In bài này
Trang bị Buk-M3 với tên lửa cực mạnh năm 2016
Chủ Nhật, 16/08/2015 - 8:53 PM
Phòng không Nga sẽ tăng thêm sức mạnh vào mùa thu này khi nhận được thế hệ 3 của hệ thống tên lửa huyền thoại Buk.
Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk-M3, biến thể nâng cấp của Buk-M2, có các linh kiện điện tử tiên tiến và tên lửa mới uy lực cực mạnh nên có thể coi là hệ thống hoàn toàn mới.

Được Viện thiết kế Tikhomirov ở ngoại ô Moskva phát triển, Buk-M3 được xem là vũ khí đánh chặn tên lửa hành trình bay thấp hữu hiệu nhất thế giới.

Hệ thống sẽ sẵn sàng chiến đấu trước cuối năm nay và sẽ đưa vào biên chế năm 2016.

Biến thể trước đó là Buk-M2 hiện được coi là một trong những hệ thống hiệu quả nhất trong các hệ thống cùng loại.

Buk-M3 có máy tính số mới, hệ thống trao đổi dữ liệu cao tốc và thiết bị chỉ thị mục tiêu ảnh nhiệt thay vì các khí tài bám quang học sử dụng ở các mẫu trước đó.

Xác suất diệt mục tiêu của Buk-3M lên tới 0,9999 và tầm bắn hiệu quả tối đa đã tăng 25 km và nay đạt đến 70 km.

Một đại đội Buk-M3 có thể bám và đánh chặn đồng thời tới 36 mục tiêu, trong khi tên lửa tiên tiến 9R31M có khả năng hạ gục tất cả các mục tiêu bay hiện có, kể cả các mục tiêu cơ động cao và trong môi trường nhiễu điện tử mạnh.

Buk-M3 còn có thể tấn công các mục tiêu mặt biển và mặt đất nhờ khả năng phóng thẳng đứng của nó.

Viện Tikhomirov cũng đang phát triển các radar mạng pha nhỏ gọn cho tiêm kích MiG-29, máy bay huấn luyện Yak-40 và máy bay không người lái.

Ngày 12.8.2015, Viện Tikhomirov cũng loan báo họ đã bắt đầu phát triển thế hệ tiếp theo của hệ thống tên lửa phòng không tầm trung Buk.

“Ban lãnh đạo Tập đoàn Phòng không-vũ trụ Almaz-Antey, công ty mẹ của chúng tôi, đã giao nhiệm vụ xây dựng đề xuất tiếp tục phát triển hệ thống tên lửa phòng không Buk”, ông Yuriy Beliy, Tổng giám đốc Viện Tikhomirov nói hôm 11/8/2015.

“Cùng với Almaz-Antey, chúng tôi sẽ trình đề xuất của chúng tôi cho Bộ Quốc phòng. Nhưng không chờ có quyết định cuối cùng [từ Bộ Quốc phòng] và với sự ủng hộ hoàn toàn của công ty, Viện nghiên cứu khoa học [Tikhomirov] đã bắt đầu nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật dài hạn”.

Ông Beliy giải thích rằng, những tiến triển mới nhất về công nghệ tấn công hàng không-vũ trụ khiến việc tiếp tục phát triển hệ thống Buk trở nên cần thiết.

“Chúng tôi không đượ dừng lại trong việc phát triển vũ khí trang bị đối phó, kể cả phát triển các trang bị cho lực lượng mặt đất tác chiến phòng không”.

Ông Beliy cũng xác nhận hệ thống Buk-M2E sẽ được trưng bày tại triển lãm hàng không-vũ trụ quốc tế diễn ra ngày 25-30/8 ở Zhukovsky, ngoại ô Moskva.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm trung tự hành được Liên Xô phát triển và đưa vào trang bị vào năm 1978.

Hệ thống tên lửa phòng không tiên tiến Buk-M2E được nhận vào trang bị quân đội Nga vào năm 2008, có tốc độ đến 65 km/h, có thể hoạt động ở dải nhiệt độ đến ± 50°C và tốc độ gió lên tới 30 m/s.

Hệ thống có thể bắn hạ tên lửa đường đạn chiến thuật trong phạm vi 20 km và tên lửa hành trình bay ở độ cao 100 m ở tầm 20 km, có thể tiêu diệt mục tiêu khí động có tốc độ tối đa 830m/s bay ở độ cao 0,015-25 km, ở tầm 3-45 km.

Một tên lửa có thể tiêu diệt tên lửa đường đạn chiến thuật với xác suất 60-70%, và tiêu diệt máy bay chiến thuật và trực thăng với xác suất 90-95%.




VNH