In bài này
Chiến tranh Malvinas/Falklands: Căn nguyên xung đột (1)
Thứ Sáu, 05/06/2015 - 1:50 PM
Trong khi cả Mỹ và Trung Quốc đều hô đánh, giết trên Biển Đông, xin giới thiệu loạt bài về cuộc chiến tranh biển đảo hiện đại điển hình, tuy ngắn mà ác liệt và đẫm máu tranh giành quần đảo Malvinas/Falklands ở Nam Đại Tây Dương năm 1982 để quý vị tham khảo
Lịch sử tranh chấp
 
Việc tranh cãi xem nhà đi biển nào đã khám phá quần đảo nhỏ bé ở Nam Đại Tây Dương - vị thuyền trưởng Tây Ban Nha Esteban Gómez vào năm 1520 hay người Anh John Davis vào năm 1592 - kéo dài cho đến nay. Năm 1810, khi Argentina tuyên bố độc lập, trên quần đảo có một lực lượng đồn trú Tây Ban Nha và họ rời đi sau khi tình thế trở nên xấu đu đối với ngai vàng Madrid. Năm 1820, một lực lượng Argentina đổ bộ lên quần đảo và chỉ huy lực lượng này, thuyền trưởng, Đại tá David Jewett đã tuyên bố chủ quyền của Cộng hòa Argentina đối với quần đảo. 12 năm sau, một đoàn thám hiểm Anh đã chiếm cứ quần đảo, và từ đó, Anh thực thi quyền làm chủ thực tế đối với quần đảo này. Tuy nhiên, Argentina không bao giờ từ bỏ chủ quyền đối vùng lãnh thổ này. Vì vậy, trên đa số các bản đồ chính trị thế giới, quần đảo được đánh dấu như lãnh thỗ tranh chấp giữa hai nước, màu sắc chỉ quốc gia có chủ quyền không được in, và in cả hai cách gọi tên Anh và Argentina: quần đảo Falklands (Malvinas).

Buenos Aires đã tìm cách bảo vệ lợi ích của mình bằng con đường ngoại giao và đã nhiều lần đưa vấn đề ra LHQ, nhưng không thể đạt mục đích bằng cách đó. Người Argentina cũng không loại trừ phương án quân sự để giải quyết tranh chấp, nhưng trong một thời gian dài, phương án đó bị liệt vào lĩnh vực gần như viễn tưởng khoa học - vì thiệt hại do đối đầu với Anh sẽ là rất lớn. Nhưng vào năm 1976, giới quân sự do Tướng Galtieri đứng đầu đã lên cầm quyền ở Argentina  và đã quyết định giải quyết dứt điểm vấn đề chính là bằng con đường quân sự. Động lực thúc đẩy cho các hành động quyết liệt như thế không phải hoàn toàn là lòng căm thù mãnh liệt của các ông tướng Argentina đối với người Anh. Sự lãnh đạo quốc gia kém cỏi đã làm tình hình trong nước trở nên tồi tệ nhanh chóng và gia tăng bất mãn trong xã hội, mà từ lâu nay, ai cũng biết là kẻ thù bên ngoài luôn giúp vượt qua kẻ thù bên trong. Vì thế, chế độ quân sự đã tính rằng, một cuộc chiến nhỏ thắng lợi huy hoàng với người Anh sẽ củng cố vị thế của họ.

Chiến dịch Rosario

Chiến dịch đánh chiếm quần đảo Malvinas, cũng như hòn đào tranh chấp South Georgia được đặt mật danh Chiến dịch Rosario theo tên con tàu của thuyền trưởng Jewett. Để đạt hiệu ứng tinh thần mạnh, việc tiến hành chiến dịch được ấn định vào ngày 25/5/1982 - ngày quốc khánh Argentina. Ngay trước cuộc hành quân, Argentina đã thực hiện hàng loạt hành động tình báo. Trong một hành động như vậy, một chiếc máy bay vận tải С-130 bay gần quần đảo đã thực hiện cú hạ cánh “bắt buộc” xuống sân bay Port Stanley. Người Anh tỏ thái độ lạnh nhạt vốn có với những vị khách không mời, còn những người Argentina thì nhanh chóng đi tứ tán khắp hòn đảo. Họ chụp nhiều ảnh và sau đó mang về đất liền Argentina những thông tin cần thiết để lên kế hoạch chiến dịch đổ bộ.

Tuy nhiên, tình hình diễn biến theo hướng không hoàn toàn thuận lợi cho giới cầm quyền quân sự. Khoảng ngày 25/3, người Anh đã “bẻ khóa” các mật mã của Argentina và phát hiện cuộc đổ bộ đang được chuẩn bị nên nhanh chóng phái đến Nam Đại Tây Dương tàu ngầm nguyên tử HMS Spartan. Tình hình nội bộ ở chính Argentina cũng nóng lên. Ngày 30/3, tại thủ đô Buenos Aires đã diễn ra cuộc biểu tình nhiều ngàn người chống chế độ. Lực lượng an ninh đã giải tán cuộc biểu tình một cách tàn bạo. Tướng Galtieri cho rằng, ông ta không thể đợi nữa mà cần chuyển thời điểm phát động chiến dịch chiếm Malvinas sang ngày 1/4/1982.

Chiến dịch Rosario

Argentina quyết định đánh chiếm quần đảo bằng một loạt cuộc đổ bộ bằng đường biển và trực thăng, sau đó không vận các lực lượng tiếp viện đến Port Stanley. Việc vận chuyển quân và trực thăng được giao cho Binh đoàn tác chiến 40 gồm tàu đổ bộ xe tăng ARA Cabo San Antonio, tàu vận tải ARA Isla de los Estados, tàu phá băng ARA Almirante Irízar, 1 tàu ngầm và tàu hộ tống. Công tác bảo vệ từ xa do Binh đoàn tác chiến 20 gồm 7 tàu dẫn đầu là tàu sân bay ARA Veinticinco de Mayo chở theo 10 cường kích A-4Q thuộc Phi đội 3 của Hải quân Argentina.

Khi đến Falklands, người ta thấy thời tiết chỉ cho phép tiến hành đổ bộ ở khu vực Port Stanley. Ngoài ra, Chuẩn đô đốc Carlos Büsser chỉ huy cuộc đổ bộ cũng biết rằng, yếu tố bất ngờ đã mất: họ đã chặn thu được lời kêu gọi dân chúng và quân đồn trú của vị thống đốc Anh cùng cảnh báo về cuộc xâm lăng sắp tới. Gần 80 lính thủy đánh bộ Anh trong tình trạng cực kỳ thiếu vũ khí hạng nặng, trong đó có các vũ khí phòng không, và hoàn toàn không có máy bay chiến đấu đã bắt tay vào chuẩn bị phòng ngự, còn đường băng của sân bay bị ngăn chặn bằng xe cộ và các vật dụng sẵn có khác.

Đêm mùng 1, rạng sáng 2/4/1982, các toán lính thủy đánh bộ Argentina đầu tiên đổ bộ lên bờ. Lực lượng chủ lực được chuyển từ các tàu lên bắt đầu vào lúc 6 giờ 15 sáng 2/4. Các trực thăng không vận gần 150 người đến khu vực Mullet Creek, đến 70 người tới khu vực doanh trại Anh hoang vắng ở Moody Brook, còn một toán đổ bộ đột kích được đổ xuống sân bаy. Ngay sau khi chiếm được sân bay, lính công binh đã đến đây và nhanh chóng giải tỏa đường băng, và ngay lúc 8 giờ 30, chiếc C-130 Hercules đầu tiên của Argentina đã hạ cánh xuống đây. Quân Anh chỉ kháng cự mạnh gần dinh thống đốc. Nhưng một trực thăng đã nhanh chóng không vận đến các súng cối cho quân Argentina và các loạt đạn cối đầu tiên vang lên đã khiến người Anh thấy tình trạng vô vọng của họ. Lúc 9 giờ 15, lực lượng Anh đồn trú đầu hàng. Cùng ngày, người Anh đã được các máy bay đưa về Uruguay.
 

Trong khi đó, frigate ARA Guerrico của Hải quân Argentina đang tiến đến hòn đảo South Georgia, nằm cách Malvinas hơn 1.000 km. Trên tàu có 60 lính đổ bộ và 1 trực thăng. Sáng 3/4, có thêm tàu nghiên cứu Nam Cực Bahia Paraiso hội quân với tàu chiến này. Biên đội tàu này nhanh chóng đến nơi và lúc 11 giờ 00, một trực thăng Alouette III cất cánh từ tàu Bahia Paraiso đi làm nhiệm vụ trinh sát. Bắt liên lạc qua vô tuyến điện với các nhà khí tượng cư trú ở làng Grytviken, phi hành đoàn biết được trên đảo không có quân Anh. Nhưng đây là thông tin giả. Trên thực tế, ngay trước đó, Anh đã điều đến đây 23 lính thủy đánh bộ. Khi phát hiện biên đội tàu địch đang tiến đến, họ đã tổ chức phục kích. Lúc 12 giờ 00, chiếc trực thăng Puma cất cánh từ frigate ARA Guerrico và đổ xuống 15 lính đổ bộ đầu tiên. Một lát sau, chiếc trực thăng trở lại với toán đổ bộ thứ hai và lọt vào vòng hỏa lực của quân Anh. Một quả đạn rocket chống tăng cá nhân đã bắn trúng chiếc trực thăng và thiêu cháy nó. Hai lính Argentina bị thương. Quân Anh bắn tiếp 3 quả đạn làm bị thương chiếc frigate lúc đó đang tiến lại gần bờ, còn hỏa lực súng bộ binh thì bắn rơi chiếc trực thăng Alouette III. Đáp trả, chiếc frigate bắn 3 quả đạn và thế là đủ để lính Anh đầu hàng. Chiến dịch Rosario kết thúc.

Trước các trận đánh quyết định

London đã phản ứng tức thì. Họ tuyên bố phong tỏa quần đảo và thiết lập vùng đặc quyền 200 hải lý cấm máy bay và tàu biển đi vào. Bắt đầu hình thành Binh đoàn đặc nhiệm Task Force-317 (TF-317) để triển khai chiến dịch Corporate đánh đuổi quân Argentina khỏi các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng. Đô đốc John Forster “Sandy” Woodward được bổ nhiệm làm Tư lệnh lực lượng viễn chinh Anh.

Dưới quyền của ông tập hợp một lực lượng gồm 63 tàu chiến và tàu bổ trợ, 49 tàu dân sự động viên. Trong biên chế của binh đoàn tàu có các tàu sân bay HMS Invicible và HMS Hermes. HMS Invicible chở trên boong 10 máy bay cất/hạ cánh thẳng đứng Sea Harrier và 9 trực thăng Sea King, còn HMS Hermes chở 12 máy bay Sea Harrier và 15 trực thăng Sea King. Ngoài ra, 23 chiếc tàu khu trục và frigate của Anh được biên chế mỗi chiếc 1 trực thăng.

Năng lực của các tàu chở container Atlantic Conveyor và Atlantic Causeway được cải hoán thành tàu sân bay bổ trợ còn lớn hơn nữa. Trên tàu Atlantic Conveyor bố trí được 14 Sea Harrier và 16 trực thăng, trên tàu Atlantic Causeway triển khai 28 trực thăng (20 chiếc Wessex và 8 chiếc Sea King). Trong quá trình diễn ra chiến sự, các tàu chở container Astronomer và Contender Bezant cũng được cải hoán như vậy, còn 19 tàu biển được động viên khác thì được lắp sàn cất cánh.

Thê đội 1 của lực lượng viễn chinh Anh gồm 36 tàu đã rời Portsmouth ra khơi ngày 5/4 hướng đến đảo Ascension nằm ở khoảng giữa quãng đường đến Nam Đại Tây Dương. Hòn đảo núi lửa nhỏ trơ trọi giữa trùng khơi có tầm quan trọng chiến lược vì có sân bay Wideawake với đường băng dài 3.050 m.

Đây trở thành điểm tựa chính cho hoạt động của Lực lượng đặc nhiệm TF-317, là căn cứ cho lực lượng không quân yểm trợ cho binh đoàn tàu của Woodward... Trong thời gian diễn ra xung đột, đã có tổng cộng gần 100 máy bay các loại có mặt ở sân bay này. Một số trong đó trú đóng thường trực ở đây. Chẳng hạn, vào cuối tháng 5/1982, tại đảo Ascension có mặt: 16 máy bay Victor, 3 chiếc Nimrod, 3 C-130 Hercules, 2 chiếc Vulcan, 8 Harrier, 3 Phantom, 1 trực thăng Chinook và 1 trực thăng Sea King. Báo chí cũng khẳng định, nhà độc tài Chile hồi đó, Tướng Augusto Pinochet đã cho phép Anh sử dụng lãnh thổ của mình để triển khai các đơn vị không quân và thám báo-biệt kích Anh. Tại Chile đã triển khai đến 16 máy bay trinh sát Canberra thuộc các biến thể khác nhau, 3 chiếc Hercules và một số trực thăng Puma.

Sau khi chiếm được Falklands, người Argentina không nghĩ đến sự phản ứng nhanh đến thế của London. Tuy vậy, chế độ quân sự không lo ngại xung đột vũ trang với Anh vì họ có căn cứ để cho rằng, lực lượng không quân của họ là một con bài đáng sợ trong trận đấu ghê gớm này. Quả thực là 30 máy bay Harrier và 32 trực thăng của Anh đã phải đối phó với 555 phương tiện bay các loại của Argentina.

Không quân Argentina (Fuerza Aerea Argentina - FAA) có khoảng 324 máy bay và trực thăng, trong đó có 208 máy bay chiến đấu và huấn luyện chiến đấu.

Không quân hải quân Argentina (Aviacion Naval Argentina) có 121 máy bay và trực thăng, hơn một nửa trong số đó là máy bay chiến đấu và huấn luyện chiến đấu.

Trong trang bị của Không quân lục quân Argentina (Aviacion de Ejercito) có 96 máy bay, trong đó có 9 trực thăng chiến đấu.

Phụ trách bảo vệ đường biên giới biển là Lực lượng An ninh hàng hải (Prefektura Naval Argentina) có 14 máy bay và trực thăng.

Tuy nhiên, các viên tướng Argentina đã không tính đến một loạt yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến tiềm lực chiến đấu của lực lượng không quân của họ. Chẳng hạn, mặc dù đa số phi công là những người chuyên nghiệp được đào tạo, huấn luyện không kém, với số giờ bay hàng năm là 120-160 giờ, nhưng họ tỏ ra chưa sẵn sàng để tác chiến với các máy bay như Harrier. Lực lượng máy bay vốn được coi là khá hiện đại theo chuẩn mực Mỹ Latinh nhưng lại là lạc hậu khi so với các máy bay Sea Harrier. Tình hình trầm trọng thêm khi sau ngày 2/4, các nước NATO (ngoại trừ Tây Ban Nha), cũng như Áo và Thụy Sĩ đã tuyên bố cấm vận vũ khí, trang bị và phụ tùng cho chúng đối với Buenos Aires, còn Mỹ thì đã áp dụng biện pháp này từ năm 1979. Công nghiệp hàng không nội địa chỉ có năng lực hạn chế nên không thể giúp duy trì tình trạng chiến đấu cho các máy bay Mirage, Skyhawk và Canberra. Đôi chút có ích là sự hỗ trợ khiêm tốn cho Argentina trong quá trình chiến đấu từ phía Peru, Israel và Nam Phi.

Phía Argentina không có các máy bay trinh sát chuyên dụng nên để theo dõi binh đoàn tàu Anh chạy từ đảo Ascension, họ đã buộc phải huy động các máy bay vận tải. Việc chỉ có vẻn vẹn 2 máy bay tiếp dầu KС-130 và hoàn toàn không có máy bay gây nhiễu điện tử đã thu hẹp ghê gớm khả năng hoạt động của lực lượng không quân Argentina. Việc không có máy bay gây nhiễu điện tử đã làm cho việc đối phó các hệ thống tên lửa có được hiệu quả nào đó trở nên không thể, trong khi lực lượng viễn chinh Anh có khoảng 60 bệ phóng mang mỗi bệ 2 hoặc 4 tên lửa phòng không các loại, cũng như các hệ thống tên lửa phòng không mang vác Blowpipe và Stinger. Quân Argentina cũng không có cả năng tác chiến chống tàu ngầm nguyên tử. Không quân hải quân Argentina có gần 10 chiếc máy bay cổ lỗ Neptune, Tracker và khoảng chừng đó trực thăng chống ngầm. Trong khi đó, người Anh điều đến Falklands 4 tàu ngầm hạt nhân và chúng đã đóng vai trò quyết định trong việc vô hiệu hóa hạm đội Argentina.


Sai lầm nghiêm trọng nhất của bộ chỉ huy Argentina là họ không quan tâm đến việc mở rộng, gia cố đường băng dài 1.200 m có sẵn ở Port Stanley. Ở trạng thái hiện có, nó ít phù hợp cho các máy bay Mirage, Skyhawk và Super Étendard sử dụng. Tư lệnh lực lượng Argentina, Tướng Mario Menéndez, một vị chỉ huy lục quân điển hình, rất yếu trong các vấn đề sử dụng không quân trong tác chiến. Ông ta cho rằng, để đối phó với hoạt động đổ bộ của quân Anh chỉ cần có một ít cường kích hạng nhẹ và trực thăng, còn lực lượng tiến công chủ lực của không quân phải hoạt động từ lục địa Argentina. Bởi vậy, ở Port Stanley và tại sân bay trên đảo Pebble chỉ có gần 25 cường kích Pucara của Không quân, 9 máy bay huấn luyện chiến đấu MB.339 và Т-34С của Hải quân và chưa đến 22 trực thăng của Tiểu đoàn 601 (CAB 601) của Không quân lục quân. Ngoài ra, trên quần đảo còn có 2 máy bay vận tải hạng nhẹ Short Skyvan và 1 trực thăng Puma do Lực lượng An ninh hàng hải biệt phái.

Khi hoàn toàn không có các máy bay tiêm kích trên quần đảo Malvinas, Tướng Menéndez lại không chú trọng đúng mức đến việc xây dựng một lực lượng phòng không mặt đất đủ mạnh. Argentina chỉ có vẻn vẹn: 12 pháo phòng không 2 nòng 35 Oerlikon tích hợp với radar, một số pháo 20 mm và 40 mm, một số hệ thống tên lửa mang vác Blowpipe, 3 bệ phóng tên lửa phòng không Tigercat và 1 bệ phóng tên lửa phòng không Roland. Để theo dõi tình hình trên không, họ triển khai radar AN/TPS-43. Các vũ khí phòng không chủ yếu tập trung xung quanh Port Stanley, còn cả khu vực khác của quần đảo hầu như bị bỏ mặc không được bảo vệ chống các cuộc không kích.

Nhưng trước khi binh đoàn tàu Anh tiến đến thì quân Argentina chưa có địch thủ trên không và trên bầu trời Mavinas chỉ có máy bay của họ, chủ yếu là máy bay vận tải quân sự. Kể từ khi đánh chiếm quần đảo cho đến ngày 30/4, giữa lục địa Argentina và quần đảo hoạt động cầu hàng không, qua đó đã vận chuyển hai chiều đến 9.365 tấn hàng và 12.000 quân. Ngoài các máy bay Hercules, Argentina còn sử dụng các máy bay L-188 Elektra của hãng Locheed của Không quân hải quân, F-28 Fellowship của hãng Fokker, Learjet-35A của hãng Gates, IA-50 Guarani. Hai máy bay vận tải Boeing-707 đã được huy động để theo dõi di chuyển của TF-317. Trong ít nhất 2 lần, chúng đã bị các máy bay Sea Harrier của ANh ngăn chặn, nhưng không xảy ra các sự cố nghiêm trọng vì các vụ ngăn chặn này xảy ra trong không phận quốc tế. Các tiêm kích Anh chỉ cố đẩy đuổi máy bay Argentian chứ không làm gì hơn.

Trong cùng thời gian này, các máy bay của Không quân Hoàng gia Anh đóng ở đảo Ascension cũng bắt đầu thực hiện các phi vụ chiến đấu. Người Anh có thái độ rất nghiêm túc đối với khả năng xuất hiện tàu chiến Argentina ở gần đảo này. Vì vậy, để tuần tra vùng biển quanh đảo, ngay ngày 6/4, họ đã điều 2 máy bay tuần thám biển Nimrod Mk.1 của Phi đội 42 từ căn cứ không quân St Mawgan đến sân bay Wideawake và chúng đã lập tức bắt tay vào thực hiện các nhiệm vụ trực tiếp của mình. Ngày 12/4, chúng được thay thế bằng 3 máy bay Nimrod Mk.2 hiện đại hơn được biệt phái từ các Phi đội 120, 201 và 206từ căn cứ không quân Kinloss. Các máy bay biến thể này được trang bị radar Searchwater, cho phép hiển thị tình hình mặt nước rõ nét hơn. Các máy bay cất cánh tuần tra với vũ khí mạnh: các bom phá mảnh cỡ 454 kg, bom chùm, ngư lôi chống ngầm Stingray và tên lửa chống hạm AGM-84A-1 Harpoon, cũng như 4 tên lửa không đối không Sidewinder mỗi máy bay để tự vệ. Để tăng cường năng lực, ngày 9/5, các máy bay này được lắp thêm các hệ thống tiếp dầu trên không. Ngoài tuần tra, các máy bay Nimrod còn được sử dụng làm máy bay tiếp phát, vận chuyển thư tín đến các tàu và thả xuống trong các thùng kín nổi, làm trạm định hướng trên không khi tiến hành tiếp dầu cho các máy bay khác... Trong chiến dịch tái chiếm Malvinas, các máy bay này đã thực hiện gần 150 phi xuất.
 

Trong quá trình chiến dịch Corporate, các máy bay tiếp dầu Victor đã thực hiện một khối lượng lớn công việc và chúng còn được sử dụng làm máy bay trinh sát trên bầu trời Nam Đại Tây Dương. Để làm nhiệm vụ đó, một số máy bay Victor đã được trang bị các hệ thống trinh sát ảnh và trinh sát hồng ngoại, radar theo dõi tình hình mặt nước, còn các phi hành đoàn thì được bổ sung các hoa tiêu-trắc thủ radar giàu kinh nghiệm.

Bốn máy bay Victor đầu tiên đến đảo Ascension vào ngày 18/4, ngay ngày hôm sau có thêm 5 chiếc nữa. Đô đốc Woodward dự định bắt đầu chiến sự bằng việc giành lại đảo South Georgia. Để làm việc đó, ông cần có thông tin về tình hình băng ở xung quanh hòn đảo này và sự di chuyển của các hạm tàu địch. Ngày 20/4, chiếc Victor của Phi đội 55 do tổ bay của đại úy W. Withers đã thực hiện chuyến bay đầu tiên đến khu vực đảo South Georgia. Chuyến bay dài 14 giờ 40 phút đã diễn ra với 5 lần tiếp dầu trên không. Đến ngày 25/4, ngày giành lại hòn đảo về tay Anh, các máy bay Victor còn thực hiện thêm 2 chuyến bay trinh sát nữa.

Không quân vận tải Anh cũng hoạt động rất tích cực. Trong suốt cuộc chiến, lực lượng này đã vận chuyển bằng đường không qua đảo Ascension gần 6.000 quân và 8.500 tấn hàng. Chiếc С-130 đầu tiên của Phi đội 24, Không quân Hoàng gia Anh chở người và hàng đã đến sân bay Wideawake vào ngày 2/4.

Một trong các nhiệm vụ của các máy bay vận tải C-130 Hercules là bảo đảm tiếp vận cho binh đoàn tàu của Đô đốc Woodward trên biển. Thư tín, hàng hóa khẩn cấp và thậm chí cả người đã được thả xuống bằng dù. Nhờ được trang bị các hệ thống tiếp dầu trên không, các máy bay С-130 của Anh có thể bay trên không đến 25 giờ, vượt qua quãng đường trên 12.000 km. Chính một chiếc Hercules vào ngày 20/4 đã chở toán trinh sát đặc nhiệm đầu tiên đến đảo South Georgia. 14 lính dù đặc nhiệm đã được thả xuống biển, sau đó tàu ngầm HMS Onyx đón họ và nhanh chóng đưa họ lên đảo. Quân đồn trú Argentina đã không phát hiện được toán trinh sát này và cuộc đổ bộ lên đảo của chủ lực quân Anh vào ngày 25/4 đã khiến họ bất ngờ. Ngày 1/5/1982, những trái bom Anh đầu tiên rơi xuống Port Stanley. Cuộc chiến ác liệt đã bắt đầu.
Bảo Chương