In bài này
Siêu tăng Armata sẽ bắn đạn pháo ‘nguyên tử’
Chủ Nhật, 17/05/2015 - 4:25 PM
Các loại đạn dược siêu uy lực cho xe tăng thế hệ mới Armta đang được các chuyên gia của Tổng công ty Năng lượng nguyên tử quốc doanh Nga Rosatom phát triển.
Xe tăng T-14 Armata
Các loại đạn pháo thế hệ mới sẽ có sức công phá cực mạnh, sẽ tiêu diệt hiệu quả tất cả các loại tăng-giáp hiện có của các nước NATO, mọi loại công trình phòng ngự kiên cố. Bên cạnh đó, các loại đạn mới lại an toàn hơn nhiều khi sử dụng hơn các loại đạn pháo tăng hiện có của Nga.

Khi đặt hàng xe tăng của thế kỷ ХХI, giới quân sự Nga đã yêu cầu ngành công nghiệp chế tạo các loại đạn pháo uy lực hơn các loại đang sử dụng hiện nay được phát triển từ 30-40 năm trước. Khi nhận được nhiệm vụ chiến-kỹ thuật đặt ra, các chuyên gia ngành đạn Nga đã tuyên bố thẳng thừng là không thể làm được việc đó. Và cũng có thể thông cảm cho họ.

Trong 25 năm qua, các chuyên gia ngành đạn Nga gần như không được quan tâm đầu tư, sống ngắc ngoải, không thể nói đến chuyện phát triển ngành gì cả. Rơi vào suy thoái không chỉ công nghiệp sản xuất thuốc phóng, thuốc nổ mà cả công tác nghiên cứu, thiết kế. Ở phương Tây, chính trong thập kỷ 1990 đã bắt đầu việc trang bị lại đạn dược mới cho pháo có nòng sử dụng cả thuốc phóng và thuốc nổ thế hệ mới.

Các quả đạn pháo không bị phát nổ khi bị mảnh đạn và đạn con bắn xuyên vỏ, còn thuốc phòng thì gần như không thể mồi cháy nếu không sử dụng các cáp-xun đặc biệt. Ngoài ra, thuốc nổ mới của phương Tây còn có uy lực lớn hơn nhiều thuốc nổ truyền thống sử dụng từ thời Thế chiến II. Không phải ngẫu nhiên mà hiện giờ, nước ngoài đang tích cực trang bị pháo 40 mm và 57 mm cho cả các hạm tàu, nơi trước đây chỉ có pháo cỡ lớn thống trị.

Dĩ nhiên, các chuyên gia đạn Nga không thua kém trí tuệ đồng nghiệp nước ngoài nên họ có khả năng thiết kế các loại đạn không kém, thậm chí tốt hơn của các nước NATO. Nhưng sau đó sẽ xuất hiện khó khăn về sản xuất công nghiệp. Mà chờ đợi để trang bại lại kỹ thuật cho tất cả các xí nghiệp quốc phòng thì giới quân sự Nga không thể.

Ngay lúc đó, các chuyên gia làm bom nguyên tử nhảy vào cứu vãn tình thế. Các viện thiết kế và xí nghiệp của Rosatom chưa bao giờ rơi vào suy thoái. Tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ và trình độ công nghệ sản xuất của họ luôn ở đỉnh cao.

Từ lâu đã không còn là bí mật là việc để kích nổ đầu đạn hạt nhân, người ta sử dụng cả thuốc nổ thông thường. Nhưng chúng chỉ thông thường ở chỗ hiện tượng nổ của chúng là phản ứng hóa học, chứ không phải là phản ứng hạt nhân. Còn về các đặc tính, chúng khác xa thuốc nổ nhồi cho đạn pháo thông thường chẳng hạn. Chúng có đặc tính năng lượng hoàn toàn khác.

Việc chuyển hóa nguyên xi các công nghệ ngòi nổ vũ khí hạt nhân sang đạn pháo tăng dĩ nhiên không thực tế. Trước hết là vì giá, nếu không thì một quả đạn pháo có thể đắt hơn cả chiếc xe tăng. Nhưng dựa vào tiềm lực kỹ thuật hiện có là hoàn toàn được và các chuyên gia Rosatom đã làm thế để nghiên cứu chế tạo đạn pháo cho xe tăng T-14 Armata.

Nga bảo mật các loại đạn mới thậm chí còn hơn bảo mật thiết kế và tính năng chiến-kỹ thuật của xe tăng mới. Chỉ có thể dự đoán rằng, uy lực của đạn pháo nổ mạnh thông thường và đạn xuyên giáp dưới cỡ sẽ không kém các loại đạn phương Tây. Điều đó có nghĩa là sẽ không cần “đốt thủng” vỏ giáp bằng luồng lửa lõm vốn hiện bị đối phó hiệu quả bằng giáp phản ứng nổ. Điều quan trọng nhất là đạn phải bắn trúng mục tiêu, còn sau đó là toàn bộ các hệ thống bảo vệ tích cực-thụ động, toàn bộ các hệ thống quan sát quang-điện tử và chắc chắn là các thành phần của bộ phận vận hành của xe tăng đều bị vụ nổ cực mạnh phá tan tành.

Khi chế tạo pháo cho Armata, các chuyên gia Nga đã xem xét 2 cỡ nòng 125 mm và 152 mm. Có thể loại thuốc nổ mới tạm thời có hiệu quả ở cỡ đạn lớn hơn (152 mm). Dĩ nhiên là cơ số đạn của pháo tăng 152 mm sẽ ít hơn nhiều cơ số đạn cho pháo tăng 125 mm. Nhưng nếu xét đến việc các loại đạn mới sẽ bảo đảm tiêu diệt chắc chắn mọi mục tiêu bằng 1 quả đạn thì sẽ không cần nhiều đạn nữa.
Long Xuyên