In bài này
Mỹ mở rộng hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương
Chủ Nhật, 23/08/2015 - 8:01 AM
Lầu Năm góc đã gửi đến Quốc hội Mỹ báo cáo “Chiến lược an ninh biển ở châu Á-Thái Bình Dương”, theo đó dự định mở rộng sự hiện diện quân sự ở khu vực này.
Báo cáo nêu rõ, Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự cần thiết ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương “để bảo vệ các lợi ích của mình và các lợi ích của các đồng minh và đối tác của mình trước các mối đe dọa tiềm tàng trong lĩnh vực giao thông hàng hải”.

Mỹ cho rằng, cho đến nay, điều đó đã cho phép duy trì sự ổn định và an ninh ở đó và giúp ngăn ngừa xung đột trong một khu vực có vai trò cực kỳ quan trọng đối với thương mại thế giới.

Hiện nay, “Mỹ đang duy trì ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương 368.000 binh sĩ”, báo cáo viết và cho biết “trong 5 năm tới, Hải quân Mỹ sẽ tăng số lượng tàu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương bên ngoài lãnh thổ Mỹ lên khoảng 30%” và đến năm 2020 ở khu vực này sẽ tập trung 60% tất cả các đơn vị hải quân và không quân trú đóng ở nước ngoài của Mỹ.

Đồng thời, trong lực lượng Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ diễn ra không chỉ những thay đổi số lượng mà cả những thay đổi chất lượng. Bộ chỉ huy quân đội Mỹ dự định điều đến đến ngay trong năm 2015 tàu sân bay hiện đại hơn USS Ronald Reagen thay cho tàu sân bay cũ USS George Washington, còn sau 5 năm nữa là tàu đổ bộ mới nhất USS America.

Ngoài ra, Lầu Năm góc còn có kế hoạch gửi đến khu vực các tiêm kích đa năng mới F-35, các tàu ngầm và 2 tàu khu trục trang bị hệ thống phòng không Aegis.

Theo báo cáo, Mỹ đánh giá cao tầm quan trọng của an ninh và tự do hàng hải ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, nơi có 8 trong 10 thương cảng lớn nhất thế giới.

“Gần 30% lưu lượng thương mại thế giới đi qua Biển Đông, gồm cả hàng hóa trên tàu có trị giá 1,2 ngàn tỷ USD sang Mỹ”, báo cáo 35 trang nêu rõ.

Báo cáo có một chương tiêng về các xung đột lãnh thổ biển đảo ở Biển Đông và biển Hoa Đông, có sự tham gia của Brunei, Việt Nam, Trung Quốc, Malaysia, Đài Loan, Philippines và Nhật Bản.

“Mỹ kêu gọi tất cả các bên có yêu sách lãnh thổ bảo vệ lập trường của mình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế” và tránh các hành động đơn phương, trong đó có việc sử dụng sức mạnh quân sự, báo cáo viết.

“Mỹ quan tâm sâu sắc đến việc tất cả các bên đạt được mục đích của mình bằng con đường hòa bình, tránh được xung đột và va chạm”, báo cáo nhấn mạnh.

Cần lưu ý là Mỹ khẳng định, sự hiện diện của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương tạo ra cân bằng sức mạnh. Còn Bộ Quốc phòng Nga cho rằng, chính sách của Washington ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là nhằm kiềm chế Moskva và Bắc Kinh bằng cách gây áp lực với các nước trong khu vực.
Nam Xương