In bài này
SAS 22 - vũ khí đáng sợ của Sư tử Anh
Thứ Bẩy, 12/09/2015 - 7:37 PM
Binh lính Trung đoàn 22 SAS luôn che kín mặt, họ tên được bảo mật.
Mùa thu năm ngoái, báo chí Anh dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Anh đã đưa tin, các binh sĩ đặc nhiệm SAS hoạt động trên vùng lãnh thổ do tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (IS) chiếm giữ ở miền Tây Iraq hàng ngày tiêu diệt được đến 8 tay súng Hồi giáo. Và đó chỉ là số liệu do các toán tập kích có nhiệm vụ tiêu diệt sinh lực đối phương bằng hỏa lực bắn tỉa cung cấp.

Còn có các đội trinh sát đối phương quan sát bằng mắt nhờ khí tài quang và máy bay không người lái (UAV). Thông tin của các đội này được không quân Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Vùng Vịnh (không quân các nước này tham gia chiến dịch của liên minh chống IS) sử dụng để hiệu chỉnh các đòn không kích vào các mục tiêu và trận địa của IS.


Trước đó, có tin các chuyên gia SAS chỉ làm công tác huấn luyện tại khu vực Cận Đông để huấn luyện binh lính quân đội Iraq (mà người Sunni ở Iraq coi là dân quân Shiite), cảnh sát người Kurd và phiến quân Syria người Sunni mà một bộ phận lại có mặt trong hàng ngũ IS một cách kỳ lạ.

Theo tờ Mirror của Anh, chính các binh sĩ SAS đã xác định được vị trí của thủ lĩnh IS Abu Bakr al-Baghdadi, sau đó tên này đã bị tử thương do cuộc không kích vào dinh thự của y. Sau đó, thông tin về cái chết của Abu Bakr al-Baghdadi nhiều lần bị bác bỏ và xác nhận, do đó không thể biết đích xác là hiện nay y đã chết hay còn sống và nếu còn sống thì đang ở đâu.

Hiện nay, các nguồn khác nhau, chủ yếu là báo chí Anh đưa tin rằng, các toán đặc nhiệm SAS từ lâu đang hoạt động cả trên lãnh thổ Syria chống cả các đơn vị IS lẫn quân chính phủ Syria.

Một nguồn tin ẩn danh trong SAS mùa thu năm ngoái đã nói: “Chiến thuật của chúng tôi là gieo rắc nỗi sợ hãi Thượng đế đối với IS để chúng không biết chúng tôi xuất hiện từ đâu và lần sau sẽ tấn công ở đâu, nói thực là chúng không thể ngăn được chúng tôi. Chúng tôi hủy diệt chúng về mặt tinh thần. Chúng có thể chạy hay ẩn nấp nếu thấy máy bay trên trời, nhưng chúng không thể nhìn thấy hay nghe thấy chúng tôi. Việc chúng tôi sử dụng một số lượng lớn xạ thủ bắn tỉa cũng nâng yếu tố sợ hãi lên một cấp độ mới; bọn khủng bố đơn giản là không hiểu được điều gì đang xảy ra. Chúng chỉ nhìn thấy những tử thi đồng bọn ngã vật xuống cát”.


Tờ Sunday Express trong một bài báo mới đây đã trích dẫn phát biểu của nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Anh: “Hơn 120 binh sĩ thuộc trung đoàn tinh nhuệ này (Trung đoàn 22 SAS) ở đất nước bị chiến tranh tàn phá này đang “bí mật”, mặc đồ đen và cầm cờ IS tấn công người Syria với cớ chiến đấu chống nhóm khủng bố này”.

Ngoài ra, báo chí Anh còn đưa tin rằng, các chuyên gia SAS cùng với các đơn vị tương tự của Mỹ đang tiếp tụ huấn luyện ráo riết cho các tay súng đối lập Syria trong các trại huấn luyện trên lãnh thổ Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Jordanie và Qatar. SAS và SBS (Đặc nhiệm Hải quân Anh) đang cùng tiến hành các chiến dịch ở Syria trong sự hiệp đồng chặt chẽ với cơ quan tình báo Anh MI-6 vốn có cơ sở kỹ thuật hùng mạnh để quan sát trinh sát, theo dõi và nghe lén, và mạng lưới điệp viên có tổ chức rộng khắp bên trong vô số các nhóm khủng bố Hồi giáo, trong đó có IS.

Chặng đường vinh quang

Lực lượng đặc nhiệm đường không anh SAS (Special Air Service) được thành lập vào năm 1941 từ các lính tình nguyện Anh để thực hiện các cuộc tập kích sâu trong hậu phương địch ở Bắc Phi. Khẩu hiệu của đơn vị này là “Who dares wins” (Táo bạo là chiến thắng) sau này được các đơn vị đặc nhiệm tinh nhuệ của Pháp và các thuộc địa cũ của Anh học tập.

Lực lượng đặc nhiệm hiện đại của Vương quốc Anh (United Kingdom Special Forces - UKSF) được đặt dưới quyền chỉ huy tác chiến của Chủ nhiệm Đặc nhiệm (Director Special Forces - DSF), nhưng có thể hành động phục vụ các binh đoàn và liên binh đoàn viễn chinh khác nhau. UKSF bao gồm: Trung đoàn 22 (thường trực) (22 Special Air Service Regiment), các trung đoàn dự bị hoạt động trong thời chiến số 21 (21 Special Air Service Regiment (Artists) (Reserve) - 21 SAS(R)) và 23 (23 Special Air Service Regiment (Reserve) - 23 SAS(R)), Lực lượng đặc nhiệm hải quân (Special Boat Service - SBS), Trung đoàn Trinh sát đặc nhiệm (Special Reconnaissance Regiment - SRR), Trung đoàn thông tin 18 (18 Signal Regiment), Phi đoàn đặc nhiệm liên quân (Joint Special Forces Aviation Wing), Lực lượng Yểm trợ đặc nhiệm (Special Forces Support Group - SFSG) và các đơn vị bảo đảm và phục vụ.

Một toán cơ động của đặc nhiệm Anh trong một cuộc tập kích (www.army.mod.uk)
Các nhiệm vụ hiện nay của SAS là: tiến hành trinh sát trong suốt chiều sâu các đội hình chiến đấu và hậu phương địch, tiến hành các hoạt động phá hoại sâu trong hậu phương địch và vùng ven mặt trận, các chiến dịch chống khủng bố trong lãnh thổ Anh và ở nước ngoài, huấn luyện lực lượng đặc nhiệm của các nước bạn bè, đấu tranh chống cách mạng để yểm trợ các chế độ thân hữu và lật đổ các chế độ thù địch (với tư cách phương tiện bảo đảm về mặt quân sự cho chính sách đối ngoại của chính phủ Anh), bảo vệ các quan chức cao cấp và yếu nhân.

Đơn vị tinh nhuệ của các lực lượng đặc nhiệm Anh là Trung đoàn 22 SAS, là đơn vị quân đội hoạt động thường xuyên của UKSF và Bộ Quốc phòng Anh.

Trung đoàn tuyển quân từ các đơn vị trong quân đội Anh. Nhiều ứng viên đến từ lực lượng đổ bộ đường không, tất cả không có ngoại trừ đều bị kiểm tra khắt khe về lý lịch và lòng trung thành với Anh quốc. Để được nhận vào biên chế Trung đoàn SAS, các ứng viên phải trải qua nhiều bài kiểm tra và khóa thực hành 5 tuần để sàng lọc. Các đợt tuyển quân như vậy được tiến hành 2 lần/năm ở Sennybridge và Brecon Beacons (Anh). Tỷ lệ tuyển chọn vào trung đoàn là trong số 200 ứng viên sẽ nhận không quá 30 ứng viên.

Giai đoạn 1 kéo dài 3 tuần, diễn ra ở Brecon Beacons hay Black Hills ở vùng South Wales. các ứng viên phải mang hành lý nặng đi xa và thể hiện các kỹ năng định hướng trên địa hình, cần đi qua không mắc sai sót các điểm kiểm tra khác nhau và có thời gian ngắn nhất tại đích. Đồng thời, không hề có tác động nào từ phía ủy ban tuyển quân đối với các ứng viên, họ phải tự đặt ra yêu cầu cho mình và chỉ có thể sử dụng những phương tiện hiện có của họ. Điều có tầm quan trọng sống còn đối với lực lượng đặc nhiệm là những người lính phải có động lực tự thân.

Giai đoạn 1 kết thúc bằng cuộc hành quân đường trường dài 40 dặm (64 km) với trọng lượng đạn dược 55 kg trên địa hình đồi núi, cần phải hoàn thành trong 24 giờ.

Những người vượt qua được giai đoạn 1 thì được chuyển sang giai đoạn 2 diễn ra ở rừng rậm Belize. Việc thực hiện các bài kiểm tra tồn tại trong rừng rậm được tổ chức thành các tổ 4 người. Giai đoạn này loại ra những người không thể duy trì kỷ luật trong điều kiện phức tạp của các cuộc tập kích dài ngày. Trong rừng rậm diễn ra sự thử thách về sức mạnh tinh thần hơn là sức mạnh thể chất. Các đội đặc nhiệm cần những người có khả năng thực hiện công việc của mình trong điều kiện thường xuyên căng thẳng tinh thần trong vòng vây của quân thù và không có liên lạc với căn cứ của mình.

Giai đoạn 3 là kiểm tra khả năng vòng vượt các lực lượng chống phá hoại của đối phương, tránh né bị bắt và các vấn đề chiến thuật khác. SAS cần những người lính có khả năng tìm ra cho mình sức mạnh tinh thần để tránh bị bắt hay vượt qua hỏi cung một khi bị bắt. Giai đoạn này kéo dài 3 ngày, sau đó bất kể ứng viên có bị bắt hay không, anh ta vẫn phải bị thẩm vấn dữ dội, nhiệm vụ của người bị kiểm tra là vượt qua được sức ép và không khai ra thông tin quan trọng. Người bị kiểm tra chỉ có thể được khai ra họ tên quân hàm, số lính và ngày sinh, với các câu hỏi còn lại, anh ta được khuyến nghị không trả lời.

Mặt nạ này có thể che giấu gương mặt của một tên khủng bố hay một lính đặc nhiệm  SAS (Reuters)
Những kẻ gặp may ít ỏi vượt qua được vòng kiểm tra sẽ được nhận những chiếc mũ nồi màu be gắn phù hiệu SAS. Được nhận vào làm ứng viên chỉ có nam giới tuổi từ 18-32 + 364 ngày và các binh lính hiện tại ngũ ở tuổi đến 34 + 364 ngày, từ bất kỳ đơn vị nào trong quân đội Anh.

Tất cả những người nộp đơn ứng thí đều phải là tình nguyện và phải sẵn sàng phục vụ ở bất cứ đâu trên thế giới. Hạn tuổi phục vụ trong SAS là từ 18-49 tuổi + 364 ngày.

SAS ưu tiên tuyển các ứng viên mà ngoài các thông số thể chất xuất sắc, còn có các kỹ năng lái xe, nấu ăn, sửa chữa ô tô, các nhân viên văn phòng từ thủy binh và quân nhân muốn chuyển sang binh chủng khác hay công việc khác. Họ đón chào các nhân viên quân y có trình độ CMT1 (sơ cứu y tế hay cấp cứu trong điều kiện dã chiến).

Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện cơ bản, lương tối thiểu của binh sĩ SAS là 103 bảng Anh/ngày. Mỗi năm thâm niên phục vụ, binh sĩ được nhận trợ cấp 424 bảng/tháng, khoản trợ cấp này sẽ lên tới 1.674 bảng vào năm phục vụ thứ 5. Khi chuyển sang lực lượng dự bị, binh sĩ được nhận khoản tiền thanh toán 1 lần 10.000 bảng Anh.

Được nhận vào Trung đoàn 22 chỉ có người Anh hay công dân các nước thuộc khối Thịnh vương chung, cũng như người Ireland, hoặc là những người có hai quốc tịch, song quốc tịch chính phải là một trong ba diện kể trên. Ứng viên phải sống không dưới 5 năm trên lãnh thổ Vượng quốc liên hiệp Anh.

Trung đoàn 22 SAS trên thực tế có quân số chưa đến 1 tiểu đoàn, bao gồm bộ tham mưu, bộ phận kế hoạch và trinh sát, ban tác chiến, ban huấn luyện chiến đấu, bộ phận tổ chức tác chiến chống cách mạng (còn gọi là chống khủng bố) và 6 đại đội (squadron): А, В, С, D, E, G. Đại đội Е có nhiệm vụ đặc biệt, chuyên về cái gọi là các chiến dịch đen, tổ chức cách mạng ở các nước thù địch, hoạt động phối hợp chặt chẽ với tình báo chính trị Anh và tình báo quân sự MI-6. Mỗi đại đội có 4 phân đội 16 người và 1 toán chỉ huy. Phân đội 1 là phân đội dù, phân đội 2 là phân đội đường thủy, phân đội 3 là phân đội cơ động và phân đội 4 là phân đội sơn cước. Đại đội trưởng có quân hàm thiếu tá, phân đội trưởng có quân hàm đại úy. Toán chỉ huy của đại đội gồm có: đại đội phó cấp đại úy, sĩ quan tác chiến cấp đại úy, thượng sĩ trưởng, trung sĩ quân nhu và thượng sĩ.

Khi tiến hành các chiến dịch, mỗi phân đội có thể chia thành 2 toán - “Đỏ” và “Xanh”, còn các toán này lại chia thành tổ đột kích và tổ yểm trợ (bắn tỉa).

Đại đội G của Trung đoàn 22 SAS được gọi như vậy vì ban đầu nó được cấu thành từ các binh sĩ tình nguyện của đại đội cận vệ (Guards) bị giải tán của sư đoàn dù địa phương quân. Các đại đội gọi là kỵ binh được tổ chức như các đơn vị đặc nhiệm được huấn luyện toàn diện.

Trực thăng CH-47 Chinook chở lính đặc nhiệm SAS hạ cánh ở Afghanistan (www.army.mod.uk)
Các đơn vị dù khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu được đưa đến địa điểm tiến hành chiến dịch đặc nhiệm bằng máy bay và trực thăng. Họ có khả năng nhảy dù với các thiết bị khác nhau giúp tăng chiều sâu đổ bộ, từ độ cao lớn. Trong các nhiệm vụ của họ có các hành động yểm trợ quân nhà, sâu trong hậu phương hay vùng giáp mặt trận của địch.

Họ được học ba kiểu nhảy dù chính: nhảy dù quân sự tiêu chuẩn với cơ chế bung dù cưỡng bức, nhảy từ độ cao lớn với dù mở ở độ cao nhỏ, nhảy từ độ cao lớn và bung dù ở độ cao lớn.

Đối với 2 loại nhảy dù sau, binh sĩ được trang bị máy thở ô xi và sử dụng quần áo ấm đặc biệt. Ngoài ra, lính dù SAS còn được trang bị các khí tài định vị cá nhân để xác định vị trí và độ cao nhảy dù độc lập. Toàn bộ quân trang cần cho nhiệm vụ chiến đấu và bảo đảm sự sống khi nhảy dù độc lập được buộc ở giữa hai chân lính dù, vũ khí cá nhân luôn dưới tay sẵn sàng khai hỏa.

Phân đội đổ bộ đường biển di chuyển bằng các tàu xuồng tiêu chuẩn của hải quân, lẫn các phương tiện chuyên dụng: ca nô nhỏ, tàu ngầm mini, xuồng máy nhỏ và vừa (kể cả xuồng cao su hoặc xuồng làm bằng vật liệu polymer nhẹ), thuyền kayak. Các binh sĩ sử dụng các bộ đồ lặn hở và khô (kín), với các hệ thống thở kín và thở hở. Binh sĩ SAS được huấn luyện về định vị, đạo hàng khi bơi độc lập, kể cả khi lặn, các kỹ thuật bơi tiếp cận bí mật và cài mìn tàu chiến địch.

Việc vận chuyển binh sĩ đặc nhiệm đến nơi tiến hành chiến dịch cũng có thể thực hiện bằng đường không. Binh sĩ SAS đổ bộ bằng dù từ độ cao lớn hay không có dù từ trực thăng, tụt bằng dây dài từ 40-100 m hay đơn giản là nhảy xuống từ độ cao gần 15 m. Quân dụng, đạn dược cần để thực hiện nhiệm vụ được để trong các túi kín nước, còn vũ khí để trong các vỏ bao kín nước.

Khi đổ bộ từ tàu ngầm ở độ sâu có thể, ở trạng thái lặn, các binh sĩ SAS được trang bị thêm thiết bị thở, các phương tiện giao thông cá nhân độc lập và các bộ đồ bơi đặc biệt. Việc ra khỏi tàu ngầm ở độ sâu 50-60 m luôn đi cùng với rủi ro, nhất là ở vùng biển lạnh.

Các toán cơ động của SAS di chuyển bằng xe bánh lốp và bánh xích. Các đơn vị đặc nhiệm kiểu này từng tồn tại trong Thế chiến II và ngay từ hồi đó đã được thử thách trong các cuộc tập kích kéo dài trong các sa mạc Bắc Phi. Các toán đặc nhiệm cơ động được huấn luyện để tác chiến sâu trong hậu phương ở các vùng giáp mặt trận và mặt trận hoàn toàn độc lập, không có liên lạc với quân mình. Phương tiện giao thông phổ biến nhất của các toán này là xe địa hình Defender, xe ô tô 2 chỗ ngồi kiểu xe buggy và xe mô tô 4 bánh, ít hơn là xe mô tô. Các xe Defender sử dụng trong xa mạc được sơn màu hồng (màu cảnh quan sa mạc). Lính đặc nhiệm đặt cho chúng biệt danh “pinky” (màu hồng).

Các toán SAS cũng có thể di chuyển trên mọi phương tiện, chủ yếu là các loại phổ biến trong dân cư địa phương, trong trang phục bất kỳ, để bảo đảm bí mật sự tồn tại của mình ở các khu vực. Theo yêu cầu nhiệm vụ, rất nhiều khi họ phải mặc quần áo như cư dân địa phương các nước Bắc Phi hay Cận Đông, nhưng họ vẫn tìm cách che mặt bởi vì những người Anh bề ngoài tóc hung, da trắng không hề giống người Arab.

Vũ khí trang bị tiêu chuẩn của các toán cơ động SAS có thể gồm các loại sau đây: súng máy Browning cỡ 12,7 mm, súng phóng lựu tự động Mk19 (40 mm), súng máy tiêu chuẩn 7,62 mm L7A2, tên lửa chống tăng Milan. Để quan sát và trinh sát, các toán sử dụng bộ tập hợp phong phú các khí tài quang, khí tài ảnh nhiệt, khí tài nhìn đêm, radar... siêu hiện đại. Để liên lạc với nhau khi cần duy trì chế độ im lặng vô tuyến, các toán cơ động có thể sử dụng các thiết bị phát tín hiệu hoạt động ở phổ nhìn thấy và hồng ngoại, hoặc theo kiểu cổ là bằng cờ nhỏ, các dụng cụ báo hiệu sẵn có, cử chỉ.

Các toán sơn cước SAS được hình thành từ các binh sĩ có kỹ năng di chuyển trên mọi loại địa hình núi non, tồn tại, sống sót và tác chiến trên núi. Binh lính của các toán này là những nhà leo núi, leo núi băng, trượt tuyết trên núi và các vận động viên nhảy từ độ cao (BASE jumping) giỏi. Có thể sống sót trong thời tiết bão tố, trong lạnh giá của Bắc Cực và đói ô xi. Binh lính thường luyện tập tồn tại lâu dài trong điều kiện núi cao, ở các vùng núi và các khu vực khác nhau trên trái đất. Kenya được coi là địa điểm tối ưu cho SAS luyện tập vì ở đó có tất cả các vùng thời tiết, từ xích đạo-nhiệt đới cho đến khí hậu núi cao tương đồng với khí hậu Bắc Cực.

Khi gia nhập Trung đoàn 22 SAS (và các đơn vị khác có cùng nhiệm vụ), binh sĩ phải ký cam kết không tiết lộ bí mật quân sự. Những ai rời khỏi hàng ngũ SAS bất kể vì lý do gì đều buộc phải thực hiện cam kết này và không tiết lộ các chi tiết quá trình phục vụ của họ trong mọi tình huống. Chính phủ Anh duy trì các nguyên tắc khắt khe đối với việc đăng tải thông tin về các chiến dịch và hoạt động của SAS và thường không công bố việc sử dụng lực lượng đặc nhiệm của mình.

Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu

Công tác huấn luyện chiến đấu của các đơn vị thuộc Trung đoàn 22 SAS chia thành mấy giai đoạn, đa số các giai đoạn có thời lượng đến 14 tuần; gồm các môn chung dành cho tất cả các binh sĩ của trung đoàn và các môn đặc biệt như chiến thuật người nhái chiến đấu, giải cứu con tin bị khủng bố bắt giữ, chiến thuật tập kích ở vùng núi...

Trong phần huấn luyện cơ bản, bắt buộc đối với tất cả các binh sĩ SAS có khóa dạy các kỹ năng cần thiết để tiến hành các cuộc tập kích trong hậu phương địch theo các tổ 4 người, bao gồm luyện tập các phương pháp di chuyển bí mật trên vùng lãnh thổ do địch kiểm soát, huấn luyện xạ kích, y tế, tổ chức liên lạc, nghệ thuật ngụy trang, các kỹ năng sinh tồn và các môn khác. Việc huấn luyện tiến hành trong điều kiện sát tối đa với điều kiện thực chiến.

Huấn luyện xạ kích cho binh sĩ SAS có sử dụng các loại vũ khí tiêu chuẩn, biên chế, cũng như vũ khí do nước ngoài sản xuất, kể cả vũ khí Nga. Ngươi ta rất chú ý đến kỹ năng của binh sĩ SAS tránh thoát lực lượng phản gián, tuần tra và các toán đánh bắt của đối phương, cũng như khả năng im lặng khi bị hỏi cung một khi không thể chạy thoát và bị bắt. Để hoạt động trong vùng hậu địch, lính đặc nhiệm Anh phải thích nghi với điều kiện tối thiểu, quen với đồ ăn dở và rất ít, nhiều khi phải chịu đói ăn, đói ngủ, mang mặc quần áo, giày dép rất sờn cũ, trải qua khát, đói, nóng. Mỗi lần, những người lính đều bị thử thách ở mức giới hạn khả năng của mình theo nguyên tắc “cái gì không làm chết người thì cứ làm mạnh lên”.

Binh sĩ các toán SAS đưa mọi thủ đoạn chiến đấu đến mức thực hiện theo phản xạ. Trong quá trình huấn luyện, họ quen ăn và uống khi có thể, di chuyển trong đêm tối, bí mật ẩn mình ban ngày, lợi dụng các đặc tính địa hình, trù tính toàn bộ sự tồn tại của mình phù hợp với mục tiêu chủ yếu là hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. Khóa học kết thúc bằng hoạt động diễn tập, trong đó người ta kiểm tra khả năng sẵn sàng của những người lính SAS thực hiện các cuộc tập kích trong hậu phương và vùng ven mặt trận của đối phương. Chiến thuật hành động của  các toán tập kích được luyện tập trên các địa hình và vùng khí hậu khác nhau. Việc huấn luyện tác chiến ở vùng núi, Bắc Cực và cận Bắc Cực được tổ chức thành khóa riêng (không dành cho tất cả các binh sĩ).

Giai đoạn chung tiến hành các cuộc tập kích trong rừng nhiệt đới mưa nhiều chú ý nhiều hơn các khóa khác vào việc thử thách sức mạnh tinh thần của binh sĩ. Giai đoan này ngắn hơn một chút, kéo dài 6 tuần và thường diễn ra ở đảo Kalimantan thuộc quần đảo Malaysia. Mục tiêu của khóa học này (ngoài thử thách sức mạnh tinh thần) là trau dồi các kỹ năng sinh tồn trong rừng rạm, di chuyển và định hướng, vượt các chướng ngại tự nhiên, xây dựng nơi trú ẩn cho mình, tìm kiếm thức ăn, nước uống, chịu nóng, thiếu thốn, côn trùng cắn đốt... Chủ yếu là các kỹ năng thực hành các hoạt động đặc biệt bí mật ở điều kiện xích đạo và nhiệt đới được rèn luyện đến mức tự động.

Các buổi luyện tập tổ chức thành các tổ 4 người, và về phương pháp, đó là các cuộc diễn tập dài liê miên trong tình huống sát nhất với thực chiến, với các yếu tố giả định tối thiểu. Và ở đây, người ta tuân theo nguyên tắc chủ yếu: hành động tuyệt đối bí mật (trong cơ động, hành quân và tổ chức phục kích và các điểm quan sát), tấn công bất ngờ các mục tiêu và sinh lực địch và tiêu diệt chúng một cách chắc chắn.

Giai đoạn huấn luyện chung về đổ bộ đường không bằng dù diễn ra trong 4 tuần tại một trong những trường nhảy dù tốt nhất của Không quân Hoàng gia Anh (RAF) ở Brize Norton, Oxfordshire. Trong chương trình huấn luyện có các bài tập nhảy dù mở chậm và nhảy dù đêm từ các loại phương tiện bay khác nhau. Các toán chuyên về đổ bộ đường không cũng tiến hành luyện tập ở đây.

Mỗi người lính của Trung đoàn 22 SAS là một cá nhân độc đáo, mỗi người đều là vạn năng, nhưng cũng chuyên về một lĩnh vực nào đó, việc huấn luyện chuyên ngành của họ tiến hành theo chương trình chuyên sâu đặc biệt.

Nhận lệnh từ Downing Street

Chặng đường chiến đấu của Trung đoàn 22 SAS khá khó dõi ttheo do tính chất bí mật của các nhiệm vụ đơn vị thực hiện. Hiếm khi sự tham gia của họ vào chiến dịch nào đó được chính phủ tiết lộ chỉ ở những nét chung, đôi khi thông tin lọt lên báo chí từ các nguồn khác nhau, còn thường là người ta phải dựa vào việc phân tích những dấu hiệu gián tiếp về sự xuất hiện của các toán đặc nhiệm SAS ở vùng nào đó và tham gia vào cuộc xung đột quân sự nào đó.

Các toán tập kích SAS được nhắc đến những lần đầu tiên liên quan đến các hành động quân sự vào năm 1941-1942 (đến tháng 5/1943) ở Bắc Phi và các đảo ở Địa Trung Hải chống quân Đức và ở Cận Đông chống quân nổi dậy Arab được phát xít Đức ủng hộ. Sau đó, vào năm 1943-1944, họ chiến đấu xuất sắc trên lãnh thổ Pháp và Bỉ.

Cũng cần phải nói rằng, lực lượng đặc nhiệm của đa số các nước phương Tây, trong đó có Pháp, Mỹ, Italia và các nước khác, được thành lập chính là theo hình mẫu và giống như SAS.

Từ năm 1948-1960, lính đặc nhiệm Anh từ Đại đội B (Squadron B) đã chiến đấu chống phong trào cộng sản ở Malaysia. Năm 1952, trên cơ sở đại đội này đã ra đời Trung đoàn 22. Một trong những chiến dịch chung với Pháp nổi tiếng nhất của SAS là cuộc đổ bộ ở khu vực kênh đào Suez vào năm 1956.

Từ tháng 7/1964 đến tháng 7/1966, binh lính SAS đã chiến đấu ở Borneo. Trong chiến dịch này, SAS hỗ trợ cho Malaysia trong cuộc chiến chống Indonesia, 59 lính đặc nhiệm Anh đã thiệt mạng hồi đó. Năm 1963-1964, cũng như trong thập niên 1970, đặc nhiệm Anh đã tham gia các chiến dịch chống quân nổi dậy Oman.

Trung đoàn 22 SAS đã nổi bật ở Bắc Ireland vào năm 1976. Ở đó, trung đoàn đã hành động cứng rắn và hiệu quả trong các chiến dịch đặc biệt chống các thủ lĩnh Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA). Binh lính của trung đoàn đã nổi danh nhờ chiến dịch chớp nhoáng tiêu diệt bọn khủng bố đã chiếm giữ sứ quán Iran ở London vào tháng 5/1980.

Họ đã chiến đấu hiệu quả ở Iraq vào năm 1991. Trong chiến dịch xâm lược Iraq năm 2003, binh sĩ SAS thường không dùng các súng trường tiến công ưa thích SA-80 5,56 mm của mình vì không hiệu quả trong các tình huống phải bắn nhiều và thường thay thế chúng bằng АK-47. Năm 2005, lính đặc nhiệm của Trung đoàn 22 đã tiến hành thành công chiến dịch Marlborough.

Binh sĩ SAS đã chiến đấu không kém ở Afghanistan vào năm 2001-2014. Trung đoàn 22 SAS đã tham gia các chiến dịch chống Taliban ở gần Kandahar. Trong một trận đánh ở khu vực Tora Bora, đặc nhiệm Anh đã tiêu diệt gần 20 phiến quân mà không chịu tổn thất nào. Chính trong chiến dịch đặc biệt này, một đơn vị đặc nhiệm Anh đã được tung vào hậu phương địch bằng dù, điều rất hiếm đối với địa hình núi non. Ở Afghanistan, binh lính SAS đã tiến hành tổng công ba chiến dịch: Trent vào năm 2001, Condor vào năm 2002 và Moshtarak vào năm 2010.

“Công việc bẩn thỉu” ở Libya

Các toán đặc nhiệm Anh đã cùng với các phân đội đặc nhiệm Mỹ, Pháp, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Jordanie và Qatar đã tham gia vào các sự kiện ở Libya. Các nhiệm vụ chủ yếu của họ là: chỉ thị mục tiêu cho không quân NATO không kích vào các mục tiêu quân sự và trận địa của quân chính phủ Libya, tổ chức phong trào nổi dậy và săn lùng các quan chức cao cấp của chế độ Gaddafi, kể cả bản thân vị lãnh tụ của nước Jamahiriyah Arab Libya Nhân dân XHCN - Đại tá Gaddafi.

Theo tin tức của báo chí Anh, quân số lính đặc nhiệm Anh chiến đấu trong các đơn vị nổi loạn Libya lên tới hàng trăm người. Binh lính Trung đoàn 22 SAS cũng đã có mặt ở Libya. Các toán tập kích của lính đặc nhiệm trung đoàn này đã hành động cùng với các nhân viên hoạt động của cơ quan tình báo Anh lừng danh MI-6. Họ chủ yếu làm nhiệm vụ trinh sát, xây dựng ý đồ chiến dịch, xác định các hướng tấn công và điều phối hành động của các toán phiến quân trong các hành động quân sự thành công nhất như đánh chiếm các thành phố lớn, kể cả thủ đô Tripoli.

Chính các phiến quân Hồi giáo học trò đã tiết lộ sự hiện diện của các toán đặc nhiệm của Trung đoàn 22 SAS ở Libya. Các phiến quân chống chính phủ đã bắt giữ 6 lính đặc nhiệm SAS vào ngày 6/3/2011 ở khu vực thành phố Benghazi và tuyên truyền ầm ĩ về vụ này khắp thế giới.

Việc truy tìm và phát hiện bản thân Muammar Gaddafi cũng được quy cho lính đặc nhiệm Trung đoàn 22 SAS, mặc dù thông tin chính xác về việc này cũng không hê fcó giống như mọi khi, mà chỉ có thể đoán ra. Dẫu sao thì Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox từng buột miệng nói rằng, NATO đang hỗ trợ quân nổi dậy truy tìm Gaddafi và các con trai của ông.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng Sky News, ông nói: “Tôi có thể xác nhận rằng, NATO đang cung cấp thông tin tình báo và trinh sát cho Hội đồng chuyển tiếp quốc gia (NTC), giúp họ truy lùng Đại tá Gaddafi và các quan chức khác của chế độ cầm quyền cũ”. Một thông tin khác về vấn đề này được đăng trên tờ Daily Telegraph: “Sau khi người ta treo giải 1 triệu bảng Anh cho cái đầu của ông Gaddafi (NTC đã ra cái giá đó cho việc bắt sống hay giết chết Gaddafi), binh lính Trung đoàn 22 SAS của Anh đã nhận được lệnh của Thủ tướng David Cameron nắm quyền lãnh đạo các lực lượng nổi dậy đang truy lùng Gaddafi”.

Trong khi đó, bản thân David Cameron lại chính thức bác bỏ sự hiện diện của binh lính Anh trên đất Libya. Tổng thống Pháp hồi đó Nicolas Sarkozy cũng nói đúng như thế về những binh sĩ đặc nhiệm của Pháp.
VP