In bài này
Mỹ, Israel lo ngay ngáy S-300 Iran
Thứ Năm, 20/08/2015 - 9:42 PM
Nga và Iran đã ký hợp đồng mua bán S-300. Các chuyên gia nhấn mạnh, S-300 mạnh hơn nhiều Patriot của Mỹ.

Vấn đề bán các hệ thống S-300 cho Iran đã được quyết định: các hệ thống tên lửa phòng không của Nga sẽ được bàn giao cho khách hàng đúng hạn và đúng số lượng nêu trong hợp đồng.

Mỹ lên tiếng phản đối khi một lần nữa “lại quên” thỏa hiệp với Iran ở Viên và thể hiện tiêu chuẩn kép truyền thống. Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố: mặc dù hợp đồng bán S-300 cho Iran không bị cấm, nhưng nó có thể bị Mỹ trừng phạt.

Nga sẽ cung cấp cho Iran các hệ thống tên lửa phòng không S-300 trước cuối năm 2015, một quan chức cao cấp tại Bộ Ngoại giao Nga tiết lộ. Trả lời câu hỏi có thực Nga sẽ cung cấp cho Iran 4 tiểu đoàn S-300 thay vì 3 tiểu đoàn không, nguồn tin nhấn mạnh: “Hợp đồng ghi bao nhiêu thì sẽ cung cấp bấy nhiêu”.

Moskva và Tehran đã làm rõ được vấn đề chuyển giao S-300 cho Iran, vấn đề đã được giải quyết và khép lại, chỉ còn các chi tiết kỹ thuật, đặc phái viên của Tổng thống Nga về Cận Đông và châu Phi, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Mikhail Bogdanov cho biết.

Tuy nhiên, hôm thứ ba, 18.8.2015, Bộ trưởng Quốc phòng Iran Hossein Dehghan tuyên bố rằng, hợp đồng bán S-300 cho Iran có thể được thống nhất và ký kết trong vòng hai tuần nữa và nói rằng, Tehran có thể nhận từ Nga 4 tiểu đoàn S-300 hiện đại hóa thay vì 3 tiểu đoàn như trong hợp đồng cũ. Nguồn tin trong Đại sứ quán Iran ở Nga cho hay, phái đoàn Iran sẽ đến Moskva vào tuần tới.

Mỹ phản đối

Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 19/8/2015 đã lên tiếng phản đối bán S-300 cho Iran. “Việc chuyển giao cho Irancác hệ thống vũ khí phòng thủ này không bị cấm bởi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, nhưng chúng tôi sẽ kiểm tra xem nó có vi phạm các luật của Mỹ về trừng phạt chống Iran hay không”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói.

Năm 2010, Nga đã tự đưa ra quyết  định dừng thực hiện hợp đồng bán S-300 ký 3 năm trước đó với Iran. Tháng 4/2015, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng, thương vụ S-300 với Iran bị tạm dừng hồi đó do vấn đề liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran.

Tuy vậy, các hệ thống tên lửa phòng không S-300 ngay cả lúc đó cũng không bị trừng phạt theo nghị quyết 1929 của Hội đồng Bảo an LHQ. Tháng 6/2010, Bộ Ngoại giao Mỹ qua lời của ông Philip Crowley đã buộc phải thừa nhận: “Nghị quyết 1929 cấm bán và chuyển giao cho Iran những loại vũ khí nêu trong Danh mục đăng ký vũ khí thông thường của LHQ, mà trong đó không nhắc đến các hệ thống S-300. Tức là, điều đó liên quan đến thương vụ mà Liên bang Nga đã ký với Iran mấy năm trước”. Ngày 13/4/2015, Tổng thống Putin sau khi cuộc đàm phán giữa Iran  và nhóm 6 nước thành công đã ký sắc lệnh gỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran.

Phát biểu hôm 19/8/2015, ông John Kirby nói rằng, lập trường của Mỹ về vấn đề này không thay đổi, điều đó đã được ngoại trưởng John Kerry nhiều lần cảnh báo với ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. “Chúng tôi vẫn lo ngại về ý định của Nga cung cấp các hệ thống tên lửa cho Iran. Chúng tôi phản đối bán cho Iran các hệ thống S-300”, ông Kirby nhấn mạnh. Ông ta lý giải sự lo ngại của Bộ Ngoại giao Mỹ là bởi chính sách đối ngoại của chính phủ Iran và sự ủng hộ mà nước này dành cho các nhóm mà Mỹ coi là khủng bố ở Cận Đông.

“Các hệ thống tên lửa đất đối không này... có thể bị sử dụng vào các mục đích khác hay lọt vào tay những người khác, có thể bị chuyển giao cho một chế độ đang tiếp tục các hành động ác ý ủng hộ khủng bố trong khu vực”, Jon Kirby nói.

Đồng thời, Kirby cũng bày tỏ hy vọng rằng, kế hoạch bán S-300 của Nga sẽ không cản trở việc thực hiện thỏa thuận về chương trình hạt nhân Iran mà 5 thành viên Hội đồng Bảo an LHQ và Đức đã ký. Thỏa thuận hạt nhân với Iran và sự lo ngại về S-300 “không liên quan đến nhau”. Mỹ hy vọng tất cả các bên thực hiện các cam kết của mình theo thỏa thuận này.

Trước đó, các nghị sĩ Cộng hòa Mỹ đã cáo buộc Nga vũ trang cho Iran. Lúc đó, lý do là thông tin báo chí phương Tây nói rằng, viên tướng Iran là Qasem Soleimani (thuộc diện trừng phạt của LHQ, bị cấm xuất ngoại) đã đến thăm Moskva và đàm phán mua bán vũ khí.

Tuy tin này không được xác nhận, nhưng nghị sĩ Cộng hòa Ed Royce vẫn đặc biệt nhấn mạnh: việc Soleimani “vội vã vi phạm lệnh trừng phạt trước khi nó được gỡ bỏ cho chúng ta cơ hội kêu gọi người Nga và người Iran trả lời về việc họ đã vi phạm thỏa thuận này. Và chúng ta phải làm điều đó”.

Chuyện kiện tụng

Trước đó ông Hossein Deghan tuyên bố rằng, Tehran “sẽ rút đơn kiện Moskva ngay sau khi ký hợp đồng mới”, một nguồn tin tại Bộ Quốc phòng Iran tiết lộ và cho biết thêm rằng, Iran hy vọng nhận được S-300 sau khi ký hợp đồng mới được 30-40 ngày. “Việc ký kết sẽ diễn ra ở Moskva với sự tham gia của phái đoàn quân sự Iran và phái đoàn Nga. Hiện nay, đang tiến hành xác định rõ ngày giờ, có lẽ là vào thứ 4 hay thứ 5 tới”, nguồn tin nói và tin chắc rằng, việc cung cấp S-300 cho Iran sẽ mở đường cho các thương vụ vũ khí mới với Nga, kể cả mua sắm máy bay.

Ngày 27/5/2015, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố, hợp đồng S-300 sẽ được thực hiện khi giải quyết xong vụ kiện về việc Nga không thực hiện hợp đồng trước. Ngày 30/7, có tin Nga sẽ bán cho Iran S-300 hiện đại hóa đang được nâng cấp riêng cho Iran.
Năm 2007, Nga và Iran đã ký hợp đồng bán S-300 trị giá gần 900 triệu USD. Nhưng sau khi có nghị quyết 1929 trừng phạt Iran, Tổng thống Nga khi đó Dmitri Medevedev đã ban hành sắc lệnh tạm dừng thực hiện hợp đồng. Trả đũa, Iran đã kiện ra tòa trọng tài quốc tế đòi Nga bồi thường 4,2 tỷ USD. Cho đến nay, hai bên vẫn đàm phán về việc rút đơn kiện này. Ngày 13/4, Tổng thống Purin đã ký sắc lệnh gỡ bỏ lệnh cấm bán S-300 cho Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân với Iran được ký ở Viên. Mỹ và Israel phản đối quyết định này của Nga.

Barack Obama - vị lãnh đạo hay do dự

Cố vấn Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược Nga RISI, chuyên gia về Cận Đông Yelena Suponina nói rằng, hợp đồng S-300 của Nga với Iran sẽ không vi phạm hạn chế quốc tế nào và càng không bị hạn chế gì sau thỏa thuận Viên giữa Iran và các nước P5+1.

“Iran đồng ý đặt tất cả các nghiên cứu và cơ sở năng lượng nguyên tử của mình dưới sự kiểm soát quốc tế chặt chẽ. Khi mấy năm trước Moskva đồng ý đóng băng việc thực hiện hợp đồng S-300 - đó là cử chỉ hữu nghị của ban lãnh đạo Nga lúc đó với các đối tác phương Tây. Kể cả lúc đó cũng không có hạn chế gì đối với thương vụ này”, bà Suponina nói.

“Bởi vậy, các hành động và tuyên bố của Mỹ đầy mâu thuẫn. Nhìn chung thì giống như cả chính sách của Barack Obama ở Cận Đông. Người đứng đầu Nhà Trắng hiện nay nổi tiếng ở phương Đông là vị lãnh đạo hay dao động, đang tìm cách chiều lòng tất cả các đối tác của mình không có ngoại lệ. Dưới thời ông ta, nước Mỹ đã đánh mật một phần lớn ảnh hưởng của mình ở Cận Đông. Trong khi chọn hướng cải thiện quan hệ với Iran, Mỹ cũng vẫn tìm cách có được sự ưa thích của các đồng minh là Saudi Arabia và Israel”, bà Suponina nói.

S-300 hơn xa Patriot

Theo chuyên gia quân sự, Tổng biên tập tạp chí Arsenal Otechestva (Nga) Viktor Murakhovsky, lực lượng vận động hành lang ở Mỹ đóng vai trò lớn trong việc phản đối thương vụ S-300.

“Các hệ thống Patriot của Mỹ mà Mỹ bán cho Saudi Arabia và các hệ thống S-300 của Nga về nguyên tắc là vũ khí cùng một lớp, đó là các hệ thống tầm xa. Nhưng S-300 vượt trội đáng kể đối thủ Mỹ về nhiều tham số”, vị chuyên gia đánh giá.

“Mỹ nhiều lần tuyên bố rằng, nếu đạt được thỏa thuận với Iran ở Viên, việc đe dọa quân sự đối với Cộng hòa Hồi giáo Iran sẽ bị loại bỏ. Nhưng như chúng ta thấy, người Mỹ không định tháo dỡ các hệ thống phòng không của mình ở Ba Lan và Rumani. Nay Mỹ không thích không phải là các tên lửa hạt nhân của Iran mà là các tên lửa đường đạn của họ.

F-16I chuẩn bị giao chiến với S-300

Nhằm đối với S-300 của Iran, Israel đã bắt đầu nâng cấp tiêm kích F-16I Sufa, lắp cho chúng các hệ thống phòng vệ chống tên lửa phòng không mới, kể cả S-300. Giới quân sự Israel cho rằng, sắp tới, Không quân Israel (IAF) sẽ phải hoạt động trên không phận được bảo vệ bởi S-300. Iran có thể nhận được các hệ thống này trước cuối năm 2015.

Tháng 5/2015, một số tiêm kích F-16I của IAF đã tham gia tập trận chung với Hy Lạp, trong đó tập luyện nội dung đối phó với S-300 và tấn công các hệ thống này. Hiện Hy Lạp có 12 bệ phóng của 2 hệ thống S-300PMU-1 do Nga cung cấp năm 1996.

S-300 hiện được trang bị cho quân đội Nga, một số nước Đông Âu và châu Á, chưa từng tham chiến thực tế. S-300PMU-1 có khả năng phát hiện mục tiêu khí động cơ cự ly đến 150 km, dẫn tên lửa vào 12 mục tiêu và tấn công đồng thời 6 mục tiêu bay bay ở tốc độ đến 2,8 km/s.
Long Xuyên