In bài này
Vũ khí siêu vượt âm Yu-71 xuyên thủng lá chắn tên lửa Mỹ
Thứ Bẩy, 27/06/2015 - 7:42 PM
Hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ bất lực trước vũ khí siêu vượt âm mới của Nga.
Moskva đang phát triển vũ khí tiến công chiến lược siêu vượt âm giống như WU-14 của Trung Quốc.

Nga đang thử nghiệm phương tiện bay siêu vượt âm mới Yu-71 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, tờ Washington Free Beacon (WFB) dẫn nguồn Jane's Information Group đưa tin. Theo WFB, Nga đã phát triển Yu-71 trong mấy năm trong khuôn khổ dự án "objekt 4202" và lần đầu tiên thử nghiệm vào tháng 2/2015. Nga thực hiện dự án này với mục tiêu vượt qua hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ vốn được xây dựng để tiêu diệt mục tiêu đường đạn chuyển động theo quỹ đạo có thể tính toán.

Còn các phương tiện siêu vượt âm như loại mà Nga đang chế tạo cực kỳ khó bám theo và bắn hạ vì chúng chuyển động không theo quỹ đạo có thể tính toán, tốc độ di chuyển của chúng lên tới 11.200 km/h (7.000 dặm/h).

Vụ thử nghiệm gần đây đối với phương tiện bay này đã diễn ra vào tháng 2/2015. Vụ phóng diễn ra từ bãi thử Dombarovsky gần Orenburg. Trước đây, các nguồn phương Tây chỉ đưa tin phỏng đoán về nó, còn nay vụ phóng này đã được các nhà phân tích mới xác nhận. Điều đó được công bố trong báo cáo phát hành tháng 6/2015 của hãng phân tích quốc phòng nổi tiếng Jane's Information Group.

Theo tài liệu này, việc đó sẽ mang lại cho Nga khả năng thực hiện các cuộc tấn công chính xác cao vào các mục tiêu lựa chọn, còn khi kết hợp với khả năng của hệ thống phòng thủ tên lửa của mình, Moskva sẽ có khả năng tiêu diệt thành công mục tiêu chỉ bằng một quả tên lửa.

Báo cáo dự đoán, sẽ có đến 24 phương tiện (đầu đạn) siêu vượt âm nêu trên có thể được triển khai tại trung đoàn thuộc Bộ đội Tên lửa chiến lược Nga RVSN ở Dombarovsky trong thời kỳ từ năm 2020-2025. Đến lúc đó, Nga cũng sẽ chế tạo được tên lửa đường đạn xuyên lục địa hạng nặng Sarmat có khả năng mang Yu-71.

Trước đó, các nguồn tin công khai chưa bao giờ nhắc đến cái tên Yu-71.

Theo The Washington Free Beacon, Yu-71 là một phần của dự án bí mật chế tạo “objekt 4202” nào đó. Các nhà phân tích khẳng định rằng, vụ phóng tháng 2/2015 được thực hiện nhờ một tên lửa UR-100N UTTKh, trong đó “objekt 4202” đóng vai trò đầu đạn đã kết thúc thất bại.

Có thể, các mẫu đầu đạn hạt nhân cơ động siêu vượt âm của Nga và được trang bị cho các tên lửa xuyên lục địa Nga mấy năm nay có ký hiệu như thế. Các đầu đạn này, sau khi tách khỏi tên lửa mang, có khả năng thay đổi quỹ đạo bay theo độ cao và hướng bay, do đó có thể vượt qua thành công các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện có và tương lai.

Tài liệu khẳng định rằng, Moskva cần vũ khí siêu vượt âm để có được các đòn bẩy tác động trong quá trình đàm phán với Mỹ và hạn chế hiệu quả của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Lầu Năm góc từ chối bình luận vụ thử phương tiện bay siêu vượt âm của Nga.

Đầu tháng 6/2015, có tin quân đội Trung Quốc đã tổ chức vụ thử mới đối với vũ khí tiến công siêu vượt âm WU-14 có khả năng đột phá hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ và tấn công hạt nhân.

Trung Quốc tiến hành vụ bay thử đầu tiên phương tiện bay siêu vượt âm vào tháng 1/2014. Báo chí hồi đó đưa tin rằng, theo các quan chức, phương tiện siêu vượt âm này dùng để phóng bằng một trong các tên lửa xuyên lục địa để sau đó trên đường bay đến mục tiêu từ không gian gần trái đất nó có thể liệng và đạt tốc độ lên đến 10 lần tốc độ âm thanh.

Tháng 7/2014, có tin Trung Quốc đang phát triển tên lửa hành trình phản lực siêu vượt âm bổ sung cho WU-14. Tên lửa này được cho là giống với phương tiện bay siêu vượt âm thử nghiệm không người lái X-43 do NASA phát triển. Tên lửa Trung Quốc có thể đạt tốc độ 8.000 dặm/h.

Các chuyên gia cho rằng, tên lửa này có thể là vũ khí tấn công chống tàu sân bay và tàu chiến Mỹ. Xem ra, việc thử nghiệm tên lửa của Trung Quốc đã thành công, còn vụ bay thử vũ khí siêu vượt âm thông thường ở Mỹ đã kết thúc thất bại.
VNH