In bài này
Vũ khí hàng phục tàu sân bay Mỹ
Thứ Bẩy, 29/08/2015 - 6:22 PM
Nga đã phát triển công nghệ “không tiếng động” vô hiệu hóa các cụm tàu sân bay mà không cần tấn công chúng bằng tên lửa hay ngư lôi.
Tàu sân bay Mỹ
Ưu thế không thể đánh chìm của tàu sân bay hiện đại có thể trở nên hoàn toàn vô nghĩa. Chính vì một lý do và lại là lý do chủ yếu là các máy bay bố trí trên các sân bay nổi này không thể sử dụng được nữa.

Người ta vẫn cho rằng, gần như không thể đột phá tiếp cận tàu sân bay qua các tàu bảo vệ nó. Chỉ có đầu đạn hạt nhân có thể bảo đảm chắc chắn tiêu diệt một đội hình tàu sân bay nhưng nó vẫn phải vượt qua hệ thống phòng không mạnh mẽ.

Tuy vậy, vẫn có thể không phải đột phá, không phải thực hiện các đòn tấn công tên lửa-ngư lôi chính xác và dữ dội mà chỉ cần cắt đứt liên lạc vô tuyến giữa các máy bay với các tàu sân bay và gây nhiễu đối với hệ thống nhận dạng địch-ta. Hiện nay, trên toàn thế giới đều chú trọng phát triển các khí tài tác chiến điện tử. Các phương tiện tác chiến điện tử cải tiến rất thú vị của Nga được giới thiệu tại triển lãm MAKS-2015.

Cần lưu ý là lần ra mắt đầu tiên của các công nghệ tác chiến điện tử mới của Nga đã diễn ra gần 20 năm trước, cũng tại triển lãm MAKS, vào năm 1997.

Một hãng nhỏ có cái tên bình thường Aviakonversya đã giới thiệu một máy phát nhiễu tác chiến điện tử, có khả năng “tắt” tín hiệu định vị vệ tinh GPS. Lần triển lãm này gây ấn tượng rất mạnh đối với người Mỹ. Mỹ thậm chí đã mua mấy máy gây nhiễu và tiến hành thử chúng. Nó đã gây ra cảm giác vô cùng tiêu cực đối với họ. Các tên lửa hành trình chính xác cao khi lọt vào tầm hoạt động của khí tài tác chiến điện tử Nga liền mất phương hướng và bay đến nơi hoàn toàn không mong muốn. Đó mới chỉ là các hệ thống tác chiến điện tử khá giản đơn. Còn khả năng của các hệ thống tối tân Krasukha thì người Mỹ chưa thể tưởng tượng nổi.

Sơ đồ nguyên lý đối phó cụm tàu sân bay bằng phương tiện tác chiến điện tử

Vào đầu cuộc xâm lăng của quân đội Mỹ và đồng minh vào Iraq vào năm 2003, không một quả tên lửa hành trình nào bắn trúng đích. Đến ngày thứ năm của cuộc chiến, một vụ bê bối nổ ra. Sau khi mất toi hàng chục quả tên lửa đắt tiền, Mỹ cáo buộc Nga về chuyện phương tiện kỹ thuật của Nga đang lái những quả tên lửa Tomahawk vào sa mạc. Tình báo Mỹ tìm ra địa điểm tương đối bố trí các máy gây nhiễu và Mỹ lập tức ném bom rải thảm các vị trí này. Chỉ sau đó, vũ khí “thông minh” của Mỹ mới có tác dụng.

Còn giờ hãy nói về tàu sân bay.

Điểm yếu nhất của tàu sân bay là những chiếc máy bay trở về sau khi thực hiện nhiệm vụ chiến đấu. Các phi công mệt nhoài, mà nhiên liệu cũng sắp hết. Nếu như đúng lúc này bật các hệ thống chế áp định vị vệ tinh và liên lạc vô tuyến thì các phi công sẽ chịu stress tâm lý cực mạnh bởi vì tìm về chính xác tàu sân bay của mình sẽ trở nên cực khó. Nhưng thảm họa thực sự sẽ xảy ra khi các hệ thống nhận dạng địch-ta cũng bị “tắt” đi mất.

Phòng không hạm tàu hiện đại hiện dựa vào công nghệ máy tính để tính toán, xử lý các dữ liệu từ các radar, đưa ra thông tin chỉ thị mục tiêu cho các hệ thống tên lửa và pháo. Khi trên các radar xuất hiện không phải các đốm sáng máy bay ta mà là các máy bay lạ, không thể nhận dạng thì phòng không của các tàu chiến sẽ khai hỏa bắn vào chúng. Trong khi các chỉ huy tìm hiểu và ra lệnh ngừng bắn thì phần lớn các máy bay đã tiêu tùng. Thế là cả một cụm tàu sân bay thực tế sẽ ngừng tồn tại vì sức mạnh chủ yếu của nó đã biến mất.

Vấn đề là ở chỗ làm thế nào đưa các hệ thống tác chiến điện tử vào đội hình tàu sân bay và bật chúng lên đúng lúc. Thực ra, việc đó không phải là nhiệm vụ khó nhất mà là hoàn toàn có thể giải quyết. Nhưng hiện thời nói về giải pháp độc quyền này còn quá sớm.
Long Xuyên