinh ra ở nước Anh, lên ngôi vào năm 1760 và trị vì đến năm 1820, sau khi ở ngôi 59 năm và 96 ngày, trở thành vị vua Anh có thời gian trị vì dài thứ ba. Dưới triều đại của ông, nước Anh đã mất các thuộc địa Mỹ, nhưng đã giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh Napoléon. Nhưng vị vua cũng không hề biết điều đó vì ông đã bị mù hẳn và phát điên vào năm 1811, và Hoàng tử-nhiếp chính - con trai ông đã thay ông cầm quyền. George băng hà vào năm 1820, được coi là vị quân chủ chính thức cho đến tận lúc chết. Ông đi vào lịch sử nước Anh như vị vua đông con nhất - ông có tới 9 hoàng tử và 6 công chúa.
Abdul Halim Muadzam Shah, Quốc vương Malaysia (Zuma / Global Look)
Lịch sử trị vì của Abdul Halim Muadzam Shah cực kỳ lộn xộn do hệ thống chính trị độc đáo ở Malaysia: quốc vương nước này được bầu với nhiệm kỳ 5 năm. Năm 1958, Abdul trở thành quốc vương của một trong các hồi quốc Malaysia là Kedah; năm 1965 trở thành Phó Vương Malaysia; năm 1970 trở thành quốc vương; năm 1975, ông thôi giữ cương vị này; năm 2006, ông lại trở thành Phó Vương, còn từ năm 2011, ông lại là quốc vương của toàn Malaysia. Dẫu sao thì ông đã nắm giữ ngai vàng của tổ tiên hơn 57 năm và là vị quân chủ cầm quyền dài thứ ba trong số các vị quân chủ đang sống. Abdul yêu thích golf, bóng đá, nhạc jazz và là một fan cuồng nhiệt của ca sĩ Frank Sinatra.
Ivan IV Lôi đế (Tretyakov Gallery)
Ivan Vasilevich, trở thành Đại công tước toàn Nga vào năm 1533 và qua đời khi đã là sa hoàng Nga vào năm 1584, sau 50 năm và 116 ngày cầm quyền. Tuy trong danh sách các vị quân chủ trị vì lâu nhất, ông chỉ giữ vị trí khiêm tốn thứ 182, Ivan Lôi đế là người ngồi trên ngai vàng nước Nga lâu hơn bất kỳ vị quân chủ nào khác.

Ông nổi danh là một trong những nhà cai trị mâu thuẫn nhất trong suốt lịch sử nước Nga. Dưới triều đại của ông, nghị viện đầu tiên (Zemsky Sobor) được triệu tập, đã tiến hành các cải cách quân sự và hành chính, biên giới nhà nước Nga được mở rộng đáng kể, giành được các lãnh thổ Kazan, Astrakhan và Siberia. Nhưng ông cũng là người đã thành lập lực lượng đặc biệt Oprichina, đập tan chế độ cộng hòa ở Novgorod và tổ chức các vụ hành quyết hàng loạt.
VLC