In bài này
Hiện đại hóa hải quân Trung Quốc
Thứ Tư, 24/06/2015 - 8:22 PM
Thực trạng và xu hướng hiện đại hóa lực lượng tàu ngầm, tàu sân bay, tàu mặt nước, tàu (xuồng) và frigate, tàu bảo đảm, tàu đổ bộ và tàu chấp pháp của hải quân Trung Quốc.

Cuối thập niên 1980, hải quân Trung Quốc đã bắt đầu chương trình hiện đại hóa quy mô lớn nhằm biến quân chủng này từ lực lượng bảo vệ vùng biển gần bờ thành một lực lượng hùng mạnh, có khả năng gây ảnh hưởng đối với toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngay từ đầu, Trung Quốc đặt trọng tâm đặc biệt không phải vào việc tăng trưởng số lượng mà là nâng cao các thông số chất lượng của đội tàu, cụ thể là trong lĩnh vực sức mạnh tiến công và khả năng hành động cơ xa đất liền Trung Quốc. Xu hướng này vẫn được duy trì đến nay.

Chạy đua kích cỡ

Trong thời kỳ từ năm 2010-6/2014, biên chế đội tàu của hải quân Trung Quốc đã tăng không đáng kể, từ 284 lên đến 290 tàu. Nhưng khả năng của chúng đã tăng mạnh nhờ thay thế vũ khí và thiết bị cũ bằng các mẫu thế hệ mới với tầm hoạt động lớn hơn. Các tàu hiện đại của Trung Quốc vượt trội hơn nhiều các loại từ trước đó về kích cỡ. Do đó, chúng có khả năng hoạt động ở khá xa các căn cứ hải quân, trang bị số lượng vũ khí lớn, thực hiện được nhiều nhiệm vụ chiến đấu hơn, mang theo thủy thủ đoàn đông hơn và mang thêm được dự trữ nhiên liện.
 
china.cnr.cn
Tính đến tháng 6/2014, hải quân Trung Quốc có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi, 4 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn; 51 tàu ngầm điện-diesel, 12 trong số đó trang bị động cơ không cần không khí (AIP), 1 tàu sân bay, 24 tàu khu trục và tàu khu trục tên lửa, 63 frigate, frigate hạng nhẹ và frigate tên lửa, 85 tàu (xuồng) tên lửa và tuần tra, 57 tàu đổ bộ hạng trung và cỡ lớn.

Theo các chuyên gia tình báo hải quân Mỹ, không nên đánh giá quá cao sức mạnh của hải quân Trung Quốc mặc dù có biên chế đồ sộ. Các tàu chiến Trung Quốc thường có kích thước nhỏ hơn các loại tương tự của Mỹ và theo các chuyên gia, chúng dùng để thực hiện các nhiệm vụ khu vực nhiều hơn là toàn cầu.

Công nghiệp đóng tàu Trung Quốc phát triển khá nhanh. Hiện nay, Trung Quốc đã cho thấy khả năng sản xuất tàu tuần tra, frigate, tàu đổ bộ cỡ lớn, tàu khu trục, tàu ngầm điện-diesel, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn. Trung Quốc cũng đang đóng tàu sân bay nội địa đầu tiên. Họ đang ráo riết phát triển động cơ turbine khí và các mẫu động cơ đầu tiên đã được lắp cho các tàu đổ bộ lớp Yuyu. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, trong thập kỷ tới, Trung Quốc sẽ bắt đầu sản xuất ddoogj cơ turbine khí động cơ turbine khí cho các tàu lớn hơn.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang mua sắm một số lượng lớn vũ khí hải quân từ nước ngoài. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu các vấn đề hòa bình Stockholm SIPRI (Stockholm International Peace Research Institute), năm 2013-2014, Trung Quốc đã được cung cấp lượng vũ khí hải quân trị giá 58 triệu USD và hạm tàu trị giá 118 triệu USD. Đồng thời, cần lưu ý rằng, Trung Quốc cũng có thể đã nhận được động cơ turbine khí, vũ khí tên lửa và trang thiết bị hải quân, còn SIPRI chỉ cung cấp số liệu về tổng số động cơ và thiết bị được cung cấp, nhưng không nêu chức năng của chúng. Trung Quốc trong năm 2013-2014 đã mua các động cơ trị giá 923 triệu USD, máy móc thiết bị trị giá 280 triệu USD và vũ khí tên lửa trị giá 248 triệu USD. Cũng cần lưu ý là bản thân Trung Quốc cũng đang cung cấp cho nước ngoài vũ khí trang bị hải quân ở số lượng khá lớn: năm 2013-2014, theo SIPRI, họ đã xuất khẩu các tàu trị giá 653 triệu USD. Việc xuất khẩu vũ khí hải quân và động cơ turbine khí không được tiến hành, còn vũ khí tên lửa nói chung đã cung cấp trị giá 349 triệu USD, còn máy móc thiết bị là 34 triệu USD.

Tàu ngầm

Trong 14 năm qua, hải quân Trung Quốc đã tăng số lượng tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi và tàu ngầm điện-diesel sản xuất trong nước từ 1 chiếc lên đến khoảng 40 chiếc. Hiện tại, Trung Quốc có ít nhất 7 loại tàu ngầm hiện đại hoặc đang phát triển: tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi lớp Thương (Shang), tàu ngầm điện-diesel lớp Nguyên (Yuan), tàu ngầm điện-diesel lớp Tổng  (Song), tàu ngầm điện-diesel lớp Lin San Liu (lớp Kilo Projekt 636 Varshavyanka của Nga), tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Tấn (Jin), tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Type 096, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi lớp Type 095.


Biên chế đội tàu hải quân Trung Quốc giai đoạn 2000-2020
Loại tàu2000
2005
20102014 2020
Tàu ngầm điện-diesel60
51545159-64
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi
5
6
6
5 5-9
Tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn1
2
3
4
4-5
Tàu sân bay0
0
0
1
1-2
Tàu khu trục21
21
25
24
30-34
Frigate 37
43
49
63
83-97
Tàu đổ bộ 60
43
55
57
50-55
Tàu tên lửa
100
51
85
85
85
Tổng cộng284
217
277
290
318-351
Nguồn: Report to Congress on Military and Security Development Involving the PRC, U.S. Department of Defence; Military Balance, IISS.
Lưu ý: Trong nhóm Frigate tính gộp cả frigate hạng nhẹ, frigate tên lửa. Nhóm tàu này của hải quân Trung Quốc tăng nhanh là nhờ đóng lớp tàu Giang Đảo (Jiangdao). Nhiều nguồn xác định chúng là corvette (tàu hộ vệ), chứ không phải là frigate hạng nhẹ.   

Các tàu ngầm thuộc các lớp Thương, Nguyên và Tống dùng để tiêu diệt tàu mặt nước, hộ tống tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của và các cụm tàu sân bay Trung Quốc, cũng như thu thập thông tin tình báo. Ban đầu, các tàu ngầm này được trang bị tên lửa hành trình YJ-82 có tầm bắn 20 hải lý (37 km). Dự đoán, vũ khí này sắp tới sẽ bị thay bằng tên lửa hành trình SS-N-13 có tầm bắn hơn 120 hải lý (222 km). Hoàn toàn có thể là các tàu ngầm Trung Quốc đã được trang bị vũ khí này.

Theo các chuyên gia Mỹ, các tàu ngầm điện-diesel lớp Projekt 636 của Trung Quốc được trang bị hệ thống tên lửa tiến công Club-S tầm bắn 120 hải lý (222 km) của Nga. Nhờ hiện đại hóa, tất cả 4 lớp tàu ngầm này đều sẽ có thể thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt địch giống như thế.

Có lẽ vào cuối năm 2014, một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn lớp Type 094 (lớp Tấn) đã thực hiện chuyến ra khơi chiến đấu đầu tiên mang theo các tên lửa đường đạn hạt nhân JL-2. Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực phát triển tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn và tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm thế hệ mới có tên tương ứng là Type 096 và JL-3. Dự đoán, tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đường đạn mới sẽ có mức độ tàng hình cao hơn so với các tàu ngầm lớp Tấn vốn cực kỳ dễ bị tổn thương trước các trạm thủy âm của Mỹ và Nhật Bản, tầm bắn và hiệu quả chiến đấu của tên lửa đường đạn phóng từ tàu ngầm JL-3 sẽ tăng lên so với JL-2.

Trung Quốc cũng đang phát triển một tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi mới có tên lớp Type 095. Hiện chưa rõ các tính năng chính xác của nó, nhưng dự đoán, tính tàng hình của nó sẽ được nâng cao đáng kể.

Trung Quốc không từ bỏ ý đồ hợp tác với Nga phát triển và sản xuất 4-6 tàu ngầm điện-diesel hiện đại có ứng dụng những thành tựu mới nhất của Nga trong lĩnh vực thủy âm, động cơ, khả năng tàng hình. Điều đó sẽ cho phép tăng mạnh năng lực của hải quân Trung Quốc và đơn giản hóa quá trình phát triển sau này các tàu ngầm ít ồn, qua đó sẽ gây khó khăn cho Hải quân Mỹ trong việc phát hiện chúng.

Như vậy, Trung Quốc dự định có được khả năng tiêu diệt các tàu địch ở cự ly không dưới 100 hải lý (185 km) tính từ hải giới lãnh hải quốc gia. Việc trang bị các tên lửa đường đạn chống hạm DF-21D đang tạo ra mối đe dọa lớn đối với Hải quân Mỹ.

Tàu sân bay

Hiện nay, hải quân Trung Quốc chỉ có 1 tàu sân bay Liêu Ninh được đưa vào biên chế vào năm 2012. Nền tảng của phi đội trên tàu sân bay này là tiêm kích hạm J-15. Hiện có ít nhất 6 mẫu J-15 đang được thử nghiệm. J-15 thực hiện chuyến bay đầu tiên vào năm 2009, cất cánh từ sân bay mặt đất mô phỏng boong tàu sân bay vào năm 2010; bắt đầu thực hiện cất/hạ cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh từ năm 2012. Tháng 9/2013, J-15 bắt đầu cất và hạ cánh lên tàu sân bay này với trọng lượng cất cánh tối đa.

Các chuyên gia hoài nghi về khả năng của Liêu Ninh và cho rằng, nó chỉ có khả năng tham gia trợ giúp nhân đạo khi xảy ra thiên tai, hỗ trợ bằng trực thăng cho lục quân, tác chiến chống ngầm, phát hiện mục tiêu ở tầm xa, tiến hành các chiến dịch tìm/cứu và phô trương năng lực của hải quân Trung Quốc. Tuy nhiên, dự kiến đến năm 2016, Trung Quốc sẽ thành lập cụm tàu sân bay xung kích đầu tiên, qua đó tăng mạnh hiệu quả của tàu Liêu Ninh. Hiện tại, một trong những nhược điểm chính của máy bay chiến đấu Trung Quốc là bán kính hoạt động hạn chế. Tàu sân bay sẽ bù đắp phần nào điều đó. Kết quả là các lực lượng hải quân yếu hơn trong khu vực như Philippines và Việt Nam có thể đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng.

Đối với các cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ ở Biển Đông, tàu Liêu Ninh không phải là mối nguy hiểm. Nhưng hiển nhiên, nó sẽ đóng góp phần mình vào việc thực hiện chiến lược chống tiếp cận/phong tỏa khu vực (A2/AD - Anti-Access/Area Denial) của Trung Quốc.

Tàu sân bay sẽ cho phép Trung Quốc xây dựng một thứ như là hải quân viễn chinh. Khi tàu này thực hiện chuyến hành quân xa đầu tiên vào đầu năm 2014, nó được 12 tàu các loại hộ tống, trong đó có tàu ngầm và tàu đổ bộ. Điều đó có thể cho thấy, Trung Quốc đang xây dựng các phương án cụm tàu sân bay xung kích khác nhau, kể cả các phương án giống cấu trúc các cụm tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Trung Quốc dự định đóng thêm 2 tàu sân bay nội địa (trong tương lai tăng lên đến 4 tàu) có lượng giãn nước lớn hơn tàu Liêu Ninh (60.000 tấn) và trang bị động lực hạt nhân. Nhưng hiện chưa rõ tiến bộ của Trung Quốc trong lĩnh vực này. Nếu như việc đóng tàu sân bay đầu tiên trong các tàu mới bắt đầu vào 2013 thì theo các chuyên gia Mỹ, tàu này sẽ đạt đến giai đoạn sẵn sàng chiến đấu ban đầu vào năm 2020.

Tàu nổi

Trong 14 năm qua, hải quân Trung Quốc quá hài lòng với cơ cấu đội tàu mặt nước của họ với 15 frigate và khu trục vào năm 2000 và đến 50 tàu vào năm 2014. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tiếp tục hiện đại hóa các hạm tàu để trang bị cho chúng trước hết là các mẫu vũ khí hiện đại nhất. Ví dụ, trên các frigateа và tàu khu trục mới nhất có lắp các tên lửa chống hạm Nga P-270 Moskit-E (tầm bắn 130 hải lý/241 km) và tên lửa chống hạm Trung Quốc YJ-62 (150 hải lý/278 km), YJ-83 (95 hải lý/176 km) và YJ-8A (65 hải lý/120 km). Dự kiến, các tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc lớp Lỗ Dương III (Luyang III) sẽ được trang bị tên lửa chống hạm tầm xa phóng từ bệ phóng thẳng đứng.

Thấy rõ phòng không trên biển là điểm yếu truyền thống của tàu chiến Trung Quốc, hải quân Trung Quốc đã có những bước đi mạnh nhằm tăng cường năng lực phòng không. Hiện nay, các tàu chiến Trung Quốc có khả năng độc lập bảo đảm phòng không điểm và phòng không khu vực ở xa lực lượng lục quân. Trong thành phần các vũ khí phòng không trên biển của hải quân Trung Quốc có các hệ thống tên lửa phòng không của Nga Rif-M (tầm bắn 80 hải lý/150 km) và Shtil (20 hải lý/37 km), cũng như các hệ thống tên lửa phòng không Trung Quốc HHQ-9 (55 hải lý/102 km) và HHQ-16 (40 hải lý/74 km). Dự đoán, biến thể mới của tàu khu trục lớp Lỗ Dương III sẽ được trang bị hệ thống HHQ-9 nâng cấp với tầm bắn xa hơn.

Hiện tại, các tàu chiến Trung Quốc chưa có tên lửa hành trình có thể tiêu diệt mục tiêu mặt đất. Nhưng dự đoán, vũ khí đó sẽ được triển khai trên các tàu khu trục Lỗ Dương III và tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa-ngư lôi lớp Type 095 trong 5-10 năm tới. Nhờ đó, các tàu chiến của hải quân Trung Quốc sẽ có thể tiêu diệt hạ tầng mặt đất của Hải quân Mỹ ở đảo Guam.

Trung Quốc đang thiết kế tàu tuần dương có thể có tên gọi Type 055 với lượng giãn nước gần 10.000 tấn. Nó sẽ có thể mang một số lượng lớn tên lửa chống hạm, tên lửa phòng không có điều khiển, tên lửa hành trình tấn công mặt đất và trong tương lai là cả vũ khí laser và vũ khí điện từ.

Các chuyên gia nêu lên sự phát triển về chất của các tàu chiến mặt nước Trung Quốc và trọng tâm nhấn mạnh vào tính vạn năng của chúng. Trung Quốc đặc biệt chú ý đến việc tiêu diệt mục tiêu ở ngoài tầm nhìn thẳng, đồng thời khả năng tiêu diệt máy bay cũng được nâng cao. Việc gia tăng số lượng tàu đổ bộ sẽ cho phép hải quân Trung Quốc sử dụng rộng rãi các đơn vị lính thủy đánh bộ.

Tàu tên lửa và frigate


Trung Quốc không chỉ chú trọng các tàu nổi cỡ lớn. Việc chuyển giao cho hải quân Trung Quốc 60 tàu tên lửa lớp Type 022 (Houbei) bắt đầu từ giữa những năm 2000, cũng như cung cấp các frigate hạng nhẹ lớp Giang Đảo (Jiangdao) kể từ năm 2012 sẽ tăng cường năng lực tiêu diệt tàu nổi của hải quân Trung Quốc.

Tốc hạm tên lửa lớp Houbei được trang bị 8 tên lửa chống ham C-801/802/803 có thể hoạt động hiệu quả ở cách xa bờ biển Trung Quốc đến 200 hải lý (370 km). Các tàu này tạo ra sự uy hiếp khá lớn đối với Hải quân Mỹ vì chúng có tốc độ cao và độ bộc lộ thấp nên rất khó bị phát hiện.

Việc huy động tích cực máy bay để phát hiện và tiêu diệt các tàu này bằng tên lửa chống hạm Harpoon phóng từ máy bay cũng gặp khó khăn trong bối cảnh Trung Quốc phát triển các hệ thống phòng không thế hệ 4. Những đánh giá gần đây về khả năng của các tàu chiến ven bờ lớp LCS (Littoral Combat Ship) của Mỹ đã cho thấy rằng, chúng sẽ không thể đảm đương đầy đủ vai trò “sát thủ” đối với các tàu tên lửa lớp Houbei.

Các frigate hạng nhẹ lớp Giang Đảo được trang bị 4 tên lửa chống hạm C-803, 1 pháo 76 mm H/PJ-26, 2 pháo 30 mm H/PJ-17, 2 cụm x 3 ống phóng lôi. Trên tàu có thể triển khai một trực thăng. Khác với các tàu tên lửa lớp Houbei, các frigate hạng nhẹ lớp Giang Đảo dùng để tuần tra và trinh sát ở biển Hoa Đông và Biển Đông, chứ không phải để làm nhiệm vụ tấn công. Hiện tại, Trung đã đóng 14 tàu lớp Giang Đảo, dự kiến còn đóng thêm 15-25 chiếc nữa.

Tàu bảo đảm

Nhiệm vụ đấu tranh chống cướp biển ở vịnh Aden và truy tìm chiếc máy bay chở khách bị mất tích của hãng Malaysia Airlines đã đặt ra gay gắt trước hải quân Trung Quốc vấn đề bảo đảm cho các tàu chiến. Vì thế, họ đang đặc biệt chú trọng đối với tàu chở dầu. Năm 2013, họ đã đưa vào hoạt động 2 tàu chở dầu mới, đưa số lượng tàu chở dầu lên đến 7 chiếc. Tháng 6/2014, họ hạ thủy tàu chở dầu tiếp theo, thứ 8. Các chuyên gia Mỹ cho rằng, Trung Quốc sẽ đóng xong 2 tàu loại này trong 1-2 năm tới. Hoàn toàn có khả năng là Trung Quốc sẽ không dừng lại ở đó. Tổng thời gian để đóng xong một tàu chở dầu là từ 12-18 tháng.

Tàu đổ bộ

Kể từ năm 2006, Trung Quốc đã chuyển từ đóng các tàu đổ bộ chở tăng cỡ nhỏ dùng để xâm chiếm Đài Loan sang đóng các tàu đổ bộ đa nhiệm cỡ lớn, dùng để thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Năm 2007-2012, hải quân Trung Quốc đã nhận được 3 tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp 071 (Yuzhao). Mỗi tàu này có thể chở 500-800 quân và 15-20 xe chiến đấu các loại, đến 4 trực thăng vận tải hạng nặng Z-8. Tàu đốc đổ bộ chở trực thăng lớp 071 thứ tư được hạ thủy ngày 22/1/2015. Dự đoán, Trung Quốc sẽ đóng thêm 2 tàu loại này.

Trung Quốc cũng rất quan tâm phát triển lực lượng đổ bộ đường biển. Lực lượng này bao gồm Sư đoàn đổ bộ cơ giới hóa số 1, 1 lữ đoàn xe tăng lội nước (các đơn vị thuộc quyền triển khai ở đại quân khu Nam Kinh trước đây), Sư đoàn đổ bộ cơ giới hóa số 124 (triển khai ở đại quân khu Quảng Châu trước đây), Lữ đoàn 1 và Lữ đoàn 164 lính thủy đánh bộ (thuộc Hạm đội Nam Hải). Trung Quốc còn rất chú ý phát triển xe thiết giáp lội nước.

Hạm tàu của các cơ quan chấp pháp

Mặc dù các tàu loại này không chính thức thuộc biên chế các đơn vị hải quân Trung Quốc, nhưng chúng đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược biển của Trung Quốc khi làm nhiệm vụ quan sát, theo dõi các tàu nước ngoài và uy hiếp, hăm dọa các tàu đó khi chúng vi phạm lãnh hải Trung Quốc. Bắc Kinh cho rằng, cách làm này đỡ hiếu chiến hơn là huy động tàu chiến của hải quân vào cho mục đích này. Tuy nhiên, lực lượng hải quân sẽ ở gần đó để yểm trợ cho các tàu chấp pháp.

Đến năm 2013, Trung Quốc có 6 cơ quan chấp pháp trên biển, mỗi cơ quan đều có phân hạm đội của mình. Tháng 6/2013, các lực lượng này đã được gộp vào Hải cảnh Trung Quốc để tập trung hóa và thống nhất hành động.

Hiện tại, các cơ quan chấp pháp Trung Quốc có gần 100 tàu biển xa và khoảng 1.000 tàu xuồng nhỏ. Chỉ một số ít tàu được lắp vũ khí bộ binh nhẹ, đại đa số tàu không trang bị vũ khí gì. Nhưng khi thiết kế, nhiều tàu đã dành riêng những khu vực riêng để dự phòng tình huống phải lắp đặt vũ khí.

Trung Quốc cũng đang thực hiện chương trình hiện đại hóa Hải cảnh. Dự kiến, các tàu mới sẽ có kích thước lớn hơn các tàu trước đó, có thể trang bị trực thăng bay biển.
Nhân Vũ