In bài này
Nga chế tạo vũ khí ngày tận thế Kanyon
Thứ Bẩy, 12/09/2015 - 8:13 AM
Nga đang phát triển tàu ngầm không người lái (UUV) dùng để phóng vũ khí hạt nhân tấn công các hải cảng, thành phố ven biển và các căn cứ chiến lược của Mỹ, các quan chức Lầu Năm góc tiết lộ.

Bộ Quốc phòng Mỹ lo ngại trước việc Nga phát triển UUV có khả năng đầu đạn hạt nhân hàng chục megaton. Tàu chiến này có thể được sử dụng một khi xảy ra xung đột hạt nhân giữa Nga và Mỹ để tấn công các hải cảng và căn cứ tàu ngầm chiến lược của Mỹ.

Lầu Năm góc đã đặt mật danh cho tàu ngầm này là Kanyon và dự án này là một bộ phận của chương trình hiện đại hóa lực lượng hạt nhân chiến lược Nga.

“Đây là một tàu ngầm không người lái có tốc độ cao và tầm hoạt động tầm xa”, một quan chức nói. và cho biết thêm, sẽ mất ít nhất mấy năm để phát triển mẫu chế thử tàu ngầm này và thử nghiệm.

Nhà phân tích hải quân Norman Polmar cho rằng, Kanyon có thể được phát triển dựa trên ngư lôi hạt nhân Т-15 của Liên Xô mà ông đã từng viết trong một cuốn sách của mình.

“Hạm đội Nga và tiền thân của nó là hạm đội Liên Xô là những người tiên phong đối mới trong lĩnh vực các hệ thống và vũ khí dưới mặt nước”, ông Polmar nói. Theo ông, ngư lôi này cũng nằm trong số những ngư lôi tiên tiến nhất thế giới.

Tháng 4/2015, có tin Viện nghiên cứu trung ương TsNII Kurs đã phát triển được hệ thống sử dụng tự động hóa các phương tiện không người lái và nó có thể được sử dụng khi thiết kế tàu khu trục tương lai của Hải quân Nga.

Tháng 12/2014, báo chí Nga dẫn các nguồn ẩn danh loan tin Nga đang phát triển các tàu ngầm robot chiến đấu có khả năng tiêu diệt cụm tàu sân bay đối phương. Việc phát triển loại vũ khí này sẽ hoàn thành vào năm 2016.

Mùa hè năm 2014, Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov nói rằng, việc tích hợp các hệ thống robot tương lai vào thành phần vũ khí của các tàu ngầm đa năng nguyên tử và thông thường “đã được trù tính trong các kế hoạch tái trang bị và sẽ được thực hiện”.

Những dự án phát triển đó đã được đưa vào chương trình vũ khí nhà nước Nga đến năm 2020. Bộ Quốc phòng Nga cũng đang tiến hành chương trình chế tạo các robot quân sự tương lai đến năm 2025 và đang xây dựng khái niệm sử dụng các hệ thống robot trong giai đoạn đến năm 2030.

Bên cạnh các công việc kỹ thuật, những điều đó trù tính việc đưa ra các tiêu chuẩn sử dụng và hệ thống các yêu cầu đối với kỹ thuật robot quân sự.

“Các phương tiện lặn ngầm không người lái hiện nay tồn tại và đang được chế tạo ở nhiều nước, phần nhiều có chức năng thông tin và có khả năng rất hạn chế. Có thể đây là nói về phương tiện lai ghép cái thứ nhất và cái thứ hai, nghĩa là trang bị phần chiến đấu (khó tin là hạt nhân) cho một phương tiện lặn ngầm sử dụng một lần. Cách tiếp cận như vậy khi chế tạo các phương tiện cảm tử cũng đã được ứng dụng trong lĩnh vực máy ay không người lái”, chuyên gia kỹ thuật robot Denis Fedutinov nói.

Đại tá hải quân về hưu Konstantin Sivkov bình luận, ngư lôi mang đầu đạn hạt nhân Т-15 mà ông Polman nhắc đến đã được thiết kế chính là để tấn công các mục tiêu bờ trên lãnh thổ Mỹ. Tàu ngầm nguyên tử đầu tiên lớp Projekt 627 được thiết kế chính là để mang loại ngư lôi cỡ lớn này, mỗi tàu không có 8 ống phóng lôi mà chỉ có 1 ống phóng lôi cỡ 1,55 m và dài đến 23,5 m. Т-15 sẽ có thể tiếp cận căn cứ hải quân Mỹ và san bằng tất cả bằng một đầu đạn mấy chục megaton.

Nhưng sau đó, Liên Xô từ bỏ ý tưởng này để chọn tàu ngầm mang 8 ngư lôi, có thể làm nhiều nhiệm vụ. Kết quả là đã chế tạo được tàu ngầm nguyên tử lớp Projekt 627А. Liên Xô đã trở thành cường quốc thứ hai trên thế giới có hạm đội tàu ngầm nguyên tử (tàu ngầm nguyên tử đầu tiên trên thế giới Nautilus được khởi đóng ở Mỹ vào tháng 6/1952).

Từ năm 1957-1963, Liên Xô đưa vào biên chế 13 tàu ngầm này để trực chiến ở Hạm đội Phương Bắc và Hạm đội Thái Bình Dương. Điều thú vị là để bảo mật và vì nhiều yếu tố khác mà việc phát triển ngư lôi Т-15 đã không có sự tham gia của Hải quân Liên Xô. Họ chỉ biết có ngư lôi này thông qua dự án tàu ngầm nguyên tử đầu tiên.

Theo ông Sivkov thì nếu lắp một lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ lên ngư lôi là hoàn toàn thực tế. Nó có thể có cự ly hành trình gần như không hạn chế. Nó sẽ tiến đến mục tiêu theo chương trình đã lập sẵn. Nhưng cần hiểu rằng, nếu ngư lôi là loại chạy êm thì để đến mục tiêu sẽ mất rất nhiều thời gian, còn ngư lôi chạy nhanh thì chắc chắn sẽ bị hệ thống theo dõi ngầm dưới nước phát hiện và bị tiêu diệt sau đó. Còn nếu là tàu ngầm không người lái dùng để tiêu diệt tàu Mỹ ở khu vực xa xôi thì lại là chuyện khác. Tất nhiên là có những khó khăn thuần túy về kỹ thuật liên quan đến việc xác định vị trí của chúng... Nhưng các phương tiện hoạt động xa như thế có lẽ là cách duy nhất giúp Nga tác chiến hiệu quả chống hạm đội hùng mạnh của Mỹ. Động cơ hạt nhân sẽ cho phép phóng ngư lôi ngay từ căn cứ. Về nguyên tắc, nó cũng chẳng cần tàu mang.

Chuyên gia quân sự và nhà sử học Aleksandr Shirokorad nói rằng, ngay cả trong thập niên 1950, hệ thống phòng thủ chống ngầm của Hải quân Mỹ cũng đã không để tàu ngầm lọt vào khu vực có bán kính 50 km xung quanh căn cứ của họ. Ngoài ra, các lối vào tất cả các căn cứ Mỹ bị che kín nhiều ki-lô-met bằng các bờ vịnh khúc khuỷu, các hòn đảo, bãi ngầm, các phao nổi, lưới thép. T-15 không thể vượt qua các vật cản đó trên đường tới mục tiêu.

Các đô đốc Liên Xô đã đưa ra ý kiến đó vào năm 1954 sau khi được giới thiệu về dự án. Họ tuyên bố rằng, tàu ngầm sẽ bị tiêu diệt ngay trên đường tiếp cận căn cứ Mỹ. Kết quả là dự án đã bị đình chỉ.

Tuy nhiên, vào năm 1961, ý tưởng Т-15 lại được hồi sinh theo đề nghị của viện sĩ Andrei Sakharov. Đó là vì trên thực tế, chiến thuật sử dụng siêu ngư lôi đó có thể hoàn toàn khác. Tàu ngầm nguyên tử sẽ bí mật phóng ngư lôi ở cách bờ xa hơn 40 km. Sau khi dùng hết điện trong acquy, Т-15 sẽ nằm dưới đáy biển, tức là biến thành thủy lôi đáy thông minh. Ngòi nổ của ngư lôi có thể trong thời gian dài ở chế độ chờ tín hiệu từ máy bay hay tàu để kích nổ đầu đạn. Và một đợt sóng cực mạnh như sóng thần do vụ nổ hạt nhân tạo ra cũng gây tổn hại trầm trọng cho các căn cứ hải quân, hải cảng và các mục tiêu ven bờ khác, kể cả các thành phố.

Nhưng Nikita Khrushchev vẫn không cho tiếp tục dự án T-15, chủ yếu do ý kiến của các nhà thủy văn học và hải dương học vì thực tế họ đã mắc sai lầm trong các tính toán của mình. Họ kết luận rằng, bề mặt đáy biển ở bờ Đông nước Mỹ sẽ làm suy giảm mạnh năng lượng sóng. Còn bờ biển vịnh Mexico và bờ biển Thái Bình Dương lại hoàn toàn không được xem xét.

Nhưng cơn lụt năm 2005 ở New Orlean đã cho thấy, các nhà khoa học Liên Xô đã sai lầm lớn hoặc nhiều khả năng đã nhượng bộ trước áp lực của Bộ Tư lệnh Hải quân Liên Xô. Bởi lẽ, các nhà thủy văn học và hải dương học phụ thuộc rất nhiều về tài chính vào Hải quân Liên Xô.

Do đó, nếu như một điều gì đó tương tự mà bây giờ được phát triển thì đó sẽ là vũ khí thực sự khủng khiếp.
Nam Xương